Kỹ Năng

8 Cách Để Ghi Nhớ Nội Dung Mọi Quyển Sách Bạn Đã Đọc (Mà Không Cần Phải Ghi Chú)

Khi được hỏi rằng liệu đọc sách có cần thiết cho sự thành công của mình hay không, Bill Gates, người sáng lập và tỷ phú của Microsoft đã trả lời: 

Bạn sẽ không thực sự già đi cho đến khi bạn ngừng học hỏi. Mỗi một cuốn sách đều dạy cho tôi điều gì đó mới mẻ hoặc giúp tôi nhìn mọi thứ khác đi… Đọc sách giúp khơi dậy cảm giác tò mò về thế giới, điều mà tôi nghĩ đã giúp cho tôi tiến lên trong sự nghiệp của mình.

Cũng như Bill Gates, chúng ta đều biết việc đọc sách quan trọng như thế nào, nhưng ta luôn gặp khó khăn để nhớ lại những gì đã đọc: Bạn có thường dành hàng giờ để đọc hoặc nghe một cuốn sách rồi cũng chỉ để quên những ý tưởng quan trọng nhất trong cuốn sách vài ngày sau đó? Khi không nhớ được những gì đã đọc, chúng ta thường lãng phí thời gian và năng lượng quý giá để đọc lại cuốn sách một lần nữa — thời gian mà đáng lẽ chúng ta có thể dành để đọc một cuốn sách có giá trị khác.

Trong những năm qua, tôi (tác giả) đã thử nghiệm nhiều cách khác nhau để nâng cao khả năng đọc hiểu và ghi nhớ những gì mình đọc qua.

Dưới đây là 8 chiến lược tốt nhất mà tôi đã khám phá ra về cách nhớ được những gì đã đọc nhiều hơn mà không cần ghi chú.

1. Chia sẻ những gì bạn học được với người khác

Một trong những cách hay nhất để ghi nhớ những điều đã đọc là chia sẻ những ý tưởng học được từ cuốn sách với bạn bè xung quanh, gia đình và đồng nghiệp.

Cũng giống như việc ngâm nga một bài hát sẽ giúp bạn chú ý nhớ lời bài hát hơn, việc chia sẻ những ý tưởng quan trọng từ sách với những người khác — bao gồm cả ví dụ cụ thể về cách mà ý tưởng đó áp dụng vào tình huống của bạn — sẽ giúp bạn lưu giữ lại những gì đã đọc.

Tuy nhiên, nếu bạn muốn giữ những ý tưởng cho riêng mình, bạn có thể sử dụng một chiến lược học tập cấp tốc và đầy mạnh mẽ được gọi là Phương pháp Feynman, đây là phương pháp được tạo ra bởi nhà vật lý đoạt giải Nobel, Richard Feynman. 

Phương pháp Feynman rất đơn giản: bạn chỉ cần lấy một tờ giấy trắng, viết tiêu đề cuốn sách ở trên cùng, sau đó viết ra những ý tưởng quan trọng từ cuốn sách như thể bạn đang giải thích nội dung của quyển sách này cho một đứa trẻ tám tuổi.

Nếu bạn có thể luyện tập giải thích các ý tưởng chính trong cuốn sách theo cách đơn giản mà ngay cả người mới bắt đầu đọc sách cũng dễ dàng hiểu được thì bạn sẽ cải thiện được khả năng đọc hiểu của mình cũng như ghi nhớ mọi thứ đã đọc.

2. Liên kết những ý tưởng trong sách với kiến thức sẵn có của bạn

Trong cuốn sách “Damn Right: Behind the Scenes with Berkshire Hathaway Billionaire Charlie Munger”, (Damn Right! – Vén màn bí ẩn về tỷ phú Charlie Munger cánh tay phải của Warren Buffett), Munger đã lưu ý rằng: “Nếu bạn có thói quen hay liên hệ những gì đang đọc trong đầu với cấu trúc cơ bản của những ý tưởng nền tảng đang được chứng minh, bạn sẽ dần dần tích lũy được một chút khôn khoan.”

Sự khôn ngoan này là ý nghĩ cơ bản hoặc “nguyên tắc đầu tiên” đối với những gì bạn đang đọc.

Ví dụ, trong khi đọc cuốn sách “Blink: The Power of Thinking Without Thinking” của Malcolm Gladwell, tôi nhận ra các ý tưởng quan trọng trong sách đã gợi nhắc tôi về một khái niệm trạng thái tinh thần tập trung cao độ gọi là “Dòng chảy”, điều mà trước đây tôi từng đọc trong tác phẩm của nhà tâm lý học Mihály Csíkszentmihályi.

Một ví dụ khác, khi tôi đang đọc quyển “The Paradox of Choice: Why More is Less”, tôi đã liên hệ những khái niệm then chốt với viễn cảnh khi tôi bị choáng ngợp bởi vô số lựa chọn về món ăn trên thực đơn nhà hàng. 

Bằng cách kết nối các ý tưởng mới với những khái niệm quen thuộc lại với nhau, bạn có thể giữ cho những điều đã đọc đọng lại sâu hơn và cải thiện khả năng đọc hiểu của mình.

Hơn nữa, bạn sẽ khám phá ra những giải pháp sáng tạo cho các vấn đề quen thuộc trong đời sống — vì những cái nhìn sâu sắc nhất thường chỉ xuất hiện tại điểm giao nhau giữa các ý tưởng thuộc những lĩnh vực khác nhau.

Lần tới khi bạn đọc được một ý tưởng quan trọng trong quyển sách trước mặt, chỉ cần tự đặt ra câu hỏi: Ý tưởng này khiến mình nhớ đến cái gì?

3. Hãy say sưa đọc những quyển sách có chủ đề tương tự nhau

Sau khi đọc xong vô số cuốn sách với những chủ đề tương tự, tôi phát hiện ra rằng thông tin và kiến ​​thức trong các cuốn sách khác biệt nhau, giống như những nhánh cây vậy. Dù mỗi nhánh có thể trông khác nhau nhưng chúng đều mọc lên từ cùng một thân cây.

Nói cách khác, những ý tưởng cơ bản trong các cuốn sách dường như là khác nhau, nhưng cũng có xu hướng giống nhau. 

Sau khoảnh khắc ‘lóe sáng’ về ý tưởng này, tôi đã nghĩ ra một phương pháp có tên là “Xoay quanh con số 5”.  Ý tưởng này rất đơn giản: Tôi chọn năm cuốn sách quan trọng nhất về một chủ đề cụ thể và sau đó giống như âm thanh từ môi trường xung quanh đang bao bọc lấy người nghe, tôi “tự xoay quanh chủ đề” bằng cách đọc ngược lại từng quyển sách trong hoàn cảnh phù hợp.

Ví dụ, khi tôi muốn đi sâu vào chủ đề triết học, tôi bắt đầu đọc những cuốn sách kinh điển của Aristotle, Plato, Kant, Nietzche và Jean-Paul Sartre. Điều này đã giúp tôi tạo mối liên kết giữa các ý tưởng và ghi nhớ những gì mình đã đọc.

Thêm vào đó, phương pháp này giúp tôi tiết kiệm một lượng thời gian và năng lượng quý giá mà lẽ ra tôi đã lãng phí khi cố tìm kiếm những cuốn sách hay nhất để đọc hoặc đọc những cuốn sách vô bổ.

Khi bạn đọc những cuốn sách cơ bản thuộc một chủ đề, bạn sẽ xây dựng một nền tảng vững chắc hay “thân cây” để tích góp những ý tưởng mới có thể củng cố cho kiến ​​thức hiện có của bạn về chủ đề đó. Điều này sẽ cải thiện khả năng đọc hiểu của bạn và giúp bạn lưu giữ nhiều điều đã đọc hơn — bởi vì như Vua Solomon đã từng nói, “không có thứ gì mới mẻ trên đời.”

Vì vậy, những cuốn sách mới có thể chứa những thông tin mới, nhưng tất cả mọi quyển sách đều vay mượn ý tưởng từ cùng một “thân cây” tri thức giống nhau.

4. Hãy đọc quyển sách có thể giúp bạn áp dụng ngay vào cuộc sống

Một trong những cách hay nhất để cải thiện khả năng đọc hiểu của bạn là đọc những cuốn sách có liên quan đến những trăn trở trong cuộc sống hiện tại của bạn.  Ví dụ: nếu bạn đang đấu tranh để giảm cân và giữ dáng, bạn có thể đọc một cuốn sách như “How to eat”, “Move and be Healthy” và áp dụng những ý tưởng quan trọng ngay lập tức.  Nhờ vậy, bạn sẽ đẩy nhanh được quá trình học của mình vì cả năm giác quan của bạn đều sẽ đắm chìm vào việc kết nối với những thông tin mới. 

Haven cho rằng, không phải cuốn sách nào được viết ra cũng có thể áp dụng vào cuộc sống hàng ngày. Nhưng khi có thể, bạn nên tự đặt câu hỏi: “Mình sẽ áp dụng cái gì vào cuộc sống sau khi đọc xong cuốn sách này?” 

Bằng cách thực hiện những gì đã đọc, bạn có thể ghi nhớ những nội dung và thu hẹp khoảng cách giữa kiến ​​thức và trí tuệ.

5. Giữ cho các ghi chú và nội dung đã đánh dấu được ngăn nắp

Nếu bạn muốn ghi chú lại nhiều thứ từ một cuốn sách đang đọc, bạn có thể sử dụng đa dạng công cụ để đảm bảo nhớ được những gì đã đọc.

Cá nhân tôi luôn giữ các ghi chú của mình được ngăn nắp trong trên ứng dụng Evernote, vì tôi có thể tìm kiếm và dễ dàng truy cập vào ứng dụng này trên điện thoại di động hay máy tính xách tay của mình. Trước khi sử dụng Evernote, tôi đã từng ghi chú rải rác khắp nơi trong những quyển sổ ghi chép khác nhau của mình và chúng đều bị mất. Chuyện này đồng nghĩa với việc tôi sẽ phải viết lại từng ghi chú của mình một lần nữa — một sự lãng phí rất lớn về thời gian và sức lực.

Một chiến lược hiệu quả khác là đánh dấu các ý tưởng quan trọng trong sách trên ứng dụng Kindle Paperwhite và xuất các ghi chú đó sang Evernote bằng cách sử dụng web clipper. Nếu bạn chọn nhập vào máy hoặc viết ghi chú tay cho một cuốn sách, bạn có thể sử dụng giá đọc để giữ sách nằm yên mỗi khi bạn lật sang trang mới (nếu không, các trang sẽ cứ đóng lại và bạn phải tiếp tục mở sách ra, có thể gây tình trạng mệt mỏi).

6. Nghe chậm để học hỏi và nghe nhanh để giải trí

Nghe sách nói là một cách rất hay để lĩnh hội thông tin từ sách trong thời gian đang làm việc và hoàn thành các nhiệm vụ thông thường. Nhưng bạn sẽ dễ thấy nhàm chán, mất dấu những gì mình đang nghe và quên đi những ý tưởng quan trọng nhất.

Một trong những cách tốt nhất để nhớ thêm nhiều thông tin từ sách nói là giảm tốc độ đọc ở các phần nội dung liên quan đến kiến thức để học hỏi và tăng tốc độ lên trong các phần mang ý nghĩa giải trí.

Hầu hết các nhà văn phi hư cấu đều có xu hướng lấp đầy phần lớn tác phẩm của họ bằng các câu chuyện, số liệu thống kê và bài tập được thiết kế cho mục đích hấp dẫn người đọc và ủng hộ cho các ý tưởng chính mà tác giả muốn thể hiện. Những thông tin độn vào này mang tính giải trí nhưng không thật sự cần thiết. Cũng vì gần 80% nội dung trong đa số những tác phẩm phi hư cấu có xu hướng bị độn thêm thông tin, bạn có thể nghe sách nói ở tốc độ nhanh hơn 1.5-2 lần trên ứng dụng Audible.

Sau đó, khi bạn đã nghe đến phần có chứa các ý tưởng quan trọng của cuốn sách, bạn chỉ cần tua lại và giảm tốc độ đọc trong suốt phần nội dung này. Bằng cách này, bạn sẽ tiết kiệm được kha khá thời gian khi bỏ qua các phần được bổ sung thêm vào và dành nhiều thời gian hơn để tiếp thu các ý tưởng chính trong cuốn sách.

Mẹo hay: Sử dụng cặp tai nghe không dây nghe sách nói để rảnh tay trong khi tập thể dục, làm việc và hoàn thành các công việc thường nhật khác

7. Chỉ Đọc Những Cuốn Sách Hay mà Bạn Thích (Hai Lần)

Ăn uống cũng giống như đọc sách. Ăn càng nhiều đồ ăn vặt, sức khỏe và vóc dáng của bạn sẽ ngày càng xấu đi. Tương tự như vậy, khi bạn đọc càng nhiều quyển sách dở thì nền tảng kiến ​​thức của bạn cũng ngày càng mai một và càng khó có thể nhớ những gì đã đọc.

Thông thường, chúng ta bắt đầu đọc một cuốn sách mới vì nó được nhiều người đề cử và rất phổ biến. Nhưng điều đó không chứng minh được nó là một cuốn sách hay. Cũng đã nhiều lần, chúng ta tự bực mình vì không thể đọc trọn vẹn một cuốn sách ở mức trung bình.

Có một cách tiếp cận tốt hơn là: đừng bận tâm đến bất kỳ cuốn sách nào có nội dung không hay. Trong cuốn sách “How to Read a Book: The Classic Guide to Intelligent Reading”, Mortimer J. Adler đã giải thích rằng “một cuốn sách hay có thể dạy bạn về thế giới và về bản thân bạn. Khi bạn học được nhiều thứ từ sách, hơn cả việc phải đọc sách thế nào mới tốt thì bạn cũng đang tìm hiểu thêm về cuộc sống của chính mình. Bạn trở nên khôn ngoan hơn.”

Sau khi đọc hết một lượng lớn những cuốn sách dở tệ chỉ để lại vị đắng chát trong miệng, tôi đã nghĩ ra một chiến lược có 3 bước hiệu quả để giúp mình chọn lọc những cuốn sách hay nhất từ ​​trong số những cuốn sách bình thường:

  • Bước 1: Xem nhanh qua mục lục để nắm được “ý chính” của cuốn sách, sau đó đọc lướt qua một vài đoạn đầu của chương mở đầu và một vài đoạn cuối của chương kết thúc. Bạn chỉ tiến hành bước tiếp theo nếu cuốn sách có vẻ có giá trị.
  • Bước 2: Đọc lướt qua một số đoạn đầu tiên và một vài đoạn cuối cùng trong những chương cụ thể mà bạn thấy có hứng thú. Chỉ tiến hành bước tiếp theo nếu cuốn sách tỏ ra hữu ích đối với bạn.
  • Bước 3: Tùy ý mở sách ở một đoạn giữa bất kỳ và đọc hết một chương đầy đủ. Nếu bạn vẫn còn bị cuốn hút, đây có lẽ là một cuốn sách hay để đọc lại.

Theo nguyên tắc chung, những cuốn sách hay sẽ có xu hướng kích thích tư duy và khiến bạn cảm thấy kiệt sức sau khi đọc. Chúng không chỉ giúp bạn hiểu biết hơn mà còn khôn ngoan hơn. Nếu cuốn sách bạn đang xem xét vượt qua cả ba bước và đáp ứng được mọi tiêu chí thì bạn có thể dành thời gian để đọc toàn bộ cuốn sách.

Nhưng chúng ta vẫn chưa xong.

Trong việc đọc sách, ta chỉ nên nếm thử qua những cuốn sách vô bổ, ngấu nghiến những cuốn sách hay, và những cuốn sách hay đó phải đặc biệt được nhai và tiêu hóa kỹ.  Nói cách khác, những tác phẩm xuất sắc nên được đọc lại nhiều lần. Theo lời của nhà viết kịch Oscar Wilde:

Nếu một người không thích đọc đi đọc lại một cuốn sách, thì việc đọc nó cũng chẳng có ích lợi gì.

8. Đọc sách trước khi đi ngủ

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khoa học Tâm lý – chuyên khám phá những chiến lược cải thiện trí nhớ – đã phát hiện ra rằng việc ngủ giữa các buổi học không chỉ giảm một nửa thời lượng thực hành cần thiết trong thực tế mà còn tăng khả năng nhớ được thông tin trong thời gian dài.[5]

Trong quá trình thử nghiệm, các nhà nghiên cứu đã chia 60 người nói tiếng Pháp tham gia thí nghiệm thành ba nhóm khác nhau: nhóm kiểm soát, nhóm được ngủ và nhóm không được ngủ.  Mỗi người trong số họ được giao nhiệm vụ học và ghi nhớ bản dịch tiếng Pháp của danh sách 16 từ trong ngôn ngữ Swahili. Nhóm Kiểm soát học thuộc các từ vựng vào buổi tối và làm bài kiểm tra trí nhớ sau khi đã ngủ 12 giờ. Nhóm Ngủ cũng học các từ vào buổi tối và làm bài kiểm tra trí nhớ sau khi ngủ 12 giờ. Tuy nhiên, họ được học lại các từ vựng lần thứ hai. Cuối cùng là nhóm Không ngủ, họ học các từ vựng vào buổi sáng và làm bài kiểm tra trí nhớ sau 12 giờ mà không ngủ giữa các buổi học. Sau đó, họ học các từ lần thứ hai.

Tiếp theo, các nhà nghiên cứu tiến hành các bài kiểm tra trí nhớ tiếp theo cách một tuần và sáu tháng sau đó.  Kết quả: Nhóm Ngủ và Nhóm Kiểm soát đều nhớ từ tốt hơn nhóm Không Ngủ.  Điều đáng ngạc nhiên nhất là nhóm Ngủ đã nhớ được nhiều từ hơn cả nhóm Kiểm soát và Không ngủ sau 6 tháng của bài kiểm tra trí nhớ. Ý nghĩa của nghiên cứu này cho thấy việc ngủ giữa các buổi học có thể tăng cường đáng kể khả năng ghi nhớ và khả năng đọc hiểu.

Cách tốt nhất để thực hiện điều này là đọc hoặc nghe sách của bạn ngay trước khi bạn đi ngủ và có một giấc ngủ ngon.  Để đảm bảo rằng việc đọc sách trên giường ngủ không làm gián đoạn giấc ngủ của bạn, bạn có thể sử dụng đèn đọc sách dạng kẹp, giúp cho việc đọc sách dễ dàng hơn và tránh cho ánh sáng xanh từ đèn và bóng đèn ảnh hưởng gây mất ngủ.

🌱Rút ra bài học

Sách không chỉ là một nguồn để giải trí.  Chúng là một khoản đầu tư hướng tới tương lai của chính bạn: một cánh cổng để giúp bạn kết nối và tiếp thu kiến ​​thức từ những người thông thái nhất đã và đang còn sống.

Nhưng chúng ta vẫn luôn xem sách theo kiểu thoáng qua — đọc vội vàng trong khi thực hiện nhiều công việc khác nhau và rồi đó quẳng chúng sang một bên.

Sự thật gây khó chịu chính là: đọc chỉ là một nửa của trận chiến. Một nửa còn lại là bạn phải suy ngẫm về những gì mình đã đọc. Cách tốt nhất để nhớ được những gì đã đọc và cải thiện khả năng đọc hiểu là bạn hãy hiểu rằng ta phải dành ra một khoảng thời gian tương đương với khoảng thời gian đọc sách để ngẫm nghĩ và suy tư về những ý tưởng quan trọng bạn đã đọc.

Tuy nhiên, quá trình xác định đâu là quyển sách đáng đọc rất tốn thời gian và để tìm ra thời gian để đọc những cuốn sách hay đó cũng khó khăn không kém.

Đó là lý do tại sao tôi lại tổng hợp một danh sách những cuốn sách nói hay nhất mọi thời đại để bạn có thể nghe trong các chuyến đi xa hoặc trên đường đi làm của mình. 

Cuối cùng, như Triết gia John Locke đã từng nói: “Đọc chỉ là quá trình cung cấp thêm tài liệu kiến thức cho tâm trí, việc suy nghĩ mới khiến cho những gì mà ta đã đọc thật sự thuộc về của ta.” [6]

Chú thích

  1. Trích trong bài phỏng vấn của Bill Gates.
  2. Mặc dù bài viết này tập trung vào cách ghi nhớ những gì đã đọc mà không cần ghi chú, nhưng ghi chú là một chiến lược tốt giúp bạn nhớ những gì bạn đọc và cải thiện khả năng đọc hiểu. Cách tốt nhất để tôi cô đọng các ghi chú từ sách của mình theo một cách dễ nhớ là viết hai đoạn tóm tắt ngắn về những gì tôi đã đọc, sau đó là ba ý chính từ cuốn sách.
  3. Con số 80% là ước tính trung bình dựa trên kinh nghiệm đọc nhiều tác phẩm phi hư cấu của chính tôi.
  4. Nguồn: Các bài luận của Oscar Wilde.
  5. Mazza, Stéphanie & Gerbier, Emilie & Gustin, M.-P & Kasikci, Zumrut & Koenig, Olivier & C Toppino, Thomas & Magnin, Michel. (2016). Học lại Nhanh hơn và Ghi nhớ Lâu hơn: Cùng với luyện tập, giấc ngủ giúp mọi thứ trở nên hoàn hảo. Khoa học Tâm lý.
  6. Từ tác phẩm “Of The Conduct Of The Understanding” của John Locke.

——————————————

Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích.

  • Theo: Ladders
  • Người dịch: Lê Nguyễn Ka Thy
  • Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Lê Nguyễn Ka Thy – Nguồn iVolunteer Vietnam”

Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/11456

Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.

Lượt xem: 16

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ