Kỹ sư hóa học đảm nhận thiết kế hệ thống thiết bị công nghiệp và giám sát các quy trình sản xuất liên quan đến hóa dầu, cao su, nhựa, khí đốt, xăng dầu và hóa chất sinh học. Tùy thuộc vào ngành và vị trí mà bạn làm việc, bạn có thể cần phải thử nghiệm ở các quy trình mới, cài đặt thiết bị sản xuất, sử dụng phần mềm hỗ trợ mô phỏng hoặc quan sát các kỹ sư khác. Thực hiện những nhiệm vụ ở phạm vi rộng này đòi hỏi bạn phải có một số kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng cá nhân nhất định. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đưa ra một số kỹ năng quan trọng để thành công đối với một kỹ sư hóa học, cùng với các mẹo để cải thiện những kỹ năng đó và làm nổi bật chúng trong sơ yếu lý lịch của bạn.
📝Đâu là các kỹ năng nghiệp vụ kỹ sư hóa học?
Kỹ năng nghiệp vụ kỹ sư hóa học là các kỹ năng và khả năng bạn cần để thực hiện nhiệm vụ thành công và trách nhiệm của mình với tư cách là một kỹ sư hóa học. Điều đó bao gồm các kỹ năng kỹ thuật cốt lõi, chẳng hạn như đánh giá phản ứng hóa học và khắc phục sự cố trong các quy trình sản xuất hiện có và kỹ năng mềm, chẳng hạn như cộng tác với các nhóm kỹ sư và truyền đạt các giao thức an toàn.
📝Các ví dụ về kỹ năng nghiệp vụ của kỹ sư hóa học:
1. Kỹ năng nghiên cứu
Kỹ năng nghiên cứu rất có ích bởi nó giúp tìm ra những ý tưởng mới và cách đánh giá vấn đề từ nhiều khía cạnh khác nhau. Kỹ sư hóa học cần kỹ năng này để tự tìm tòi những quy trình sản xuất mới, đồng thời cải thiện những quy trình sản xuất cũ. Bên cạnh đó, nó cũng sẽ giúp bạn khắc phục những sự cố mà bạn gặp phải trong quá trình sản xuất. Và để có khả năng tự nghiên cứu này, bạn cần phải có tư duy phân tích và hiểu biết tốt về các tài liệu và quy trình liên quan.
2. Kỹ năng thiết kế
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của kỹ sư hóa học là thiết kế các ý tưởng, thiết bị và quy trình sản xuất mới. Kỹ năng này đặc biệt quan trọng vì chúng giúp các kỹ sư phát triển những sản phẩm mới trong ngành hóa chất, năng lượng, nông nghiệp và các ngành liên quan khác. Thiết kế là một bộ môn yêu cầu kĩ năng rộng, đòi hỏi bạn phải áp dụng được các kỹ năng khoa học, toán học và tin học để đạt được quy trình làm việc mong muốn.
3. Kỹ năng khoa học
Kỹ năng khoa học là tổng hợp các kỹ năng: quan sát, đo lường, phân loại, thí nghiệm, dự đoán và suy luận cũng như là giao tiếp. Vì các quá trình hóa học và công nghệ yêu cầu một kỹ sư hóa học phải biết sử dụng các nguyên tắc và phương pháp theo khoa học. Chính bởi vậy, bạn cần phải hiểu rõ về các lĩnh vực khoa học liên quan đến ngành của bạn và phải học cách áp dụng chúng trong các tình huống thực tế.
4. Kỹ năng toán học
Kỹ năng toán học giúp bạn giải quyết vấn đề theo các công thức và phương pháp toán học. Các nhà tuyển dụng thường mong đợi các ứng viên kỹ sư hóa học của họ có khả năng thực hiện các phép tính cộng, trừ, nhân, chia nhanh chóng và chính xác bởi nó đặc biệt hữu ích trong quá trình tính toán nhiệt động lực học, các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm và thiết kế quy trình.
5. Kỹ năng máy tính
Hầu hết tất cả các ngành công nghiệp ngày nay đều sử dụng máy tính để tự động hóa và đơn giản hóa các quy trình làm việc. Là một kỹ sư hóa học, trong nhiều trường hợp, bạn có thể cần sử dụng một số chương trình và ứng dụng máy tính trong quá trình làm việc. Kỹ năng máy tính sẽ giúp bạn thực hiện nhiệm vụ của mình hiệu quả hơn dù bạn đang phân tích dữ liệu hay làm việc trên một thiết kế mới.
6. Các kỹ năng quản lý nguồn tài nguyên
Kỹ năng này là rất cần thiết để giúp phân bổ các nguồn lực tài nguyên một cách tối ưu nhất về: tiền bạc, vật chất và cả nguồn nhân lực, bởi nó không chỉ giúp giảm chi phí cho dự án mà còn là nguồn cung kịp thời cho các dự án quan trọng khác. Bạn hoàn toàn có thể quản lý khối lượng công việc và nhóm của mình hiệu quả hơn bằng cách sử dụng các kỹ năng quản lý nguồn tài nguyên.
📝Kỹ năng cần thiết của các Kỹ sư hóa học tại nơi làm việc
Ngoài các kỹ năng kỹ thuật cốt lõi, việc có thêm một số kỹ năng mềm nhất định sẽ giúp bạn làm việc hòa hợp hơn với những đồng nghiệp khác và tăng cơ hội thăng tiến trong công việc. Sau đây là một số kỹ năng quan trọng tại nơi làm việc đối với các kỹ sư hóa học:
1. Kỹ năng giao tiếp giữa các cá nhân
Công việc của một kỹ sư hóa học đòi hỏi bạn phải thường xuyên giao tiếp với đồng nghiệp, các thành viên trong nhóm và quản lý, đôi khi cũng có thể là phối hợp với các dự án và phòng ban khác. Các nhà tuyển dụng thường thích tuyển những ứng viên có kỹ năng giao tiếp cá nhân tốt vì họ có nhiều khả năng đã quen với việc làm việc nhóm và có thể truyền cảm hứng cho các thành viên khác trong nhóm.
2. Kỹ năng giải quyết vấn đề
Kỹ năng giải quyết vấn đề là sử dụng logic để phân tích một vấn đề và giải quyết nó. Người giải quyết vấn đề rất giỏi trong việc nhận ra sai sót và thực hiện các bước khắc phục kịp thời, họ cũng có xu hướng giúp đỡ những đồng nghiệp khác trong môi trường làm việc của mình. Kỹ năng giải quyết vấn đề yêu cầu các kỹ sư hóa học phải biết áp dụng các nguyên tắc của khoa học và thuật toán, cũng như kỹ năng phân tích, tư duy phản biện và hình dung trong quá trình phân tích.
3. Kỹ năng ra quyết định
Các kỹ sư hóa học thường cần đưa ra những quyết định quan trọng, có thể là phải lựa chọn giữa hai hay giữa nhiều vật liệu cũng như quy trình thay thế trong suốt quá trình làm việc thông thường của mình. Ví dụ: nếu công ty của bạn đang có kế hoạch thay thế một loại hóa chất vốn được sử dụng trong quy trình bằng một loại hóa chất khác, bạn cần phải xem xét các yếu tố về chi phí, thời gian xử lý và các khía cạnh đảm bảo an toàn để đưa ra quyết định ngay sau đó. Vì vậy, kỹ năng ra quyết định là một kỹ năng chủ chốt giúp bạn hoàn thành nhiệm vụ một cách hiệu quả.
4. Kỹ năng phân tích
Vì các kỹ sư hóa học cần phải thường xuyên phân tích dữ liệu, quy trình và các vấn đề nên đây là một kỹ năng đặc biệt quan trọng để phục vụ sự nghiệp của họ. Ví dụ, bạn có thể phải đối mặt với tình huống mà trong đó kết quả tạo ra không như mong muốn hoặc sản phẩm bị lỗi, việc sở hữu kỹ năng phân tích sẽ giúp bạn xác định vấn đề và tìm ra giải pháp một cách phù hợp. Ở đây, các kỹ sư hóa học cũng có thể cần sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu khác nhau như: đồ thị, biểu đồ và biểu đồ Venn.
5. Tư duy sáng tạo
Tư duy sáng tạo sẽ giúp bạn có khả năng hình dung mọi thứ và áp dụng các nguyên tắc của khoa học và kỹ thuật vào trong một tình huống thực tế. Ví dụ, trong tình huống mà bạn có thể đang tìm cách cải tiến quy trình hoặc máy móc, tư duy sáng tạo sẽ giúp bạn dễ dàng hình dung ra cách mà máy móc hay quy trình hoạt động khi phải thực hiện một số thay đổi nhất định lên nó. Hay đôi khi, trong trường hợp mà bạn có thể cần phải truyền đạt ý tưởng của mình cho người quản lý, khách hàng hay đồng nghiệp, tư duy sáng tạo sẽ giúp bạn chuẩn bị một bài thuyết trình đặc biệt ấn tượng với các công cụ khác nhau như hình ảnh, mẫu và hiệu ứng nghe nhìn.
6. Chú ý đến chi tiết
Kỹ năng này đặc biệt quan trọng vì các kỹ sư hóa học phải làm việc với các loại hóa chất, và họ cần đảm bảo an toàn tại nơi làm việc. Cho dù bạn đang tiến hành nghiên cứu trong phòng thí nghiệm hay làm việc trong quá trình sản xuất, điều cần thiết là phải ghi nhớ kết quả cuối cùng ngay cả khi làm việc với một số lượng nhỏ hóa chất.
📝Vậy làm thế nào để cải thiện kỹ năng nghiệp vụ này?
Dưới đây là những cách thực tế để cải thiện kỹ năng kỹ sư hóa học:
1. Tham gia một khóa học kỹ thuật
Tham gia khóa học kỹ thuật là một cách tốt để nâng cao kỹ năng kỹ thuật của bạn. Dựa trên những yêu cầu trong công việc thường xuyên của bạn hoặc chuyên môn mà bạn muốn có, bạn có thể đăng ký các khóa học khác nhau như: động lực học quy trình, vi lỏng, quy trình phân tách, khoa học môi trường, kỹ thuật phân tử và quản lý vật liệu.
2. Nhận thức được những phát triển mới
Các công nghệ và sự phát triển mới có thể giúp chúng ta thực hiện mọi việc theo cách hiệu hơn. Việc nhận thức được những phát triển mới nhất trong lĩnh vực của bạn sẽ giúp bạn có vị trí lợi hơn so với những đồng nghiệp khác. Bạn có thể đăng ký các nguồn tạp chí chuyên môn và tham gia các buổi hội thảo để cập nhật kiến thức liên tục, và nếu muốn tìm hiểu chi tiết hơn về bất kỳ sự phát triển nào, bạn có thể đăng ký một khóa học trực tuyến. Một số công nghệ mới dành cho kỹ sư hóa học bao gồm: ngủ đông, kim cương tổng hợp, liệu pháp phage, phun plasma, thẩm phân sinh học và tiêm chủng DNA.
3. Học các phần mềm máy tính
Bạn có thể học cách sử dụng các chương trình máy tính mà hữu ích trong kỹ thuật hóa học, có thể có chung bản chất như: trí tuệ nhân tạo, mô phỏng và phân tích dữ liệu, hay các chương trình khác dành riêng cho quy trình công nghiệp mà bạn làm việc.
4. Trải nghiệm đào tạo công nghiệp
Đào tạo công nghiệp cho bạn thời gian trải nghiệm thực về môi trường làm việc. Các ngành công nghiệp thường tiến hành các buổi đào tạo cho nhân viên mới. Đôi khi, công ty của bạn có thể tiến hành đào tạo các quy trình hoặc công nghệ mới. Việc tích cực tham gia vào các chương trình đào tạo như vậy có thể sẽ giúp bạn phát triển các kỹ năng cần thiết cho kỹ thuật hóa học.
5. Các phương pháp khác
Hãy phát triển các kỹ năng mềm thông qua quan sát và thực hành trong một thời gian dài. Bạn có thể tham gia vào các hoạt động nhóm để cải thiện kỹ năng giao tiếp giữa các cá nhân với nhau hay tương tự, giải câu đố và chơi cờ vua cũng có thể giúp phát triển kỹ năng phân tích.
📝Làm sao để làm nổi bật các kỹ năng kỹ sư hóa học trong sơ yếu lý lịch của bạn
Sau đây là quy trình để làm nổi bật các kỹ năng kỹ sư hóa học của bạn trong sơ yếu lý lịch:
1. Xem lại bản mô tả công việc
Đọc kỹ bản mô tả công việc và chắc chắn rằng bạn hiểu rõ các yêu cầu của công việc. Hãy tiến hành một số nghiên cứu để tìm hiểu thêm về công ty mà bạn ứng tuyển, đảm bảo rằng các kỹ năng mà bạn có phù hợp với các kỹ năng cần thiết cho công việc này. Từ đó quyết định các kỹ năng quan trọng mà bạn muốn làm nổi bật trong sơ yếu lý lịch của mình.
2. Liệt kê các kỹ năng của bạn vào phần tóm tắt chuyên môn
Phần tóm tắt chuyên môn cung cấp một cái nhìn tổng quan về sơ yếu lý lịch của bạn trong một hoặc hai dòng. Hãy cân nhắc liệt kê một số kỹ năng quan trọng của bạn trong phần này, ví dụ: Người giải quyết vấn đề có kỹ năng giao tiếp cá nhân tốt với bốn năm kinh nghiệm trong ngành chẩn đoán hóa chất.
3. Làm nổi bật các kỹ năng của bạn trong phần kỹ năng
Bạn có thể thêm một phần riêng biệt để làm nổi bật các kỹ năng cá nhân trong sơ yếu lý lịch của mình. Cân nhắc việc sử dụng các từ khóa từ mô tả công việc trong khi liệt kê các kỹ năng của bạn. Ví dụ: Người chơi trong nhóm, Người đa nhiệm, Người giao tiếp xuất sắc, Thái độ giải quyết vấn đề
4. Đính kèm thành tích cùng với các kỹ năng của bạn
Nếu bạn có phần thành tích trong sơ yếu lý lịch, bạn có thể đưa các kỹ năng của mình vào đó.
Ví dụ: Giảm thành công 12% chi phí của quá trình sản xuất thông qua quản lý nguồn lực hiệu quả
—————————————————————————————
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích
- Theo: indeed.com
- Người dịch: Nguyễn Thị Thanh Huyền
- Nguồn: Khi chia sẻ cần trích dẫn nguồn “Người dịch: Nguyễn Thị Thanh Huyền – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/8724
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 61