Thật dễ dàng để nhận ra mối quan hệ lạm dụng khi nhìn lại cuộc đời của một ai đó – nhưng trớ trêu thay, nó gần như là bất khả thi nếu điều đó xảy ra với chính người mà bạn đang yêu.
Lạm dụng có thể biểu hiện trong nhiều hành vi và tình huống; và nó không chỉ xảy ra với một cái tát bất ngờ.
Nếu bạn đang bị lạm dụng thể chất như vậy, vui lòng DỪNG đọc bài viết này để đi tìm kiếm sự giúp đỡ. Nhưng nếu bạn không chắc mình đang ở trong một mối quan hệ bạo hành bằng cảm xúc hay lời nói, hãy đọc tiếp.
1. Bạn liên tục hỏi, “điều này có khiến họ tức giận không?”
Đúng là chúng ta nên xem xét đến người bạn đời của mình trong mọi việc chúng ta làm (liệu còn có những cách nào khác để bạn tạo dựng được một cuộc sống với ai đó?). Nhưng xem xét ở đây không có nghĩa là chúng ta phải thận trọng về tất cả các khả năng mà một hành động duy nhất dù nhỏ cũng có thể khiến họ bực mình.
Một người bạn đời phù hợp sẽ tôn trọng người mà họ yêu, nhưng làm điều gì đó vì tình yêu không giống như việc làm điều gì đó vì sợ hãi.
2. Bạn tự nhủ “chỉ cần mình cố gắng nhiều hơn nữa”
Chắc chắn rằng các mối quan hệ đều cần sự cố gắng, nhưng cố gắng ấy phải xuất phát từ CẢ HAI phía. Chúng là sự đi đến với nhau bằng tình yêu và thấu hiểu, và điều đó không xảy ra bằng cách gán cho một ai đó là “sai” hoặc “tồi tệ”. Nó chỉ đến khi con người ta hiểu nhau và tìm kiếm một giải pháp mang lại sự bình tâm cho cả hai.
Không ai phải làm việc chăm chỉ hơn người kia. Cần tới cả hai người để xây dựng mối quan hệ và cũng chính hai người đó để duy trì nó.
3. Bạn không còn thời gian dành cho bạn bè và gia đình
Có thể nửa kia của bạn không muốn bạn gần gũi gia đình mình. Bạn tránh để những người thân yêu phải cảm thấy xấu hổ thay cho thái độ của người ấy hoặc vì sợ bạn bè và gia đình sẽ lo lắng rồi lại tặng bạn một tràng những lời khuyên.
Sau đó, một lần nữa, bạn có lẽ sẽ cảm thấy không muốn làm bất cứ điều gì trong những ngày này. Bất kể lý do là gì, tất cả những điều trên đều là dấu hiệu cho thấy có điều gì đó không ổn.
4. Trong một mối quan hệ lạm dụng, bạn liên tục bị soi mói
Khi còn ở với người yêu cũ, tôi từng tham gia các lớp học buổi tối. Anh ấy biết tôi ra khỏi lớp lúc mấy giờ và nếu tôi không đạp xe về nhà trong vòng 25 phút sau khi buổi học kết thúc, thì kiểu gì cũng sẽ có hàng tá lời la hét đang chờ tôi ở nhà. Tôi ghét chiếc điện thoại di động của chính mình vì tôi phải trả lời mọi cuộc gọi và tin nhắn – ngay lập tức.
Nếu tôi bỏ lỡ quá một vài phút, anh ấy sẽ trút lên tôi những lời buộc tội và hạ thấp danh dự mà không một lời xin lỗi hay giải thích nào có thể cản lại được. Kiểu đổ lỗi này chắc chắn là dấu hiệu của một mối quan hệ lạm dụng.
5. Bạn đột nhiên có những thói quen mới
Bạn có tăng cân vì phải ăn để giảm bớt căng thẳng? Căn bếp của bạn có chứa đầy rượu để bạn có thể uống cho đến khi quên sầu? Bạn có đấu tranh để chống lại ý muốn đánh hoặc hét vào mặt người yêu mình trong khi bạn chưa bao giờ làm như vậy trước đây không?
Những thói quen như thế này là một sự cảnh báo rõ ràng, nhưng ngay cả những thói quen “lành mạnh” cũng có thể ẩn chứa những rắc rối. Chạy bộ để giải tỏa đầu óc là một giải pháp tốt cho sức khỏe, và tham khảo những lời khuyên về vấn đề duy trì mối quan hệ luôn là một sự lựa chọn thông minh.
Nhưng nếu bạn bị ám ảnh bởi việc phải thực hiện chúng, đó có thể là một cơ chế đối phó cho phép bạn chịu đựng những hành vi và tình huống mà đáng lẽ bạn không nên phải trải qua.
6. Nửa kia của bạn sẽ hành động phi lý trí trong một mối quan hệ lạm dụng
Cho dù họ có thừa nhận điều đó hay không, thì những người bạn đời lạm dụng luôn mang trong mình nỗi sợ hãi và bất an. Chính vì điều này, họ sẽ cư xử một cách không hợp lý ngay cả khi những tội lỗi họ không tăng lên.
Một ngày nọ, khi vẫn còn ở chung với người yêu cũ, tôi dừng chân ghé vào Co-op để mua một ít ớt poblano và phô mai cho món chile relleno. Nó chỉ thay đổi thời gian về nhà dự kiến của tôi mười phút, nhưng người yêu cũ của tôi đã rất tức giận khi tôi bước vào. Lý do của anh ấy? Đó là lần thứ hai tôi đến đó trong vòng một tuần, vì vậy tôi rõ ràng phải có động cơ bí mật nào đó.
Trong lúc bám theo tôi đi quanh nhà, tiếng la hét của anh ta chuyển dần sang buộc tội mấy miếng phô mai như là cái cớ để tôi gặp một người nào đó tên Andy. Tôi hoàn toàn chết lặng vì không thể nhớ ra bất kỳ ai tôi quen mà có cái tên đó.
Khi đang loay hoay trong đầu để tìm ra một sự kết nối hợp lý nào đó ở đây, tôi nhận thấy tờ giấy hóa đơn của Co-op đang vẫy vẫy trên tay anh ta. Ở góc trên cùng bên phải có dòng chữ “Nhân viên thu ngân: Andy.”
7. Bạn không bao giờ có thể biện minh cho mình
Có vẻ như nửa kia của bạn luôn làm đúng trong khi mọi thứ bạn làm đều sai. Đôi khi bạn chắc chắn rằng mình có lý do chính đáng để làm điều gì đó nhưng đối tác của bạn lại cho rằng bạn đã sai. Tuy nhiên, khi bạn giải thích cho hành động của mình thì họ cắt ngang hoặc nói rằng bạn đang bao biện.
Tại sao? Đó là bởi vì họ bị mắc kẹt trong suy nghĩ rằng họ biết điều gì đang thực sự diễn ra. Họ tin rằng họ đúng và họ sẽ không xem xét điều ngược lại. Đây là rõ ràng là một chiếc đèn neon nhấp nháy “bạn đang có một mối quan hệ lạm dụng.”
8. Họ đe dọa và phá tan mọi thứ bạn có
Đây không phải là hành vi bình thường và nó không bao giờ có thể được bào chữa. Không ai có lý do gì để đi phá vỡ (hoặc đe dọa phá vỡ) những thứ thuộc về nửa kia của mình. Những biểu hiện tức giận như thế này có thể được xếp vào tội ngược đãi vì đây là một cách bạo lực để một người khẳng định quyền kiểm soát thông qua vũ lực và đe dọa.
Nếu người yêu bạn cảm thấy có lý khi phá vỡ mọi thứ của bạn – hoặc thậm chí đang cân nhắc suy nghĩ ấy – sẽ đến ngày họ có thể hợp lý hóa việc phá vỡ bạn.
9. Bạn sợ làm những việc thường ngày
Sự cố tôi gặp phải với người yêu cũ khi đi mua sắm khiến tôi sợ đến cửa hàng. Nếu tôi lui tới đó “quá nhiều”, anh ấy chắc chắn sẽ nghĩ rằng tôi đang lừa dối hoặc sử dụng cửa hàng như một lá chắn để che đậy sự thật.
Vì vậy, bất kỳ hoạt động mua sắm “bất thường” nào cũng đều phải được thực hiện một cách bí mật với những món đồ được giấu trong ba lô đi học của tôi. Anh ấy thường xuyên để mắt đến thời gian khiến tôi phải tức tốc chạy xe từ trường về nhà để tránh một đêm gào thét buộc tội nữa.
10. Bạn nghi ngờ sự tỉnh táo của mình
Sau cùng thì bạn cũng có đủ can đảm để lên tiếng về điều gì đó, hy vọng rằng hai người cuối cùng rồi cũng sẽ hiểu nhau. Nhưng khi bạn nói về những gì đã xảy ra, người ấy lại nói rằng bạn đã sai vì nó đã xảy ra theo cách khác.
Đôi khi họ nhìn thẳng vào bạn và nói rằng điều đó thậm chí chưa bao giờ xảy ra. Bạn thề rằng đã nhìn thấy những điều này bằng cả hai mắt, nên giờ bạn tự hỏi liệu mình có đang nhầm lẫn giữa thực tại với giấc mơ hay đang mắc phải một thành kiến ích kỷ nào đó. Quan điểm của chúng ta chắc chắn là có thể làm sai lệch ý niệm của chúng ta về thực tế, nhưng đây là dấu hiệu của sự phủ nhận ngang ngược.
Khi ai đó không sẵn sàng hạ thấp cái tôi của mình, họ sẽ khước từ mọi thứ trong nỗ lực tuyệt vọng để “cứu lấy thể diện”. Hành vi lạm dụng này được biết đến với cái tên là “gaslighting” và nó không có chỗ đứng trong bất kỳ mối quan hệ nào, dưới bất kỳ hình thức nào.
11. Không có gì bạn làm là đủ tốt
Bạn thực sự cố gắng hết sức mình, nhưng vẫn không thể nào khiến nửa kia hài lòng gần như mỗi ngày. Bạn đã làm việc rất chăm chỉ để trở thành một người bạn đời tốt hơn, nhưng mọi vấn đề trong mối quan hệ của bạn đều bị đổ lỗi là do những việc bạn đang (hoặc không) làm.
Điều này không đúng. Bạn đời được coi là tình yêu và nguồn động viên thường trực. Tình yêu là sự khích lệ, nâng đỡ, và hy vọng. Đó không phải là chuyện người này vượt lên trên người kia bởi vì nếu một người tụt lại phía sau, toàn bộ mối quan hệ cũng sẽ bị kéo lại theo họ.
Chúng ta phải trở thành những cá nhân mạnh mẽ để tạo ra một mối quan hệ bền chặt, và điều đó có nghĩa là chúng ta phải củng cố tất cả những điểm yếu có thể dẫn đến sự sụp đổ.
Trong một mối quan hệ lạm dụng, đổ lỗi và giận dữ sẽ chỉ ngày càng mai một những điểm yếu này nhiều hơn.
Trong tình yêu, người ta phải luôn biết rằng họ đang được yêu. Một người bạn đời thực sự yêu bạn sẽ không thể đổ lỗi cho bạn về mọi thứ.
Mỗi cặp đôi đều mang theo hành trang của riêng mình khi đến với một mối quan hệ, nhưng tình yêu là tạo nên thứ gì đó lớn lao hơn chính bạn.
Điều đó đòi hỏi công sức của cả hai bên và nỗ lực ấy cần được thực hiện mỗi ngày.
Mối quan hệ của bạn sẽ kéo dài bao lâu là điều không thể biết trước. Bất kể bạn có đủ sức mạnh để phá vỡ những thói quen xấu trong tình yêu hay không. Hãy ưu tiên điều này và bắt đầu NGAY BÂY GIỜ. Bạn có thể cứu vãn mối quan hệ của mình, nhưng không thể tìm thấy hạnh phúc bằng cách tìm một ai đó để hoàn thiện con người bạn.
Hạnh phúc chỉ có thể đến khi bạn tự hoàn thiện chính mình.
***************************
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích
- Bài viết gốc: https://everydaypower.com/signs-abusive-relationship/
- Người dịch: Nguyễn Đoàn Dũng
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là: “Người dịch: Nguyễn Đoàn Dũng – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/8375
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 29