Kỹ Năng

Cách Trình Bày Đơn Xin Việc Có Kèm Một Số Mẹo Hay Và Ví Dụ Minh Hoạ

Một bản CV hay sơ yếu lý lịch được trau chuốt và có định dạng phù hợp sẽ giúp bạn nổi bật hơn so với các ứng viên khác. Bố cục, nội dung rõ ràng sẽ giúp nhà tuyển dụng nhanh chóng nhận ra các thế mạnh, bằng cấp của bạn. Trong bài viết này, chúng tôi đưa ra các bước để bố trí CV, ví dụ minh hoạ và thêm vào đó là một số mẹo nhằm mục đích thành công tiến đến một cuộc phỏng vấn.

CV là gì?

CV là một tài liệu giống như sơ yếu lý lịch để thể hiện trình độ của bạn cho nhà tuyển dụng trong quá trình tuyển dụng. Bạn có thể cần phải nộp CV thay vì sơ yếu lý lịch nếu bạn muốn có sự nghiệp trong một lĩnh vực nhất định. Ví dụ, các chuyên gia học thuật và y tế thường gửi CV vì chúng bao gồm thông tin chi tiết về các ấn phẩm và nghiên cứu của họ.

Một CV thường bao gồm:

Tiêu đề

Tóm tắt hoặc mục tiêu

Học vấn

Kinh nghiệm làm việc

Kỹ năng

Các phần bổ sung như ấn phẩm, bài thuyết trình, nghiên cứu và giấy phép

CV khác với sơ yếu lý lịch vì nó tập trung hơn vào các phần bổ sung như kinh nghiệm làm việc và học tập. Điều này là lí do tại sao chúng ta luôn thấy bản CV thường dài hơn sơ yếu lý lịch, một số CV có thể kéo dài hơn ba trang. Độ dài của CV khiến cho bố cục của bạn trở nên đặc biệt quan trọng.

Cách sắp xếp bố cục của một CV

Vì CV thường dài hơn sơ yếu lý lịch, việc thêm thông tin của bạn vào đúng vị trí có thể giúp người quản lý tuyển dụng tiếp nhận dễ dàng hơn. Ví dụ: khi bạn nhấn mạnh bằng cấp của bạn như là phần chính trong từng nội dung, nhà tuyển dụng khi lướt qua CV sẽ nhanh chóng nhận định được bạn có phải là ứng viên tốt hay không.

Hãy làm theo các bước sau khi trình bày CV:

1. Bắt đầu với tiêu đề của bạn

Thêm các nội dung sau đây vào sau tiêu đề của bạn:

Tên đầy đủ của bạn

Địa chỉ (hoặc thành phố)

Số điện thoại

Địa chỉ email

Tiêu đề của bạn nên có kích thước phông chữ lớn hơn một chút để giúp nó nổi bật với các nhà quản lý tuyển dụng. Tên của bạn phải là phông chữ lớn nhất, và tiếp theo,  phông chữ nhỏ hơn một chút cho thông tin liên hệ của bạn.

2. Tạo một đoạn tóm tắt hoặc mục tiêu

Một đoạn tóm tắt hoặc mục tiêu sẽ mô tả ngắn gọn những phẩm chất tốt nhất của bạn với tư cách là một ứng viên và dẫn bước người quản lý tuyển dụng tiếp tục đọc sơ yếu lý lịch của bạn. Về phần tóm tắt, hãy thể hiện những thành tích và kinh nghiệm trước đây của bạn, đối với phần mục tiêu, bạn nên tập trung nhiều hơn vào những gì bạn muốn đạt được khi được gắn bó với công ty. Tóm tắt và mục tiêu nằm trong khoảng từ một đến ba câu và bạn có thể đặt một câu bên dưới thông tin liên hệ của mình.

3. Thêm trình độ học vấn của bạn

Khi thêm trình độ học vấn, hãy bắt đầu với bằng cấp gần đây nhất hoặc một vai trò ở trường mà bạn đã hoàn thành. Bao gồm tên của tổ chức và chức danh bằng cấp nếu có, cùng với vai trò vị trí. Năm bạn nhận được bằng là tùy chọn sau năm năm.

Bạn có thể đề cập đến bất kỳ giải thưởng nào mà bạn nhận được hoặc tổ chức mà bạn gắn bó, đặc biệt nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc. Cân nhắc thêm luận văn của bạn.

4. Chi tiết hoá kinh nghiệm làm việc của bạn

Cũng giống như phần học vấn, bạn có thể thêm kinh nghiệm làm việc gần đây nhất của mình trước. Thêm chức danh công việc, tên công ty, vị trí trong công ty và ngày bạn được tuyển dụng cho mỗi vai trò đó. Tiếp theo hãy liệt kê qua các gạch đầu dòng danh sách các trách nhiệm và thành tích chung. Bạn có thể thêm khoảng năm gạch đầu dòng để thể hiện rõ hiệu suất của bạn trong công việc với nhà tuyển dụng.

Khi bạn liệt kê các trách nhiệm và thành tích của mình, hãy cố gắng bao gồm các con số để định lượng thành tích của bạn. Ví dụ: bạn có thể viết, “Đã xử lý và giải quyết hơn 15 truy vấn của khách hàng mỗi ngày.” Việc đề cập đến các số liệu cũng có thể cho nhà tuyển dụng thấy khối lượng công việc mà bạn có thể đảm nhận hoặc các kỹ năng cụ thể mà bạn có.

5. Liệt kê các kỹ năng của bạn

Một danh sách cùng với các gạch đầu dòng thể hiện các kỹ năng mà bạn đã tích luỹ được trong hành trình của bạn. Để thu hút được sự quan tâm của nhà tuyển dụng, hãy cố gắng kết hợp các kỹ năng mà bạn có với những kỹ năng cần thiết được liệt kê trong bản mô tả công việc. Ví dụ: nếu vị trí tuyển dụng yêu cầu kỹ năng chăm sóc khách hàng xuất sắc thì bạn hãy đưa minh chứng cho kỹ năng của bạn lên phần đầu danh sách.

Một cách khác để sắp xếp các kỹ năng của bạn là liệt kê theo thứ tự thế mạnh của chúng. Đặt kỹ năng mạnh nhất của bạn lên đầu danh sách vì đây là những kỹ năng mà người quản lý tuyển dụng có khả năng tiếp cận đầu tiên và dễ gây ấn tượng nhất. Khi nhà tuyển dụng đề cập đến chúng trong cuộc phỏng vấn, bạn có thể chi tiết hoá những kỹ năng tốt nhất của mình, điều này sẽ giúp bạn trở thành một ứng viên đáng nhớ hơn.

6. Bao gồm các phần bổ sung

Tùy thuộc vào công việc bạn đang ứng tuyển, bạn có thể cần phải bao gồm một số phần bổ sung. Gắn danh hiệu rõ ràng cho các phần của bạn, chẳng hạn như “Ấn phẩm” hoặc “Vai trò thành viên”, sau đó thêm các yếu tố cơ bản cần thiết. Các mục bạn bao gồm trong mỗi phần tùy thuộc vào nội dung. Ví dụ: các ấn phẩm thường tuân theo một định dạng rất cụ thể, trong khi giấy phép và vai trò thành viên thường bao gồm thông tin đơn giản như tổ chức và chức danh cụ thể.

Các mẹo sắp xếp bố cục CV

Khi so sánh các bản CV, nhà tuyển dụng có thể có xu hướng chọn một bản có bố cục rõ ràng vì nó có thể thể hiện sự chú ý của ứng viên đến từng chi tiết. Hãy xem xét các mẹo sau khi trình bày CV của bạn:

Sử dụng một phông chữ phổ biến, một phông chữ chuyên nghiệp, như Times New Roman hoặc Arial, có thể giúp CV của bạn dễ đọc hơn và để lại ấn tượng tích cực cho nhà tuyển dụng. Sử dụng cỡ chữ từ 10 đến 12 để văn bản của bạn rõ ràng.

Chỉ bao gồm các phần có liên quan. Xem lại trang web của công ty, đặc biệt là phần mô tả công việc để xác định các phần cần thiết để đưa vào CV của bạn. Một bản CV có thể có nhiều trang, nhưng chúng ta phải biết răng điều quan trọng là phải thêm các phần quan trọng nhất để thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng.

Sắp xếp các phần CV của bạn theo mức độ quan trọng. Có thể bạn sử dụng CV cho các vị trí liên quan đến học thuật hoặc nghiên cứu, lúc này CV của bạn sẽ bắt đầu với kinh nghiệm học tập của mình. Tuy nhiên, bạn có thể bắt đầu với kinh nghiệm làm việc của mình hoặc một phần khác nếu chúng quan trọng hơn đối với công việc. Xem xét vị trí bạn đang ứng tuyển và sắp xếp các phần của bạn cho phù hợp.

Mẫu CV

Bạn có thể sử dụng mẫu này khi tạo CV của riêng mình:

Họ và Tên

[Địa chỉ] [Số điện thoại]

[E-mail]

Tóm tắt [hoặc Mục tiêu]

[Từ một đến ba câu, mô tả trình độ của bạn hoặc mục tiêu công việc của bạn mà bạn đặt ra. Bao gồm tên của vị trí và công ty để cho thấy bạn đã cá nhân hóa CV của mình.]

Học vấn

[Bằng cấp] | [Trường trao bằng]

[Năm nhận bằng], [Thành phố]

[Thông tin chi tiết về thành tích hoặc luận văn]

Lịch sử công việc

[Chức danh] | [Công ty]

[Ngày làm việc], [Thành phố]

[Thêm khoảng năm gạch đầu dòng mô tả chi tiết trách nhiệm và thành tích của bạn]

Kỹ năng

[Danh sách các dấu đầu dòng với các kỹ năng]

Các phần bổ sung

[Số phần bạn thêm phụ thuộc vào nhu cầu để đáp ứng đủ điều kiện công việc]

Bố cục CV mẫu

Dưới đây là một ví dụ về bố cục CV dựa trên mẫu được cung cấp:

Katherine Taim

Philadelphia, PA352-555-1234

k.taim@email.com

Mục tiêu

Bác sĩ tim mạch với mong muốn đóng góp vào thành công của nhóm thông qua thái độ làm việc chăm chỉ, tập trung và năng suất. Hy vọng tham gia Panchai Cardiology Group với tư cách là một bác sĩ tim mạch. Có khả năng siêu âm tim qua lồng ngực và qua thực quản, tim mạch hạt nhân chẩn đoán lâm sàng.

Học vấn

Tiến sĩ Y khoa | Trường Y Appalachian2016, Franklinville, OH

Câu lạc bộ y tế hoang dã

Thạc sĩ Khoa học Sinh học | Đại học Appalachian

2015, Franklinville, OH

Lịch sử công việc

Nghiên cứu sinh về tim mạch | Nhóm y tế đường phố

Tháng 6 năm 2019-hiện tại, Philadelphia, PA

Học bổng ba năm, tập trung vào các quy trình, không xâm lấn

Gặp trung bình 10 bệnh nhân mỗi ngày; đánh giá các triệu chứng và yêu cầu xét nghiệm

Chẩn đoán các bệnh về mạch máu và tim mạch

Lên liệu trình và thực hiện các thủ tục và phương pháp điều trị khác nhau

Làm việc dưới sự giám sát của nhóm bác sĩ phẫu thuật tim mạch, bác sĩ tim mạch và bác sĩ điện sinh lý

Nội trú Nội khoa | Bệnh viện Mercy

Tháng 6 năm 2016 đến tháng 6 năm 2019, Oakland, CA

Xử lý trung bình 15 bệnh nhân nhập viện và 15 bệnh nhân xuất viện mỗi ngày

Tích cực tham gia phân tích và chẩn đoán bệnh nhân

Điều trị và quản lý bệnh nhân hàng ngày dưới sự giám sát của các bác sĩ nhiều kinh nghiệm

Tham gia vào các khoá đào tạo, học tập hàng tháng về nhiều chuyên ngành y tế

Kỹ năng

Máy ghi vòng lặp

Siêu âm tim qua thực quản

Thông tim

Máy tạo nhịp tim

Cardioversions

Chú ý đến từng chi tiết

Khả năng làm việc dưới áp lực

Sắp xếp giường bệnh gọn gàng

Nghiên cứu

2019-2020 Sử dụng Tăng cường Gadolinium với CMRI để đánh giá xơ hóa

Myra Levine, MD, Katherine Taim, MD

2017-2018 Hiệu quả tế bào thân ở bệnh nhân thiếu máu nghiêm trọng

Katherine Taim, Morgan Cortez

Chứng chỉ và giấy phép

Bác sĩ Y khoa-Hội đồng Cấp phép Tiểu bang Pennsylvania Bệnh tim mạch-Hội đồng Nội khoa Hoa Kỳ

ECG-Hội đồng Y học Tim mạch Hoa Kỳ

———————————————————————————-

Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích

  • Bài viết gốc: indeed.com 
  • Người dịch: Hoàng Phương Thảo
  • Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Hoàng Phương Thảo – Nguồn iVolunteer Vietnam”

Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/9284

Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ