Khi viết sơ yếu lý lịch xin việc, có thể bạn đã từng tự hỏi chuyện gì sẽ xảy ra nếu như mình nói dối một số điều trong hồ sơ. Hậu quả của việc thiếu trung thực trong loại văn bản như hồ sơ thường tùy thuộc vào việc bạn nói dối ở nội dung nào. Mặc dù bạn nên luôn nói sự thật, nhưng việc thiếu trung thực không phải là không có.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu xem điều gì xảy ra nếu bạn nói dối trên hồ sơ của mình, lời nói dối nào sẽ dễ bị phát hiện và cần làm gì khi bạn đã nộp bản hồ sơ có nội dung sai sự thật trong đó.
🔥 Lời nói dối trong hồ sơ là gì?
Có nhiều kiểu gian dối khác nhau, nhưng chúng có thể được chia thành 2 loại: nói dối toàn bộ (lies of commission) và nói dối một phần (lies of omission). Lời nói dối toàn bộ là những thông tin sai lệch ví dụ như nói dối về trường đại học bạn từng theo học. Nói dối một phần thì phổ biến hơn nói dối toàn bộ và nó có nghĩa là không nói ra tất cả sự thật, chẳng hạn như nêu rằng bạn đã tốt nghiệp đại học khi theo học nhưng thật ra bạn chưa từng nhận được bằng tốt nghiệp. Thống kê cho biết có tới 40% ứng viên khai gian trên hồ sơ của họ, và cứ có bốn nhà tuyển dụng thì có ba người phát hiện ra lời nói dối trên hồ sơ của ai đó.
Phần hay bị khai gian nhất trên hồ sơ bao gồm học vấn, thời gian làm việc và mức lương trước đây. Những nội dung hay bị khai gian khác bao gồm:
- Phóng đại các con số, ví dụ như tăng doanh thu lên 50%
- Tiêu đề phóng đại
- Thiếu trung thực về khả năng kỹ thuật
- Tự nhận là mình có khả năng ngôn ngữ trôi chảy
- Khai địa chỉ giả
Các phòng nhân sự và nhà tuyển dụng thường kiểm tra nói dối trong các hồ sơ nhưng lại hiếm khi nói với ứng viên nếu họ phát hiện, vì đơn giản là họ sẽ không thuê một người nói dối. Việc thiếu trung thực cũng sẽ khiến bạn bị gắn mác là “không được tuyển”. Nếu bạn được tuyển và bị phát hiện, hậu quả có thể sẽ rất kinh khủng, lấy đi của bạn công việc và danh tiếng và có thể dẫn đến các hành động pháp lý.
Tùy thuộc vào nội dung mà bạn khai gian và vị trí công việc của bạn, nó có thể ảnh hưởng đến những người khác, chẳng hạn như một cựu quan chức chính phủ đã nói dối về kinh nghiệm của mình trong việc cứu trợ thiên tai và đã phạm sai lầm trong ứng phó với cơn bão Katrina.
Phòng nhân sự và nhà tuyển dụng thường xuyên kiểm tra kỹ các thông tin về thời gian tuyển dụng và liệu nhân viên đó có bị sa thải hoặc cho thôi việc hay không. Họ có thể sẽ hoặc không kiểm tra nhiệm vụ và vị trí công việc. Những nội dung còn lại trong sơ yếu lý lịch thường sẽ bị bỏ qua trừ khi có vấn đề phát sinh trong quá trình tuyển dụng, hoặc khi ứng viên đã được nhận nhưng lại không đáp ứng được kỳ vọng.
🔥 Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn khai gian trên hồ sơ của mình
Những lời nói dối thường có xu hướng tăng lên. Nếu bạn nói dối trên sơ yếu lý lịch, bạn sẽ phải nói dối mỗi khi ai đó hỏi bạn về hồ sơ của mình và sai lầm cứ lặp đi lặp lại. Điều này có thể trở nên rắc rối và bạn có thể bị phát hiện bất cứ lúc nào. Đây là những viễn cảnh bạn có thể sẽ phải đối mặt:
- Không có khả năng làm những gì mình tự nhận
Nếu bạn tự nhận bạn nói trôi chảy tiếng Ả Rập nhưng đến một chữ bẻ đôi bạn cũng không biết, bạn sẽ bị phát hiện khi có ai đó cố giao tiếp với bạn bằng tiếng Ả Rập.
- Nếu đồng nghiệp cũ gặp đồng nghiệp mới của bạn
Nếu bạn nói dối rằng mình từng làm quản lý tầng tại một cửa hàng quần áo trong khi thực ra bạn là nhân viên thu ngân không có quyền hạn, bất kỳ ai từng làm việc với bạn tại đó đều có thể vạch trần bạn.
- Nếu nhà tuyển dụng muốn xác minh lời nói của bạn
Nếu một nhân viên mới không đạt tiêu chuẩn, các nhà tuyển dụng thường sẽ tìm hiểu thêm về nền tảng của nhân viên. Điều này có nghĩa là nếu chất lượng công việc của bạn giảm sút, cấp trên của bạn có thể sẽ kiểm tra lại nền tảng của bạn một lần nữa.
Một khi nhân viên bị phát hiện nói dối trên sơ yếu lý lịch, hậu quả có thể rất tồi tệ, ví dụ như:
- Mất việc làm
Việc gian dối trên hồ sơ làm tổn hại lòng tin và bị xem là một khuyết điểm lớn trong tính cách, ngay cả khi đó chỉ là một lời nói dối nhỏ, chẳng hạn như tự nhận là mình có bằng từ Harvard trong khi thực ra bạn đã bỏ học một kì trước khi tốt nghiệp.
- Tổn hại đến danh tiếng của bạn
Ít nhất, bạn cũng không thể đưa mối quan hệ trong công việc mà bạn nói dối vào mục reference (người liên hệ). Trong thời đại kỹ thuật số này, khi bạn có thể dễ dàng bị phát hiện, cũng rất đơn giản để các nhà tuyển dụng chia sẻ thông tin với nhau. Tin tức về việc bạn không phải là một nhân viên đáng tin cậy sẽ lan truyền giữa các nhà tuyển dụng, đặc biệt là nếu bạn đang ở trong một lĩnh vực nhỏ, có những mối liên hệ chặt chẽ như lĩnh vực báo chí.
- Các hành động pháp lý có thể xảy ra
Bạn sẽ không có quyền yêu cầu sự trợ giúp từ người chủ cũ nếu họ quyết định sa thải bạn vì lời nói dối của mình. Điều này thậm chí có thể đúng nếu như hành động của họ là bất hợp pháp trong cái gọi là “lý thuyết cái có sau” (after-acquired theory). Điều đó có nghĩa là nếu việc tuyển dụng đó là gian dối, các hành vi trái đạo đức hoặc bất hợp pháp sẽ không bị truy cứu về mặt pháp lý.
🔥 Nên làm gì khi bạn đã nhỡ nộp một bản hồ sơ có lời khai không đúng sự thật
Nếu bạn đã nói dối trên hồ sơ của mình và vẫn chưa bị phát hiện, có một số cách sau đây:
- Điều tốt nhất bạn có thể làm đó là khiến cho lời nói dối trở thành sự thật
Hoàn thành tấm bằng nếu như bạn đã tự nhận. Học cách lập trình nếu bạn đã nêu rằng bạn có thể lập trình. Học thứ tiếng mà bạn tự nhận là mình có thể nói trôi chảy. Hãy làm những gì bạn có thể để đạt được những kỳ vọng của nhà tuyển dụng về bạn.
- Sửa lại hồ sơ của mình và nói với nhà tuyển dụng rằng bạn phát hiện ra một số sai sót và bây giờ bạn sẽ nộp một bản chỉnh sửa
Điều này chỉ có tác dụng đối với những lời khai thiếu trung thực mà nhiều người thực sự dễ gặp sai lầm, chẳng hạn như thời gian làm việc chính xác, tổng mức thù lao và vị trí công việc. Nếu bạn làm điều này, hãy nói rằng bạn muốn khiến bản sơ yếu lý lịch trở nên “chính xác hơn”.
- Nói ra sự thật với nhà tuyển dụng
Bằng cách này bạn sẽ không phải lo lắng về việc bị phát hiện, nhưng nó có thể khiến bạn không được tuyển hoặc làm bạn mất việc.
- Từ bỏ hồ sơ của bạn
Đây là một lựa chọn an toàn vì bạn không phải giải thích vì sao bạn rút lui. Điều này chỉ có tác dụng nếu như bạn vẫn chưa được tuyển
——————————————————
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích
Bài viết gốc: https://www.indeed.com/career-advice/resumes-cover-letters/what-happens-if-you-lie-on-your-resume
Người dịch: Lê Minh Khuê
Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Lê Minh Khuê – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/8404
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 28