Kỹ Năng

Bản Chất Thực Sự Của Chủ Nghĩa Tối Giản

“Hạnh phúc chỉ có thể tìm thấy nếu bạn giải phóng bản thân để gạt bỏ tất cả những điều phân tâm khác.” – Saul Bellow

Món đồ chơi yêu thích của bạn hồi còn nhỏ là gì? Của tôi là mô hình nhân vật hành động Người Nhện. Tay chân có thể điều chỉnh được, và có một công tắc sau lưng khiến mắt anh sáng lên.

Tôi đã chơi với món đồ chơi đó qua năm này tháng nọ, ngay cả khi ngón tay anh bị gãy và công tắc anh bị kẹt. Khi còn nhỏ tôi có rất nhiều đồ chơi, nhưng đây là cái mà tôi nhớ nhất.

Có thể bạn sẽ nhận thấy một xu hướng tương tự với con cái của mình. Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu Anh, trung bình một đứa trẻ 10 tuổi có 238 món đồ chơi nhưng hàng ngày chỉ chơi với 12 món.

Ngay cả khi bạn không có con, có thể bạn đang ngập trong đống đồ chơi của chính mình. Đồ điện tử hết thời hạn để trên kệ, đồ trang sức để trong tủ quần áo hay những chiếc áo len cũ mà bạn chưa đụng đến đã qua 10 năm. Bạn chơi với bao nhiêu món đồ chơi hàng ngày, và bao nhiêu thứ ngáng đường bạn và gây lãng phí?

Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi nói với bạn những thứ này đang cản trở bạn sống một cuộc sống hạnh phúc và ý nghĩa hơn? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không dành thời gian trả tiền cho những món đồ cũ luôn cần được sửa chữa, bảo dưỡng, làm sạch và tu sửa? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn có nhiều thời gian hơn để tận hưởng tình bạn, sở thích và đam mê?

Khi tôi bắt đầu tự hỏi bản thân những câu hỏi này, tôi nhận thấy những người khác, những người tự gọi mình là người theo chủ nghĩa tối giản cũng đặt những câu hỏi tương tự. Sau phát kiến này, tôi bắt đầu cuộc hành trình tối giản của riêng mình và không bao giờ quay đầu lại nữa.

Mọi người trở nên sợ hãi khi tìm hiểu chủ nghĩa tối giản bởi vì họ nghĩ rằng họ phải hy sinh tất cả tài sản của mình và sống như một nhà sư.

Nếu bạn nghĩ như vậy, tôi không thể đổ lỗi cho bạn được. Mà tôi cũng không thích điều đó. Thằng bé năm tuổi ngày ấy sẽ sụp đổ nếu phải loại bỏ mô hình chú Người Nhện mất.

May mắn thay, chủ nghĩa tối giản không đòi hỏi những hy sinh như vậy. Thực tế thì chủ nghĩa tối giản không đòi hỏi bất cứ thứ gì. Không có quy tắc, phán xét, hay yêu cầu.

Nếu thuật ngữ chủ nghĩa tối giản đáng sợ đối với bạn, hãy nghĩ về nó như việc tập trung vào tất cả những thứ bạn yêu thích mỗi ngày. Nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng nó sẽ trông như thế nào trong thực tế? Hãy cùng nhau khám phá nhé.

1. Ghé thăm tủ quần áo của chúng ta

Nếu tôi được cùng bạn đi xem tủ quần áo của bạn, sẽ có một vài loại quần áo khác nhau như sau.

Quần áo đi làm.

Quần áo đi sự kiện trang trọng.

Quần áo đi quẩy.

Quần áo đi tập gym.

Quần áo để nằm dài và xem Netflix.

Trong mỗi loại đó, bạn thường mặc bộ trang phục nào? Trang phục nào làm bạn hứng khởi nhất? Trang phục nào mà bạn thấy thu hút, và trang phục nào nằm thui thủi đằng sau còn bị bám đầy bụi?

Tủ quần áo của bạn sẽ như thế nào nếu bạn quyên góp những bộ quần áo chiếm không gian tủ và giấu đi những bộ quần áo yêu thích? Nếu việc đem đi từ thiện quá khó khăn, hãy đóng chúng vào hộp và cất đi trong vài tháng.

Hãy cho bản thân không gian và thời gian giúp chúng ta nhận ra rằng chúng ta chưa bao giờ thích thú, hay sử dụng bất kỳ bộ quần áo nào trong số đó. Chính điều này giúp chúng tôi có lòng can đảm để quyên góp quần áo với một cảm giác tự hào. Nếu bạn thấy có vẻ thú vị nhưng không chắc nên bắt đầu từ đâu, hãy tìm kiếm “Dự án 333” để nhận một số lời khuyên và hỗ trợ.

2. Xem xét lại các mối quan hệ của chúng ta

Vào những năm 1990, nhà nhân chủng học người Anh Robin Dunbar đã phát hiện ra rằng con người chỉ có thể duy trì giới hạn trên 150 mối quan hệ xã hội.

Ba mươi năm sau, con số này có thể xem như thấp hơn so với bây giờ. Nhiều người sở hữu hàng trăm bạn bè trên Facebook và hàng nghìn lượt theo dõi trên Instagram. Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, điều này chuyển thành quan niệm rằng việc có nhiều bạn bè hơn sẽ dẫn đến sự nổi tiếng, sự yêu thích và một cuộc sống hạnh phúc hơn.

Nhưng chất lượng tình bạn cũng là vấn đề. Trong số hàng trăm kết nối qua kỹ thuật số, bạn dành thời gian cho bao nhiêu người trong cuộc sống đời thực? Bạn có thể dựa vào bao nhiêu người để họ đưa tay giúp đỡ, lắng nghe rắc rối hay đưa ra phản hồi để giúp bạn cải thiện và phát triển?

Khi tôi nghĩ về các vòng kết nối bạn bè của mình, tôi nhận ra rằng họ thường bị chi phối bởi sự gần gũi hơn là bởi các giá trị hoặc sở thích chung.

Là một người ham đọc sách, tôi thích vây quanh với những người đam mê đọc sách. Sau khi sử dụng công nghệ hiện đại, tôi đã tạo ra một câu lạc bộ sách với các thành viên từ cộng đồng trong địa phương của mình. Mọi thứ bắt đầu khi những cuộc trò chuyện hàng tháng về sách trở thành những cuộc gặp gỡ xã hội định kỳ.

Thông qua việc thảo luận về những giá trị và suy nghĩ giống nhau, chúng tôi đã trở thành những người bạn thân thiết, những người đã trở thành nơi ủng hộ và trao niềm vui cho nhau trong những năm qua. Thay vì dựa vào các mối quan hệ trên bề nổi là chỉ đơn giản được sinh ra từ sự gần gũi, giờ đây tôi có thể tin tưởng vào những mối quan hệ phong phú và thỏa mãn này để giúp tôi phát triển.

Cuộc sống của bạn sẽ như thế nào nếu xung quanh bạn là những người có chung giá trị hoặc tư duy giống nhau? Cuộc sống của bạn sẽ khác như thế nào nếu bạn dành thời gian cho những người có cùng sở thích với bạn?

Hãy khám phá những sự lựa chọn khác nhau như các nhóm trên Facebook hay các hoạt động trên Meetup mà phù hợp với sở thích của bạn. Cần có thời gian để bồi đắp những gắn kết xã hội thêm sâu sắc và hài lòng, nhưng chúng có thể kéo dài đến suốt đời.

3. Đánh giá thời gian của chúng ta

Tôi có một tiết lộ trong số những điều lớn nhất của mình khi nhìn lại thật kỹ cách sử dụng thời gian của bản thân như thế nào. Tôi đã dành toàn bộ thời gian để kiểm tra email và xem năng suất của nó, đồng thời hy sinh cơ hội được đọc, viết và dành thời gian của mình theo cách giúp tôi cảm thấy hạnh phúc hơn. Ngày nào tôi cũng làm thế rất nhiều, và không ngày nào mang lại ý nghĩa hay hạnh phúc.

Điều này nghe có giống bạn không? Hãy nhìn vào các cam kết và hoạt động chiếm thời gian của bạn. Bạn có thể ủy thác bất cứ điều gì cho người khác hay hoàn toàn từ bỏ nó không?

Có những hoạt động nào bạn đang làm vì nghĩ rằng bạn nên làm điều đó không? Hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi sau để giảm bớt danh sách việc cần làm của bạn:

1) Công việc này có mang lại giá trị cho cuộc sống của tôi không?

2) Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không thực hiện công việc này?

3) Công việc có phù hợp với các giá trị của tôi không?

Làm sáng tỏ các thói quen của chúng ta sẽ khám phá ra những hiểu biết thú vị. Nếu ai đó hỏi tại sao tôi lại có những thói quen như tập yoga hay thiền, là vì đó là điều tôi nghĩ những người thành công đã làm, chứ không phải vì tôi thích những thói quen đó.

Thay vì tập yoga, bây giờ tôi đi bộ. Thay vì ngồi thiền, tôi bày tỏ suy nghĩ của mình thông qua việc viết.

Mỗi người đều có những công thức riêng để sống một cuộc đời có ý nghĩa, và mỗi cá nhân sẽ có cái nhìn khác nhau về mỗi mùa trong cuộc đời họ. Hãy cân nhắc xem bạn cần gì, thích gì và thói quen nào sẽ là công cụ tốt nhất giúp bạn đạt được điều đó.

Bằng cách tự vấn bản thân, chúng ta nhận được câu trả lời tốt hơn phù hợp nhất với nhu cầu và mong muốn của bản thân. Hãy bắt đầu với ba câu hỏi đó và thêm những câu hỏi khác mà bạn thấy phù hợp.

Niềm yêu thích của bạn là gì?

Hãy tưởng tượng một cuộc sống mà bạn chỉ mặc bộ quần áo yêu thích của mình. Một cuộc sống vây quanh bạn là những người sẽ nâng đỡ và mang lại niềm vui mỗi ngày cho bạn. Một cuộc sống mà bạn có thời gian để thực hiện những hoạt động mà bạn yêu thích nhất.

Bạn đã có quần áo, bạn bè và hoạt động yêu thích của mình. Chủ nghĩa tối giản không phải là loại bỏ mọi thứ, mà là khám phá lại những thứ yêu thích của chúng ta – có một số thậm chí không phải là “những thứ”.

Được bao quanh bởi sở thích có thể dẫn ta đến một cuộc sống hạnh phúc và viên mãn hơn. Công tắc này thậm chí có thể bật sáng đôi mắt của chúng ta, giống như nhân vật hành động Người Nhện yêu thích của tôi từ nhiều năm trước.

———————————————————————-

Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!

  • Nguồn: tinybuddha.com
  • Người dịch: Lê Quỳnh Anh
  • Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Lê Quỳnh Anh – Nguồn iVolunteer Vietnam’’

 

Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/9783

Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ