Bắt đầu một công việc mới cũng có nghĩa là bạn sẽ làm việc cùng với những đồng nghiệp mới trong một môi trường mới. Rất có thể bạn sẽ bị rơi vào tình huống không thể tìm thấy nhà vệ sinh, phòng thiết bị hay phòng thư tín. Điều quan trọng là phải có cơ hội để bạn được thể hiện tốt vai trò mới của mình ngay từ đầu và hòa nhập với những người có thể giúp bạn làm việc tốt hơn.
Có rất nhiều cách để bạn có thể hòa mình vào văn hóa, lịch sử của công ty trước và trong vài tuần đầu tiên làm việc, khiến việc chuyển đổi sang công việc mới trở nên dễ dàng hơn, đồng thời giúp bạn chuẩn bị sẵn sàng hơn cho sự thành công trong tương lai.
🔮 SẴN SÀNG CHO VỊ TRÍ MỚI CỦA BẠN
Nếu có thể, hãy dành một khoảng thời gian để nghỉ ngơi trước khi chuyển sang công việc mới để có thể tách khỏi nơi làm việc trước đây của bạn. Đối với nhiều người, thời gian dành cho nơi làm việc lớn hơn rất nhiều so với thời gian mà họ dành cho bất kỳ nơi nào khác. Việc phải chia tay đồng nghiệp cũ có thể trở nên rất khó khăn bởi bạn đã có những mối quan hệ được vun đắp rất bền chặt. Không phải lúc nào bạn cũng thích những người bạn làm việc cùng, nhưng bạn đã quen với việc ở cùng những người đó trong một khoảng thời gian dài.
Hãy nghiên cứu về một số vấn đề trong khoảng thời gian bạn nghỉ ngơi. Tìm hiểu tất cả mọi thứ có thể về công ty mới, các dòng sản phẩm, triết lý và văn hóa doanh nghiệp của họ. Hãy xem có ai trong những mối quan hệ của bạn biết bất kỳ người đồng nghiệp tương lai nào của bạn không và hãy nhờ đồng nghiệp đó giới thiệu cho bạn về công ty hay về những vấn đề khác trước khi bắt đầu làm. Sẽ rất tuyệt vời nếu bạn nhìn thấy một gương mặt thân quen khi bước vào cửa ngày đầu tiên.
Lên kế hoạch về trang phục bạn sẽ mặc trong tuần làm việc đầu tiên. Bạn sẽ muốn mặc những bộ đồ đơn giản, lịch sự nhất để bắt đầu cho đến khi tìm ra trang phục như thế nào là phù hợp và trang phục nào thì không. Chú ý đến những món đồ cần phải mang đến tiệm để giặt khô hoặc may vá, điều này sẽ giúp bạn không phải lo lắng những thứ đó trong vài tuần đầu tiên, khi bạn đi làm về và cả thể chất lẫn tinh thần đều mệt mỏi.
Lập bản đồ và lên kế hoạch về tuyến đường mà bạn sẽ đi đến cơ quan cũng như một số tuyến đường thay thế trong trường hợp bị ùn tắc hay một tuyến tàu tạm thời ngừng hoạt động.
🔮 THÍCH NGHI VỚI MÔI TRƯỜNG MỚI
Vào ngày đầu tiên, hãy diện bộ đồ yêu thích của bạn và khiến bạn tỏa sáng. Khi nào bạn cảm thấy tự tin thì bạn sẽ trông đầy tự tin. Cho dù bạn lái xe đến cơ quan hay sử dụng phương tiện công cộng, hãy nhớ dành nhiều thời gian để đến đó và cố gắng đến sớm một chút.
Hãy coi ngày đầu tiên đi làm của bạn như một cuộc phỏng vấn xin việc, và nhớ rằng ấn tượng đầu tiên rất quan trọng. Ăn sáng trước khi rời khỏi nhà, vì bạn có thể không có thời gian để ăn cho đến bữa trưa ở văn phòng mới.
Sau khi rời khỏi nhà, một ngày làm việc mới bắt đầu và bạn sẽ không thể biết được mình sẽ gặp ai trên đường đi làm. Có thể bạn sẽ gặp sếp hoặc đồng nghiệp của mình tại quán cà phê hoặc ga tàu điện ngầm. Hãy thể hiện tác phong chuyên nghiệp của bạn trong trường hợp bạn có bất kỳ sự tương tác nào với người khác mà họ có thể là sếp, đồng nghiệp hoặc khách hàng tiềm năng của bạn.
Bước vào nơi làm việc mới với một thái độ tích cực và giao tiếp bằng mắt với bất kỳ ai bạn mà gặp. Lịch sự và thân thiện với tất cả mọi người, cho dù đó là lễ tân, thư ký phòng thư tín, đồng nghiệp hay sếp mới của bạn. Giới thiệu bản thân và nhớ rằng bạn có thể đặt câu hỏi.
Mọi người thường thích giúp đỡ người khác và điều đó làm họ cảm thấy hài lòng về bản thân. Nếu bạn từ chối mọi lời đề nghị giúp đỡ, có lẽ vì bạn cảm thấy việc nhận sự trợ giúp có thể khiến bạn có vẻ không đủ năng lực trước cấp trên, kết quả là người khác có thể cho rằng bạn là một kẻ hợm hĩnh và biết mọi thứ, thậm chí có một số người có thể thề rằng sẽ từ chối giúp đỡ bạn trong tương lai.
Mặc dù bạn đã hiểu về một số thứ đã học được trong các công việc trước đây và sử dụng kiến thức đó vào công việc mới, nhưng tất nhiên mỗi nơi đều có cách làm việc riêng.
Trong vài tuần hoặc thậm chí vài tháng đầu tiên đi làm, hãy ngưng thôi thúc bản thân về việc thay đổi cách hoàn thành công việc trừ khi đó là một phần trong nhiệm vụ của bạn. Nếu bạn nói “Đó không phải là cách mà công ty cũ của tôi làm”, sếp mới và đồng nghiệp của bạn có thể nghi ngờ về lòng trung thành hay sự cống hiến của bạn đối với công việc mới.
🔮 MẸO CHO CÁC TUẦN, THÁNG TIẾP THEO
- Đặt câu hỏi. Mọi người sẽ hiểu cho bạn vì bạn là người mới, và tốt hơn là bạn nên làm điều gì đó đúng ngay từ lần đầu tiên hơn là làm sai và phải làm lại.
- Hãy mỉm cười và thân thiện. Làm quen với đồng nghiệp của bạn, tìm hiểu một chút về gia đình và sở thích của họ.
- Trong giờ ăn trưa, hãy gặp gỡ đồng nghiệp mới của bạn. Có thể bạn rất muốn khi gặp lại những người đồng nghiệp cũ nếu họ ở gần đây. Tuy nhiên, việc thiết lập mối quan hệ với những người ở môi trường mới lại quan trọng hơn nhiều cho tương lai công việc của bạn.
- Tìm ra ai có quyền giao việc cho bạn và ai đang chỉ cố để bạn làm hộ công việc của họ. Một số người luôn cố gắng đổ hết lên đầu những người cả tin công việc của họ, ngay cả khi họ không có quyền giao nhiệm vụ.
- Hãy chú ý đến những chuyện vặt ở văn phòng nhưng đừng tham gia vào nó để không bị mang tiếng là kẻ buôn chuyện.
- Đừng phàn nàn về sếp, bạn cùng văn phòng, đồng nghiệp hoặc công việc trước đây của bạn.
- Tiếp tục đi làm sớm và đừng vội tan làm vào cuối ngày. Điều đó không có nghĩa là bạn phải là người đầu tiên đến và là người cuối cùng rời đi nhưng đừng là người vào cuối cùng hoặc người ra đầu tiên.
- Việc tình nguyện tham gia vào các dự án khác nhau sẽ giúp bạn thu hút được sự chú ý, nhưng trước tiên hãy hoàn thành công việc mà sếp đã giao cho bạn. Chỉ nên đảm đương một dự án mới nếu bạn tự tin rằng mình có thể hoàn thành tốt và đúng hạn. Sự tự nguyện sẽ khiến bạn trở nên tốt đẹp chỉ khi bạn có thể làm được công việc đó và khiến bạn trở nên tồi tệ khi không thể.
- Giữ một thái độ tích cực và một tinh thần cởi mở. Cuộc sống công việc của bạn đã và đang thay đổi và bạn sẽ quen dần với việc đó.
————————————————————————————————————————————————————
- Tác giả: Dawn Rosenberg McKay
- Link bài viết gốc: TẠI ĐÂY
- Dịch giả: Nguyễn Thúy Hà – CTV Ban Nội Dung
Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “ Dịch giả: Nguyễn Thúy Hà – Nguồn: iVolunteer Vietnam”.
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/6458
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 30