Kỹ Năng

Cách Phát Triển 6 Kỹ Năng Chăm Sóc Trẻ Em

Nếu bạn đang tìm kiếm một công việc chăm sóc trẻ em, bạn cần phải có một nền tảng kỹ năng vững chắc để trở nên nổi bật hơn đối với trẻ em cũng như bố mẹ chúng.

Cách chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tốt nhất - HUGGIES® Việt Nam

Không ngừng học hỏi và phát triển các kỹ năng chăm sóc trẻ em sẽ giúp bạn trở thành một ứng cử viên sáng giá trong quá trình tuyển dụng. Mặc dù bạn cần phải thành thạo rất nhiều kỹ năng, nhưng hãy bắt đầu rèn luyện từ một vài kỹ năng cơ bản nhất.

💥Kỹ năng chăm sóc trẻ em là gì?

Kỹ năng chăm sóc trẻ em là sự tổng hợp các kỹ năng, nhằm đem đến một môi trường an toàn và hấp dẫn cho trẻ. Tại các trung tâm chăm sóc trẻ em hay công việc chăm sóc trẻ ban ngày đều yêu cầu sự phối hợp của các kỹ năng mềm để đạt được thành công, như khả năng giao tiếp nhuần nhuyễn và các kỹ thuật cần thiết như sơ cứu. Với những kỹ năng chăm sóc này, họ có thể giúp trẻ học được nhiều điều thú vị trong cuộc sống theo một cách vui vẻ và an toàn.

💥Một vài ví dụ về kỹ năng chăm sóc trẻ em

Dưới đây là một vài kỹ năng cần thiết để chăm sóc trẻ em, bao gồm kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết tình huống linh hoạt, sự kiên nhẫn, thể lực ổn định, kỹ năng giảng dạy và lãnh đạo, cụ thể như sau:

1. Kỹ năng giao tiếp

Khi nói chuyện với trẻ em, hãy giải thích và hướng dẫn một cách đơn giản nhất để trẻ có thể hiểu được. Ngôn ngữ cơ thể là vô cùng cần thiết khi làm việc với những bé đang trong giai đoạn phát triển ngôn ngữ. Bạn cũng có thể phải lặp đi lặp lại nhiều lần hoặc tìm những giải pháp mới để giải thích với trẻ, vậy nên, hãy chuẩn bị tốt cho những trường hợp này. Và vì bạn sẽ trở thành người lãnh đạo hay dạy dỗ những đứa trẻ, lời nói của bạn cần phải có uy lực để duy trì mọi thứ trong tầm kiểm soát.

Bạn cũng cần phải trao đổi với các đồng nghiệp và bố mẹ của trẻ. Những cuộc trao đổi như vậy là để đồng nghiệp và phụ huynh cập nhật tình hình phát triển và tiến bộ của trẻ. Đây chính là chìa khóa giúp việc nuôi dạy trẻ được liền mạch khi có sự thay đổi giữa những người trông trẻ hoặc từ người trông trẻ sang phụ huynh.

2. Kỹ năng giải quyết vấn đề linh hoạt

Chăm sóc trẻ em đòi hỏi bạn cần phải suy nghĩ thật nhanh và giải quyết vấn đề một cách linh hoạt để giữ không khí thoải mái và an toàn cho chúng. Kỹ năng giải quyết vấn đề linh hoạt sẽ giúp bạn tìm ra giải pháp cho các loại vấn đề bất cứ khi nào chúng xuất hiện. Bạn nên học một vài kỹ thuật giải quyết vấn đề để ứng phó với nhiều loại tình huống khác nhau. Hãy chuẩn bị cho bản thân kỹ năng giải quyết vấn đề linh hoạt đối với trẻ em và với cả phụ huynh của chúng.

3. Sự kiên nhẫn

Trẻ em luôn cần thời gian để có thể thích nghi với một môi trường mới, ví dụ như người chăm sóc mới hoặc trung tâm dạy học. Chúng cũng có khoảng thời gian chú ý ngắn hơn so với người lớn, do đó chúng sẽ mất tập trung rất nhanh chóng. Vậy nên, sự kiên nhẫn sẽ giúp bạn giữ bình tĩnh mọi lúc và có thẻ trấn an đứa trẻ, giúp chúng cảm thấy an lòng. Hãy đặt mình vào vị trí của bọn trẻ khi nói chuyện với chúng hoặc khi chủ trì một hoạt động nào đó để duy trì sự kiên nhẫn của mình.

4. Thể lực ổn định

Hầu hết trẻ em đều có trong mình rất nhiều năng lượng và cần phải hoạt động thể chất thường xuyên để có cơ thể khỏe mạnh. Chính vì vậy, công việc này đòi hỏi bạn phải luôn trong trạng thái vận động khi ở cùng bọn trẻ, kể cả khi tham gia các hoạt động ngoài trời lẫn khi dọn dẹp sau hoạt động. Thể lực ổn định sẽ giúp bạn duy trì được sự thu hút đối với bọn trẻ và đem đến cho chúng một môi trường an toàn và khỏe mạnh.

5. Kỹ năng giảng dạy

Trong nhiều tình huống, bạn sẽ có cơ hội trở thành người dẫn dắt và dạy dỗ trẻ em. Vậy nên, chuẩn bị cho mình một vài kỹ năng hướng dẫn và giảng dạy sẽ giúp bạn diễn giải các khái niệm một cách cuốn hút hơn và giúp bọn trẻ học được nhiều điều mới lạ. Bạn không cần phải có quá nhiều kinh nghiệm để phát triển được kỹ năng này, nhưng để hiệu quả, bạn nên có ý tưởng về cách dạy trẻ ở những độ tuổi và cấp bậc giáo dục khác nhau.

6. Khả năng lãnh đạo

Một người lãnh đạo tốt sẽ giúp cho không khí trở nên hòa hợp với tất cả trẻ em. Chúng cần người có quyền lực để nghe theo, vì vậy, đối với công việc chăm sóc trẻ em, khả năng lãnh đạo là đặc biệt quan trọng. Để trở thành một người lãnh đạo có tầm ảnh hưởng, bạn cần học cách thúc đẩy trẻ em tuân theo những quy tắc và lịch trình cũng như đưa ra các quyết định giúp ích cho tập thể.

💥Cách cải thiện kỹ năng chăm sóc trẻ em

Để đạt được sự tin tưởng của các nhà tuyển dụng, bạn cần phải chứng minh rằng bạn sẵn sàng cống hiến, đồng thời có đầy đủ kiến thức và kỹ năng chăm sóc trẻ em. Hãy thực hiện theo các bước dưới đây để cải thiện chúng:

  1. Được chứng nhận CPR và sơ cứu. Để đạt được các loại chứng nhận này, hãy hoàn thành các khóa học hoặc lớp học liên quan. Những khóa học này sẽ dạy bạn khả năng giải quyết vấn đề và cách ra quyết định nhanh chóng – điều vô cùng quan trọng trong lĩnh vực chăm sóc trẻ em. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ được học những kỹ năng sơ cứu cần thiết mà hầu hết các cơ sở đều yêu cầu.
  2. Tham gia các khóa học chăm sóc trẻ em bằng cách xem trường trung học hay trường đại học của bạn có tổ chức các lớp học nuôi dưỡng mầm non hay không, hoặc kiểm tra những khóa học ở trung tâm cộng đồng tại địa phương. Những lớp học nuôi dưỡng mầm non sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về các giai đoạn phát triển khác nhau của trẻ và cách để phục vụ từng giai đoạn đó.
  3. Tăng cường trải nghiệm thực tế. Hãy tìm hiểu hàng xóm xung quanh để kiếm cho mình cơ hội được chăm sóc trẻ em, hoặc đề nghị giúp đỡ gia đình của bạn bè có trẻ nhỏ nếu họ cần. Chăm sóc một đến hai bé cùng một lúc sẽ chuẩn bị cho bạn cơ hội để chăm sóc nhiều đứa trẻ hơn nữa. Bạn cũng có thể thêm kinh nghiệm chăm sóc trẻ em vào hồ sơ xin việc khi bạn ứng tuyển cho vị trí này.
  4. Không ngừng học hỏi. Có rất nhiều phương pháp và kỹ thuật để làm việc với trẻ em, và mỗi trẻ em sẽ phù hợp với một phương pháp khác nhau. Hãy chăm chỉ đọc các bài viết và tạp chí về chủ đề nuôi nấng con cái hoặc chăm sóc trẻ em để cải thiện kỹ năng của mình. Không chỉ vậy, các nhà nghiên cứu vẫn không ngừng công bố những khám phá về sự phát triển của trẻ, bạn cũng có thể liên tục cập nhật các công bố đó để học hỏi thêm.
💥Kỹ năng chăm sóc trẻ em tại nơi làm việc

Bạn có rất nhiều cơ hội để thể hiện kỹ năng chăm sóc trẻ em tại nơi làm việc:

  1. Thể hiện tình yêu thương. Hãy luôn bày tỏ tình thương khi chăm sóc trẻ em để thể hiện rằng bạn đang thực sự cống hiến cho công việc của mình. Sự đồng cảm cũng có thể giúp bạn hiểu hơn về đứa trẻ và tìm ra cách để thu hút chúng.
  2. Điều chỉnh cách giao tiếp của bạn. Ở từng độ tuổi khác nhau, trẻ em lại có cách giao tiếp khác nhau. Ví dụ, cách bạn giao tiếp với một đứa trẻ 4 tuổi sẽ khác khi giao tiếp với một đứa trẻ 10 tuổi. Hãy thể hiện rằng bạn có thể tương tác với trẻ em ở mọi lứa tuổi, thông qua việc thay đổi cách giao tiếp với từng đứa trẻ mà bạn chăm sóc.
  3. Chứng minh sự sáng tạo của bạn. Hãy thử những giải pháp mới để xử lý những vấn đề mà bạn từng gặp phải, ví dụ như chia sẻ cùng trẻ hoặc điều phối thời gian nghỉ trưa. Tinh thần sáng tạo sẽ giúp bạn tìm được phương pháp tốt nhất với các kỹ năng của mình và cho đứa trẻ mà bạn đang chăm sóc. Các nhà tuyển dụng đều đang tìm kiếm những ứng cử viên có khả năng thích ứng nhanh, vậy nên sự sáng tạo sẽ giúp bạn trở nên nổi bật.
  4. Dẫn dắt bằng ví dụ. Trẻ em học những thói quen mà người lớn xung quanh chúng thể hiện. Vậy nên, luôn luôn tích cực, tốt bụng và quan tâm mọi người sẽ giúp trẻ phát triển những phẩm chất tương tự. Điều này không chỉ giúp ích cho trẻ mà cha mẹ chúng cũng sẽ thấy cảm kích.
💥Cách làm nổi bật kỹ năng chăm sóc trẻ em 

Hãy cố gắng thể hiện kỹ năng chăm sóc trẻ em của bạn xuyên suốt quá trình tuyển dụng thông qua các cách sau:

1. Kỹ năng chăm sóc trẻ em trong CV và thư xin việc

Hãy lập một danh sách các kỹ năng chăm sóc trẻ em mà bạn thành thạo nhất, sau đó so sánh chúng với danh sách kỹ năng trong bản mô tả công việc. Ở mục kỹ năng trong CV, hãy sắp xếp các kỹ năng bạn có dựa trên thứ tự các kỹ năng được nêu trong danh sách để thể hiện với nhà tuyển dụng rằng bạn có khả năng thực hiện công việc này. Khi miêu tả kỹ hơn về trách nhiệm của mình ở mục kinh nghiệm, hãy viết về cách mà bạn đã vận dụng các kỹ năng để đạt hiệu quả trong sự nghiệp.

Thư xin việc cũng là một nơi thích hợp để bạn thể hiện các kỹ năng của mình. Hãy chọn cho mình một hoặc hai kỹ năng thành thạo nhất, viết một vài câu về cách bạn phát triển và vận dụng chúng vào các công việc trong quá khứ. Ví dụ, bạn có thể viết về kỹ năng giao tiếp hoàn hảo vì bạn đã chăm sóc những đứa trẻ từ 5 đến 10 tuổi trong vòng 3 năm.

2. Kỹ năng chăm sóc trẻ em trong buổi phỏng vấn

Bạn sẽ có rất nhiều cơ hội để thể hiện và thảo luận về kỹ năng chăm sóc trẻ em của mình xuyên suốt buổi phỏng vấn. Hãy duy trì sự tự tin, bởi đó chính là thứ mà nhiều nhà tuyển dụng tìm kiếm ở các ứng cử viên. Không chỉ vậy, luôn tươi cười và đưa ra các câu trả lời tích cực sẽ là một điểm cộng để thể hiện khả năng chăm sóc tốt trẻ em của bạn.

Khi trả lời câu hỏi phỏng vấn, hãy giải thích sâu hơn về các kỹ năng mà bạn đã sử dụng để có được sự thành công. Ví dụ, nếu nhà tuyển dụng yêu cầu kể về một lần ứng phó với cơn giận của trẻ, hãy mô tả cách mà bạn đã vận dụng khả năng lãnh đạo và tính kiên nhẫn để trấn an đứa trẻ đó.

_______________________________

Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!

  • Theo: indeed
  • Người dịch: Đoàn Bùi Thu Phương
  • Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Đoàn Bùi Thu Phương – Nguồn iVolunteer Vietnam”

Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/9122

Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ