🎧 Người có xu hướng học tập qua thính giác thường học tốt khi tiếp nhận thông tin qua âm thanh. Thay vì đọc sách, họ thích nghe mọi người nói hơn. Thế nhưng họ cũng có thể học tốt khi giải thích về bản thân và khi tham gia vào những cuộc trò chuyện.
🎧 Ngày nay, có rất nhiều cơ hội tuyệt vời dành cho người học qua thính giác để học tốt hơn.
🎧 Trong bài viết này, tôi sẽ tiết lộ 6 chiến lược giúp người có xu hướng học tập qua thính giác học nhanh và giúp họ hiểu rõ về các tài liệu được trình bày. Trước khi chúng ta đào sâu vào những chiến lược học tập. Hãy cùng xem phương pháp học nào là thông dụng nhất nhé.
Theo một nghiên cứu vào năm 1992 được tiến hành bởi Neil D. Fleming và Coleen E. Mills, từ viết tắt VARK được sử dụng để mô tả 4 phong cách học tập chính mà mọi người thường có:
- V – Người học qua thị giác (học tốt nhất với sơ đồ, hình ảnh và ghi chú bằng văn bản)
- A – Người học qua thính giác (học tốt nhất qua âm thanh)
- R – Người học Đọc/Viết (học tốt nhất bằng cách đọc sách và nghiên cứu)
- K – Người học qua hoạt động (học tốt nhất bằng cách thực hành)
Mọi người không phải lúc nào cũng thuộc một trong những phong cách này. Thế nhưng, mọi người thường thích một phong cách học tập hơn so với những phong cách khác.
Lý thuyết VARK dường như liên quan nhiều đến sở thích cá nhân hơn là phong cách học tập (điều được gắn liền với gen của ai đó). Nếu bạn là người tiếp nhận thông tin tốt qua âm thanh hơn là hình ảnh, bạn vẫn có thể học tốt bằng hình ảnh hoặc bằng cách thực hiện các hoạt động. Nhưng nếu bạn muốn học hiệu quả và kỹ lưỡng nhất có thể, bạn nên sử dụng các kỹ thuật học tập phục vụ cho sở thích cụ thể của bạn.
Một số người thích đọc sách, trong khi những người khác thích nghe sách nói. Chúng ta không nhất thiết phải có câu trả lời khoa học để trả lời chính xác tại sao lại như vậy, điều đó không cần thiết. Chúng ta cần chấp nhận sở thích độc đáo của mình và sử dụng các kỹ thuật thích hợp cho sở thích ấy.
Giờ đây, với một số thông tin cơ bản, chúng ta hãy cùng đi vào 6 chiến lược học tập dành cho người học thính giác.
1. Tạo bản ghi âm thay vì ghi chú 🎙
Bất kể phong cách học tập là gì, tất cả chúng ta cần lưu trữ thông tin ở đâu đó để có thể truy cập sau này. Khi nói đến việc ghi chú, người học thính giác có thể nhận lợi ích nhiều hơn từ các bản ghi âm thay vì ghi chú bằng văn bản.
Đó cũng có thể là những đoạn ghi âm do chính bạn giải thích một khái niệm đang học, đọc to đoạn văn trong sách hoặc đoạn ghi âm người khác giải thích điều gì đó, có thể là từ bài giảng hoặc bài thuyết trình.
Thay vì điền vào sổ tay hoặc dành hàng giờ để gõ bàn phím máy tính, bạn có thể xây dựng một kho lưu trữ các đoạn âm thanh. Để làm việc này cũng như sơ đồ tư duy đầy màu sắc với người học bằng hình ảnh, bạn cần phải tìm cách để dễ dàng tìm lại các ghi chú âm thanh của mình trong tương lai khi bạn cần truy cập và xem lại thông tin. Điều cần thiết là bạn phải sắp xếp các ghi chú âm thanh của mình.
Evernote là một công cụ tuyệt vời cho mục đích này. Với Evernote, thật dễ dàng để xây dựng cơ sở dữ liệu về các bản ghi bạn thực hiện và sắp xếp chúng ngăn nắp. Một điều tuyệt vời khác là Evernote có máy ghi âm tích hợp. Điều này giúp bạn giảm bớt đi những rắc rối khi phải nhập các bản ghi âm giọng nói theo cách thủ công.
Hãy đảm bảo rằng bạn gắn nhãn cho mỗi bản ghi với mô tả về nội dung. Nếu không, bạn sẽ rất khó truy cập sau này. Mặc dù bạn có thể học tốt nhất với ghi chú âm thanh, nhưng đó vẫn là một cách sắp xếp thông tin không tốt. Ghi chú bằng văn bản vẫn dễ dàng hơn để tìm kiếm. Bạn có thể đọc và lướt qua văn bản một cách nhanh chóng, nhưng bạn không thể làm điều tương tự với các đoạn âm thanh.
Đây là lý do tại sao tôi nghĩ những người học thính giác vẫn có thể sử dụng cách ghi chú bằng văn bản ngắn và thậm chí là sơ đồ tư duy trực quan để có cái nhìn tổng quan về chủ đề và thấy được bức tranh toàn cảnh.
Tóm tắt chiến lược này: hãy ghi chú bằng văn bản để sắp xếp thông tin và có được cái nhìn tổng thể về toàn bộ chủ đề. Sau đó, hãy sử dụng bản ghi âm khi đi sâu vào từng chủ đề để hiểu rõ hơn về tài liệu.
2. Sử dụng phần mềm chuyển giọng nói thành văn bản 📲
Người có xu hướng học tập qua thính giác sẽ thường giỏi trò chuyện hoặc giải thích và đôi khi sẽ thường khó thể hiện suy nghĩ trên trang giấy. Vì thế, họ có thể thích quá trình ghi chép bằng giọng nói.
Ngày nay, có vài ứng dụng cho phép bạn chuyển giọng nói thành văn bản chỉ bằng một chiếc điện thoại. Có thể bạn sẽ cần luyện tập đôi chút để có thể hoàn toàn thoải mái với cách ghi chép này. Thế nhưng chúng cũng không tốn quá nhiều công sức, bạn có thể soạn thảo văn bản khá nhanh bằng phương pháp này.
Tôi thường làm điều này khi ghi chép. Đôi khi, tôi viết bản nháp cho bài báo bằng cách nói vào điện thoại của mình. Điều đó nhanh hơn nhiều so với nhập văn bản và đôi khi tôi sẽ cần phải quay lại và chỉnh sửa lại văn bản nếu vẫn đang nhập, vì vậy, điều này giúp tôi tiết kiệm một chút thời gian.
Tôi sử dụng ứng dụng có tên là SpeechTexter cho việc này. Chúng miễn phí đấy! Lý do chính khiến tôi thích ứng dụng này là bạn có thể lập trình để chèn các ký hiệu cụ thể bằng các lệnh thoại tùy chỉnh. Bằng cách đó, bạn có thể dễ dàng định dạng văn bản hoàn toàn bằng giọng nói của mình và chèn đoạn văn mới, dấu phẩy, dấu hai chấm, v.v. khi bạn đọc chính tả.
Bạn cũng có thể sao chép hoặc xuất văn bản một cách dễ dàng và dán vào ứng dụng ghi chú yêu thích của mình. Lợi ích chính của việc này là nó phù hợp cho những người học qua thính giác. Bạn có thể nắm bắt suy nghĩ trực tiếp từ tâm trí bằng giọng nói của mình.
Nếu bạn là người đánh máy chậm, phương pháp chuyển lời nói thành văn bản sẽ giúp quá trình ghi nhận suy nghĩ vào văn bản thuận lợi hơn rất nhiều. Nó cũng giúp bạn duy trì luồng suy nghĩ dễ dàng hơn. Ngay sau khi ghi âm, bạn có thể quay lại và sửa bất kỳ từ, dấu câu và định dạng nào mà phần mềm không nhận được.
3. Sách nói và Podcasts 🎧
Lượt truy cập vào podcast và sách nói chất lượng cao đã bùng nổ trong những năm gần đây. Thông tin tuyệt vời cho những người học qua thính giác đúng không nào? Podcast và sách nói không phải lúc nào cũng là chiến lược tốt nếu bạn muốn tìm hiểu điều cụ thể cho khóa học mà bạn đang tham gia. Nhưng chúng là những nguồn tuyệt vời để học hỏi và nắm bắt thông tin chung.
Bạn nên trải nghiệm các dịch vụ như Blinkist và Audible. Nếu bạn là một người học qua thính giác thì sẽ thật tiếc nuối nếu bạn không tận dụng chúng.
Podcast và sách nói cũng là một cách tuyệt vời để tiết kiệm thời gian. Nghe podcast và sách nói trong khi nấu ăn, phơi quần áo, dọn dẹp nhà cửa hoặc trong khi làm bất kỳ công việc nào khác mà bạn không cần phải dành sự chú ý hoàn toàn.
4. Lắng nghe trước, ghi chú sau 📝
Nếu bạn đang lắng nghe một cuộc trò chuyện, bài giảng hoặc bài thuyết trình, bạn nên tập trung toàn bộ sự chú ý vào việc lắng nghe giảng viên. Việc ghi chép đòi hỏi rất nhiều sự chú ý, và nếu bạn tập trung vào đó, bạn có thể bị “mất gốc” những gì giảng viên đang hướng dẫn.
Là một người học thính giác, bạn sẽ nhận được nhiều hơn này nếu bạn dành tất cả năng lượng của mình để cố gắng hiểu những gì người nói đang trình bày.
Người học qua thính giác có khả năng nhớ rất nhiều chi tiết được đề cập trong bài giảng, vì vậy đây là một chiến lược tuyệt vời dành cho bạn. Bạn càng chăm chú lắng nghe và tập trung trong bài giảng, bạn càng có thể ghi nhớ. Nếu bạn cũng cố gắng tưởng tượng hình ảnh trong đầu khi nghe, bạn sẽ ghi nhớ thông tin tốt hơn.
Ngay khi bài giảng kết thúc, hãy lướt tất cả trong đầu, nhớ lại tất cả các điểm chính và viết ra giấy càng nhiều càng tốt. Hoặc tốt hơn — ghi lại và lưu trữ trong ứng dụng ghi chú của bạn.
Điều này không chỉ mang lại hiệu quả học tập tốt hơn mà còn buộc bạn phải rèn luyện khả năng nhớ lại thông tin. Sau khi đã viết ra, bạn phải sử dụng những thông tin ấy. Hãy nghĩ về nó thường xuyên và kết nối thông tin ấy.
Đây cũng chính là chiến lược giúp nhà tâm lý học nổi tiếng Jordan Peterson nhớ rất nhiều những gì ông đang đọc:
“Mọi người hỏi tôi làm thế nào có thể nhớ được tất cả những điều tôi nói nhiều khi tôi đang thuyết trình và lý do cho điều đó là vì tôi đã nghĩ kỹ về chúng… Điều đó giống như tôi đang gắn những phần ký ức nhỏ vào nó theo năm cách khác nhau. Và sau đó tôi đã hiểu. Chúng đã trở thành một phần trong tôi. ”
5. Giải thích thành tiếng cho chính bạn 🗨
Đây là một trong những phương pháp tốt và dễ dàng nhất để người học qua thính giác học hiệu quả. Hình thành điều gì đó bằng ngôn từ của riêng bạn là cách để củng cố sự hiểu biết của mình. Nếu làm được điều này có nghĩa là bạn cũng tận dụng được Kỹ thuật Feynman, một trong những kỹ thuật học tập tốt nhất hiện có.
Kỹ thuật Feynman là một kỹ thuật học tập mà nhà vật lý đoạt giải Nobel Richard Feynman đã tự phát triển và sử dụng.
Giả vờ rằng bạn đang giải thích một khái niệm cho một đứa trẻ. Hãy xác định những phần giải thích bạn đang gặp khó khăn trong việc truyền đạt rõ ràng và ghi chú lại những điều chưa biết về khái niệm này. Sau đó, bạn đọc lại và cố gắng đơn giản hóa phần giải thích lần nữa. Lặp lại điều này đến khi bạn có thể tự tin giải thích khái niệm bằng những thuật ngữ đơn giản cho một bạn trẻ 6 tuổi có thể hiểu được.
Để có thể giải thích điều gì đó bằng thuật ngữ đơn giản bạn cần phải hiểu thật sâu sắc về chúng trước. Khi bạn cố gắng giải thích điều bạn không thật sự chắc chắn, sự thể hiện của bạn sẽ trở nên khá mơ hồ. Đứa trẻ sẽ không thể hiểu được đâu!
Để giải thích bằng chính từ ngữ của mình, bạn buộc phải thực sự suy nghĩ về chúng. Đó là lý do vì sao kỹ thuật Feyman hiệu quả đến thế. Chúng buộc bạn phải nắm bắt từng chi tiết nhỏ nhất vì đó là điều cần thiết để giải thích chúng bằng những thuật ngữ đơn giản.
“Nếu bạn không thể giải thích cho một đứa trẻ 6 tuổi thì chính bạn cũng không hiểu được điều đó” — Albert Einstein
6. Tham gia cuộc trò chuyện cùng người khác 🗣️
Những người học qua thính giác thường thoải mái khi tham gia vào các cuộc trò chuyện nhóm hơn những người có phong cách học tập khác. Nói về chủ đề bạn đang học trong nhóm với những người khác cũng sẽ giúp bạn hiểu sâu hơn.
Điều này có tác dụng rất giống như chiến lược trước. Giải thích những gì bạn đang học dù là cho chính bạn hay cho người khác vẫn là một trong những cách tốt nhất để củng cố kiến thức trong bạn.
Nói chuyện với người thật thậm chí còn tốt hơn khi bạn chỉ giải thích điều gì đó cho chính mình. Khi tham gia vào cuộc trò chuyện nhóm, bạn có áp lực phải hình thành suy nghĩ và trình bày rõ ràng bản thân. Điều này giúp kiểm tra mang sự hiểu biết của bạn về chủ đề này.
Một lý do khác tại sao tham gia vào cuộc trò chuyện với người khác sẽ giúp ích vì khi nghe người khác giải thích điều gì đó bằng ngôn từ của họ có thể giúp bạn hiểu chủ đề tốt hơn, đặc biệt nếu bạn gặp khó khăn trong chủ đề đó.
Kết luận
Như bạn đã thấy, có rất nhiều phương pháp và kỹ thuật cho phép người có xu hướng học tập qua thính giác học một cách hiệu quả. Với tất cả các công cụ công nghệ ngày nay, chúng ta gần như có thể nói rằng mình đang sống trong thời kỳ hoàng kim của những người học qua thính giác.
Tuy nhiên, xem một thứ gì đó từ nhiều góc độ và quan điểm khác nhau đã nhiều lần được khoa học xác nhận là một cách tuyệt vời để nắm bắt một chủ đề một cách thấu đáo.
Vì vậy, mặc dù bạn là một người học thính giác, bạn sẽ có được trải nghiệm học tập tốt nhất nếu bạn sử dụng một loạt các kỹ thuật khác nhau, bao gồm cả những kỹ thuật không được dành riêng cho người học thính giác.
——————————————————————
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ giá trị.
- Tác giả: Sindre Kaupang
- Link bài viết gốc: TẠI ĐÂY
- Dịch giả: Trần Nguyễn Phương Nghi
Khi chia sẻ, bạn cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Người dịch: Trần Nguyễn Phương Nghi – Nguồn: iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/6523
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 37