Kỹ Năng

5 Kiểu Phát Triển Ngôn Ngữ Ở Trẻ Nhỏ Có Thể Dự Đoán Về Khả Năng Học Sau Này

Liệu khả năng sắp xếp các từ lại với nhau hay số lượng từ một đứa trẻ biết là sự dự đoán tốt hơn về khả năng ngôn ngữ sau này của chúng? Một báo cáo chuyên sâu về sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ nhỏ mới đây được đưa ra bởi Quỹ hỗ trợ giáo dục (Education Endowment Foundation), hợp tác với Cơ quan chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Anh (Public Health England), cho biết.

Bản báo cáo được biên soạn bởi một đội nghiên cứu dưới sự chỉ đạo của giáo sư James Law từ trường đại học Newcastle, chỉ ra rằng khoảng 7-14% trẻ em gặp khó khăn với ngôn ngữ trước khi nhập học, điều sẽ cản trở khả năng đọc viết của chúng sau này.

Các phát hiện này cũng dựa trên một bằng chứng hiện có, rằng khả năng tiếp nhận ngôn ngữ mẹ đẻ có thể dự đoán về cách một người học ngôn ngữ thứ hai về sau. Nói cách khác: nếu bây giờ bạn đang phải chật vật với tiếng Tây Ban Nha, việc đó có thể có liên quan đến bất cứ thứ gì đã khiến bạn chật vật với các kỹ năng ngôn ngữ mẹ đẻ từ khi còn nhỏ.

Trong một nghiên cứu vào năm 2015 được công bố tại Tạp chí Tâm thần học (Translational Psychiatry), các tác giả đã lưu ý rằng những kỹ năng về ngôn ngữ mẹ đẻ có liên hệ với thành tích của ngôn ngữ thứ hai, kể cả sau khoảng cách 10 năm. Thành tích của ngôn ngữ thứ hai vào năm 14 tuổi cũng cho thấy mối tương quan về mặt kiểu hình và di truyền với điểm số của ngôn ngữ mẹ đẻ.

Trong phiên bản mới nhất của nghiên cứu này, họ tìm ra rằng hầu hết những khác biệt cá biệt về thành tích của ngôn ngữ thứ hai có liên quan tới những yếu tố di truyền (so với các yếu tố trường học, gia đình, và ảnh hưởng của môi trường), với thành tích tiếng Anh (ngôn ngữ mẹ đẻ được sử dụng trong nghiên cứu) và ngôn ngữ thứ hai phần lớn bị ảnh hưởng bởi các gen giống nhau.

Hãy nhớ rõ những điều trên, và có lẽ đáng để bạn nghĩ lại thời ấu thơ về những dấu hiệu cho những trở ngại trong việc học ngoại ngữ hiện tại. Sau đây là một vài dấu hiệu quan trọng đã được xác định bởi Law và nhóm của ông.

Những dấu hiệu cho thấy sự trì trệ trong việc tiếp nhận ngôn ngữ

1. Phát ra âm thanh và bập bẹ

Trẻ sơ sinh thường bắt đầu phát ra âm thanh trong 12 tháng đầu đời, khởi điểm là tiếng lầm bầm và cười vào khoảng 2 đến 4 tháng tuổi; khoảng 4 đến 7 tháng tuổi tiếp theo là những âm thanh như ré lên, la hét và gầm gào; và bập bẹ vào khoảng tháng thứ 7.

Đặc biệt, tiếng bập bẹ là một dự báo mạnh mẽ cho những kỹ năng ngôn ngữ về sau, và trẻ em bập bẹ sớm thường có xu hướng nói sớm. Các tác giả của nghiên cứu cũng đề cập đến những khuyến nghị của trung tâm Hanen về việc tham khảo ý kiến bác sĩ nếu đứa trẻ không bập bẹ với những thay đổi trong âm lượng và giọng điệu trong khoảng 12 tháng.

2. Cử chỉ và sự tập trung

Việc sử dụng các cử chỉ từ sớm cũng là một dấu hiệu quan trọng cho thấy khả năng ngôn ngữ của trẻ sau này. Trẻ em thường bắt đầu dùng cử chỉ để giao tiếp vào khoảng 7 tháng tuổi bằng cách bắt chước cử chỉ của người lớn và ra hiệu bằng mắt. Vào khoảng 10 tháng tuổi, trẻ bắt đầu cầm nắm đồ vật để thu hút sự chú ý. Chỉ bằng ngón trỏ là một cột mốc quan trọng cho sự phát triển, và nó thường xuất hiện trong khoảng 12 tháng tuổi (hoặc từ 7 đến 15 tháng).

Việc thường xuyên “bày tỏ và cho đi” có thể dự đoán khả năng chỉ trỏ trong tương lai, và việc chỉ trỏ sớm có thể là dự báo cho sự phát triển ngôn ngữ sớm và vốn từ rất rộng khi đạt 18 tháng tuổi. Theo Trung tâm Hanen, nên tham vấn bác sĩ nếu đứa trẻ không biết sử dụng các cử chỉ cơ bản trong 12 tháng đầu.

3. Ghép từ

Thông thường, trẻ nhỏ cần biết 50 đến 100 từ để có thể bắt đầu ghép từ, nhưng khả năng ghép từ thực sự có thể là một dự đoán chính xác hơn về khả năng ngôn ngữ sau này so với số lượng từ chúng dùng (thế nên, chất lượng hơn số lượng).

Theo Trung tâm Hanen, trẻ nhỏ nên hiểu được các chỉ lệnh cơ bản như “đừng chạm vào” trước 18 tháng tuổi, và có thể liên tục nối hai từ lại với nhau trước 24 tháng.

4. Cấu trúc câu

Hầu hết những đứa trẻ bắt đầu đặt những câu dài, phức tạp hơn vào khoảng độ giữa 2 và 3 tuổi. Trong đó thường có các đại từ, trợ động từ như “can”, “will”, và “might”, và những mạo từ như “a” và “the”.

5. Kỹ năng từ vựng

Từ vựng chỉ thực sự trở nên quan trọng vào một độ tuổi nhất định. Nếu một đứa trẻ bắt đầu đi học với kỹ năng từ vựng kém, có thể khả năng đọc sẽ bị ảnh hưởng lâu dài (cho đến tận tuổi 34 !), cũng như sức khoẻ tinh thần và khả năng làm việc của chúng.

————————————————–

Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!

  • Theo: Babel Magazine  
  • Người dịch: Nguyễn Ánh Dương
  • Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Nguyễn Ánh Dương – Nguồn iVolunteer Vietnam”

Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/10851

Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ