Kỹ Năng

3 Nguyên Tắc Trong Việc Xây Dựng Và Giữ Gìn Một Mối Quan Hệ Tốt Với Mentor Của Bạn

🔆 Tôi có nhiều người cố vấn (mentor) hơn bất kì ai mà mình biết. 

Thiếu vắng một người cha bên cạnh, tôi lớn lên trong sự khao khát những lời khuyên – đó cũng là lý do tôi cố gắng khiến cho mối quan hệ với các mentor của mình trở nên thân thiết và có ý nghĩa hơn một mối quan hệ mentor-mentee thông thường. 

Sau một khoảng thời gian, tôi đã xây dựng được 3 nguyên tắc cơ bản về việc cố vấn (mentorship) có thể sẽ rất hữu ích nếu bạn đang tìm kiếm mentor cho mình hay hướng dẫn cho những người xin cố vấn (mentee) trẻ tuổi. 

 

💎 Hãy cho đi, đừng chỉ nhận lại

Tôi đã học được rằng, cần phải đưa ra cho mentor của mình ít nhất 1 thông tin mà họ đang chưa có. 

Các mentor thường có xu hướng lớn tuổi hơn bạn, và họ làm việc với nhiều người khác cũng lớn tuổi hơn bạn. Mang đến những góc nhìn từ thế hệ của bạn là một cách tuyệt vời để ngay lập tức đem lại giá trị cho họ. 

Giờ đây đôi khi tôi cũng được đặt trong vị trí là một mentor, đây là cách mà gần đây một trong những mentee của tôi đã cho tôi những thông tin có giá trị. Cô ấy đã nói với tôi rằng: “Rất nhiều người trong công ty cảm thấy chúng ta cần phải tổ chức thêm nhiều cuộc họp mặt toàn thể công ty.” Đó là một thông tin rất hữu ích đối với tôi, và ngay lập tức tôi đã có thể đưa ra những hành động kịp thời dựa trên thông tin đó. 

 

💎 Tiếp thu những lời khuyên đến từ họ để họ cảm thấy rằng thời gian của mình đã được sử dụng một cách đúng đắn

Khi còn là một mentee, tôi luôn đảm bảo rằng mình sẽ biến ít nhất một phần trong những lời khuyên đã nhận được thành hành động trong vòng 1 tháng. Tôi sẽ hỏi: “Liệu em có nên nộp đơn phỏng vấn ở công ty X hay không?”

Nếu mentor của tôi nói có, tôi sẽ làm theo lời khuyên đó và đưa ra phản hồi để họ biết được mọi việc đã tiến triển ra sao. Điều đó cho thấy tôi trân trọng sự khôn ngoan của họ và khiến họ cảm thấy mình đang đóng góp vào thành công của tôi. 

Hãy luôn nhớ rằng, những mentor của bạn bận rộn đến mức khó tin – và mọi người luôn lãng phí thời gian của họ. Tôi muốn chắc chắn rằng trong những lần tương tác giữa mình với họ, họ có thể cảm nhận được tôi đang rất trân trọng thời gian quý báu của họ. 

 

💎 Xin họ lời khuyên về cả những vấn đề trong cuộc sống cá nhân chứ không chỉ về công việc

Mặc dù lúc đầu tôi khá lo lắng khi làm điều này, tôi đã nhận thấy những thay đổi rõ rệt trong mối quan hệ giữa mình và mentor khi bắt đầu đưa ra những câu hỏi mang tính cá nhân hơn. Tôi hỏi những câu hỏi như: ”Làm thế nào mà anh/chị biết được rằng mình đã tìm ra người bạn đời của mình?” Hay “Làm thế nào để anh/chị có thể cân bằng giữa công việc và gia đình?” 

Đầu tiên, tôi luôn hỏi những câu hỏi cá nhân như vậy ngay ở cuối những buổi cố vấn, dù đó là những điều mà tôi luôn khao khát nói ra trong suốt khoảng thời gian gặp gỡ họ. Hoá ra những mentor luôn luôn muốn đưa ra cho tôi những lời khuyên về cuộc sống cá nhân hơn là về công việc. Cho dù có thành đạt đến đâu đi chăng nữa, chúng ta đều là con người, và mọi người thường vui vẻ hơn khi nói về những chủ đề không dính líu đến công việc. 

Sau mỗi lần gặp gỡ, tôi đều viết một email và một bức thư tay để cảm ơn họ trong vòng 24 giờ và đề cập đến từng lời khuyên mà mình cảm thấy hữu ích với bản thân. (Nếu như lo lắng rằng thư của tôi không thể đến nơi trong vòng 1 ngày, tôi luôn cố gắng gửi nó qua FedEx để những kí ức về cuộc trò chuyện của chúng tôi còn nguyên vẹn như mới).

Một tháng sau, tôi sẽ gửi cho họ một email để nói về việc tôi đã thực sự sử dụng lời khuyên của họ như thế nào và lời khuyên đó đã giúp ích cho tôi ra sao. Sau đó khoảng một tháng, tôi sẽ gửi một email với nội dung như “Lời khuyên anh/chị đưa ra lần trước đã giúp đỡ em theo cách X. Em luôn muốn chúng ta có thể trò chuyện nhiều hơn. Chúng ta có thể gặp nhau trong tháng này hoặc tháng tới không?” 

Họ đều đã hồi âm lại để gặp gỡ lần thứ hai. Và cả lần thứ ba, thứ tư nữa. 

Những mentor đó đã giúp tôi rất nhiều trong suốt sự nghiệp của mình. Bằng những lời khuyên, sự kết nối, sự hỗ trợ hay bằng tình bạn. Tôi đảm bảo rằng chiến lược mentor này sẽ giúp đỡ bạn giống như cách nó đã làm với tôi vậy. 

Tôi biết rằng tất cả những điều này nghe có vẻ đầy tính toán. 

Nhưng nó không phải một thủ thuật hay một trò chơi – nó hiệu nghiệm bởi đó là kết quả của việc thực sự suy ngẫm về những điều mà các mentor có thể nhận được từ việc trao đổi với ta, và làm sao để đảm bảo chúng ta đem lại được cho họ những điều đó. 

Tôi không tìm ra những phương thức để tiếp cận với mentor chỉ trong thoáng chốc. Tôi đã nghiền ngẫm chúng trong suốt nhiều năm liền bằng cách quan sát xem điều gì đã khiến tôi kết nối một cách sâu sắc hơn với cá nhân mỗi người. Bất cứ điều gì có tác dụng, tôi đều thử lại. Nếu nó có tác dụng lần nữa, tôi sẽ bắt đầu sử dụng nó vào mọi lúc, mọi nơi. 

Nhiều năm trôi qua, những nguyên tắc trên đã giúp tôi xây dựng vô số những mối quan hệ chân thành với những con người vốn chẳng có nhiệm vụ bỏ ra nhiều thời gian đến vậy để hướng dẫn cho một người trẻ tuổi và còn non nớt như tôi. Tôi sẽ chẳng thể tiến đến gần vị trí của bản thân ngày hôm nay nếu không có sự giúp đỡ từ những mentor của mình. 

 

—————————————————————————————-

Nguồn:

  • Bài viết gốc: https://bit.ly/3hAF6Go
  • Tác giả: Robert Reffkin
  • Dịch giả: Bùi Phương Khanh – CTV ban Nội dung
  • Khi chia sẻ cần trích dẫn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Dịch giả: Bùi Phương Khanh – Nguồn: iVolunteer Vietnam”

—————————————————————————————–

Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích. Mong rằng sau bài viết này bạn đọc sẽ có thêm nhiều thông tin để xây dựng mối quan hệ tốt với các mentor của mình nhé.

Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/4546

Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ