Kỹ Năng

7 Bài Học Quý Báu Từ Thất Bại

✅ Trải qua một thất bại lớn có lẽ là một trong những điều tồi tệ nhất trong cuộc đời. Nó lấp đầy bạn với những cảm xúc tiêu cực và khiến bạn cảm thấy bản thân thật vô dụng. Đây là lý do tại sao hầu hết mọi người sẽ làm bất cứ điều gì trong khả năng của bản thân để tránh né thất bại, ngay cả khi điều này đồng nghĩa với việc không bao giờ thử sức điều gì mới mẻ. Bất chấp năng lượng tiêu cực đi kèm, thất bại cũng có mặt tích cực của nó. Thất bại có thể dạy cho bạn những bài học đáng quý mà nếu không được trải nghiệm, bạn sẽ không bao giờ học được.

Trên thực tế, một số người thành công nhất trên thế giới chỉ có thể thành đạt nhờ những bài học mà họ học được từ những thất bại trước đó.

✅ Bạn có gặp thất bại lớn nào gần đây không? Dưới đây là 7 bài học quan trọng mà bạn có thể học được từ thất bại.

1. Thất bại dạy bạn rằng thành công không bao giờ được đảm bảo

👉 Khi thử một điều gì đó mới, cho dù đó là bắt đầu kinh doanh trực tuyến, ứng tuyển cho công việc mơ ước, bắt đầu một blog, hoặc thậm chí một mối quan hệ mới, mọi người đều muốn đạt được thành công. Thật không may, mong muốn này đôi khi có thể bị hạn chế.

Ví dụ: một số người luôn muốn bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình nhưng họ chưa bao giờ thực hiện điều đó vì họ không chắc liệu mình có thành công hay không. Họ mắc kẹt trong tình trạng không thể phân tích và tiếp tục chờ đợi thời điểm hoàn hảo, điều không may là không bao giờ xảy đến. Mong muốn thành công thực sự đã ngăn cản họ bắt đầu kinh doanh.

👉 Mặt khác, một người đã từng trải qua thất bại hiểu rằng không có một sự đảm bảo chắc chắn nào cho thành công. Đôi khi, thất bại xảy đến do những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn.

👉 Do đó, khi bạn đã trải qua một thất bại lớn, bạn hiểu rằng mọi thứ đều có thể xảy ra sai lầm, mặc dù bạn đã cố gắng hết sức. Biết thất bại luôn luôn có xác suất xảy ra — bạn học cách không để nỗi sợ thất bại kìm hãm.

Trải qua thất bại thúc đẩy bạn theo đuổi ước mơ của mình. Nó dạy bạn tiếp tục cố gắng và cố gắng cho đến khi bạn làm đúng. Đây là yếu tố then chốt cuối cùng dẫn đến thành công.

Giống như Winston Churchill đã từng nói: “Thành công là chuyển từ thất bại này sang thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết”.

2. Thất bại dạy bạn cách chấp nhận thay đổi

👉 Khi bạn trải qua thất bại, về cơ bản đây là vũ trụ đang nói với bạn rằng bạn đang làm điều gì đó không đúng.

Ví dụ, nếu bạn trượt đại học, thất bại này có thể cho bạn biết rằng bạn đã không chú tâm đến việc học của mình. Tương tự, nếu công việc kinh doanh của bạn thất bại, sự thất bại có thể cho bạn biết rằng có một số yếu tố kinh doanh mà bạn đã không cân nhắc.

Như câu nói phổ biến thường được cho là của Albert Einstein: “Điên rồ là làm đi làm lại cùng một điều và mong đợi những kết quả khác nhau”. Nếu bạn tiếp tục làm mọi thứ theo cách bạn đã làm trước đây, bạn sẽ vẫn tiếp tục gặp thất bại.

👉 Điều này có nghĩa là để vượt qua thất bại, bạn phải thay đổi một số thứ trong cách tiếp cận của mình. Bạn phải nhìn lại thất bại, xem xét mình đã làm gì sai, từ đó quyết định những thay đổi nào bạn cần thực hiện để thành công trong lần tiếp theo. Khi làm như vậy, thất bại dạy bạn rằng cách duy nhất để vượt qua thất bại là chấp nhận sự thay đổi.

3. Thất bại có thể là nguồn động lực to lớn

👉 Đối với hầu hết mọi người, thất bại làm giảm động lực của họ và khiến họ cảm thấy muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên, đối với những người có tư duy đúng đắn, thất bại có thể là một nguồn động lực to lớn.

Huyền thoại bóng rổ Michael Jordan là một ví dụ tuyệt vời cho những người như vậy. Năm 15 tuổi, Michael Jordan rất muốn trở thành một phần của đội bóng rổ trường trung học của mình. Thật không may, huấn luyện viên trung học của anh ấy không nghĩ rằng anh ấy xứng đáng là một phần của đội, đặc biệt là khi anh ấy chỉ cao gần 1,8m và thậm chí không thể úp rổ.

Việc nhận ra rằng bản thân bị loại khỏi đội bóng của trường vì không đạt tiêu chuẩn thực sự là đòn trí mạng đối với một Michael trẻ tuổi. Anh ấy đã trở về nhà và khóc trong phòng cả buổi tối hôm đó. Tuy nhiên, thay vì để điều này giết chết giấc mơ, Michael đã quyết tâm chứng tỏ cho huấn luyện viên thấy rằng anh ấy xứng đáng được đứng trong đội.

Anh ấy đã tập luyện chăm chỉ nhất có thể, điều này được thúc đẩy bởi nỗi đau không thể góp mặt cùng đội. Cuối cùng, anh ấy đã giành được cho mình một vị trí trong đội trung học và tiếp tục trở thành cầu thủ bóng rổ xuất sắc nhất mọi thời đại.

👉 Đây là một ví dụ về động lực bên trong được thúc đẩy khi không đạt được mục tiêu mà bạn rất đam mê.

👉 Cũng giống như Michael Jordan, bạn có thể biến thất bại thành nguồn động lực. Thay vì để nó đè bẹp bạn, hãy để nỗi đau không đạt được mục tiêu thúc đẩy bạn làm việc chăm chỉ hơn cho đến khi bạn đạt được ước mơ của mình.

4. Thất bại không phải dấu chấm hết

👉 Sau khi trải qua một thất bại lớn, có vẻ như thế giới của bạn đã sụp đổ. Bạn cảm thấy như bạn không có động lực để đạt được ước mơ của mình — hoặc bất cứ điều gì đáng giá cho điều đó. Trên thực tế, sau khi trải qua thất bại lớn, một số người từ bỏ hoàn toàn cuộc sống.

👉 Tuy nhiên, nếu có một điều gì bạn có thể học được từ thất bại của một số người thành công nhất trên thế giới, thì đó là thất bại không phải là dấu chấm hết.

Khi Steve Jobs bị đuổi khỏi công ty mà ông đã lập nên ở ngay trong gara căn nhà của cha mẹ mình, có vẻ như với ông mọi thứ đã kết thúc. Tuy nhiên, Jobs đã xốc lại bản thân, thành lập các công ty khác và cuối cùng được đưa trở lại vị trí CEO của một Apple đang gặp khó khăn. Sau đó, ông tiếp tục biến nó thành công ty nghìn tỷ đô như hiện nay.

Tương tự, Walt Disney đã trải qua thất bại đầu tiên sau khi bị một tờ báo sa thải vì “không đủ sáng tạo”. Sau đó ông thành lập một công ty và cũng thất bại. Không nản lòng, Disney tiếp tục thành lập công ty mang tên mình, và nó đã thành công rực rỡ.

Có một số người rất thành công khác đã từng thất bại trên con đường chinh phục thành công của họ. Điều bạn có thể học được chính là thất bại không phải là phía cuối con đường. Bạn có thể vượt qua thất bại và tiếp tục đạt được thành công lớn hơn những gì bạn đã hình dung.

👉 Biết rằng bạn vẫn có thể tiếp tục và trở nên thành công sẽ mang lại cho bạn sự tự tin, đây là một trong những kỹ năng mềm quan trọng nhất để gặt hái thành công.

5. Thất bại mở rộng góc nhìn cá nhân

👉 Rất thường xuyên, chúng ta quá chìm đắm trong việc theo đuổi mục tiêu của mình mà quên mất những điều quan trọng khác trong cuộc sống. Bạn có thể quá tập trung vào việc phát triển doanh nghiệp đến mức làm việc quá sức và bỏ lỡ những điều quan trọng khác trong cuộc sống, chẳng hạn như gia đình hoặc thậm chí là sức khỏe của bạn.

Ví dụ, bạn có thể đã quyết định kinh doanh tự do để tận hưởng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cũng như dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Tuy nhiên, theo thời gian, bạn nhận ra rằng bạn lại đang dành phần nhiều thời gian cho công việc kinh doanh tự do của mình hơn là cái công việc văn phòng nhàm chán thông thường.

Ngay cả khi đã làm việc chăm chỉ và nỗ lực, bạn nhận ra rằng công việc kinh doanh của bản thân không kiếm được tiền và bạn quyết định đóng cửa nó. Bạn miễn cưỡng chấp nhận rằng nó đã thất bại.

👉 Trải qua thất bại như vậy giúp bạn có cơ hội nhìn lại mọi thứ và xác định lại điều gì là quan trọng đối với chính mình. Đây là lúc bạn nhận ra rằng mình đã quá tập trung vào việc làm sao cho công việc kinh doanh thành công mà thực sự quên mất lý do chính khiến bạn bắt đầu — để tận hưởng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống một cách tuyệt vời hơn.

👉 Khoảng thời gian nhìn nhận lại cuộc sống sau thất bại lớn này cho phép bạn mở rộng quan điểm và tập trung vào những thứ khác có thể mang lại cho bạn nhiều hạnh phúc và sự hài lòng hơn là so với những mục tiêu bạn đang theo đuổi trước đây.

6. Thất bại dạy bạn cách khiêm tốn

👉 Thành công là một giáo viên tồi. Thông thường, sau khi đạt được một loạt thành tựu, hầu hết mọi người đều để cho thành công ập đến với mình. Nó khiến bạn cảm thấy bất khả chiến bại, giống như mọi thứ bạn làm đều nhằm mục đích thành công.

Thật không may, điều này thường dẫn đến sự kiêu ngạo. Bạn bắt đầu thực hiện những trò chơi mạo hiểm hơn bởi vì bạn tin rằng không có gì có thể ngăn cản bạn. Cuối cùng, điều này khiến bạn thất bại.

👉 Tuy nhiên, nếu bạn đã trải qua thất bại, bạn không bao giờ để thành công ập đến với mình. Ngay cả khi mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp, bạn biết rằng chúng có thể gặp trục trặc bất cứ lúc nào. Điều này nhắc nhở bản thân bạn rằng bạn là con người và giữ cho bạn luôn khiêm tốn.

Nó cũng giúp bạn dễ dàng xử lý mọi việc hơn trong trường hợp gặp phải thất bại trong tương lai. Đối phó với thất bại khó hơn rất nhiều nếu bạn luôn đạt được thành công trong mọi nỗ lực của mình và kiêu ngạo tin rằng bạn không thể thất bại.

7. Thất bại dạy cho bạn rằng không phải ý tưởng nào cũng đáng để theo đuổi

👉 Đôi khi, bạn gặp thất bại không phải vì bạn không nỗ lực hết mình mà vì bạn theo đuổi ý tưởng sai lầm. Khi mọi thứ đang diễn ra theo cách của bạn, bạn có thể quá lạc quan và muốn thực hiện mọi ý tưởng nảy ra trong đầu.

👉 Thất bại nhắc nhở bạn rằng không phải mọi ý tưởng nảy ra trong đầu bạn đều là một ý tưởng tuyệt vời. Trải nghiệm thất bại dạy cho bạn cách sàng lọc các ý tưởng, tiến hành đánh giá kỹ lưỡng và chỉ bắt đầu với những ý tưởng có vẻ hứa hẹn nhất.

Ví dụ, khi Steve Jobs trở lại Apple vào năm 1996, công ty đã lâm vào tình trạng đáng báo động. Một trong những biện pháp quyết liệt nhất mà Jobs thực hiện để đưa công ty trở lại có lãi là cắt giảm hàng tá ý tưởng sản phẩm mà công ty đang thực hiện.

Jobs đã đưa trọng tâm của công ty vào một số ý tưởng sản phẩm. Sự tập trung vào những ý tưởng hứa hẹn nhất chính là điều đã đưa Apple từ một công ty đang gặp khó khăn trở thành một trong những công ty lớn nhất thế giới.

👉 Giống như Jobs, người từng trải qua thất bại lớn khi bị Apple sa thải, việc trải qua thất bại có thể dạy bạn rằng không phải ý tưởng nào cũng đáng theo đuổi.

Tổng kết 

Thất bại là một trải nghiệm đau đớn mà không ai muốn trải qua. Tuy nhiên, sự thật của vấn đề là thất bại là không thể tránh khỏi. Miễn là bạn đang cố gắng làm điều gì đó mà bạn chưa từng làm trước đây hoặc tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình, bạn không thể tránh xa hoàn toàn khỏi thất bại.

Bất chấp nỗi đau đi kèm với thất bại, điều này không có nghĩa là thất bại không có lớp lót bạc. Nếu bạn chú ý, thất bại có thể dạy cho bạn những bài học quý giá. Để giúp bạn biến thất bại thành điều gì đó tích cực, trên đây là những chia sẻ về 7 bài học quan trọng mà bạn có thể học được từ thất bại.

—————————————————————-

  • Tác giả:  Martin Lünendonk
  • Link bài gốc: https://bit.ly/3yFsHY7
  • Dịch giả: Mai Thị Minh Thư – CTV ban Nội dung
  • Khi chia sẻ cần trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Dịch giả: Mai Thị Minh Thư – Nguồn: iVolunteer Vietnam”

Xin gửi lời cảm ơn chân thành tới tác giả của bài viết này và hy vọng rằng những chia sẻ trên đây sẽ giúp ích cho bạn!

Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/3877

Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ