Một phần mục tiêu nghề nghiệp được viết cẩn thận trong thư xin việc sẽ giúp làm nổi bật lên những kỹ năng cũng như những thành tích nổi bật của bạn trước những nhà tuyển dụng. Có một phần mục tiêu nghề nghiệp ngắn gọn và phù hợp với công việc sẽ giúp bạn tạo ấn tượng với các công ty, họ sẽ nhìn thấy những kinh nghiệm mà bạn có và sự phù hợp của bạn với vị trí đó. Nắm được cách viết phần mục tiêu nghề nghiệp sẽ giúp bạn thể hiện được sự nhiệt tình trong công việc cũng như sự phù hợp của bạn với giá trị và sứ mệnh của công ty. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chỉ ra cách viết phần mục tiêu trong thư xin việc, đưa ra lý giải và một vài ví dụ hay.
1. Thế nào là phần mục tiêu trong thư xin việc?
Mục tiêu trong thư xin việc là một câu trần thuật thường nằm ở phần đầu của thư xin việc nói lên những gì bạn muốn có được khi làm việc tại công ty nếu bạn được tuyển dụng. Phần này sẽ tập trung nêu lên được những kỹ năng và những gì bạn có thể đóng góp cho vị trí mà bạn đang ứng tuyển. Nếu bạn muốn có được một câu giới thiệu về mục tiêu của mình thật nổi bật cho từng vị trí khác nhau thì hãy đảm bảo rằng bạn đã thể hiện được những kinh nghiệm cũng như kỹ năng có tính ứng dụng cao vào công việc.
2. Tại sao phần mục tiêu này lại quan trọng?
Có được một câu giới thiệu thể hiện được tất cả những khả năng của bạn sẽ khiến nhà tuyển dụng hoặc người phỏng vấn bạn dễ dàng nhận ra những giá trị mà bạn có thể đem lại. Phần mục tiêu nghề nghiệp cũng nói lên bạn phù hợp với công ty đến đâu nếu bạn đang thử sức trong lĩnh vực mới hoặc bạn đang tìm việc. Hơn nữa, phần này cũng sẽ tránh việc nhà tuyển dụng bỏ qua thông tin quan trọng này về bạn ở trong bản tóm tắt sơ yếu lý lịch.
3. Mục tiêu trong thư xin việc với mục tiêu trong tóm tắt sơ yếu lý lịch.
Kết hợp được phần mục tiêu trong thư xin việc và bản tóm tắt sơ yếu lý lịch là vô cùng quan trọng để có thể giúp bạn nổi bần bật giữa các ứng viên. Cả hai câu giới thiệu về bạn này đều sẽ làm nổi bật được những kỹ năng và khả năng xuất sắc bởi chúng đều có một vai trò nhất định. Một điểm khác biệt chủ yếu đó chính là trong thư xin việc thì phần mục tiêu có thể linh động về độ dài. Một câu mục tiêu bản thân trong tóm tắt lý lịch lý tưởng nên chỉ gói gọn trong một câu, trong khi đó, phần này trong thư xin việc có thể chiếm từ ba đến bốn câu.
4. Làm thế nào để viết phần mục tiêu trong thư xin việc.
Dưới đây là 5 bước bạn có thể thực hiện theo:
- Xem lại phần mô tả công việc:
Xem xét thật kỹ phần mô tả công việc giúp bạn nhận biết được những kỹ năng, kinh nghiệm và bằng cấp cụ thể mà công ty muốn nhìn thấy ở thí sinh. Điều này sẽ giúp bạn khám phá ra được đâu là những kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết bạn cần thể hiện. Hơn nữa, việc đưa ra các “từ khóa” nổi bật về bản thân có thể thu hút được sự chú ý từ nhà tuyển dụng cũng như khiến họ và tìm hiểu thêm về bạn.
- Tìm hiểu về công ty ứng tuyển:
Xem xét lại thật kỹ thông tin về công ty trên trang thông tin chính thức và các nguồn tài liệu trên mạng khác có thể nắm được văn hóa làm việc, giá trị và sứ mệnh của công ty. Làm được điều này sẽ giúp bạn có sự kết nối với những giá trị của tổ chức bạn mong muốn được làm việc. Ví dụ như giá trị của công ty là đem đến dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt nhất, bạn nên đề cập đến kỹ năng chăm sóc khách hàng trong câu giới thiệu của mình. Điều này thể hiện kỹ năng của bạn hoàn toàn phù hợp với giá trị của tổ chức đó.
- Bắt đầu bằng sự nhiệt huyết.
Câu mở đầu của phần mục tiêu bạn nên giới thiệu bản thân mình và làm nổi bật được sự cảm mến của mình với công ty. Thêm vào đó, bạn cũng sẽ thể hiện được sự nhiệt huyết của mình với công việc và giúp họ cảm nhận được phần nào tính cách của bạn. Bắt đầu phần mục tiêu này bằng cách giải thích tại sao bạn lại hứng thú với công việc này cũng là một cách để bạn thể hiện điểm mạnh của bản thân cũng như sự cống hiến trong công việc và cho doanh nghiệp.
- Thể hiện được đồng thời kỹ năng và kinh nghiệm của bạn.
Dòng tiếp theo trong phần mục tiêu bạn nên đề cập đến những kỹ năng, kinh nghiệm và bằng cấp giỏi nhất của bạn. Những kỹ năng và kinh nghiệm này thể hiện được bạn là một người có kỹ năng thích ứng tốt, điều mà vô cùng quan trọng nếu bạn là người mới trong lĩnh vực ứng tuyển. Việc kết hợp đề cập đến số thành tích của bạn hay ảnh hưởng của bạn tại các công ty trước đây cũng có thể nói lên giá trị mà bạn có thể mang đến.
- Thêm sự tin tưởng của bạn.
Câu cuối cùng của phần này bạn nên bày tỏ được sự tự tin rằng bản thân có thể đem lại giá trị cho tổ chức đó. Điều này một lần nữa sẽ khẳng định sự nhiệt huyết của bạn, bạn mong muốn đóng góp cho công việc và công ty. Thêm vào đó, câu nói về sự tin tưởng của bạn cũng sẽ là cơ sở tiền đề trong việc bạn đóng góp sức mình cho tổ chức đó.
5. Mục tiêu mẫu trong thư xin việc:
Dưới đây là một bản mẫu bạn có thể làm theo để có được một bài viết ưng ý:
Tôi rất [hào hứng hoặc khao khát] muốn ứng tuyển vào[vị trí bạn muốn ứng tuyển] tại [tên công ty]. [Mô tả kinh nghiệm cũng như khả năng liên quan đến vị trí mới]. Tôi tin rằng với [sự nhiệt huyết, kinh nghiệm, đam mê,…] mà tôi có kết hợp với [một số kỹ năng thiết thực] sẽ có thể [đem lại giá trị cho công ty].
6. Ví dụ:
Dưới đây là 3 ví dụ cho các mức kinh nghiệm khác nhau:
- Dành cho người mới:
“ Tôi rất hào hứng ứng tuyển vị trí đại diện bộ phận chăm sóc khách hàng tại tổng công ty RJ Smith. Kỹ năng giao tiếp cũng như chứng nhận trong việc giải quyết tình huống đã giúp tôi có những mối quan hệ tốt với bạn bè và giáo sư của mình. Tôi tin rằng niềm đam mê của mình với công việc chăm sóc khách hàng và giúp đỡ mọi người, tôi có thể giúp công ty có được nhiều khách hàng lâu dài và tăng doanh số bán hàng tại công ty.”
- Dành cho người có kinh nghiệm tương đối:
“Tôi rất vui khi đăng ký vào vị trí quản lý tài khoản khách hàng tại công ty tư vấn Northern Canyon. Với tư cách là người quản lý tài khoản khách hàng có nhiều năm kinh nghiệm cùng với kỹ năng giải quyết vấn đề đã giúp tăng tỷ lệ giữ chân tài khoản khách hàng dài hạn lên 47%. Tôi tin rằng niềm đam mê đàm phán, giao tiếp và thúc đẩy mối quan hệ với khách hàng sẽ làm tăng hiệu suất giữ họ và khiến tôi trở thành ứng viên lý tưởng cho vai trò này.”
- Dành cho người có chuyên môn cao:
“ Tôi vô cùng hào hứng khi ứng tuyển vào vị trí thiết kế trang web cao cấp tại tập đoàn Eastern Endeavour. Tôi thành thục rất nhiều kỹ năng khi đảm nhiệm vai trò thiết kế tại Mesa Media Design, tôi đã giúp họ tăng lưu lượng truy cập web lên 67% và tăng lợi nhuận của công ty lên 15 % trong vòng một phần tư thời gian theo kế hoạch. Tôi tin rằng niềm đam mê của tôi đối với thiết kế trang web và khả năng tăng lưu lượng truy cập web đã cho thấy tôi rất phù hợp với vai trò này.”
7. Một số mẹo khi viết:
Dưới đây là một vài mẹo bạn có thể áp dụng:
- Thích ứng với từng vị trí khác nhau: Mỗi vị trí lại yêu cầu những kỹ năng, sự kỳ vọng và bằng cấp khác nhau. Hãy đảm bảo rằng phần mục tiêu của bạn phải thể hiện được bạn hoàn toàn phù hợp với vị trí cụ thể đó.
- Thể hiện được mức độ kinh nghiệm: Việc kết hợp được các kỹ năng và kinh nghiệm của bạn sao cho phù hợp với vị trí ứng tuyển là điều vô cùng cần thiết. Nếu bạn đang tìm kiếm một vị trí cao hơn công việc hiện tại thì điều này lại càng quan trọng bởi bạn sẽ thể hiện mình có đủ năng lực cho các vị trí cao hơn.
- Hãy cụ thể: Đảm bảo rằng bạn đang có những thành tựu cụ thể hoặc những kỹ năng có thể áp dụng vào vị trí mới. Nó thể hiện được lượng kinh nghiệm bạn có và doanh nghiệp đó có thể nhìn thấy giá trị của bạn và tuyển bạn.
- Ngắn gọn: Phần mục tiêu này chỉ nên gói gọn trong vòng 4 câu để tăng khả năng thư xin việc của bạn được đọc và tạo cảm giác dễ theo dõi cho nhà tuyển dụng. Điều này cũng góp phần làm nổi bật những khả năng thực tế của bạn, đồng thời nhà tuyển dụng cũng dễ dàng thấy được bạn sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho họ.
*******************************************************
“Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích”
- Theo: indeed.com
- Người dịch: Nguyễn Thị Thanh Huyền
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Nguyễn Thị Thanh Huyền – Nguồn iVolunteer Vietnam”.
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/8441
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 32