Một lá thư xin việc có thể là cơ hội tuyệt vời để bạn thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng, đặc biệt nếu bạn là sinh viên mới bắt đầu sự nghiệp của mình. Thư xin việc (dành cho sinh viên) của bạn nên làm nổi bật tiềm năng cá nhân, nêu rõ sở thích và kinh nghiệm sống mà bạn đã chuẩn bị để chứng tỏ bạn là một ứng viên lý tưởng trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Viết một lá đơn xin việc hấp dẫn có vẻ khá khó nếu bạn là một sinh viên chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc, nhưng kiểu viết mở có thể giúp bạn dễ dàng viết vào tất cả các điểm quan trọng để có được một cuộc phỏng vấn. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu định dạng của một bức thư xin việc dành cho sinh viên và hướng dẫn để bạn viết thư cho riêng bạn.
I. Tại sao một thư xin việc lại quan trọng đối với một sinh viên?
Thư xin việc của bạn khi còn là sinh viên chính là lời giới thiệu của bạn với một nhà tuyển dụng tiềm năng, nơi bạn thể hiện bản thân có thể làm việc như thế nào để lấp vào phần kinh nghiệm làm việc còn thiếu. Trong thư xin việc của mình, bạn có thể nói về những bằng cấp không trùng với với sơ yếu lý lịch, chẳng hạn như làm nổi bật các khóa học liên quan và các dự án trên lớp đã trang bị vững chắc, truyền cảm hứng cho bạn trên con đường theo đuổi sự nghiệp. Bạn có thể sử dụng thư xin việc để xin việc, xin thực tập và cả học bổng. Các công ty tuyển dụng sinh viên thường tìm kiếm những người có đam mê và tham vọng, và thư xin việc là lời mở đầu hoàn hảo để cho thấy cách bạn dự định phát triển tại doanh nghiệp của họ.
Ngoài ra, thư xin việc ngay lập tức cung cấp cho nhà tuyển dụng và hội đồng tuyển sinh bằng chứng về kỹ năng giao tiếp và khả năng tổ chức của bạn. Cho nhà tuyển dụng thấy một lá thư xin việc hấp dẫn, nghiêm túc và không mắc lỗi chính tả chứng tỏ rằng bạn có kỹ năng viết tuyệt vời. Điều này rất được chú ý trong nhiều ngành và nơi làm việc. Thư xin việc cũng cần cụ thể cho từng cơ hội việc làm, vì vậy bạn có thể thể hiện sự tinh ý của mình bằng cách tham khảo các thông tin cụ thể về vị trí hoặc công ty.
II. Thư xin việc của sinh viên cần bao gồm những gì?
Thư xin việc của sinh viên nên sử dụng các ví dụ cụ thể để tóm tắt những điểm mạnh và thành tích của bạn liên quan đến vị trí ứng tuyển. Thư xin việc nên bao gồm một vài đoạn văn giới thiệu bạn là ai và giải thích lý do tại sao bạn là người phù hợp nhất cho vị trí này. Nếu bạn đã có kinh nghiệm làm việc, bạn có thể tham khảo tại đây, nhưng thư xin việc nên tập trung vào những bằng cấp không trùng với lý lịch của bạn. Thư xin việc có thể bao gồm các hoạt động và trải nghiệm khác nhau, như:
- Công việc tình nguyện: Chia sẻ về các hoạt động tình nguyện viên mà bạn tham gia (có tạo ra sự khác biệt trong cộng đồng) chính là một cách tuyệt vời để cho thấy niềm đam mê cũng như cách bạn làm việc như một phần của nhóm trong một môi trường chuyên nghiệp.
- Thành tích học tập: Trình bày cách bạn đạt được thành tích trong học tập hoặc áp dụng các kỹ năng của mình trong môi trường lớp học có thể cho nhà tuyển dụng thấy minh chứng về cách bạn sẽ thành công ở nơi làm việc.
- Các lớp học có liên quan: Nếu bạn đang ứng tuyển vào một vị trí trong một ngành cụ thể, việc nói về các lớp học mà bạn đã tham gia trong lĩnh vực đó cũng cho thấy sự chuyên nghiệp và cam kết.
- Sở thích: Hãy suy nghĩ về những kỹ năng tại nơi làm việc mà bạn sẽ sử dụng khi tham gia các hoạt động yêu thích của mình. Nếu bạn thích vẽ, bạn có thể đề cập đến việc sở thích đó đã phát triển khả năng sáng tạo và sự tập trung của bạn như thế nào. Các vận động viên sinh viên có thể chia sẻ cách tham gia một môn thể thao đã cải thiện tinh thần làm việc và tinh thần đồng đội của họ như thế nào.
Bất cứ khi nào có thể, hãy luôn viết thêm các con số và các chi tiết khác làm bằng chứng về kỹ năng và sức ảnh hưởng của bạn. Ví dụ: bạn có thể chia sẻ số giờ tình nguyện đã hoàn thành hoặc nói về các dự án cụ thể mà bạn tự hào. Hãy nhớ đề cập đến bất kỳ vai trò lãnh đạo nào mà bạn đã từng làm, chẳng hạn như vị trí trưởng ban câu lạc bộ hoặc tham gia vào hội học sinh sinh viên.
III. Cách viết thư xin việc cho sinh viên:
Dưới đây là các bước cần thiết để viết thư xin việc cho sinh viên của bạn:
- Nghiên cứu thông tin tuyển dụng
- Nghiên cứu công ty
- Kết hợp kinh nghiệm của bạn với danh sách việc làm
- Làm một bản phác thảo
- Viết và viết lại
- Đọc rà soát lần cuối
1. Nghiên cứu thông tin tuyển dụng
Thư xin việc nên đề cập trực tiếp đến công việc, thực tập hoặc chương trình bạn đang ứng tuyển. Đọc tin tuyển dụng và ghi chú cẩn thận tên chính xác của vị trí bạn đang ứng tuyển, tên của nhà tuyển dụng và các chi tiết khác. Hầu hết các tin tuyển dụng thường bao gồm thông tin về nhiệm vụ công việc và các tiêu chuẩn cơ bản của một ứng viên lý tưởng, sau đó bạn có thể tham khảo và nhắc đến trong đơn xin việc của mình. Đánh dấu các từ khóa trong tin tuyển dụng mà bạn có thể sử dụng khi trình bày về kinh nghiệm của mình nhằm đảm bảo rằng thư xin việc của bạn tập trung chính xác vào những gì nhà tuyển dụng đang tìm kiếm.
2. Nghiên cứu công ty
Truy cập trang web của công ty và tìm kiếm các tuyên bố sứ mệnh hoặc danh sách các giá trị. Các công ty thường muốn thuê những người phù hợp với văn hóa công ty của họ, vì vậy quan trọng là phải suy nghĩ cách để các mục tiêu và giá trị cá nhân của bạn có thể kết nối với sứ mệnh của nhà tuyển dụng tiềm năng. Đề cập đến danh tiếng của công ty và tác động của họ đến cộng đồng trong thư xin việc của bạn cũng cho thấy rằng bạn đã nỗ lực tìm hiểu họ và thực sự quan tâm đến công việc.
3. Kết hợp kinh nghiệm của bạn với danh sách việc làm
Tiếp theo, lập danh sách các kỹ năng chính trong danh sách công việc và viết ra hoạt động hoặc kinh nghiệm mà bạn đã thể hiện kỹ năng đó. Suy nghĩ về những thành tích đáng tự hào nhất của bạn và xem xét chúng với tin tuyển dụng cũng có thể cung cấp cho bạn một danh sách đầy đủ các ý tưởng mà bạn có thể đưa vào thư của mình. Hãy cố gắng viết các ý tưởng tập trung vào nhiều kỹ năng để thể hiện rằng bạn là người toàn diện và có khả năng thích ứng.
4. Lập dàn ý
Sau khi nghiên cứu và suy nghĩ, hãy lập dàn ý cho tất cả các ý tưởng chính mà bạn muốn đưa vào. Liệt kê những ý tưởng hấp dẫn nhất của bạn theo thứ tự bạn muốn. Suy nghĩ về cách hợp lý nhất để sắp xếp suy nghĩ của bạn. Một số người giới thiệu bản thân và sau đó liệt kê kinh nghiệm của họ theo thứ tự thời gian, trong khi những người khác có thể sắp xếp từng đoạn xoay quanh một kỹ năng nhất định. Bạn có thể tạo bản phác thảo của riêng mình hoặc sử dụng mẫu của chúng tôi để bắt đầu.
5. Viết và viết lại
Dựa trên dàn ý của bạn, hãy chuyển mỗi ý tưởng thành một câu đầy đủ để kể một câu chuyện về bạn là ai và lý do bạn muốn công việc đó. Sau khi viết bản nháp đầu tiên, hãy đọc lại thư xin việc và tìm những chỗ mà bạn cần thêm các chi tiết hữu ích. Đảm bảo rằng mỗi câu đều có thông tin mới, có giá trị và không lặp lại bất kỳ ý tưởng hoặc cụm từ nào.
6. Đọc rà soát lần cuối cùng
Cuối cùng, hãy đọc lại thư xin việc của bạn về ngữ pháp và chính tả. Đọc to bài viết của bạn là một chiến lược tuyệt vời để nhận ra các cụm từ khó hiểu hoặc lỗi chính tả. Bạn cũng có thể cân nhắc nhờ người khác xem qua bài viết của mình trước khi gửi cho nhà tuyển dụng.
IV. Mẫu thư xin việc của sinh viên:
Đây là một mẫu mà bạn có thể sử dụng để tạo dàn ý cho thư xin việc của mình:
[Tên của bạn] [Số điện thoại của bạn] [Địa chỉ email của bạn]
[Tùy chọn: Địa chỉ gửi thư của bạn]
[Ngày tháng]
Kính gửi [Tên hoặc chức danh của người tuyển dụng]!
[Giới thiệu bản thân và nêu rõ vị trí mà bạn đang ứng tuyển. Giải thích lý do tại sao bạn quyết định nộp đơn và liệt kê một vài lý do chính mà bạn sẽ phù hợp.]
[Trong phần nội dung đầu tiên, hãy chia sẻ thành tích gần đây và các kỹ năng liên quan mà bạn đã sử dụng thành công. Trình bày thành tích của bạn và cách bạn sẽ sử dụng những kỹ năng đó để thành công trong công việc mới này.]
[Trong phần nội dung thứ hai, hãy giải thích bất kỳ kỹ năng hoặc lợi ích đặc biệt nào mà bạn sẽ mang lại cho công việc. Đây là một mở đầu tốt để thảo luận về cách bạn trở nên đam mê lĩnh vực nghiên cứu của mình và cách bạn sẽ tận dụng công việc này để phát triển sự nghiệp của mình.]
[Cuối cùng, hãy chia sẻ sự hào hứng của bạn đối với cơ hội này và đề cập rằng bạn rất mong được trò chuyện về các bước tiếp theo trong phần ứng tuyển của mình.]
[Lời kết thúc],
[Tên của bạn].
V. Ví dụ về thư xin việc của sinh viên:
Dưới đây là một mẫu thư xin việc dành cho sinh viên mà bạn có thể dùng để viết một bức thư xin việc ấn tượng cho riêng mình:
Kellen Daniels 555-555-5555
kellen.daniels@e-mail.com
Ngày 10 tháng 12 năm 2020
Kính gửi người quản lý tuyển dụng,
Tôi là sinh viên năm thứ hai chuyên ngành kinh doanh tại Đại học Houston. Tôi viết thư để bày tỏ sự quan tâm của tôi đến cơ hội Thực tập sinh Quảng cáo Trực tuyến tại Blueprint Digital. Khi tôi nhìn thấy thông tin tuyển dụng được đăng trên bảng việc làm của Đại học Houston, tôi ngay lập tức biết rằng tôi muốn làm việc với một công ty hiện đại và có tiến độ phát triển nhanh như vậy. Tôi là người học hỏi nhanh với kỹ năng phân tích xuất sắc và niềm đam mê quảng cáo khiến tôi tự tin trở thành ứng cử viên sáng giá của công ty bạn.
Trong năm học đầu tiên với tư cách là một sinh viên chưa quyết đoán, tôi ngay lập tức bị cuốn hút bởi lớp học Giới thiệu về Quảng cáo, nơi chúng tôi có cơ hội tạo chiến dịch quảng cáo kỹ thuật số của riêng mình cho một sản phẩm tưởng tượng. Sau khi chứng kiến cách quảng cáo trực tuyến cho phép tôi sử dụng dữ liệu cứng để sáng tạo, tôi biết đây là ngành tôi muốn theo đuổi. Học kỳ tiếp theo, tôi hợp tác với một giáo sư kinh doanh để tạo ra một nghiên cứu độc lập về tín chỉ trong lớp, nơi tôi nghiên cứu cách các công ty hiện đại thu thập phản hồi về quảng cáo kỹ thuật số. Trong suốt quá trình nghiên cứu đó, tôi đã học cách giải quyết vấn đề một cách độc lập và củng cố kiến thức của mình về các hoạt động trong ngành.
Nhờ kinh nghiệm của mình, tôi tin mình có thể tạo ra các ý tưởng sáng tạo tại Blueprint Digital và sử dụng phân tích dữ liệu để cải thiện chiến lược quảng cáo. Lịch sử theo đuổi tham vọng và tự tạo cơ hội phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực quảng cáo của tôi là sự phù hợp hoàn hảo với văn hóa khởi nghiệp của Blueprint Digital. Tôi hy vọng một ngày nào đó sẽ trở thành giám đốc điều hành quảng cáo và Blueprint Digital là nơi hoàn hảo để tôi áp dụng việc học của mình vào thực tế và bắt đầu phát triển sự nghiệp của mình trong khi giúp nhà đầu tư quảng cáo doanh nghiệp của họ.
Tôi mong muốn được thảo luận thêm về đơn ứng tuyển của tôi với bạn và tìm hiểu thêm về cách tôi có thể hỗ trợ Blueprint Digital với tư cách là Thực tập sinh Quảng cáo Trực tuyến tiếp theo của bạn.
Thân gửi,
Kellen Daniels.
———————————————————————————————————–
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích
Bài viết gốc: www.indeed.com
Người dịch: Huỳnh Kim Hạnh Nhi
Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Huỳnh Kim Hạnh Nhi – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/8519
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 27