Tiếp tục tiến về phía trước, tự tin lên, tất cả đều nói đến “sự tiến bộ”. Câu thần chú trong cuộc sống của tôi là luôn luôn tiến về phía trước và cố gắng hết sức để không bị thụt lùi. Đây cũng chỉ là một cách nói khác để đo lường sự tiến bộ.
Con người hầu như chỉ tập trung vào sự tiến bộ, và nếu bạn giống tôi, có thể bạn đã sử dụng thành tích của mình như một thước đo. Tuy nhiên, sự tiến bộ cũng có thể đạt được bằng cách thành thạo một số kỹ năng có ích cho bạn trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Nó không chỉ là đủ để vươn lên vị trí cao hơn hoặc thăng tiến. Thay vào đó, hãy thử nắm vững những kỹ năng chính này và bạn sẽ khám phá ra được sự cần thiết của nó với sự tiến bộ thực sự của bạn.
Các “kỹ năng then chốt” cần tập trung vào
Những kỹ năng chủ đạo này rất cần thiết dù cho bạn đi theo con đường sự nghiệp nào. Đây là những kỹ năng giúp bạn trở thành một người tốt hơn, và thành thạo chúng sẽ giúp bạn có một bước tiến trong cuộc sống, không chỉ riêng sự nghiệp của bạn. Một số kỹ năng quan trọng đầu tiên liên quan đến việc trở thành phiên bản tốt đẹp nhất của bạn:
- Trách nhiệm
- Tính nhạy bén
- Quản lý thời gian
- Tự tin
- Giao tiếp
Tập hợp các kỹ năng chính tiếp theo đây liên quan đến cách chúng ta đối phó với người khác. Đây là những kỹ năng sẽ giúp ích cho các mối quan hệ, cả về mặt cá nhân và nghề nghiệp. Chúng bao gồm:
- Kỹ năng nghe
- Thấu cảm
- Kiên nhẫn
- Lãnh đạo
Khi bạn tập trung vào việc thành thạo những kỹ năng chủ đạo này, thì sự tiến bộ và cải thiện là sản phẩm phụ tự nhiên. Tập trung vào mục tiêu thường có nghĩa là chúng ta sẽ không làm những việc khó liên quan tới việc thành thạo từng điều để rồi đánh mất chính mình ngay cả khi chúng ta đạt được mục tiêu của mình.
Kỹ năng bản thân
Trách nhiệm giải trình là nền tảng cho tất cả các kỹ năng còn lại. Có trách nhiệm với bản thân xây dựng lòng tự trọng. Trách nhiệm giải trình thực sự được thể hiện bằng mức độ cam kết của bạn, chứ không chỉ là việc mà bạn thể hiện.
Theo ông Mark Biddinger, Giám đốc Kế hoạch và Phân tích Tài chính, “Có lẽ kết quả quan trọng nhất của trách nhiệm giải trình là sự tin tưởng – điều cần thiết trong bất kỳ mối quan hệ nào”.
Bạn có tin tưởng giữ đúng lời hứa của bạn không? Nếu bạn tin tưởng bản thân và có trách nhiệm, thì mọi người cũng sẽ đặt niềm tin vào bạn, và thường thì họ sẽ giao cho bạn những dự án cao cấp hơn.
“Hãy có trách nhiệm với cuộc đời mình. Hãy biết rằng không ai sẽ đưa bạn đến nơi bạn muốn đến ngoài chính bản thân bạn”. – Les Brown
“Khả năng phục hồi là khả năng vượt qua mọi thử thách như chấn thương, bi kịch, khủng hoảng cá nhân, các vấn đề đơn giản trong cuộc sống và trở lại mạnh mẽ hơn, khôn ngoan hơn và mạnh mẽ hơn.” – Theo định nghĩa của bà Nan Henderson M.S.W., Ph.D.
Bất cứ lúc nào bạn trở nên mạnh mẽ hơn, khôn ngoan hơn và mạnh mẽ hơn về mặt cá nhân, thì có nghĩa là bạn đang tiến bộ. Có lẽ bạn sẽ không quen liền nhưng cuối cùng thì bạn và những người xung quanh sẽ có thể nhìn thấy điểm mạnh, trí tuệ và năng lực của bạn.
Bạn có thể xây dựng khả năng phục hồi của mình bằng cách thực hành nhận thức tư duy, tái cấu trúc nhận thức và cởi mở để học hỏi từ những sai lầm và thất bại của bạn.
“Nó dựa vào phản ứng của bạn trước nghịch cảnh, chứ không phải do nghịch cảnh quyết định câu chuyện cuộc đời bạn sẽ phát triển như thế nào”. – Dieter F. Uchtdorf
Quản lý thời gian là một kỹ năng mà hầu hết chúng ta đều phải vật lộn với nó. Chúng ta rất dễ bị phân tâm bởi thế giới quanh mình. Tôi có hai đứa con, một đứa đang theo học ở một trường vùng xa nên nó ở nhà cả ngày. Hai chú chó cứ sủa và kêu liên tục vì tôi làm việc ở nhà vì chúng muốn tôi chú ý tới chúng nó.
Công việc nhà không hồi kết luôn cần phải dọn dẹp. Sau đó là thiết bị tiêu khiển có kích thước bằng lòng bàn tay đáng sợ, hay còn gọi là điện thoại. Tuần này, bộ phim Học viện Umbrella đã “réo” tên tôi.
Hai công cụ tôi sử dụng để trợ giúp các vấn đề về quản lý thời gian là Kỹ thuật Pomodoro và câu lệnh “nếu/thì”. Ví dụ về điều đó có thể là, “Nếu tôi hoàn thành bài viết này trước bữa trưa, thì tôi có thể xem một tập của Học viện Umbrella trước khi chuyển sang nhiệm vụ tiếp theo của mình.”
“Mất phương hướng mà không phải thiếu thời gian mới là vấn đề, vì chúng ta có tận 24 giờ mỗi ngày.” ― Zig Ziglar
Có lòng tự tin khiến con người trở nên quyết đoán hơn. Những người tự tin cũng có khả năng giao tiếp rõ ràng tốt hơn vì họ biết giá trị của mình và tin rằng họ giỏi ở một lĩnh vực nào đó. Bạn có thể xây dựng sự tự tin của mình bằng cách sử dụng những lời khẳng định tích cực và duy trì một không gian lành mạnh.
Ngoài ra, đừng ngại ghi nhận thành tích của mình. Bạn đã làm việc chăm chỉ để đạt được như hiện tại, việc sở hữu thành công không phải là một điều xấu.
Việc tự tin nói về một chủ đề mà bạn am hiểu, ngẩng cao đầu và tỏ ra tự tin cũng sẽ giúp cải thiện kỹ năng này.
“Sự tự tin của chúng ta tới đâu thì năng lực của chúng ta tới đó.” ― William Hazlitt
Trong khi chúng ta thường nghĩ giao tiếp là của cả hai bên thì tôi lại lại đặt nó vào nhóm kỹ năng bản thân bởi vì nghệ thuật giao tiếp bắt đầu từ chính chúng ta. Chúng ta phải học cách quyết đoán với nhu cầu của mình.
Học cách thể hiện bản thân bằng cách xưng hô (mang tính xây dựng) khi ai đó làm sai là một kỹ năng quan trọng. Mọi người sẽ không thể sửa chữa những gì mà họ không biết. Hãy sử dụng “Tôi” thay vì nói “Bạn” như là một cách để làm điều này trở nên thoải mái hơn.
Vì có rất nhiều cuộc giao tiếp công sở qua email, cho nên hãy cải thiện cách thức viết của bạn cũng như là một cách khác để củng cố kỹ năng giao tiếp nhé.
“Giao tiếp hiệu quả bao gồm 20% thứ bạn biết và 80% thuộc về cách mà bạn cảm nhận nó.” ― Jim Rohn
Các kỹ năng then chốt liên quan đến người khác
Kỹ năng lắng nghe là một phần còn lại của con đường giao tiếp. Có một số phương pháp về cách lắng nghe mọi người.
Lắng nghe chủ động liên quan tới ngôn ngữ cơ thể, chẳng hạn như nhìn thẳng vào ai đó khi họ đang nói, cho họ những dấu hiệu thị giác như gật đầu hoặc ghi chú và không sử dụng bất kỳ thiết bị nào gây mất tập trung.
Các bước lắng nghe chủ động là:
1. Lắng nghe
2. Xác nhận
3. Làm rõ
4. Trả lời
Sau đó bạn lặp lại bước đầu tiên, thảo luận về các lựa chọn hoặc đặt câu hỏi.
Một kỹ thuật lắng nghe khác được gọi là lắng nghe phản xạ. Điều này tập trung vào cách bạn diễn đạt lại những gì ai đó đang nói với bạn. Nó sẽ rất hữu ích khi trả lời với câu: “Vậy thì, những gì tôi nghe bạn nói là…” Điều này cho người đó biết là bạn có chú ý tới họ, và cũng cho bạn cơ hội bảo đảm rằng bạn đang thực sự lắng nghe những gì họ truyền tải.
Lắng nghe thấu cảm đưa những kỹ thuật đó đi xa hơn một chút và giúp người nghe hiểu được cảm xúc của người nói ngay cả khi họ không sử dụng từ ngữ để truyền đạt điều đó một cách rõ ràng. Hãy gạt cảm xúc của bạn sang một bên để lắng nghe một cách thấu cảm. Kỹ thuật này chỉ hiệu quả khi bạn thấy được điều gì đó từ quan điểm của người nói.
“Hầu hết mọi người không lắng nghe với mục đích hiểu mà là trả lời.”- Stephen R. Covey
Thấu cảm là gì? Nhiều người bị nhầm lẫn giữ thấu cảm và đồng cảm. Thấu cảm liên quan đến việc cảm thấy điều gì đó như thể bạn là người đó. Thông cảm là “cảm” được điều gì đó với người khác, chẳng hạn như thương xót.
Neel Burton M.D. minh họa sự đồng cảm bằng cách nói, “Với tôi, để có thể chia sẻ bằng góc nhìn của người khác, tôi phải làm nhiều hơn là việc chỉ đặt mình vào vị trí của anh ấy. Thay vào đó, tôi phải tưởng tượng mình là anh ấy, và hơn thế nữa, tưởng tượng mình là anh ấy trong một hoàn cảnh cụ thể mà anh ấy thấy được bản thân mình. Tôi không thể nào đồng cảm với một cảm giác trừu tượng hoặc cảm giác tách rời được.”
Có những cách mà bạn có thể trở nên thấu cảm hơn, chẳng hạn như gặp gỡ những người mới với những trải nghiệm khác xa trải nghiệm của bạn (như tình nguyện tại một nơi tạm trú dành cho người vô gia cư và lắng nghe những người ở đó).
Hãy thử tham gia vào các hoạt động với những người mà bạn quan tâm và bước vào cuộc sống họ. Ví dụ, nếu bạn là người theo đạo Thiên Chúa và có một người bạn theo một đạo khác, hãy đến nhà thờ của họ với họ. Tìm hiểu điều gì tạo nên con người của họ.
Học cách thấu cảm sẽ giúp bạn tiến bộ như một người có sự hiểu biết sâu sắc về người khác.
“Hình thức cao nhất của tri thức là thấu cảm.” — Bill Ballard
Kiên nhẫn là một kỹ năng quan trọng sẽ giúp bạn tiến bộ hơn nữa trong việc đạt được mục tiêu của mình vì chính mục tiêu đó. Khi bạn tăng mức độ kiên nhẫn của mình, bạn sẽ giỏi hơn trong việc chờ đợi thời cơ thích hợp. Bạn có nhớ những suy nghĩ của tôi về tiến bộ và không lùi bước không?
Nhiều khi chúng ta không hài lòng với hiện tại và thiếu kiên nhẫn, vì vậy chúng ta cứ chớp lấy cơ hội đầu tiên dù biết nó không tốt. Phát triển tính kiên nhẫn cũng cải thiện mối tương tác của chúng ta với những người khác vì chúng ta có thể ít phản ứng hơn và suy nghĩ nhiều hơn.
“Học tính kiên nhẫn có thể là một trải nghiệm khó khăn, nhưng khi đã chinh phục được thì bạn sẽ thấy cuộc sống dễ dàng hơn”. – Catherine Pulsifer
Mỗi kỹ năng này sẽ giúp bạn trở thành một nhà lãnh đạo tốt hơn. Ý tôi không nhất thiết phải là một chức danh quản lý hay nhà lãnh đạo con đường sự nghiệp, mà là một người luôn thúc đẩy, truyền cảm hứng và hướng dẫn những người khác một cách tự nhiên. Những đặc điểm đó cũng diễn ra để tạo nên những nhà lãnh đạo chuyên nghiệp nhất.
Làm thế nào bạn có thể thực hiện những kỹ năng này và nâng tầm sách lược lãnh đạo của mình? Tập trung vào năng lực lãnh đạo như giải quyết một vấn đề. Tập tư duy ngoài giới hạn và tìm kiếm các giải pháp sáng tạo.
Hãy thoải mái khi giao nhiệm vụ. Cải thiện các mối quan hệ bạn có tại nơi làm việc và sử dụng tất cả các kỹ năng bản thân khác để trở thành phiên bản tốt nhất của chính bạn nhé.
“Một lãnh đạo thực thụ có tự tin để đứng một mình, can đảm để đưa ra những quyết định khó khăn và có lòng trắc ẩn để lắng nghe nhu cầu của người khác. Người ấy không đặt mục tiêu làm lãnh đạo mà là trở thành một nhà lãnh đạo bởi sự bình đẳng trong hành động và tính trung thực trong ý định của người ấy.” — Douglas MacArthur
Đừng để bị cuốn vào một mục tiêu hoặc sự thăng tiến đơn lẻ vì mỗi kỹ năng then chốt này sẽ mở ra những khả năng mới cho cuộc sống của bạn. Sự tiến bộ tốt nhất là qua học hỏi và phát triển.
Bạn nghĩ mình có thể trở thành ai nếu đầu tư thời gian vào từng kỹ năng then chốt này? Có phải phiên bản tốt nhất của bạn đang bị chôn vùi trong hành trình tìm kiếm thành tích không? Hãy hít một hơi và cùng tìm hiểu nào!
———————————————————————–
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!
• Bài viết gốc: https://media.ivolunteervietnam.com/why-mastering-key-skills-is-essential-to-your-progress.html
• Người dịch: Sơn Thảo Quyên
• Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Sơn Thảo Quyên – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/8570
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 27