Nếu bạn đang ứng tuyển vào một vị trí sau một thời gian dài, bạn có thể cần phải bổ sung các thông tin phù hợp hơn vào CV của mình. Bạn có thể cập nhật CV của mình với các kỹ năng và bằng cấp bạn đã tích lũy được từ công việc trước đó. Khi cập nhật CV, hãy cố gắng đưa các thông tin có liên quan đến công việc bạn đang ứng tuyển.
💥Cập nhật CV là điều cần thiết
Khi bạn đang tìm kiếm một công việc mới, biết cách cập nhật CV có thể giúp bạn cung cấp thông tin phù hợp hơn với các kỹ năng và trình độ được liệt kê trong tin tuyển dụng. Cập nhật CV có thể giúp bạn thể hiện trình độ và kỹ năng của mình để các nhà tuyển dụng thấy rằng bạn có các yếu tố cần thiết để thành công khi về công ty của họ.
Khi bạn đạt được các kỹ năng và kinh nghiệm mới, CV của bạn nên được bổ sung những điều này. Thêm vào danh sách các kỹ năng bạn đã đạt được từ công việc trước đây có thể giúp bạn đủ điều kiện cho các vị trí cao hơn. Bạn cũng có thể cập nhật CV để mô tả các mục tiêu nghề nghiệp mới và thể hiện kinh nghiệm của bạn để giúp nhà tuyển dụng hiểu rõ hơn về mức độ phù hợp của bạn trong công ty của họ.
💥11 cách để cập nhật CV của bạn
Bạn nên cập nhật CV của mình để phù hợp với các kỹ năng và trình độ mới đạt được từ công việc trước đây. Đảm bảo rằng tất cả thông tin bạn thêm vào đều có liên quan đến vị trí bạn đang ứng tuyển. Dưới đây là những cách bạn có thể cập nhật CV của mình để thu hút nhà tuyển dụng.
- Liệt kê thông tin liên hệ hiện tại của bạn
- Viết một bản tóm tắt mới
- Đọc kỹ tin tuyển dụng để bổ sung các kỹ năng và từ khóa mới
- Chỉ thêm các kinh nghiệm làm việc có liên quan đến vị trí bạn đang ứng tuyển
- Thêm các kỹ năng mới mà bạn tích lũy được
- Cập nhật trình độ học vấn gần đây nhất của bạn
- Liệt kê các chứng nhận mới mà bạn nhận được
- Giới thiệu các tổ chức mới mà bạn tham gia
- Thay đổi định dạng thành phiên bản mới hơn
- Lưu CV của bạn cẩn thận
- Kiểm tra lại CV của bạn
1. Liệt kê thông tin liên hệ hiện tại của bạn
Xem lại thông tin liên hệ trong CV của bạn và đảm bảo rằng số điện thoại và địa chỉ email của bạn được cập nhật. Nếu CV của bạn đã cũ, nó có thể chứa một lượng lớn các thông tin như địa chỉ thực của bạn, tình trạng mối quan hệ và ảnh chụp chân dung.
Một số nhà tuyển dụng có thể yêu cầu nhân viên đưa những yếu tố này vào CV của họ vài năm trước. Nhiều nhà tuyển dụng đã cập nhật các yêu cầu, hiện nay chỉ bao gồm số điện thoại và địa chỉ email trong phần này. Bạn cũng có thể thêm link portfolio của mình trong phần này, nếu có.
2. Viết một bản tóm tắt mới
Vì bạn đang tìm kiếm một công việc mới, có khả năng mục tiêu nghề nghiệp và tham vọng của bạn đã thay đổi kể từ lần cuối cùng bạn viết CV. Bạn có thể viết một bản tóm tắt mới trình bày chi tiết các kinh nghiệm và kỹ năng bạn tích lũy được từ các công việc trước đây và những mục tiêu sự nghiệp mới mà bạn dự định trong tương lai.
Ví dụ: Nếu bạn đang theo đuổi vị trí quản lý, bạn có thể mô tả trong phần tóm tắt rằng bạn đang tìm kiếm một vị trí cấp cao. Các nhà tuyển dụng thường đọc bản tóm tắt để quyết định xem họ có nên tiếp tục đọc CV của bạn hay không. Liệt kê các kỹ năng, kinh nghiệm và mục tiêu nghề nghiệp được cập nhật để giúp họ biết bạn đang tìm kiếm gì và kỹ năng của bạn áp dụng như thế nào cho vị trí đang cần.
3. Đọc kỹ tin tuyển dụng để bổ sung các kỹ năng và từ khóa mới
Một cách tuyệt vời để cập nhật CV của bạn là đọc kỹ tin tuyển dụng cho vai trò mà bạn quan tâm và sử dụng các từ khóa tương tự. Khi nhà tuyển dụng xem CV của bạn, họ tìm kiếm những từ phù hợp với các kỹ năng và trình độ ưu tiên được nêu trong tin tuyển dụng. Sử dụng các từ khóa này giúp thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng và tăng cơ hội được liên hệ phỏng vấn để tìm hiểu thêm về các kỹ năng bạn đã liệt kê.
4. Chỉ thêm các kinh nghiệm làm việc có liên quan đến vị trí bạn đang ứng tuyển
Vì bạn đã có nhiều kinh nghiệm hơn từ công việc gần đây, một số công việc trong quá khứ của bạn có thể ít liên quan đến vị trí mà bạn đang ứng tuyển. Xem lại các nhiệm vụ và trách nhiệm được liệt kê trong phần kinh nghiệm làm việc để xác định xem chúng nét tương đồng với các công việc được nêu trong tin tuyển dụng hay không. Nếu chúng có rất ít điểm tương đồng hoặc những trách nhiệm này mang lại ít giá trị cho vị trí bạn đang ứng tuyển, bạn có thể xóa công việc này khỏi CV của mình.
Bạn cũng có thể xóa các kinh nghiệm thực tập hoặc học việc nếu bạn cần thêm không gian. Nếu kinh nghiệm này vẫn còn phù hợp hoặc bạn cần thêm kinh nghiệm làm việc để nêu trong CV, bạn có thể thêm thông tin về thời gian thực tập hoặc học việc của mình. Nếu các kinh nghiệm được liệt kê bằng đoạn văn, bạn có thể thay đổi chúng thành các gạch đầu dòng để giúp nhà tuyển dụng đọc nhanh hơn. Gạch đầu dòng cũng giúp CV của bạn trông bắt mắt hơn đối với người đọc.
5. Thêm các kỹ năng mới mà bạn tích lũy được
Thêm các kỹ năng bạn đã tích lũy được kể từ lần cuối cập nhật CV của mình. Cố gắng bổ sung các kỹ năng liên quan đến vị trí bạn đang ứng tuyển và liệt kê các kỹ năng bạn có phù hợp với những gì được đề cập trong tin tuyển dụng. Ví dụ: Nếu bạn đang ứng tuyển vào vị trí thiết kế đồ họa, hãy liệt kê tất cả các kỹ năng chuyên môn như thông thạo Adobe Creative Suite.
Bạn cũng có thể xóa các kỹ năng không còn phù hợp với vị trí đang ứng tuyển hoặc các kỹ năng cơ bản có thể không còn gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Ví dụ: Kỹ năng đánh máy từng là độc nhất và ấn tượng để đưa vào CV nhưng hiện nay ít phù hợp hơn vì nhiều nhân viên, đặc biệt là nhân viên công sở, đều sử dụng máy tính để hoàn thành công việc hàng ngày.
6. Cập nhật trình độ học vấn gần đây nhất của bạn
Nếu bạn đã hoàn thành các chương trình học bổ sung kể từ khi cập nhật CV lần cuối, bạn có thể liệt kê điều này trong phần tương ứng. Hãy bao gồm cơ sở đào tạo, tên và năm mà bạn được cấp bằng. Bạn nên liệt kê trình độ học vấn của mình theo trình tự thời gian, bắt đầu từ bằng cấp gần đây nhất của bạn.
Nếu bạn có đề cập bằng tốt nghiệp trung học trong phần này, bạn có thể xóa đi trừ khi nhà tuyển dụng yêu cầu. Các nhà tuyển dụng thường quan tâm hơn đến các bằng cấp hoặc chứng chỉ tích lũy được từ các trường đại học hoặc trường nghề.
7. Liệt kê các chứng nhận mới mà bạn nhận được
Nếu bạn đã được các khóa đào tạo hoặc khóa học trao chứng nhận, bạn có thể đưa thông tin này vào CV của mình. Các nhà tuyển dụng thường ấn tượng với các chứng chỉ vì điều này chứng tỏ nỗ lực của bạn trong việc nâng cao kỹ năng và kiến thức chuyên ngành. Liệt kê tên của chứng chỉ và ngày bạn nhận được chứng chỉ đó ở phần “Giấy chứng nhận” trong CV.
8. Giới thiệu các tổ chức mới mà bạn tham gia
Nếu bạn còn chỗ trống trong CV của mình, bạn có thể thêm các tổ chức có liên quan đến công việc đang ứng tuyển. Ví dụ: Nếu bạn đang ứng tuyển vào một vị trí tiếp thị và bạn là một thành viên tích cực của Hiệp hội Tiếp thị Hoa Kỳ, bạn có thể liệt kê điều này trong CV của mình. Điều này giúp các nhà tuyển dụng biết rằng bạn đang tận tâm để xây dựng mối quan hệ trong ngành. Liệt kê tên của hiệp hội và tình trạng thành viên của bạn thành một phần riêng trong CV.
9. Thay đổi định dạng thành phiên bản mới hơn
Tùy thuộc vào khoảng thời gian bạn thiết kế CV, phiên bản cũ có thể không còn sử dụng định dạng thích hợp mà nhiều nhà tuyển dụng ưa thích. Bạn có thể sử dụng một thiết kế khác để đổi mới phong cách và thêm phần độc đáo để có thể nổi bật với nhà tuyển dụng. Nếu bạn chọn một kiểu mới, hãy cố gắng đảm bảo rằng phông chữ của bạn vẫn nhất quán và chỉ sử dụng ít hơn ba kiểu phông chữ để giữ cho CV của bạn trông rõ ràng.
Đảm bảo lề của bạn là 1 inch ở tất cả các phía để làm cho CV gọn gàng và giúp nhà tuyển dụng dễ dàng nắm thông tin. Cố gắng giữ độ dài CV là một trang. Bạn có thể sử dụng hai trang nếu bạn có thông tin quan trọng và có liên quan cần được đưa vào. Sau khi điền tất cả nội dung của mình, bạn nên in và xem kỹ tài liệu của mình để xác định xem có đủ khoảng trắng trong CV hay không. Những khoảng trắng phù hợp giúp tài liệu được định dạng gọn gàng và không bị lộn xộn.
10. Lưu CV của bạn cẩn thận
Lần đầu tiên thiết kế CV, bạn có thể đã nộp bằng cách in ra và đưa cho nhà tuyển dụng. Mặc dù bạn vẫn có thể có tùy chọn cung cấp CV của mình cho nhà tuyển dụng ngay trong buổi phỏng vấn, nhưng hầu hết CV thường được nộp cho nhà tuyển dụng qua mạng. Khi lưu CV, hãy đặt tên tệp giúp nhà tuyển dụng dễ hiểu và dễ tìm trong tương lai.
Cách tốt nhất để nộp CV của bạn là đặt tên theo cú pháp, “Họ và Tên – CV”. Điều này mô tả rõ ràng tài liệu là gì và ai đã gửi tài liệu đó.
11. Kiểm tra lại CV của bạn
Khi đã bổ sung tất cả các thông tin mới của mình vào CV, bạn nên kiểm tra kỹ lại để tránh các vấn đề về ngữ pháp hoặc chính tả. Bạn cũng nên đảm bảo rằng tất cả thông tin của bạn rõ ràng và phù hợp với vị trí bạn đang ứng tuyển. Gửi nó cho bạn bè, đồng nghiệp hoặc người giám sát trước đây là một cách tuyệt vời để đảm bảo CV của bạn rõ ràng và dễ hiểu đối với người đọc.
____________________________________
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!
- Theo: indeed
- Người dịch: Bùi Hoàng Thảo Vy
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là: “Người dịch: Bùi Hoàng Thảo Vy – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/8640
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 32