Mặc dù viết thư xin việc khi bạn chưa có kinh nghiệm trước đó có vẻ khó khăn nhưng bạn có thể có nhiều năng lực phù hợp hơn bạn nghĩ. Khi tìm kiếm công việc quản lý thông tin y tế, bạn có thể nêu bật các kỹ năng có thể chuyển giao của mình từ những kinh nghiệm khác để cho nhà tuyển dụng thấy bạn có thể đảm nhiệm vai trò và trách nhiệm của mình trong công việc này. Việc trình bày cụ thể những gì các kỹ năng này có thể mang lại cho công ty có thể giúp bạn tăng cơ hội được mời phỏng vấn. Bài viết dưới đây sẽ bàn về thư xin việc đối với vị trí quản lý thông tin y tế và đưa ra các bước, cũng như mẫu và ví dụ để bạn có thể tham khảo khi viết.
Thư xin việc vị trí quản lý thông tin y tế là gì?
Thư xin việc vị trí quản lý thông tin y tế là tài liệu mà bạn viết khi ứng tuyển vào vị trí quản lý thông tin y tế. Thư xin việc thường đi kèm với sơ yếu lý lịch của bạn và bao gồm thông tin liên hệ của bạn và giải thích lý do bạn ứng tuyển. Trong thư xin việc, bạn cũng cần mô tả kinh nghiệm, kỹ năng và các bằng cấp khác của bạn giúp bạn trở thành ứng viên phù hợp cho vị trí này.
Quản lý thông tin y tế là việc thu thập và phân tích thông tin y tế của bệnh nhân trong một cơ sở y tế. Quản lý thông tin y tế liên quan đến việc giám sát tính toàn vẹn và quyền riêng tư của dữ liệu cho toàn bộ tổ chức, ví dụ như phòng khám, bệnh viện và các cơ sở chăm sóc sức khỏe khác. Nếu bạn làm việc trong lĩnh vực quản lý thông tin y tế, bạn còn quản lý việc thực hiện các quy trình đảm bảo cung cấp tài liệu chính xác và đầy đủ về hồ sơ bệnh án của bệnh nhân.
Cách viết thư xin việc vị trí quản lý thông tin y tế chưa có kinh nghiệm
Bạn có thể làm theo các bước sau để viết thư xin việc khi ứng tuyển vào vị trí quản lý thông tin y tế chưa có kinh nghiệm:
1. Xem lại tin tuyển dụng
Bạn hãy đọc kỹ mô tả công việc để xác định các kỹ năng và trình độ mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm đồng thời xác định những kỹ năng và trình độ mà bạn có. Ngay cả khi không có kinh nghiệm quản lý thông tin y tế trước đây, bạn có thể đã phát triển những kỹ năng này thông qua các kinh nghiệm khác. Hãy xác định cách liên hệ kinh nghiệm hiện có của bạn với công việc mong muốn và cho nhà tuyển dụng thấy bạn có các kỹ năng để thành công.
Ví dụ, nhiều tin tuyển dụng liệt kê các kỹ năng mềm có thể chuyển giao mà bạn có thể phát triển trong bất kỳ ngành nào, chẳng hạn như quản lý thời gian hoặc giao tiếp. Nhà tuyển dụng cũng có thể liệt kê các yêu cầu kỹ thuật, chẳng hạn như sự quen thuộc với phần mềm cụ thể. Trong khi theo đuổi công việc quản lý thông tin y tế, bạn có thể tham gia vào các khóa đào tạo trực tuyến hoặc trực tiếp để phát triển các kỹ năng kỹ thuật liên quan và chuẩn bị cho vị trí này. Hoặc bạn có thể đã từng có kinh nghiệm làm việc với phần mềm tương tự hoặc thực hiện các nhiệm vụ tương tự trong các công việc khác.
2. Liệt kê thông tin liên hệ của bạn
Khi đọc tin tuyển dụng, bạn có thể định dạng thư xin việc của mình. Bạn hãy bắt đầu bằng cách liệt kê thông tin liên hệ của mình để nhà tuyển dụng có thể liên hệ với bạn nếu họ muốn đi sâu hơn trong quá trình tuyển dụng. Các thông tin có thể bao gồm số điện thoại, địa chỉ email và thành phố hoặc tiểu bang hiện tại của bạn. Bên dưới những thông tin này, hãy thêm ngày để nhà tuyển dụng biết thời gian bạn gửi thư. Thông tin này nằm ở phía đầu thư của bạn, và thường là ở phía bên trái của trang.
3. Thêm lời chào
Dưới thông tin liên hệ, bạn hãy thêm một lời chào. Đôi khi, tin tuyển dụng sẽ bao gồm tên của người sẽ đọc tài liệu ứng tuyển của bạn. Người này có thể là trưởng phòng nhân sự hoặc bộ phận mà bạn đang ứng tuyển. Nếu tên của người này không có sẵn, bạn hãy cố gắng tìm kiếm nếu có thể.
Khi có tên của người nhận, bạn có thể xưng hô là “Kính gửi Ông/Bà” (“Dear Mr./Ms.”) và theo sau là họ của người đó. Bạn cũng có thể tránh đề cập chức danh và gọi họ bằng tên đầy đủ. Nếu bạn không thể tìm thấy tên của họ mặc dù bạn đã cố gắng, bạn có thể gửi thư bằng cách sử dụng chức danh công việc của người nhận. Ví dụ: bạn có thể viết, “Kính gửi Giám đốc tuyển dụng” hoặc “Kính gửi Quản trị viên Nguồn nhân lực.”
4. Giới thiệu bản thân
Sau khi chào người nhận, bạn sẽ giới thiệu mình là ứng viên. Trong đoạn đầu tiên này, hãy bày tỏ sự quan tâm của bạn đến cơ hội cụ thể mà bạn đang ứng tuyển. Bạn cũng có thể đề cập đến việc bạn đã tìm hiểu về cơ hội việc làm như thế nào, đặc biệt nếu bạn đã nghe về nó thông qua sự kết nối chung. Khi mô tả sự quan tâm của bạn đối với vị trí, hãy nêu bật một số kỹ năng hoặc thành tích bạn có phù hợp với vị trí và trách nhiệm. Những thông tin này cho nhà tuyển dụng thấy bạn có các năng lực phù hợp với vị trí dù bạn chưa có kinh nghiệm trước đây.
5. Mô tả các kỹ năng và bằng cấp liên quan
Trong phần thân của thư xin việc, bạn có thể nêu bật các kỹ năng cụ thể của bạn. Tiếp đó, hãy làm nổi bật kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng mềm mạnh nhất của bạn phù hợp với các yêu cầu mà mô tả công việc đặt ra. Đối với mỗi kỹ năng, hãy trình bày về cách bạn đã phát triển hoặc sử dụng chúng thông qua kinh nghiệm trước đó. Mặc dù bạn có thể đề cập tới việc bạn không có kinh nghiệm trước đây trong ngành, nhưng hãy chứng minh những kinh nghiệm chuyên môn khác đã mang lại cho bạn những kỹ năng có thể chuyển giao như thế nào để bạn có thể áp dụng vào vị trí quản lý thông tin y tế. Ví dụ: nếu nhà tuyển dụng tìm kiếm các ứng viên có kỹ năng chăm sóc khách hàng tốt, bạn có thể mô tả vai trò trước đây của mình là nhân viên lễ tân.
Bạn cũng có thể thể hiện khả năng của mình bằng cách mô tả những thành tích trong quá khứ. Khi có thể, hãy đề cập đến những kết quả tích cực và có thể đo lường được mà bạn đã tạo ra cho nhóm hoặc tổ chức của mình. Trình bày về các kỹ năng của bạn đã mang lại lợi ích như thế nào cho các nhà tuyển dụng cũ có thể giúp các nhà quản lý tuyển dụng mới thấy giá trị tiềm năng mà bạn có thể mang lại cho nhóm của họ.
6. Nhắc lại sự quan tâm của bạn với vị trí
Sau đề cập tới trình độ chuyên môn của mình, bạn hãy kết thư bằng cách nhắc lại sự quan tâm của bạn đối với vị trí đang tuyển dụng. Bạn cũng có thể tóm tắt các kỹ năng đã đề cập trước đó trong thư xin việc của mình vì sự lặp lại sẽ giúp người đọc dễ dàng ghi nhớ chúng hơn. Một lần nữa, hãy cố gắng cho nhà tuyển dụng thấy bạn có thể đảm nhận vai trò và trách nhiệm của vị trí này nhờ vào những kỹ năng và kinh nghiệm hiện có của bạn. Phần này tập trung lại vào mục tiêu cho vị trí của bạn.
7. Thiết lập các bước tiếp theo
Một vài câu cuối cùng của đoạn kết có thể thiết lập các bước tiếp theo mà bạn dự định thực hiện với nhà tuyển dụng. Đảm bảo làm theo các bước sau để thể hiện tính nhất quán. Ví dụ: việc tuyên bố rằng bạn sẽ gọi cho nhà tuyển dụng trong vài ngày tới sẽ có tác động hơn khi bạn theo dõi thông tin đó.
Bạn cũng có thể sử dụng lời kêu gọi hành động để khuyến khích người nhận thực hiện một hành động cụ thể, chẳng hạn như sắp xếp một cuộc phỏng vấn với bạn. Sử dụng những chiến thuật này trong thư xin việc giúp chứng minh động lực của bạn cho vị trí ứng tuyển. Nó cũng cho thấy khả năng khẳng định bản thân hoặc nắm quyền kiểm soát của bạn – điều mà một số nhà tuyển dụng đánh giá cao ở nhân viên.
8. Thêm chữ ký
Hãy thêm lời kết thư và chữ ký ở cuối thư xin việc của bạn. Khi gửi thư xin việc kỹ thuật số, hãy nhập họ và tên của bạn sau khi kết thư. Khi gửi thư xin việc truyền thống, hãy để một khoảng trống giữa lời kết thư và tên để viết chữ ký của bạn. Dưới đây là một số ví dụ về cách kết thư chuyên nghiệp mà bạn có thể sử dụng:
- Best wishes (Cầu chúc những điều tốt nhất đến với bạn)
- Sincerely (Trân trọng)
- Warm regards (Trân trọng)
- Cordially (Chân thành)
- Respectfully (Trân trọng)
- Thank you (Xin cảm ơn)
9. Hiệu đính thư xin việc
Bạn hãy xem lại thư xin việc của mình để đảm bảo bạn tìm thấy và loại bỏ bất kỳ lỗi chính tả hoặc ngữ pháp nào. Bước này giúp đảm bảo lá thư xin việc của bạn tốt và chuyên nghiệp khi nộp. Trong khi xem xét thư xin việc, hãy đảm bảo rằng bạn điều chỉnh nó phù hợp với từng vị trí mà bạn ứng tuyển. Các công việc khác nhau có thể yêu cầu các bộ kỹ năng hoặc yêu cầu khác nhau. Việc điều chỉnh này giúp bạn thể hiện mình là ứng viên lý tưởng trong mắt nhà tuyển dụng bằng cách nêu bật các kỹ năng, đặc điểm và kinh nghiệm phù hợp với cơ hội việc làm cụ thể. Khi bạn đã xem xét xong thư xin việc của mình, hãy gửi nó cùng với sơ yếu lý lịch và các tài liệu ứng tuyển khác.
Mẫu thư xin việc
Dưới đây là một mẫu bạn có thể tham khảo để viết thư xin việc khi ứng tuyển vị trí quản lý thông tin y tế:
[Tên đầy đủ của bạn]
[Số điện thoại]
[Địa chỉ email]
[Ngày tháng]
Kính gửi [tên / chức danh nhà tuyển dụng]!
[Bắt đầu lá thư của bạn bằng cách đề cập đến vị trí bạn đang ứng tuyển đồng thời bày tỏ sự nhiệt tình của bạn và cách bạn đã tìm hiểu về nó. Một hoặc hai câu tiếp theo có thể tóm tắt các kỹ năng phù hợp nhất của bạn và cách bạn hy vọng sẽ sử dụng chúng để hỗ trợ nhà tuyển dụng và nhóm của họ.]
[Trong các đoạn nội dung, hãy sử dụng các từ khóa từ mô tả công việc để mô tả chi tiết hơn các kỹ năng và kinh nghiệm có liên quan của bạn. Những kinh nghiệm này có thể bao gồm các công việc cũ, các môn học hoặc các hoạt động ngoại khóa. Nếu có thể, hãy giới thiệu cách bạn đã sử dụng những kỹ năng này để mang lại những lợi ích có thể đo lường được cho các nhà tuyển dụng cũ của bạn. Bạn cũng có thể đề cập đến bất kỳ thành tích nổi bật nào bạn đã đạt được có thể gây ấn tượng với nhà tuyển dụng hoặc thể hiện năng lực của bạn cho vị trí này.]
[Trong đoạn kết, hãy nhắc lại sự quan tâm của bạn đối với vị trí và tóm tắt các bằng cấp liên quan của bạn. Tiếp theo, cảm ơn nhà tuyển dụng đã dành thời gian xem xét, sau đó đưa ra lời kêu gọi hành động khuyến khích họ thực hiện các bước tiếp theo trong quy trình tuyển dụng.]
Trân trọng,
[Tên của bạn]
Ví dụ
Dưới đây là ví dụ về thư xin việc cho vị trí quản lý thông tin y tế nếu bạn chưa có bất kỳ kinh nghiệm nào:
Joyce Browning
555-555-5555
Joycebrown@email.com
Ngày 10 tháng 5 năm 20XX
Kính gửi ông Yassin Dawson,
Tôi rất vui được viết thư cho ông về vị trí chuyên gia thông tin y tế được đăng trên trang mạng xã hội của công ty ông. Tôi tin rằng kinh nghiệm với cơ sở dữ liệu máy tính và bảo mật thông tin, cùng với kỹ năng quản lý thời gian và dịch vụ khách hàng tốt của mình, sẽ giúp tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tôi rất hy vọng được xem xét cho vị trí này và hỗ trợ công ty của ông trong việc cung cấp trải nghiệm chất lượng cao cho khách hàng.
Tôi vừa tốt nghiệp trường Cao đẳng Hoover, với chuyên ngành tin học sức khỏe. Môn học này giúp tôi làm quen với việc sử dụng phần mềm quản lý dữ liệu, cùng với các kỹ năng quản lý thời gian cần thiết. Với những kỹ năng này, tôi đã quản lý các môn học và công việc bán thời gian của mình một cách hiệu quả. Nhờ tinh thần học tập tích cực, tôi đã tốt nghiệp trong danh sách sinh viên tài năng của trường. Mặc dù chưa từng làm việc trong lĩnh vực này nhưng tôi có khá nhiều kinh nghiệm trong việc soạn thảo và chỉnh sửa tài liệu bằng các công cụ xử lý văn bản, bảng tính và PDF phổ biến.
Trong thời gian chờ bằng, tôi đã làm phục vụ bán thời gian tại một nhà hàng địa phương. Công việc này đã giúp tôi có cơ hội trải nghiệm dịch vụ khách hàng và nhận thức tầm quan trọng trong việc ưu tiên các nhu cầu của họ. Tôi đã vận dụng các kiến thức này để xây dựng mối quan hệ và trải nghiệm tích cực cho khách hàng quen thuộc, khiến họ quay lại nhiều lần. Tôi hy vọng sẽ có cơ hội vận dụng những kỹ năng tương tự này cho công ty của ông, đảm bảo khách hàng của ông cảm thấy hài lòng và đánh giá cao.
Tôi tin rằng với những kinh nghiệm của mình, tôi có thể đóng góp đáng kể cho nhóm quản lý thông tin y tế của ông. Cảm ơn ông đã dành thời gian để xem xét đơn ứng tuyển của tôi. Vui lòng liên hệ với tôi nếu ông có bất kỳ thắc mắc nào và tôi mong được nói chuyện chi tiết với ông hơn về khả năng của tôi cho vai trò này.
Trân trọng,
Joyce Browning
—————————————————————————-
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích
- Bài viết gốc: www.indeed.com
- Người dịch: Vũ Thị Loan
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Vũ Thị Loan – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/8650
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 15