Kỹ Năng

Các Kỹ Năng Cần Thiết Khi Tham Gia Tình Nguyện: Định nghĩa Và Các Ví Dụ Cụ Thể

💌CÁC KỸ NĂNG CẦN THIẾT KHI THAM GIA TÌNH NGUYỆN

Cùng với việc đóng góp cho cộng đồng của mình, kinh nghiệm hoạt động tình nguyện là một cách tuyệt vời để trở nên nổi bật trước nhà tuyển dụng. Nó cho thấy bạn sẵn sàng giúp đỡ người khác, thể hiện kỹ năng làm việc nhóm và lòng trắc ẩn. Có khá nhiều kỹ năng bạn phát triển khi là tình nguyện viên cũng có thể liên quan đến nghề nghiệp của bạn. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ những kỹ năng quan trọng cho các hoạt động tình nguyện và những cách bạn có thể áp dụng để có thể đạt được công việc mà bạn sắp ứng tuyển.

💌KỸ NĂNG TÌNH NGUYỆN LÀ GÌ?

Kỹ năng tình nguyện là khả năng bạn có sẵn để giúp đỡ người khác một cách hiệu quả và hỗ trợ một tổ chức. Các tình nguyện viên cần có khả năng phối hợp làm việc tốt với những người khác và có tinh thần làm việc mạnh mẽ. Là một tình nguyện viên, chính là bạn đang làm việc miễn phí, vì vậy bạn cần có các kỹ năng để duy trì động lực và tập trung vào nhiệm vụ hoặc dự án của mình. Bạn có thể đăng kí học hỏi nhiều kỹ năng khi tham gia tình nguyện tại nơi làm việc.

️🎯Ví dụ về các kỹ năng cho hoạt động tình nguyện:

Dưới đây là một số ví dụ về các kỹ năng mà một tình nguyện viên cần phải có:

  • Sự tận tụy
  • Giao tiếp
  • Sự đồng cảm
  • Khả năng lãnh đạo
  • Tinh thần làm việc mạnh mẽ
  • Làm việc theo nhóm
  • Quản lý thời gian

1. Sự tận tụy

Là một tình nguyện viên, bạn cần có khả năng cam kết với lí tưởng hoặc tổ chức từ thiện của mình. Bạn phải chọn làm tình nguyện cho điều gì đó mà bạn thực sự quan tâm. Nhiều chương trình tình nguyện có thể sẽ yêu cầu bạn hỗ trợ một số ca hoặc giờ nhất định mỗi tháng. Bạn cần có khả năng lên kế hoạch tổng quan và tôn trọng thỏa thuận này.

2. Giao tiếp

Giao tiếp bằng văn bản và bằng lời nói là một kỹ năng quan trọng cần có với tư cách là một tình nguyện viên vì bạn sẽ có khả năng làm việc khắn khít với các tình nguyện viên khác và cả những người mà bạn sẽ phục vụ. Ví dụ, nếu bạn tình nguyện làm gia sư, bạn cần có khả năng hướng dẫn rõ ràng cho học sinh của mình. Tương tự như vậy, nếu bạn lãnh đạo một nhóm tình nguyện viên, bạn cần có khả năng truyền đạt các lịch trình tình nguyện, kế hoạch dự án và những thông tin quan trọng khác.

3. Lòng trắc ẩn

Giúp đỡ người khác hoặc ủng hộ một mục tiêu là nền tảng của hoạt động tình nguyện. Bạn cần có lòng trắc ẩn khi giúp đỡ người khác bằng cách xem xét quan điểm và tình huống của họ. Lòng trắc ẩn của bạn có thể giúp bạn nhận ra rằng mọi người đều có những cơ hội khác nhau và bạn có thể tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của họ.

4. Khả năng lãnh đạo

Nếu bạn quyết định lựa chọn giám sát một nhóm tình nguyện viên hoặc quản lý một dự án, thì bạn cần phải có kỹ năng lãnh đạo. Là một nhà lãnh đạo, bạn cần có khả năng thúc đẩy người khác và đảm bảo họ luôn làm việc hiệu quả. Công việc của bạn là nhắc nhở mọi người về sứ mệnh của tổ chức và công việc quan trọng mà họ đang làm. Bạn cũng cần có khả năng ủy thác công việc một cách hiệu quả, đáp ứng thời hạn và đảm bảo nhóm của bạn có các nguồn lực cần thiết.

5. Tinh thần làm việc mạnh mẽ

Một số nhiệm vụ tình nguyện đòi hỏi bạn phải có tinh thần làm việc vững vàng. Giữ một đạo đức làm việc mạnh mẽ cho phép bạn tiếp tục giúp đỡ người khác mà luôn duy trì một thái độ tích cực. Ví dụ, nếu bạn đang hỗ trợ các dự án xây dựng, bạn cần duy trì sức chịu đựng của mình trong suốt thời gian làm tình nguyện. Tương tự, nếu bạn đang phụ trách tình nguyện cho nhiều người, bạn cần phải duy trì năng lượng của mình trong mỗi lần tương tác.

6. Khả năng làm việc theo nhóm

Cộng tác với những người khác là một phần lớn của hoạt động tình nguyện. Nhiều nhiệm vụ của bạn yêu cầu bạn làm việc với những người khác, vì vậy điều quan trọng là bạn phải có kỹ năng làm việc nhóm để có thể hợp tác. Những thứ như bài tập xây dựng nhóm có thể giúp mỗi thành viên trong nhóm phát huy kỹ năng làm việc của họ. Cố gắng làm quen với những người đồng tình nguyện và tìm hiểu lý do tại sao họ ủng hộ cùng một mục đích với mình.

7. Quản lý thời gian

Nhiều dự án tình nguyện khá nhạy cảm về thời gian. Bạn cần có các kỹ năng để có thể đáp ứng thời hạn và chuyển sang các nhiệm vụ mới. Bạn cũng có thể cần phải thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng lúc, vì vậy kỹ năng quản lý thời gian có thể giúp bạn phù hợp với mọi việc bạn cần làm.

💌LÀM THẾ NÀO ĐỂ CẢI THIỆN CÁC KỸ NĂNG CHO HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN?

Làm theo các bước sau để cải thiện các kỹ năng tình nguyện của bạn:

  • Tham gia tình nguyện thường xuyên hơn
  • Đề nghị phụ trách nhiều dự án hơn
  • Thử một nhiệm vụ mới
  • Tìm đến những người khác để được hỗ trợ

1. Tham gia tình nguyện thường xuyên hơn

Một trong những cách tốt nhất để cải thiện bất kỳ kỹ năng nào đó chính là thông qua thực hành. Khi tham gia tình nguyện nhiều hơn, bạn có thể hiểu mình có thể cải thiện những kỹ năng nào. Đăng ký thêm thời gian tình nguyện sẽ giúp bạn có cơ hội phát triển những kỹ năng này trong môi trường thực tế. Chẳng bao lâu, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn với hoạt động tình nguyện và thậm chí có thể giúp những tình nguyện viên mới cải thiện được các kỹ năng của họ.

2.Đề nghị phụ trách nhiều dự án hơn

Nếu bạn quan tâm đến việc phát triển kỹ năng lãnh đạo và quản lý thời gian của mình, hãy đề nghị phụ trách nhiều dự án hơn. Điều này giúp bạn có cơ hội tìm hiểu thêm về một lĩnh vực cụ thể trong tổ chức của bạn. Những người quản lý dự án trước đây có thể giúp bạn nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào.

3. Thử một nhiệm vụ mới

Nhiều tổ chức có rất nhiều loại nhiệm vụ mà họ cần tình nguyện viên thực hiện. Mở rộng bộ kỹ năng của bạn bằng cách thể hiện sự quan tâm đến một nhiệm vụ mới. Ví dụ: nếu bạn làm việc tại một cửa hàng thực phẩm với tư cách là người đóng gói, bạn có thể bày tỏ sự quan tâm của mình đến việc tham gia vào quá trình bổ sung dự trữ các mặt hàng thực phẩm. Tổ chức từ thiện của bạn thấy rằng bạn sẵn sàng thử những điều mới khiến họ có nhiều khả năng giao cho bạn nhiều nhiệm vụ hơn.

4. Tìm đến những người khác để được hỗ trợ

Các tình nguyện viên khác thường rất vui khi giúp bạn cải thiện kỹ năng của mình. Nhiều tình nguyện viên có khả năng đánh giá cao nỗ lực của bạn trong việc học các kỹ năng mới để đóng góp nhiều hơn. Nếu bạn không chắc chắn về một nhiệm vụ mới, hãy hỏi một trong những thành viên trong nhóm của bạn để được hướng dẫn hoặc tư vấn. Tổ chức từ hiện cũng có thể cung cấp cho bạn một sổ tay tình nguyện viên để bạn có thể tham khảo.

💌KỸ NĂNG TÌNH NGUYỆN TẠI NƠI LÀM VIỆC:

Các kỹ năng bạn phát triển khi là tình nguyện viên có thể áp dụng tại nơi làm việc. Dưới đây là một số cách bạn có thể sử dụng các kỹ năng tình nguyện của mình tại nơi làm việc:

  • Giúp đồng nghiệp của bạn khi họ gặp khó khăn

Nếu một đồng nghiệp từng chia sẻ rằng họ gặp khó khăn với một nhiệm vụ nhất định, bạn có thể sử dụng các kỹ năng tình nguyện của mình để đề nghị giúp đỡ họ. Hãy hỏi họ nếu họ cần bất kỳ sự hỗ trợ nào và sẵn sàng hỗ trợ.

  • Sẵn sàng thử những điều mới

Nếu người quản lý của bạn tìm kiếm một người nào đó để làm một nhiệm vụ mới, hãy tình nguyện để nắm bắt cơ hội. Việc tình nguyện làm việc sẽ giúp bạn trở nên linh hoạt hơn.

  • Tìm các cách để công việc của bạn được ứng dụng

Đề nghị lên kế hoạch cho một ngày tình nguyện hoặc có thể sử dụng các đặc điểm của công việc để làm từ thiện. Ví dụ: nếu bạn làm việc tại một công ty quảng cáo, bạn có thể làm công việc chuyên nghiệp chẳng hạn như thiết kế logo cho một tổ chức phi lợi nhuận.

💌CÁCH LÀM NỔI BẬT CÁC KỸ NĂNG CHO HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN

Kỹ năng tình nguyện của bạn có thể giúp bạn nổi bật giữa các ứng viên khác. Dưới đây là một số cách để làm nổi bật những kỹ năng đó khi đi xin việc:

  • Các kỹ năng tình nguyện cần có khi viết sơ yếu lý lịch:

Nếu bạn nộp đơn vào một tổ chức phi lợi nhuận, thì kỹ năng tình nguyện của bạn đặc biệt quan trọng để đưa vào sơ yếu lý lịch của mình. Kỹ năng tình nguyện của bạn có thể cho thấy bạn là một người giàu lòng nhân ái, sẵn sàng giúp đỡ người khác. Khi nộp đơn ứng tuyển, hãy suy nghĩ thật kĩ về những kỹ năng tình nguyện nào sẽ phù hợp với vị trí mà bạn đang ứng tuyển. Sau đó, liệt kê chúng trong phần kỹ năng ở sơ yếu lý lịch của bạn. Nhà tuyển dụng thường chú ý đến những ứng viên có kỹ năng giao tiếp, quản lý thời gian và làm việc nhóm.

  • Các kỹ năng tình nguyện cần có khi viết thư xin việc:

Khi viết thư xin việc, hãy nghĩ về kinh nghiệm tình nguyện cụ thể có liên quan đến vị trí bạn đang ứng tuyển. Viết về trải nghiệm đó đã giúp bạn phát triển các kỹ năng hữu ích cho vai trò như thế nào. Giải thích hoạt động tình nguyện đã giúp bạn phát triển bản thân và chuyên môn ra sao.

  • Các kỹ năng tình nguyện cần có khi tham gia phỏng vấn xin việc?

Trong cuộc phỏng vấn, hãy chuẩn bị để nói về những kinh nghiệm tình nguyện của bạn và tìm cách để chúng có thể liên quan đến vị trí ứng tuyển. Hãy chứng tỏ rằng những trải nghiệm này đã tác động tích cực đến cuộc sống nghề nghiệp của bạn. Nếu bạn có thể, hãy sử dụng kỹ thuật phỏng vấn STAR để mô tả những kinh nghiệm tình nguyện cụ thể có thể liên quan đến công việc.

………………………………………………………………………………

Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích

  • Theo: indeed.com
  • Người dịch: Nguyễn Vân Nhi
  • Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Nguyễn Vân Nhi – Nguồn iVolunteer Vietnam”

Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/8101

Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.

Lượt xem: 67

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ