Kỹ Năng

Các Kỹ Năng Cần Thiết Để Trở Thành Nhà Quản Lý Chuỗi Cung Ứng

📌Nhà quản lý chuỗi cung ứng thực hiện những công việc gì?

Các nhà quản lý chuỗi cung ứng đảm nhiệm mọi công việc liên quan đến chuỗi cung ứng, bao gồm lập các kế hoạch công việc, tìm nguồn cung, chế tạo hàng hóa, giao hàng và xử lý hàng thải, bỏ. Họ có trách nhiệm duy trì chi phí ở mức thấp nhất trong khi chất lượng công việc vẫn được đảm bảo. Nhà quản lý chuỗi cung ứng thường làm việc trong các lĩnh vực từ sản xuất đến năng lượng và có thể hoàn thành tốt các công việc sau:

1. Đánh giá chiến lược

Các nhà quản lý chuỗi cung ứng thường làm nhiệm vụ đánh giá sơ bộ các chiến lược công việc để đảm bảo mọi phân đoạn của một chuỗi cung ứng đều được thực hiện hiệu quả và tiết kiệm. Họ nắm bắt các cơ hội để nâng cao hiệu suất làm việc đồng thời đạt được năng suất tối đa.

2. Đề xuất cải tiến

Các nhà quản lý chuỗi cung ứng là người chuyên phát triển và đề xuất các phương án giảm chi phí, cải thiện tăng trưởng kinh doanh và nâng cao sự đảm bảo an toàn trong công việc. Họ thường xuyên phải báo cáo tình hình hoạt động cho giám đốc phụ trách điều hành (COO).

3. Phát triển các mối quan hệ kinh doanh

Để đảm bảo mức chi phí luôn thấp nhưng hiệu quả cao, các nhà quản lý chuỗi cung ứng phải xây dựng và duy trì các mối quan hệ với đối tác quan trọng. Hầu hết các chuyên gia ở vị trí này đều thường làm việc và đàm phán hợp đồng với các nhà cung cấp, nhà sản xuất, nhà điều phối dịch vụ giao hàng và bộ phận xử lý trả hàng.

4. Đào tạo nhân viên

Các nhà quản lý chuỗi cung ứng thông thường sẽ là người tuyển dụng và phỏng vấn nhân viên. Họ cung cấp các khóa đào tạo và phát triển nhằm giúp các nhân viên tìm hiểu thêm về công việc, thành thạo các kỹ năng và có cơ hội thăng tiến lên các vai trò quản lý.

📌Các yêu cầu đối với nghề quản lý chuỗi cung ứng 

Các nhà quản lý chuỗi cung ứng cần sở hữu bằng cử nhân, thành thạo các kỹ năng kỹ thuật (kỹ năng cứng), có ít nhất năm năm kinh nghiệm trong nghề và có thể thi thêm các chứng chỉ bổ sung.

1. Học vấn

Hầu hết các nhà tuyển dụng đều yêu cầu bằng cử nhân đối với ứng viên quản lý chuỗi cung ứng. Một vài ngành học cử nhân phổ biến để có thể làm việc trong lĩnh vực quản lý chuỗi cung ứng là:

  • Quản trị kinh doanh

Bạn sẽ được học các chủ đề cốt lõi như kế toán chi phí, giám sát vận hành, hành vi tổ chức và quản trị kinh doanh. Nhiều chương trình quản trị kinh doanh cũng cung cấp các chuyên ngành về điều hành hoặc chuỗi cung ứng.

  • Quản lý chuỗi cung ứng 

Đối với một số trường đại học, quản lý chuỗi cung ứng là một chuyên ngành nhỏ hơn của kinh doanh, tuy nhiên vẫn có một số trường khác tổ chức ngành học quản lý chuỗi cung ứng một cách độc lập. Trong cả hai chương trình, sinh viên đều được học những kiến thức cơ bản về hoạt động giám sát kho hàng, vòng đời sản phẩm, chiến lược thu mua hàng hóa, vận chuyển và lưu kho.

  • Kỹ thuật hệ thống

Ngành học này tập trung vào các hệ thống và cấu trúc giúp nắm vững cốt lõi của logistics và quy trình kinh doanh. Khi theo học cử nhân kỹ thuật hệ thống, bạn sẽ được học về mô hình thống kê, hoạt động giám sát kho hàng và các nguyên tắc của chuỗi cung ứng.

2. Đào tạo

Các nhà quản lý chuỗi cung ứng thường được đào tạo tại chỗ khi làm việc ở các vị trí đầu vào không cần kinh nghiệm. Hầu hết các nhà quản lý chuỗi cung ứng đều từng có ít nhất năm năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực logistics, thu mua hàng hóa hoặc quản lý chuỗi cung ứng. Một số khác từng có thời gian phục vụ trong quân đội nơi họ tích lũy kinh nghiệm làm điều phối hoặc hậu cần.

3. Chứng chỉ

Một số nhà tuyển dụng yêu cầu ứng viên quản lý chuỗi cung ứng phải có thêm các chứng chỉ. Các chứng chỉ chuyên môn này giúp các ứng viên nâng cao kỹ năng làm việc và học hỏi được nhiều thông tin về các vấn đề và xu hướng ảnh hướng đến ngành.

  • Certified Master Logistician – CML (Chứng nhận bậc thầy logistics)

Được tổ chức bởi Hiệp hội Logistics Quốc tế (International Society of Logistics), chứng chỉ này đặc biệt dành cho các chuyên gia về hệ thống, cung ứng và phân phối. Thí sinh phải có bằng cử nhân và năm năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực liên quan. Các thí sinh cần vượt qua ba phần của bài kiểm tra.

  • Certified Professional Logistician – CPL (Chứng nhận chuyên gia logistics)

Cũng được tổ chức bởi Hiệp hội Logistics Quốc tế, chứng chỉ này dành cho các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý vòng đời chuỗi cung ứng. Thí sinh cần có bằng cử nhân và năm năm kinh nghiệm làm việc. Thí sinh cần vượt qua một bài kiểm tra để chứng minh khả năng thiết kế và quản lý hệ thống thành thạo, hỗ trợ quản lý sản phẩm và mua bán – sáp nhập, bố trí và phục vụ khách hàng.

  • Certified Supply Chain Professional – CSCP (Chứng nhận chuyên gia chuỗi cung ứng) 

Đây là một trong những chứng chỉ phổ biến nhất đối với các chuyên gia quản lý chuỗi cung ứng, được tổ chức bởi Hiệp hội Quản lý Chuỗi cung ứng (Association for Supply Chain Management). Thí sinh cần có bằng cử nhân, ba năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực liên quan và cần đạt điểm chuẩn trong kỳ thi chứng chỉ.

  • Certified in Logistics, Transportation and Distribution – CLTD (Chứng nhận về logistics, vận tải và phân phối)

Chứng chỉ này cũng được tổ chức bởi Hiệp hội Quản lý Chuỗi cung ứng và có các yêu cầu giống như CSCP. Tuy nhiên, chứng chỉ này thể hiện được sự thành thạo trong các lĩnh vực trọng tâm như logistics và vận tải.

4. Kỹ năng

Để trở thành một nhà quản lý chuỗi cung ứng thành công, bạn cần có các kỹ năng sau:

  • Kỹ năng máy tính

Các nhà quản lý chuỗi cung ứng thường phải sử dụng bộ phần mềm văn phòng tiêu chuẩn để viết báo cáo, theo dõi dữ liệu và chuẩn bị tài liệu thuyết trình. Để trở thành một nhà quản lý chuỗi cung ứng xuất sắc, bạn cần biết cách sử dụng các ứng dụng bảng tính, cơ sở dữ liệu, xử lý văn bản và thuyết trình.

  • Kỹ năng chăm sóc khách hàng

Các nhà quản lý chuỗi cung ứng thường đảm nhiệm vai trò phát triển danh sách khách hàng và xây dựng mối quan hệ với các nhà cung cấp, vì vậy họ cần có kỹ năng chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp. Bạn có thể nghiên cứu cách dự đoán các nhu cầu của khách hàng, học hỏi khả năng lắng nghe tích cực và cách thương lượng hiệu quả khi đang trong khoảng thời gian làm việc ở cấp độ đầu vào.

  • Thành thạo phần mềm ERP – hoạch định nguồn lực doanh nghiệp

Các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý chuỗi cung ứng thường sử dụng phần mềm ERP để quản lý, và để thực hiện hiệu quả, các nhà quản lý cần có những kỹ năng làm việc tuyệt vời. Bạn có thể luyện tập thành thạo phần mềm ERP qua các chương trình đào tạo tại chỗ hoặc các khóa huấn luyện phần mềm.

  • Kỹ năng lãnh đạo

Để giám sát nhân viên, các nhà quản lý chuỗi cung ứng cần có kỹ năng lãnh đạo xuất sắc. Bạn có thể đạt được kỹ năng này qua các khóa huấn luyện quản lý nội bộ hoặc bằng cách chủ động đảm nhận nhiệm vụ quản lý dự án và nhóm khi còn là cấp dưới.

  • Kỹ năng giải quyết vấn đề

Các nhà quản lý chuỗi cung ứng phải giải quyết các vấn đề phát sinh liên tục. Bạn có thể có thêm kinh nghiệm giải quyết vấn đề khi chủ động đưa ra đánh giá, đề xuất giải pháp và chiến lược khi còn là nhân viên logistics hoặc điều phối chuỗi cung ứng.

📌Môi trường làm việc của nhà quản lý chuỗi cung ứng 

Các nhà quản lý chuỗi cung ứng làm việc trong nhiều môi trường khác nhau. Họ có thể vừa làm việc trong văn phòng, ngay sau đó lại chuyển sang giám sát hoạt động tại cơ sở sản xuất hoặc nhà kho. Họ cũng cần gặp mặt các nhà cung cấp và đối tác khác. Hầu hết các nhà quản lý chuỗi cung ứng làm việc toàn thời gian, hoặc một số làm việc hơn 40 tiếng một tuần.

📌Làm thế nào để trở thành một nhà quản lý chuỗi cung ứng? 

Nếu bạn có ý định phát triển bản thân trong ngành quản lý chuỗi cung ứng, hãy xem xét 5 bước sau:

1. Hoàn thành chương trình cử nhân

Đầu tiên, bạn cần có bằng đại học trong một lĩnh vực liên quan. Nhiều nhà quản lý chuỗi cung ứng có bằng đại học về quản trị kinh doanh,quản lý chuỗi cung ứng hoặc kỹ thuật hệ thống.

2. Tích lũy kinh nghiệm làm việc

Sau khi có bằng cử nhân, hãy bắt đầu tìm kiếm các công việc đầu vào không đòi hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực thu mua hàng hóa, logistics hoặc quản lý chuỗi cung ứng. Cố gắng tìm kiếm các cơ hội được đào tạo tại chỗ (OJT) để hiểu thêm về ngành nghề đồng thời trau dồi các kỹ năng quan trọng. Hầu hết các nhà quản lý chuỗi cung ứng đều làm việc 5 đến 10 năm trước khi thăng tiến lên các vị trí điều hành.

3. Thành thạo các kỹ năng quan trọng

Khi đã tích lũy được các kinh nghiệm làm việc, hãy nhanh chóng cải thiện kỹ năng mềm và kỹ năng cứng của bản thân. Ví dụ, đối với nghề quản lý chuỗi cung ứng, bạn cần có kỹ năng lãnh đạo, chăm sóc khách hàng và giải quyết vấn đề.

4. Đạt được các chứng nhận chuyên nghiệp

Để thể hiện năng lực và chứng minh mình là ứng viên hàng đầu cho lĩnh vực chuỗi cung ứng, hãy cân nhắc việc thi các chứng chỉ chuyên môn. Bạn có thể thi chứng chỉ CSCP từ Hiệp hội Quản lý Chuỗi cung ứng hoặc chứng chỉ CML từ Hiệp hội Logistics Quốc tế.

5. Cập nhật sơ yếu lý lịch

Trước khi nộp đơn ứng tuyển, hãy đảm bảo sơ yếu lý lịch đã được cập nhật những thông tin mới nhất, liệt kê tất cả kinh nghiệm, kỹ năng và chứng chỉ chuyên môn có liên quan.

📌Ví dụ mô tả công việc quản lý chuỗi cung ứng 

Lee Systems hiện đang tìm kiếm một chuyên gia logistics có kinh nghiệm để trở thành nhà quản lý chuỗi cung ứng mới của chúng tôi. Ứng viên lý tưởng sẽ là cá nhân có ít nhất 10 năm kinh nghiệm làm việc về quản lý chuỗi cung ứng tại các cơ sở sản xuất, đồng thời có ít nhất 2 năm kinh nghiệm quản lý cùng các chứng chỉ về logistics. Ứng viên thành công sẽ đảm nhiệm việc điều phối tất cả các khâu về logistics, từ tìm nguồn cung và sản xuất đề giao hàng và xử lý thải bỏ. Nếu bạn có khả năng lãnh đạo, giải quyết vấn đề và kỹ năng chăm sóc khách hàng tuyệt vời, vui lòng liên hệ với chúng tôi để thảo luận thêm về vị trí này.

________________________________

Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!

  • Theo: indeed
  • Người dịch: Trần Nguyễn Phan Minh Anh
  • Khi chia sẻ phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Trần Nguyễn Phan Minh Anh – Nguồn iVolunteer Vietnam”

Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/11426

Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.

Lượt xem: 28

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ