“Mất mẹ từ khi còn bé đã tạo nên vết sẹo trong tâm hồn tôi. Nhưng điều đó đã biến tôi trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình như ngày hôm nay. Tôi hiểu được chuyến đi của cuộc đời. Tôi đã trải qua rất nhiều điều để có thể hiện diện ở đây.” – Mariska Hargitay.
Vào 6:07 tối ngày 18 tháng 7 năm 2020, tôi đang ở cùng bạn trai trên chiếc ghế trường kỷ. Hôm đó là thứ bảy, tôi đã phải hủy bỏ lịch trình với bạn bè của mình vì cơn đau nửa đầu. Tôi ăn tối, rồi xem TV trong bộ đồ ngủ. Điện thoại của tô bỗng reo lên, là bố. “Con sẽ gọi lại cho bố sau”, tôi trả lời nhanh, sau đó úp mặt điện thoại xuống ghế và tiếp tục tập trung vào màn hình TV.
Ba phút sau, tôi nhận được một tin nhắn từ bố tôi gửi đến tôi và cả chị gái.
“Các con. bố không muốn phải nói với các con điều này, nhưng bố hiện đang ở phòng cấp cứu tại Asheville. Mẹ của các con và bố đã gặp phải tai nạn xe hơi khi đang đạp xe. Xe cấp cứu đã đến rất nhanh, họ đang cấp cứu cho mẹ các con ngay bây giờ. Bố đang làm thủ tục tại quầy lễ tân của bệnh viện nên không thể biết được tình trạng hiện giờ của mẹ các con. Bố sẽ cố gắng thông báo với các con tình hình của mẹ sớm nhất. Bố yêu các con.”
Tôi đã đọc to nó lên cho bạn trai của tôi, và tôi cực kì lo lắng. Tôi sợ rằng mẹ tôi đã bị gãy tay hay thậm chí là gãy chân. Mẹ tôi chưa bao giờ trong tình trạng đó trước đây. Tôi đã chấp nhận cuộc gọi Facetime từ bố. Tôi có thể nhìn thấy phòng chờ bệnh viện sau lưng bố. Khá đông người. Tôi nhìn gương mặt bố. Bụng tôi chợt đau thắt lại và cơn đau nửa đầu của tôi lại trở nên dồn dập hơn.
“Xin Chúa toàn năng, ôi chết tiệt.” Một câu nói của bố mà tôi nghe được qua điện thoại.
Tôi nhìn vào sắc mặt của chị tôi. Tôi cứ nhìn chằm chằm vào chị ấy qua khung hình nhỏ trên điện thoại. Khi bố mô tả những việc đã xảy ra, mắt tôi liên tục dán vào người chị sinh đôi của mình như thể mọi thứ sẽ trở nên ổn thỏa nếu tôi nhìn cô ấy như vậy.
Bố tôi tiếp tục kể lại vụ việc, thi thoảng bố dừng lại để trao đổi với bác sĩ Jim – người đang ở gần đấy. Đó là dấu hiệu đầu tiên khiến tôi có linh cảm rằng có điều gì không ổn. Tất cả những người trong phòng chờ và bác sĩ đều đang trò chuyện với bố.
Tôi đã được nghe câu chuyện này cả nghìn lần cho đến tận hôm nay. Tôi thuộc lòng mọi chi tiết. Vì thế, tôi sẽ tường thuật lại mọi việc bằng lời của tôi, không phải của bố tôi.
Vào khoảng 3:32 chiều, Jane và John Beach rời khỏi cabin ở Saluda, phía Bắc California, cùng với chiếc xe đạp leo núi được đính chặt vào chiếc Toyota Four Runner 21 tuổi của họ. Bố và mẹ tôi lái xe đến Rừng Quốc gia Pisgah gần Asheville – nơi họ dự định dừng lại để đạp xe trước khi nghỉ chân tại nhà máy bia yêu thích để dùng bữa tối.
Vào 5:21 chiều, Jane và John đã hoàn thành xong chuyến đi của họ. Họ rẽ phải trên đường Brevard. Bố đi trước và mẹ tôi theo sau.
Lúc 5:22 chiều, Hannah, 25 tuổi, đang chạy xe xuống đường. Nếu như lúc ấy mẹ tôi rẽ phải chậm hơn, vào lúc 5:23 chẳng hạn, thì đã vượt qua Hannah. Nhưng không may, mẹ tôi đã bị tông từ phía sau bởi xe của Hannah.
Bố tôi nghe thấy tiếng va chạm ở phía sau nên đã dừng lại ngay lập tức. Bố ném chiếc xe đạp vào bên đường và chạy nhanh về phía mẹ tôi – người đang nằm bất động trên đường. Chiếc xe đạp của mẹ đã trở nên tan nát, mũ bảo hiểm bị nứt làm đôi. Cùng lúc đó, Hannah, với vết máu trên mũ trùm đầu của cô ấy và vết nứt lớn trên kính chắn gió xe hơi, đã bỏ chạy.
Tại bệnh viện Mission, mẹ tôi, Jane, đã được đặt ống vào nội khí quản và được điều trị tận tình. Vào lúc 7:18 tối hôm ấy, tôi được thông báo qua Facetime rằng người mẹ yêu quý của tôi đã qua đời. Bố tôi đã khóc rất nhiều.
“Chúa toàn năng, chết tiệt.”
Bố cứ liên tục lặp lại như thế.
Ngày hôm ấy, vào lúc mẹ tôi qua đời, tôi đã tham gia vào một cộng đồng gồm hàng trăm người đau buồn như tôi. Nếu bạn đang đọc bài viết này, bạn có thể là một thành viên trong cộng đồng ấy, hoặc có thể bạn cũng yêu một ai đó có hoàn cảnh như thế.
Trong những tháng sau khi mẹ tôi qua đời, tôi nằm trên giường hằng đêm và suy nghĩ về những người đang trong tình trạng giống tôi, những người đang nằm trên giường, không thể ngủ được vì mãi nghĩ về người thân yêu đã mất của họ.
Kể từ khi ấy, tôi đã học được rất nhiều về nỗi đau từ sách, báo, podcast và qua việc trò chuyện với những người đã trải qua nỗi đau giống tôi. Tôi muốn hiểu hơn về nỗi đau vì tôi muốn biết cách để vượt qua nó. Nhưng những gì tôi học được trong suốt quá trình đó, chính là nỗi đau không phải là thứ mà bạn có thể vượt qua một cách dễ dàng. Khi bạn mất đi người mà bạn yêu thương nhất, bạn sẽ luôn nhớ về hình bóng của người ấy, và điều ấy trở thành một phần trong con người bạn.
Sự đau buồn có thể được “nhào nặn” bởi chính nó, rồi biến thành một điều gì đó đẹp đẽ hơn nhắc nhở bạn về sức mạnh và khả năng yêu thương và được yêu thương của bạn thật mãnh liệt đến mức đau đớn.
Cụ Dumblerdore đã nói rằng: “Được yêu thương một cách sâu đậm, ngay cả khi người yêu thương chúng ta đã ra đi, họ sẽ vẫn luôn bảo vệ chúng ta.”
Nếu chúng ta có thể học cách sống hòa hợp với nỗi đau buồn, nó sẽ dạy chúng ta rất nhiều điều, giúp ta trưởng thành thật mạnh mẽ. Dưới đây là 4 bài học tuyệt vời tôi đã học được từ nỗi đau của chính mình.
💛 Bài học thứ nhất: Yêu bản thân hơn.
Sau khi mẹ mất, trong tôi chỉ còn một mớ hỗn độn. Tôi không chỉ đau đớn về thể xác, tôi còn cảm thấy như thể các cuộc đấu tranh về tinh thần mà tôi đã và đang vật lộn trong cuộc đời mình (lo lắng và chứng rối loạn lo âu bệnh tật, và một số ít khác) đang dần nổi lên và đè ép tôi.
Đau buồn có thể làm nảy sinh những vết thương cũ trong lòng và khiến những cảm xúc khác bị lấn át một cách không ngờ đến. Đó là lí do tại sao yêu thương bản thân và lòng tự trắc ẩn là yếu tố cần thiết để làm dịu đi nỗi đau khổ.
Lòng trắc ẩn không phải là một điều dễ thực hiện được, nhưng cách tốt nhất để bắt đầu với nó chính là lập nên một danh sách gồm những thứ có thể an ủi bạn và hãy dành thời gian cho những việc ấy. Hãy cố gắng yêu thương bản thân thật nhiều.
Niềm đau đã dạy tôi tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng và chăm sóc sở thích của bản thân. Tôi thích ngâm mình trong bồn tắm, cuộn mình đọc sách và có một chuyến đi bộ dài. Tôi đã nhận thấy rằng những khoảnh khắc tĩnh lặng như thế đã giúp tôi vượt qua những cơn hoảng loạn, buồn bã cũng như sợ hãi và thất vọng.
🧡 Bài học thứ hai: Cảm nhận trọn vẹn cảm xúc của bạn
Cảm giác đau buồn thường kích thích một loạt các cảm xúc khác. Những người đang phải trải qua nỗi đau có thể cảm nhận được các cảm xúc khác của họ rất mạnh mẽ, cho dù đó là sự buồn bã, hạnh phúc, sợ hãi hay sự khuây khỏa. Ngay cả một năm rưỡi sau khi mẹ tôi mất, cảm xúc của tôi vẫn luôn đè nặng vào tôi như những viên gạch, nhưng đôi khi tôi lại thấy chúng không thật sự xuất hiện.
Điều theo quy luật tự nhiên ở đây là khi cố gắng tránh những xúc cảm không dễ chịu như lo âu hay sợ hãi sẽ càng khiến chúng trở nên mãnh liệt hơn. Thay vào đó, hãy thử ngồi xuống và thấu hiểu cảm xúc của bản thân. Hãy hoàn toàn cảm nhận nó và cho phép nó tồn tại trong trạng thái của bạn mà không có bất kì sự né tránh nào.
Sự tỉnh thức hay giữ vững bản thân trong thời điểm hiện tại sẽ cực kì hữu ích khi bạn đang cố đẩy một cảm xúc ra xa bởi vì nó quá đau đớn. Hãy thử ngồi trong một căn phòng tĩnh lặng. Hãy tưởng tượng những cảm xúc trong bạn đang ở ngay bên cạnh bạn. Hãy nhớ rằng, bạn không phải là cảm xúc của chính bạn. Nó không cần phải kiểm soát bạn. Bạn cũng không cần phải đẩy nó đi vì nỗi sợ hãi.
Một điều quan trọng khác bạn cần phải nhớ là: cảm nhận mọi cảm xúc của chính mình là một điều hoàn toàn ổn. Bạn có thể cảm thấy buồn, tức giận hay thất vọng. Đừng cố gạt bỏ bất kì cảm xúc nào đang hiện hữu trong bạn chỉ vì bạn cho rằng chúng “sai” và “không hữu dụng”. Khi bạn trải qua nỗi đau khi mất đi một ai đó, mọi cảm xúc khi ấy đều mang đến giá trị. Hãy để những cảm xúc ấy tự do trong bạn và bạn sẽ nhận ra rằng cuộc sống luôn tồn tịa những ngày tuyệt vời và những ngày tồi tệ.
💚 Bài học thứ ba: Các thói quen và những vật kỉ niệm có thể mang tính chất trị liệu khoa học
Khi mẹ mất, tôi đã cố gắng giữ mình không đau lòng khi nghĩ về bà ấy. Tôi đã giấu đi tất cả những thứ có thể khiến tôi nhớ đến bà ấy, tôi cũng đã gỡ hết các tấm hình có mặt của mẹ. Nhớ về mẹ khiến tôi cảm thấy như mình đang nhìn thẳng trực tiếp vào ánh mặt trời, nó đau đớn và chói chang. Nhưng cuối cùng, tôi bắt đầu thoải mái với các đồ vật kỉ niệm khiên tôi nhớ đến mẹ. Tôi muốn nói nhiều hơn về mẹ mình và mong ước được nhìn thấy bà ấy.
Bây giờ, tôi luôn đeo nhẫn cưới của mẹ và nó khiến tôi nhớ đến mẹ mỗi khi nhìn vào. Tôi uống trà Earl Grey và nhớ về những ngày chúng tôi thường nhâm nhi những tách trà nóng trong tiệm cà phê Barners and Norble. Tôi mặc lên chiếc áo len yêu thích của mẹ và nghĩ về những ngày mẹ tôi mang nó ở độ tuổi không lớn hơn tôi bây giờ là bao, và mẹ tôi đã mang thai tôi và chị tôi.
Giữ mối kiên kết với những người thân yêu của bạn sau khi họ mất chính là điều an ủi bạn rất nhiều. Có rất nhiều thói quen có thể giúp bạn tìm được cảm giác đó. Dưới đây là một vài việc yêu thích của tôi:
- Đọc cuốn sách yêu thích của họ
- Thường ngồi ở nơi mà họ yêu thích trong nhà
- Nói chuyện với người bạn thân thời thơ ấu của họ và hỏi những câu chuyện về họ
- Ngắm những bức ảnh cũ
- Nghe những bài nhạc họ thường nghe
- Trông cây hay những bông hoa trong kí ức của họ
- Quyên góp cho những tổ chức từ thiện mà họ đã ủng hộ
💙 Bài học thứ tư: Tìm kiếm một người thấu hiểu bạn
Trò chuyện cùng những người đã mất mẹ ở tuổi đôi mươi là một phần rất quan trọng trong quá trình chữa lành cảm xúc của tôi. Tôi đã gặp rất nhiều người phụ nữ mạnh mẽ, họ vượt qua những tổn thương và mất mát. Họ sử dụng nỗi đau của chính họ để biến họ trở thành phiên bản tốt hơn của bản thân.
Một trong những mối quan hệ có ý nghĩa nhất đối với tôi đã được tìm kiếm tại hội The Dinner Party. Một vài tuần sau khi mẹ mất, tôi đã đăng kí vào hội ấy với suy nghĩ không hi vọng rằng tôi sẽ nhận được điều gì khi làm thế. Vài tuần sau đó, tôi nhận được một email thông báo rằng tôi đã có một “người bạn” – một cô gái lớn hơn tôi vài tuổi đã mất mẹ trong một vụ tai nạn xe đạp chỉ một tháng trước khi mẹ tôi mất. Suốt một năm rưỡi sau đó, chúng tôi thường xuyên trò chuyện qua Facetime, và điều ấy đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng tôi.
Trò chuyện với người đã từng trải qua những cảm xúc và trải nghiệm giống bạn là một điều tuyệt vời. Thật nhẹ nhõm và dễ chịu khi bạn có thể bày tỏ toàn bộ cảm xúc của bản thân với một người hiểu rõ những cảm xúc ấy. Từ cách động viên những người chồng mất vợ đến việc nói về người mẹ đã khuất của bạn với người bạn mới, chúng tôi đã chia sẻ với nhau rất nhiều điều ý nghĩa và quan trọng với tôi. Chúng tôi là những người bạn thân thiết, và cô ấy là một điều tuyệt vời giúp tôi thoát khỏi bi kịch khó khăn này.
Mất đi người mẹ thân yêu chắc chắn là trải nghiệm đau đớn và khó khăn nhất trong cuộc đời tôi, nhưng, tôi đã học được cách yêu thương và nâng niu nỗi đau của chính mình. Nó đã khiến tôi mạnh mẽ hơn, nhân ái hơn, nó khiến tôi tìm được bản thân và mục đích sống của mình. Tôi biết rằng tôi sẽ không thể có được ngày hôm nay nếu không có nỗi đau ấy. Tôi sẽ đánh đổi tất cả để có thể khiến mẹ tôi quay về với tôi, nhưng, mẹ sẽ tự hào biết bao khi mẹ theo dõi được quá trình trưởng thành này của con gái mình.
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích
- Bài viết gốc: TẠI ĐÂY
- Người dịch: Nguyễn Phạm Nhật Anh
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Nguyễn Phạm Nhật Anh – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/8700
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.