Bằng việc đề cập các kỹ năng mà nhà tuyển dụng tìm kiếm trong CV của mình, bạn sẽ nổi bật hơn hẳn các ứng viên khác và thể hiện được rằng mình phù hợp với vị trí đang ứng tuyển. Việc biết được những kỹ năng mà nhà tuyển dụng cần sẽ giúp bạn tạo một ấn tượng tốt với họ và gia tăng cơ hội trúng tuyển.
Trong bài viết này, hãy cùng thảo luận về các kỹ năng mà nhà tuyển dụng tìm kiếm và cách đề cập chúng trong CV nhé.
Các kỹ năng nào mà nhà tuyển dụng tìm kiếm?
Tùy thuộc vào từng ngành nghề mà nhà tuyển dụng tìm kiếm các kỹ năng cụ thể, dù có một vài kỹ năng chung cần thiết cho mọi lĩnh vực. Họ cần những kỹ năng này để xác định mức độ phù hợp của bạn với vị trí ứng tuyển và rằng bạn đã đọc kỹ bản mô tả công việc cũng như nghiên cứu kỹ công ty cùng các yêu cầu trước khi viết CV.
Họ thường nhắc tới các kỹ năng cụ thể trong bản mô tả công việc. Các ứng viên có các từ khóa đó sẽ có cơ hội cao hơn được hệ thống ghi nhận hồ sơ. Chúng còn giúp nhà tuyển dụng chọn lọc và lên danh sách các ứng viên để hẹn phỏng vấn, xem qua CV để tìm các kỹ năng cụ thể. Vậy nên việc xác định và liệt kê chúng trong hồ sơ sẽ mang lại cho bạn lợi thế đó.
Một vài kỹ năng nhà tuyển dụng tìm kiếm trong CV
Họ muốn tìm các kỹ năng có thể thể hiện khả năng của bạn, để xem liệu bạn có phù hợp với văn hóa của họ không và bạn sẽ mang lại kết quả làm việc như thế nào. Dưới đây là 15 kỹ năng phổ biến:
1. Khả năng thích ứng
Đây là một kỹ năng thiết yếu mà nhiều nhà tuyển dụng yêu cầu. Bạn cần linh hoạt trong bất kỳ hoàn cảnh nào để có thể mang lại lợi ích cho công ty. Tính linh hoạt có thể giúp nhà tuyển dụng thấy được khả năng làm việc độc lập và theo nhóm của bạn. Nó cũng thể hiện sự sẵn sàng học hỏi khi ngành nghề thay đổi hay khi bạn cần hy sinh thời gian để hoàn thành các dự án quan trọng.
2. Giao tiếp
Giao tiếp hiệu quả chính là yếu tố sống còn để thành công trong gần như mọi ngành nghề. Bạn cần giao tiếp tốt để có thể tương tác và xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp, với quản lý, với khách hàng tại nơi làm việc. Kỹ năng giao tiếp gồm khả năng viết báo cáo, thư từ, tự tin nói chuyện trực diện và qua điện thoại, chủ động lắng nghe và đàm phán với khách hàng.
Nhà tuyển dụng tìm kiếm kỹ năng viết lách, nói trước đám đông, thuyết trình, khả năng ngôn ngữ và mang lại sự hài lòng của khách hàng. Cho dù bạn làm việc với khách hay làm nội bộ, thì việc sở hữu khả năng giao tiếp tốt đều mang lại hiệu quả và năng suất cao.
3. Tổ chức
Khả năng tổ chức bắt đầu bằng việc có một chiếc CV với bố cục chặt chẽ. Nhà tuyển dụng muốn những người có thể quản lý thời gian và sắp xếp công việc một cách hiệu quả để mang lại kết quả tốt và đúng hạn. Kỹ năng này gồm việc giữ bàn làm việc ngăn nắp, đạo đức làm việc tốt và biết cách quản lý hợp lý. Một cách thể hiện kỹ năng sắp xếp với nhà tuyển dụng đó là hãy trình bày CV của bạn thật tốt.
4. Trung thực
Trung thực là đức tính quan trọng mà nhiều doanh nghiệp tìm ở các ứng viên. Rằng liệu họ có thể tin tưởng bạn với những thông tin, các giao dịch mật, tiền tiết kiệm của khách hàng và các dữ liệu nhạy cảm khác của công ty hay không. Nếu bạn cung cấp thông tin này trong CV của mình, người phỏng vấn có thể yêu cầu bạn đưa ra cách giải quyết cho những trường hợp cần đến sự trung thực.
5. Giải quyết vấn đề
Các doanh nghiệp muốn ứng viên có thể đưa ra cách giải quyết hiệu quả và nhanh chóng cho các vấn đề gặp phải. Một số công ty có nhóm riêng chuyên giải quyết các vấn đề cụ thể trong hoạt động. Vậy nên có thể đưa ra giải pháp kịp thời khi bộ phận hay nhóm của bạn gặp vấn đề có thể tăng cơ hội trúng tuyển cho bạn. Bạn sẽ có nhiều điểm cộng hơn nếu có thể chứng minh khả năng giải quyết vấn đề của mình đã giúp công ty cũ đạt được những kết quả gì.
6. Làm việc nhóm
Gần như mọi công việc đều đòi hỏi bạn phải hợp tác với mọi người, vậy nên nhà tuyển dụng muốn những người có khả năng làm việc nhóm tốt. Khi phỏng vấn, thông qua việc hỏi về phong cách làm việc của bạn, họ sẽ hỏi những câu về làm việc nhóm. Những người giỏi làm nhóm thường giao tiếp tốt, và đây cũng là điểm quan trọng mà các doanh nghiệp tìm ở các ứng viên.
7. Có trách nhiệm
Chịu trách nhiệm về công việc và những sai sót của mình là một đức tính tốt. Nó cho thấy rằng bạn không cần cấp trên giám sát mới có thể hoàn thành công việc của mình và bạn sẵn sàng đối mặt với sai lầm, lắng nghe đóng góp và chỉ trích, cũng như cải thiện từ những lỗi lầm đó. Có trách nhiệm cũng có nghĩa là bạn sẽ làm mọi việc để hoàn thành trách nhiệm của mình.
8. Chú ý đến chi tiết
Đức tính này cho thấy khả năng làm theo hướng dẫn để hoàn thành công việc của bạn. Đây là một yếu tố quan trọng giúp bạn tránh mắc phải những lỗi mà có thể làm giảm chất lượng sản phẩm hay dịch vụ, hoặc trễ hạn. Nó cũng rất quan trọng khi làm việc nhóm vì nó giúp bạn hoàn thành công việc mà không gây ra bất kỳ rắc rối nào cho người khác.
9. Trí tuệ cảm xúc
Ở một nơi làm việc năng động, bạn sẽ phải tiếp xúc với những người có tính cách khác nhau, bạn cần phải thông minh cả về mặt cảm xúc nữa. Kỹ năng này giúp bạn kiểm soát cảm xúc của mình và không gây ra ảnh hưởng tiêu cực lên ai khác, tránh những xung đột, giúp xây dựng mối quan hệ lâu dài và hiểu ngôn ngữ cơ thể mọi người dựa vào hoàn cảnh. Dù kỹ năng này cần thiết hơn cho các vị trí quản lý, nhưng nó cũng giúp bạn trở thành một nhân viên hoàn thiện hơn.
10. Phân tích và tư duy logic
Nhiều công việc ngày nay rất cần đến khả năng phân tích dữ liệu, nghiên cứu và giải quyết vấn đề. Chúng đòi hỏi tư duy logic và có thể rút ra kết luận từ dữ liệu. Cho dù bạn làm việc trong lĩnh vực dịch vụ, sales, luật, chăm sóc sức khỏe hay nhà máy, nhiều nhà tuyển dụng vẫn muốn ứng viên có khả năng phân tích dữ liệu và tìm ra ảnh hưởng của nó lên công ty.
11. Đàm phán
Nếu vị trí bạn ứng tuyển liên quan đến bán hàng, dịch vụ, môi giới hay làm việc với các nhà cung cấp. Phía tuyển dụng sẽ muốn bạn sở hữu kỹ năng đàm phán tốt, bởi đó cũng là một phần của quan hệ đối tác, đầu tư và giao dịch. Sở hữu kỹ năng này trong hồ sơ sẽ giúp bạn nổi bật hơn các ứng viên khác đó.
12. Chăm sóc khách hàng
Các nhà tuyển dụng cần kỹ năng này nếu bạn ứng tuyển cho những vị trí cần gặp trực tiếp khách hàng. Dù là bán lẻ hay tiếp thị, kỹ năng chăm sóc khách hàng sẽ giúp bạn giới thiệu sản phẩm và dịch vụ một cách tốt nhất, cũng như giao tiếp hiệu quả hơn, có được sự tin tưởng của khách và giải quyết các vấn đề của họ một cách nhanh chóng.
13. Tin học
Hầu hết các ngành nghề hiện nay đều yêu cầu kiến thức tin học cơ bản, như phần mềm soạn thảo văn bản hay bảng tính. Một số ngành nghề lại có các phần mềm đặc thù riêng như AUTOCAD của kiến trúc và MATLAB của cơ khí. Sử dụng thành thạo những phần mềm này sẽ thể hiện được chuyên môn và kinh nghiệm của bạn. Và bạn cũng đừng quên đánh giá mức độ thành thạo của mình khi nhắc đến kỹ năng này nhé.
14. Quản lý dự án
La kỹ năng quan trọng giúp hoàn thành các công việc của cá nhân và nhóm. Đối với các công ty đề cao việc quản lý dự án, liệt kê nó vào CV có thể tăng khả năng trúng tuyển c ho bạn. Trong mục nhwungx đàu việc đã đảm nhận, bạn có thể mô tả kinh nghiệm với từng phần mềm cụ thể và đề cập đến các dự án bạn đã quản lý trước đây.
15. Độ tin cậy
Là yếu tố quan trọng vì nhà tuyển dụng mong đợi bạn thực hiện được những gì mà bạn đã hứa hẹn. Rằng bạn có kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả để có thể hoàn thành công việc đúng thời hạn, hỗ trợ các thành viên trong nhóm và hợp tác với quản lý. Độ tin cậy bắt đầu ngay từ quá trình xin việc của bạn, qua việc bạn gửi những thông tin được yêu cầu đúng hạn và đến đúng giờ trong buổi phỏng vấn.
Cách để bạn liệt kê các kỹ năng vào CV của bạn
- Xem thật kỹ thông tin tuyển dụng để xác định các kỹ năng cụ thể mà nhà tuyển dụng tìm kiếm. Bạn cũng có thể vào trang web công ty, trang mạng xã hội và các đợt tuyển dụng trước đây của họ để tìm từ khóa miêu tả nhân viên lý tưởng của họ. Nó sẽ giúp bạn chỉ liệt kê các kỹ năng phù hợp với vị trí và công ty, cũng như tăng cơ hội được duyệt bởi hệ thống ATS của họ.
- Tìm hiểu các ứng viên khác đang ứng tuyển vào vị trí giống bạn để tham khảo kỹ năng của họ. Nếu có được thông tin này, đây sẽ là một cách để đánh bại họ, vì bạn có thể thêm các kỹ năng mà người khác đã bỏ qua.
- Liệt kê các kỹ năng phù hợp với vị trí mà bạn đang ứng tuyển. Dù bạn có nhiều kỹ năng khác, hãy chỉ đề cập tới những kỹ năng giúp bạn thêm cơ hội trúng tuyển thôi nhé.
- Đề cập đến kỹ năng trong phần kinh nghiệm làm việc. Thêm từ khóa trong mục thành tích để làm rõ cách bạn đã đóng góp cho công ty cũ.
- Chia các kỹ năng của bạn thành kỹ năng cứng, mềm và kỹ năng chung. Kỹ năng cứng là năng lực chuyên môn, tin học và phân tích dữ liệu. Kỹ năng mềm gồm trí tuệ cảm xúc, giải quyết xung đột. Còn các kỹ năng chung là tính trung thực, khả năng tổ chức và độ tin cậy.
- Hãy làm nổi bật mức độ thành thạo khi bạn liệt kê các kỹ năng, như ít thành thạo hay đã thành thạo kỹ năng đó.
- Sử dụng các từ đồng nghĩa thay vì nhồi nhét vào CV những kỹ năng giống nhau, Việc này khiến CV của bạn t tự rông nhiên hơn và giúp giảm tỉ lệ hệ thống ATS từ chối hồ sơ của bạn.
—————————————————————————
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích
- Bài viết gốc: www.indeed.com
- Người dịch: Phạm Hà My
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch Phạm Hà My – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/10437
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 20