Mỗi ngày, có vô số những điều đòi hỏi chúng ta đưa ra quyết định. Một số khá nhỏ nhặt và ít quan trọng, nhưng cũng có những quyết định mang tính ảnh hưởng mạnh mẽ lên cuộc sống mỗi người. Một người thường bị vây quanh bởi những quyết định nhiều đến mức khó có thể đưa ra lựa chọn đúng đắn cho mọi tình huống. Nhưng cũng có rất nhiều cách để giảm thiểu những quyết định sai lầm, nóng vội, trong đó nổi bật là tư duy phản biện. Đây là một phương pháp tiếp cận vấn đề giúp chúng ta phân tích các tình huống một cách cẩn thận để tìm ra những vấn đề ẩn khuất, từ đó có quyết định sáng suốt nhất.
Thay vì hành động dựa trên cảm tính, một người có tư duy phản biện sẽ đặt các lựa chọn dưới sự xem xét kĩ lưỡng và nghi hoặc. Họ sẽ chọn lọc và chỉ cân nhắc những yếu tố quan trọng hoặc thông tin thật sự liên quan. Dưới đây là 5 bước có thể giúp bạn giải quyết mọi vấn đề đang gặp phải.
✅ Bước một, đặt câu hỏi ban đầu.
Nói cách khác, phải xác định rõ ràng mục đích của bản thân. Ví dụ, nếu đang cân nhắc xem liệu có nên theo đuổi trào lưu ăn uống mới nhất hay không, bạn có thể bị ảnh hưởng bởi những yếu tố bên ngoài như sự khẳng định về hiệu quả tức thì của thực đơn trong hai tuần lễ chẳng hạn.
Nhưng nếu bạn tiếp cận tinh huống này với một mục tiêu rõ ràng rằng qua việc ăn uống, bạn muốn giảm cân, muốn có sức khoẻ tốt hơn, hay chỉ đơn giản là để bản thân lúc nào cũng tràn đầy năng lượng, bạn có thể dễ dàng vượt qua những nguồn thông tin gây nhiễu bên ngoài để lựa chọn thực đơn thật phù hợp.
✅ Bước hai, tổng hợp thông tin.
Ví dụ, nếu bạn có ý định theo đuổi một thực đơn vì mục đích dinh dưỡng, tham khảo lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng cũng như kinh nghiệm của người đi trước sẽ trở nên hữu ích. Thu thập thông tin sẽ giúp bạn cân nhắc giữa các lựa chọn khác nhau, đến gần hơn với quyết định phù hợp.
✅ Bước ba, áp dụng thông tin, thông qua các câu hỏi quan trọng.
Ví dụ, trong một email hứa hẹn đem lại cho bạn hàng triệu đô la, bạn nên xem xét: “Điều gì hình thành cách mình tiếp cận tình huống này?”, “Mình có mặc định người gửi đang nói thật không?”, “Dựa vào những thông tin mình có, việc mặc định mình sẽ kiếm được tiền có hợp lí không?”.
✅ Bước bốn, xem xét đến hậu quả.
Hãy thử hình dung đến thời điểm diễn ra bầu cử, bạn bỏ phiếu cho ứng viên vì lời hứa của người đó rằng sẽ giảm giá xăng cho tài xế. Nghe qua thì điều này thật tuyệt vời, nhưng còn những ảnh hưởng lâu dài đến môi trường thì sao? Việc sử dụng xăng ít bị hạn chế bởi giá cả có thể dẫn tới sự tăng vọt của ô nhiễm không khí, một hệ luỵ khôn lường đáng để tâm.
✅ Bước năm, xem xét quan điểm của những người khác.
Điều này giúp bạn cân nhắc được nhiều khả năng khác nhau, cuối cùng đưa ra quyết định đúng đắn.
Chu trình năm bước trên chỉ đơn giản là một công cụ, không thể xoá bỏ hoàn toàn những quyết định khó khăn trong cuộc sống, nhưng có thể giúp chúng ta có nhiều hơn những quyết định tích cực. Tư duy phản biện cung cấp công cụ cho việc chon lọc và phân tích một số lượng lớn thông tin để đến với thứ chúng ta thật sự tìm kiếm.
—————————————–
- Tác giả: Samantha Agoos
- Người dịch: Trần Khánh Ly
- Khi chia sẻ phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Trần Khánh Ly – iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/13566
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 901