Kỹ Năng

7 Bí Mật Giúp Bạn Khai Thác Kiến Thức Từ Sách Giáo Khoa Một Cách Tối Đa

Các bài đọc bao gồm sách giáo khoa, chương sách và các bài xã luận là phần lớn những điều gắn với bạn bên cạnh việc học trên lớp. Đối với nhiều học sinh, đọc sách là điều nhỏ khiến họ thấy sợ hãi hoặc đơn giản là họ không đủ thời gian để hoàn thành tất cả các bài tập được giao. 

Nếu bạn đang sử dụng những mẹo lập kế hoạch học tập và quản lý thời gian thì việc có thời gian để hoàn thành bài tập sẽ không quá khó khăn. Nhưng làm thế nào để đảm bảo rằng thời gian bạn ngồi đọc sách giáo khoa và các tài liệu khác có hiệu quả?

Quan trọng là chất lượng của việc đọc. Hãy tham khảo các bước dưới đây để có các chiến lược đọc sách giáo khoa tốt nhất và quan trọng hơn là tiếp nhận thông tin một cách hiệu quả.

👉Bước #1: Tìm một nơi yên tĩnh để tăng cường sự tập trung

Nơi bạn đọc sách sẽ quyết định tới thời gian đọc của bạn có hiệu quả hay không. Hãy đảm bảo rằng không gian đọc không có tivi, âm nhạc lớn hay tiếng ồn để tránh sự phân tâm. Nếu một số âm thanh giúp bạn tập trung hơn, hãy thử nghe nhạc cụ hoặc nhạc nhẹ để tránh sự phân tâm và mất tập trung.

Việc cuộn mình trên giường hoặc trên ghế dài sẽ khiến bạn thiếu tỉnh táo và khó tập trung vào những cuốn sách. Hãy chọn một nơi đọc sách mà bạn cảm thấy dễ chịu nhưng không quá thoải mái, chẳng hạn như bàn làm việc hay bàn bếp, thư viện hoặc phòng đọc sách, thậm chí là công viên.

👉 Bước #2: Đọc lướt 

Các chương sách giáo khoa có thể dài và dày đặc chữ. Thay vì chỉ đi sâu và cố gắng tìm tất cả thông tin trong một lần, hãy dành một phút để đọc lướt. Nhiều sách giáo khoa sẽ bao gồm các câu hỏi tóm tắt trong suốt chương hay ở cuối chương. Bắt đầu bằng cách đọc các câu hỏi này sẽ giúp bạn hiểu được những ý chính mà chương muốn truyền đạt.

Ngoài ra, nếu có phần tóm tắt ở cuối chương, hãy đọc luôn. Ngay cả khi các thông tin đó chưa có ý nghĩa gì đối với bạn thì nó vẫn sẽ cung cấp các manh mối về những ý chính cần rút ra. Đọc lướt qua các chương để ghi chú các chi tiết, các từ hoặc cụm từ được in đậm và hình ảnh minh họa. Đoạn giới thiệu chương có thể cũng sẽ hữu ích cho bạn vì nó cung cấp một cái nhìn sâu sắc về những thông tin trong chương.

👉 Bước #3: Đặt câu hỏi

Nếu bạn đang ghi chú khi đọc sách giáo khoa, hãy hình thành các câu hỏi dựa trên những gì bạn đọc được trong bước đọc lướt. Điều này sẽ giúp việc đọc sách của bạn trở nên nhẹ nhàng khi bạn tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi của mình. Để có thể dễ dàng tìm thấy những ghi chú của mình, hãy đảm bảo bạn đã gắn nhãn ghi chú các chương, tiêu đề và tên bài xã luận. 

Hãy tự đặt câu hỏi về chủ đề hay những khái niệm quan trọng của chương. Bạn có thể thấy rằng chuyển mỗi tiêu đề về dạng câu hỏi là một điều hữu ích. Các câu hỏi của bạn nên được đơn giản hóa, chẳng hạn như “Ai là người X?”, “Sự kiện X xảy ra khi nào?” hay mang tính tổng quát hơn như “Điều này liên quan thế nào với những gì bạn đã đọc trong chương trước?”.

👉 Bước #4: Đọc

Khi bạn đã nắm bắt được nội dung sẽ được trình bày thì đã tới lúc bắt đầu đọc sách. Vận dụng những gì bạn đã thu thập được ở bước 2 để đọc hiểu các thuật ngữ hay bất kỳ khái niệm quan trọng nào. Bạn cũng nên gạch chân hoặc đánh dấu các thông tin quan trọng mà bạn muốn xem lại sau đó. 

Bạn sẽ khai thác tối đa được các bài giảng của giáo sư khi đọc qua tài liệu sẽ được thảo luận trước lớp. Bằng cách này, bạn sẽ dễ dàng tiếp thu và có sẵn nền tảng để hiểu sâu những khái niệm hóc búa hơn. Sau giờ học, hãy tập trung đọc lại những điều mà giáo sư đã lưu ý trong giờ học.

👉 Bước #5: Đọc thuộc lòng

Sau khi bạn đọc xong văn bản, tiếp theo sẽ là bước đọc thuộc lòng. Đây là thời điểm vàng để trả lời các câu hỏi bạn đã phát triển ở bước 3. Hãy cố gắng trả lời các câu hỏi mà không cần tới sách giáo khoa để kiểm tra mức độ tiếp thu kiến thức của bạn.

Khi bạn cảm thấy đã nắm chắc được toàn bộ kiến thức, hãy lặp lại tất cả các chủ đề và thuật ngữ chính. Cá nhân hóa các khái niệm chung sẽ giúp bạn đạt hiệu quả về mặt ghi nhớ. Đọc thuộc lòng hoàn toàn văn bản là rà soát lại những gì bạn đã đọc. Vì vậy nếu bạn không tự tin trả lời các câu hỏi mở rộng, bạn nên xem lại văn bản.

👉 Bước #6: Ghi chép lại

Bây giờ bạn đã nắm chắc kiến thức, hãy viết ra câu trả lời cho các câu hỏi của bạn và ghi lại các ý chính khác của chương để tham khảo sau này. Các câu trả lời không cần phải chính xác từng từ như trong sách giáo khoa. Hãy diễn giải theo cách của bạn để xác định xem bạn có hiểu cặn kẽ về các ý tưởng được thảo luận hay không.

Ngoài ra, hãy viết ra tất cả các thuật ngữ chính trong chương cùng ý nghĩa của chúng. Sách giáo khoa có bao gồm danh sách các thuật ngữ ở cuối mỗi chương. 

Đây cũng là thời điểm tốt để bạn viết ra các thắc mắc khác về tài liệu để có thể mang tới lớp cùng thảo luận.

👉 Bước #7: Xem lại

Sau khi bạn đã đọc tài liệu và ghi chú, hãy xem lại mọi thứ bạn đã đọc. Bạn có thể làm điều này ngay sau khi bạn đọc xong hoặc sau một thời gian để xem bạn nhớ được bao nhiêu. Soát lại các ghi chú để nhớ lại các chủ đề quan trọng đã được đề cập trong chương. Cố gắng dự đoán các câu hỏi mà giáo sư có thể đưa ra trong kì thi và luyện tập trả lời chúng.

Chắc chắn rằng bạn đã hiểu rõ những gì bạn đọc. Nếu bạn cảm thấy bối rối hay mơ hồ về một khái niệm nào đó, hãy tận dụng tài liệu tham khảo mà bạn đã ghi chép lại.

Ngoài ra, đây cũng là thời điểm đẹp để xem lại các ghi chú để đảm bảo rằng chúng đã đủ kỹ lưỡng và chứa tất cả các thông tin quan trọng với nghiên cứu của bạn sau này. Ghi chú nên ngắn gọn nhưng vẫn phải đủ ý và cho phép bạn làm mới bộ nhớ của mình về các khái niệm quan trọng nhất.

🔅 Cách học với sách giáo khoa

Bạn đã biết cách để đọc sách giáo khoa một cách hiệu quả và chi tiết thì việc sử dụng sách giáo khoa của bạn khi tới kỳ thi hoặc viết luận trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Không nhất thiết phải tuân thủ đủ các bước đọc như trên và nếu bạn đã có ghi chú tốt, bạn sẽ không cần phải đọc lại toàn bộ chương.

Bạn sẽ cảm thấy hữu ích khi đọc lại các đoạn giới thiệu và phần tóm tắt ở cuối chương. Chúng sẽ cung cấp cho bạn kiến thức sơ bộ về thông tin trong chương. Sử dụng các câu hỏi của bạn hay bất kỳ câu hỏi nào trong sách để ôn lại các khái niệm và thuật ngữ cốt lõi. Xem lại các tiêu đề chính, tiêu đề phụ và những thuật ngữ được in đậm. Ngoài ra hãy tối đa hóa công việc của bạn bằng cách xem lại những điều được đánh dấu và gạch chân.

______________________________

  • Người dịch: Trần Thị Hà Anh
  • Khi chia sẻ phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Trần Thị Hà Anh – Nguồn iVolunteer Vietnam”

Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/13776

Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.

Lượt xem: 13

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ