Đặt mục tiêu là một cách tuyệt vời để giữ cho cuộc sống luôn tập trung. Chúng ta đặt ra các mục tiêu cá nhân và nghề nghiệp để giữ bản thân luôn đi đúng hướng và đạt được những cột mốc quan trọng tiếp theo.
Đôi khi ta nhận thấy rằng mình không có động lực để đạt được mục tiêu của mình hoặc chúng có vẻ ngoài tầm với. Lùi lại một chút và tự hỏi bản thân một vài câu hỏi có thể giúp tái tập trung và đưa chúng ta trở lại con đường đúng đắn để đạt được mục tiêu của mình.
✨Các câu hỏi tự vấn giúp tập trung lại mục tiêu của bạn
1. Tự hỏi bản thân bạn muốn cảm thấy như thế nào.
Chu kỳ thiết lập mục tiêu, nếu chúng ta siêng năng, sẽ bao gồm cả việc đạt được chúng. Đối với nhiều người trong chúng ta, đó là cảm giác thành tựu trong phút chốc. Tuy nhiên, sau khi đã kết thúc cuộc đua, thường ta sẽ không cảm thấy thỏa mãn như bản thân mong muốn. Điều này khiến chúng ta có cảm giác xì hơi “bây giờ phải làm gì nữa nhỉ?” Cảm giác sung sướng tột độ mang tên “cuối cùng thì tôi cũng đã làm được” dường như không bao giờ có thể được chạm đến.
Tôi nhớ khi tôi bảo vệ luận án tiến sĩ và hội đồng nói rằng tôi đã đậu. Tôi rất hào hứng khi bắt tay mọi người. Khi bước ra khỏi phòng và bước lên một thang máy đầy người, tôi muốn nói với họ rằng tôi vừa bảo vệ thành công luận án của mình.
Tôi không phải là người hướng ngoại, vì vậy tôi đã không làm vậy, và tôi sớm nhận ra với phần còn lại của thế giới, thành tích cá nhân của tôi không có nhiều ý nghĩa. Tôi vẫn hạnh phúc, nhưng thực tế thật bất ngờ rằng điều mà tôi đã dành cả phần lớn cuộc đời làm việc để đạt được chỉ quan trọng đối với một số ít người.
Tôi nghĩ điều này đúng với hầu hết mọi thứ trong cuộc sống. Kết quả cuối cùng không phải lúc nào cũng là trái ngọt xứng đáng như chúng ta mong đợi. Tôi nghĩ đây là lý do tại sao mọi người chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội. Họ muốn được công nhận hoặc được nhận bù phần cảm giác mà họ đã hy vọng có được.
Khi đặt mục tiêu, hãy nghĩ về cảm giác của bạn khi đạt được chúng. Đây là một trong những câu hỏi quan trọng nhất để tự hỏi bản thân. Nếu bạn đang giải quyết vấn đề tài chính của mình, có thể một trong những cảm giác bạn đang tìm kiếm thực sự là sự an toàn. Nếu bạn bắt đầu với ý nghĩ đó, bạn có nhiều khả năng làm việc hướng tới mục tiêu của mình và hài lòng hơn khi bạn hoàn thành nó.
Rất may, đối với luận văn của tôi, tôi đã không tìm kiếm sự công nhận. Tôi đã tìm kiếm sự an toàn. Vượt qua rào cản đó có nghĩa là tôi đã hoàn thành tất cả các yêu cầu cho việc học của mình và bây giờ có thể tập trung vào sự nghiệp của mình. Tập trung vào cảm giác mà bạn hy vọng sẽ cảm nhận được sẽ giúp làm rõ mục tiêu của bạn.
2. Giá trị cốt lõi của bạn là gì?
Nếu bạn phải chọn ra năm giá trị hàng đầu của mình trong cuộc sống, chúng sẽ là gì? Đây là một trong những câu hỏi trọng yếu nhất để tự hỏi bản thân. Nếu bạn không chắc chắn, hãy tải xuống danh sách (thực hiện tìm kiếm “danh sách giá trị” để có một số ý tưởng) và chọn năm điều phù hợp với bạn. Sau khi đã có năm giá trị hàng đầu trong tay, hãy khoanh tròn hai giá trị quan trọng nhất theo ý kiến của bản thân.
Hai giá trị này sẽ là giá trị cốt lõi của bạn. Hai giá trị hàng đầu của tôi là sức khỏe và sự kết nối. Những quyết định tôi đưa ra trong cuộc sống đều tập trung vào chúng, cũng như những mục tiêu của tôi. Đảm bảo các mục tiêu của bạn được điều chỉnh chặt chẽ nhất có thể với các giá trị cốt lõi của bạn.
Các mục tiêu không nhất thiết phải tập trung vào các giá trị cốt lõi của bạn, nhưng chúng không nên tương phản với chúng. Nếu mục tiêu của bạn không phù hợp với các giá trị cốt lõi của bản thân, bạn có thể sẽ gặp khó khăn. Ví dụ, tôi làm việc với những sinh viên mới tốt nghiệp, những người đặt nhiều giá trị cho gia đình của họ.
Tôi biết rằng họ gặp khó khăn khi đi học vì họ có ít thời gian cho gia đình và họ cũng đang cân bằng công việc. Nếu bạn đang gặp khó khăn vì mục tiêu không phù hợp với giá trị của mình, hãy cân nhắc xem đó có phải là tình huống tạm thời vì lợi ích lớn hơn không. Nếu đó chỉ là tình huống tạm thời, hãy cứ thừa nhận rằng mục tiêu của bản thân đạng không phù hợp với giá trị cốt lõi của chính mình, và bởi vậy mà bạn gặp khó khăn. Tuy nhiên, đừng vì vậy mà quá khắt khao với bản thân mà hãy cứ nhẹ nhàng vượt qua nhé!
3. Nếu bạn có một điều ước, nó sẽ là gì?
Gì? Tại sao tôi lại hỏi bạn về điều ước? Điều này có liên quan gì đến mục tiêu của bạn không á? Thông thường, suy nghĩ của chúng ta rất hạn chế trong các phạm vi. Mục tiêu của chúng ta dựa trên những gì đã xảy ra trong cuộc sống, những gì người khác nhìn nhận về mình và những gì trí óc hạn chế của chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể làm được.
Chúng ta nghĩ về những gì đã xảy ra và định hình mục tiêu của mình dựa trên cách tiếp cận hạn chế này. Yêu cầu bản thân tin vào những giấc mơ, không có bất kỳ giới hạn nào, buộc bộ não của chúng ta phải vượt qua những rào cản đó. Nó giải phóng tâm trí của chúng ta để sáng tạo và mở rộng khả năng của chúng ta.
Đôi khi sẽ hữu ích nếu bạn làm điều này trong khoảng thời gian vài ngày. Suy nghĩ về điều ước của bạn, điều gì bạn muốn xảy ra? Sau đó hãy quên nó đi một lúc. Hãy quay lại với nó vài ngày sau và xem liệu bạn có sẵn sàng đi bước tiến lớn hơn nữa hay không. Bạn sẽ có xu hướng thấy rằng bạn đang tự giới hạn bản thân.
Sử dụng thông tin bạn thu thập được từ mong muốn của bản thân sẽ giúp bạn hình thành mục tiêu của mình. Bạn có đang giới hạn bản thân dựa trên những niềm tin trước đây mà bạn có về bản thân không? Dựa trên công việc mà tôi đã làm với các khách hàng huấn luyện của mình, tôi đoán là bạn đã làm vậy. Đây thực sự là một bài tập khó đối với một số khách hàng đang huấn luyện.
Ban đầu, không ai thích làm điều đó đâu. Họ sẽ trả lời rằng, “Tại sao chúng tôi lại phải làm điều này”, “Điều này sẽ không bao giờ xảy ra”, “Tôi không bao giờ có đủ khả năng để làm điều này.” Những suy nghĩ hạn chế này khiến chúng ta bị mắc kẹt trong “cái gì là” thay vì “cái gì có thể”. Hãy cho phép bản thân mơ lớn, mở rộng mục tiêu để phù hợp với con người bạn, thay vì giới hạn chúng trong con người bạn. Khi chúng ta cho phép tư duy mở rộng, chúng ta cho phép các khả năng được giải phóng.
Khi làm việc hướng tới mục tiêu, chúng ta có thể mất động lực và mất lực kéo đối với sự tiến bộ của mình. Dành thời gian để tự hỏi bản thân một số câu hỏi chính về giá trị của chúng ta, những gì chúng ta hy vọng sẽ cảm nhận được và ước mơ cuối cùng của chúng ta là gì, sẽ giúp chúng ta định hình lại mục tiêu của mình và đặt chúng ta trên con đường thành công.
Đây là những câu hỏi tuyệt vời để tự hỏi bản thân. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta vẫn có thể cảm thấy bế tắc vì suy nghĩ của mình. Bạn hoàn toàn có thể yêu cầu sự giúp đỡ, cho dù từ bạn bè, đồng nghiệp của chúng ta, hoặc một huấn luyện viên hoặc cố vấn chuyên nghiệp. Đôi khi có được một góc nhìn bên ngoài cho phép chúng ta nhìn thấy bản thân mình trong một ánh sáng mới và chiếu sáng mới cho mục tiêu của chúng ta.
———————————-
“Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích
- Bài viết gốc: 3 Powerful Questions to Help You Refocus Your Goals
- Người dịch: Lê Diễm Hồng Minh
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Lê Diễm Hồng Minh – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/8089
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 24