Kỹ Năng

Cách Viết Thư Xin Việc Cho Nhà Khoa Học Môi Trường

Mặc dù việc soạn thảo một lá thư xin việc thành công là một việc khá khó khăn nhưng lại vô cùng xứng đáng vì nó có thể đem lại cho bạn lợi thế đáng kể so với các ứng viên khác trên thị trường việc làm. Là một nhà khoa học môi trường, việc viết thư xin việc là cơ hội để bạn thể hiện kỹ năng của mình, mở rộng trình độ cũng như đề cập đến sở thích nghiên cứu của bạn. Trong thư xin việc, bạn có thể kết nối một cách khéo léo giữa kinh nghiệm nghề nghiệp và những tiêu chuẩn có trong mô tả công việc.

Nhà khoa học môi trường - Hướng nghiệp 4.0

💥Thư xin việc cho một nhà khoa học môi trường là gì?

Thư xin việc là một tài liệu mà bạn gửi cùng với các tài liệu ứng tuyển khác, bao gồm cả sơ yếu lý lịch hoặc CV của bạn. Thư xin việc cho phép ứng viên có cơ hội bày tỏ sự quan tâm đối với công việc hoặc công ty trong khi vẫn thể hiện được trình độ và kinh nghiệm chuyên môn trong quá khứ của họ. Các nhà tuyển dụng thường sử dụng thư xin việc để đánh giá xem ứng viên có phù hợp với vị trí cụ thể hay không và khả năng họ sẽ mời ứng viên phỏng vấn.

Trong một lá thư xin việc, các nhà khoa học môi trường thường được khuyến khích thêm vào các chi tiết về kinh nghiệm chuyên môn cụ thể của họ. Họ có thể cung cấp thông tin về kinh nghiệm nghiên cứu, vai trò trong quá khứ, sở thích cũng kỹ năng chuyên môn có liên quan đến vị trí mà họ đang ứng tuyển. Dưới đây là một số ý  mà một nhà khoa học môi trường nên bổ sung khi viết thư xin việc:

  • Thảo luận về kinh nghiệm làm việc có liên quan
  • Tạo sự kết nối giữa kinh nghiệm của bạn và yêu cầu công việc
  • Giải thích lý do mong muốn làm việc tại công ty
  • Ví dụ cụ thể về kỹ năng và năng lực
  • Mô tả lĩnh vực nghiên cứu bạn quan tâm
💥Tại sao một nhà khoa học môi trường cần viết thư xin việc

Khi bạn soạn thảo các tài liệu ứng tuyển của mình, bạn có thể đặt câu hỏi với mình rằng liệu có nên viết một lá thư xin việc hay không, đặc biệt nếu công ty đó không yêu cầu ứng viên làm vậy. Mặc dù việc viết thư xin việc có thể hơi khó khăn nhưng nó lại cho bạn cơ hội để làm rõ hơn các tài liệu ứng tuyển khác và tạo ra sự kết nối giữa chúng mà nhà tuyển dụng có thể không hiểu nếu không có sự hướng dẫn của bạn. Là một nhà khoa học môi trường, thư xin việc sẽ mang lại cho bạn một lợi thế đáng kể so với những ứng viên khác khi họ không làm như vậy. Dưới đây là một số điều bạn có thể thực hiện để viết một lá thư xin việc hiệu quả:

  1. Giải thích kinh nghiệm cụ thể của bạn: Một trong những mục đích chính của việc viết thư xin việc là giải thích kinh nghiệm chuyên môn cụ thể của bạn một cách mạnh mẽ và chính xác. Trong thư xin việc, bạn có thể mở rộng các chi tiết trong sơ yếu lý lịch, phần này thường ngắn gọn và cung cấp cho nhà tuyển dụng một hình dung tốt hơn về lĩnh vực nghiên cứu sở trường cũng như các kỹ năng độc đáo bạn đã học được từ kinh nghiệm của mình.
  2. Giới thiệu bản thân trước khi phỏng vấn: Thư xin việc cho bạn cơ hội giới thiệu bản thân với hội đồng tuyển dụng trước khi họ mời bạn phỏng vấn. Đây là cơ hội vô cùng quý giá để tạo một ấn tượng ban đầu mạnh mẽ. Hơn nữa, bạn có thể cho họ thấy rằng bạn là một ứng viên có kỹ năng giao tiếp vững chắc cũng như khả năng viết thuyết phục trong công việc.
  3. Chứng minh lý do tại sao bạn phù hợp: Vì thư xin việc cho phép bạn tạo ra mối liên hệ giữa kinh nghiệm chuyên môn trong quá khứ và vị trí bạn đang ứng tuyển nên bạn có thể dễ dàng chứng minh trình độ của mình với tư cách là một ứng viên. Bạn có thể viết về các vị trí cụ thể mà bạn đã đảm nhiệm cũng như nêu bật các nhiệm vụ bạn đã thực hiện để áp dụng trực tiếp cho công việc tương lai của mình.
💥Cách viết thư xin việc cho nhà khoa học môi trường

Tùy thuộc vào mức độ kinh nghiệm cụ thể của bạn, nền tảng giáo dục, vị trí và các yếu tố khách quan khác, các bước bạn sẽ thực hiện để viết thư xin việc cho vị trí nhà khoa học môi trường này có thể khác nhau. Mặc dù vậy, vẫn có một số bước cơ bản bạn có thể tham khảo để tạo ra một bức thư xin việc thành công và hấp dẫn. Dưới đây là sáu bước để bạn chuẩn bị thư xin việc của mình:

1. Bắt đầu thư bằng cách liệt kê thông tin liên hệ của bạn kèm ngày tháng

Liệt kê thông tin liên lạc của bạn và ngày bạn gửi thư là điều đầu tiên bạn nên làm trong khi soạn thư xin việc của mình. Bạn nên ghi cả tên, địa chỉ, số điện thoại và địa chỉ email của bạn. Đây là những thông tin quan trọng cần được thêm vào vì nhà tuyển dụng sẽ cần biết chính xác cách liên hệ với bạn nếu bạn được chọn vào vòng phỏng vấn. Bạn nên ghi thông tin của mình một cách rõ ràng để người đọc dễ nắm bắt.

2. Đề cập tới người nhận như nhà tuyển dụng hoặc điều tra viên chính

Khi mở đầu thư xin việc, bạn nên cố gắng đề cập tới việc bạn đang gửi thư cho một người cụ thể. Đây là cách mở đầu thư trực tiếp và chuyên nghiệp nhất. Nếu bạn biết tên của nhà tuyển dụng hoặc một chuyên gia môi trường khác đứng sau vị trí bạn đang ứng tuyển, hãy viết thư cho họ.

Nếu bạn không biết tên của bất kỳ cá nhân nào liên quan đến công ty hoặc quy trình tuyển dụng, bạn có thể tìm hiểu sơ lược và cố gắng xác định danh tính của họ. Sau khi bạn hoàn thành nghiên cứu của mình, nếu vẫn không tìm thấy tên để gửi thư, bạn có thể để đề mục người nhận là “nhà  tuyển dụng” hoặc “hội đồng tuyển dụng” nói chung.

3. Sử dụng đoạn văn đầu tiên để giải thích lý do bạn viết thư xin việc

Trong đoạn đầu tiên của thư xin việc, bạn nên liệt kê những lý do tại sao bạn viết thư này, lý do bạn quan tâm đến vị trí hoặc tổ chức cũng như những kỹ năng hoặc kinh nghiệm bạn sẽ mang lại cho công việc đó. Ngoài ra, nếu bạn được ai đó trong công ty giới thiệu, bạn nên đề cập đến tên của họ trong đoạn này.

Nếu bạn đang nộp đơn cho một công việc đã có tin tuyển dụng công khai, hãy nêu rõ chức danh công việc và nơi mà bạn bắt gặp nó. Từ đây, bạn có thể nêu ngắn gọn lý do tại sao bạn muốn làm việc tại công ty – điều này chứng tỏ rằng bạn đã có sự tìm hiểu về công ty. Cuối cùng, kết thúc đoạn văn bằng cách nêu rõ sự liên quan giữa kinh nghiệm của bạn với toàn bộ công ty.

4. Viết về các kỹ năng và kinh nghiệm có liên quan của bạn trong đoạn thứ hai

Trong đoạn thứ hai, hãy tập trung vào việc nêu những kinh nghiệm và năng lực cụ thể mà bạn có thể cung cấp cho công ty. Bạn nên cố gắng trình bày tóm tắt một cách rõ ràng và ngắn gọn về các kỹ năng chuyên môn cũng như kỹ năng mềm mà nhà tuyển dụng có thể quan tâm. Trong đoạn này, điều quan trọng là phải viết cụ thể về những kinh nghiệm phù hợp nhất với vai trò mà bạn đang ứng tuyển. Bạn nên nhắm đến việc sử dụng các từ khóa có trong mô tả công việc, liệt kê các lĩnh vực kiến ​​thức nổi bật cũng như định lượng kinh nghiệm của bạn nếu có thể.

5. Sử dụng đoạn văn thứ ba để nêu bật cách mà bạn đã áp dụng các kỹ năng liên quan để thành công trong công việc trước đây

Trong đoạn thứ ba, hãy cố gắng trình bày kỹ hơn về các kỹ năng bạn đã liệt kê trong đoạn thứ hai và cách bạn áp dụng chúng để thành công trong nghề nghiệp trước đây. Đoạn văn này nên mô tả chi tiết về một dự án hoặc kinh nghiệm làm việc trong quá khứ, những kỹ năng bạn đã trau dồi thông qua những kinh nghiệm đó và cách những kỹ năng này sẽ được ứng dụng vị trí mới mà bạn đang ứng tuyển. Đoạn văn thứ ba nên được sử dụng để tạo ra sự kết nối chặt chẽ giữa kiến ​​thức hiện có và các năng lực được yêu cầu ở vị trí tương lai của bạn.

6. Kết thúc thư bằng cách nhắc lại sự quan tâm của bạn và cảm ơn người đọc

Trong đoạn cuối cùng, hãy trình bày lại mối quan tâm của bạn đối với công việc và lý do bạn ứng tuyển vào tổ chức. Bạn nên viết phần này ngắn gọn – sau đó, cảm ơn người đọc đã xem xét đơn xin việc của bạn và kết thúc bằng lời mời, chẳng hạn như “Tôi mong sớm nhận được phản hồi từ ông bà” hoặc “Tôi rất hoan nghênh cơ hội được phỏng vấn cho vị trí này. ” Sau đó, bạn có thể kết thúc bức thư của mình bằng một lời chào chuyên nghiệp cuối cùng.

💥Mẹo viết thư xin việc thành công cho nhà khoa học môi trường

Có một số nguyên tắc căn bản bạn nên ghi nhớ khi viết thư xin việc với tư cách là một nhà khoa học môi trường. Dưới đây là một số mẹo hữu ích để giúp bạn viết thư xin việc thành công:

Thực hiện tìm hiểu công ty: Bạn nên thực hiện một số nghiên cứu nhất định về công ty cũng như vị trí bạn đảm nhận trước khi bắt đầu viết thư xin việc của mình. Bạn nên hiểu mục đích và sứ mệnh của công ty để từ đó có thể giải thích chính xác lý do bạn quan tâm đến công việc ở đó. Hơn nữa, bạn nên xem xét kỹ bản mô tả công việc cụ thể và xác định những năng lực mà công ty đang tìm kiếm ở một ứng viên. Sau đó, bạn có thể viết thư xin việc của mình bằng cách điều chỉnh những điểm sao cho phù hợp với năng lực mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm.

Sử dụng thư xin việc của bạn như một cơ hội mới: Điều quan trọng bạn cần nhớ là mặc dù thư xin việc không phải lúc nào cũng được công ty yêu cầu trong tài liệu ứng tuyển nhưng chúng sẽ mang đến cho ứng viên cơ hội xứng đáng để chứng tỏ trình độ, giới thiệu bản thân và đảm bảo bạn sẽ nhận được một cuộc phỏng vấn. Trong thư xin việc, bạn nên viết thuyết phục người đọc về các kỹ năng và kinh nghiệm của mình mà không cần nhắc lại thông tin đó một lần nữa trong sơ yếu lý lịch.

Giữ cho thư xin việc ngắn gọn và súc tích: Hầu hết các thư xin việc sẽ bị giới hạn trong một trang duy nhất. Do đó, khi viết thư xin việc, bạn hãy cố gắng viết cô đọng nhất có thể – có mục đích cụ thể và chỉ viết về những kinh nghiệm và kỹ năng mà bạn muốn làm nổi bật đối với hội đồng tuyển dụng. Khi bạn viết, hãy cố gắng giữ cho ngôn ngữ thật ngắn gọn, trực tiếp và súc tích để viết quá nhiều mà cách diễn đạt lại phức tạp.

💥Ví dụ về thư xin việc của nhà khoa học môi trường

Khi soạn thảo thư xin việc của bạn, sẽ rất hữu ích nếu có một ví dụ để bạn tham khảo trong quá trình viết. Dưới đây là ví dụ về thư xin việc cho một nhà khoa học môi trường đang ứng tuyển vào vị trí nghiên cứu mà bạn có thể sử dụng làm dàn ý trong bài viết của bạn:

Christina Esquino 1898 SW 38th Street Homestead, FL (305) 444-3282

c.esquino@email.com

Ngày 25 tháng 3 năm 2021

Kính gửi Tiến sĩ Allison Longwood,

Tôi đang viết bức thư này để ứng tuyển vào vị trí nhà nghiên cứu thực vật và môi trường tại Trung tâm Thực vật Frost. Tôi rất biết ơn khi được cân nhắc cho cơ hội này vì tôi đã luôn ngưỡng mộ những đóng góp của Trung tâm Frost trong lĩnh vực khoa học môi trường. Hiện tại, tôi đang là người phụ trách và liên lạc viên thường trú tại vườn ươm của Đại học Hoffen và cũng là người sáng lập một tổ chức ​​phi lợi nhuận về nông lâm bền vững ở Caribê với bảy năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu môi trường. Với những kỹ năng mà tôi đã phát triển qua những kinh nghiệm này, tôi hy vọng sẽ tiếp tục nỗ lực để thúc đẩy quá trình phát triển sinh thái và giáo dục môi trường tại Trung tâm Frost.

Trong ba năm qua, tôi đã làm việc tại vườn ươm của Đại học Hoffen. Với vai trò này, tôi đã có cơ hội được lãnh đạo và quản lý một trung tâm thực vật quy mô lớn. Tôi đã có cơ hội được đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của trung tâm bằng cách quản lý, trồng, duy trì và sắp xếp hơn 1000 loài thực vật hiện có trong khuôn viên. Vị trí này không chỉ giúp tôi phát triển các kỹ năng nghiên cứu chiến lược trong việc nuôi trồng thành công các loại cây lai và cây quý hiếm mà nó còn cung cấp cho tôi kiến ​​thức chuyên sâu trong nghiên cứu về trồng trọt, thực vật học, khoa học sinh thái và môi trường bền vững.

Vào năm 2016, trước khi bắt đầu công việc của mình tại vườn ươm, tôi đã bắt đầu thành lập một tổ chức về nông nghiệp ​​bền vững ở Blue Mountains, Jamaica sau khi hòn đảo này trải qua một cơn bão hủy diệt quét sạch mọi tài sản canh tác của người dân. Với kiến ​​thức nền tảng chuyên môn về cà phê và quy trình canh tác của loài cây này, tôi đã hợp tác với các lãnh đạo địa phương ở Jamaica để phát triển một tổ chức ​​phi lợi nhuận tập trung vào việc thúc đẩy ​​trồng rừng bền vững. Bằng sự nghiên cứu và khả năng lãnh đạo của tôi cùng khối lượng công việc khổng lồ mà nhóm của tôi đã hoàn thành, chúng tôi đã xây dựng lại hạ tầng nông nghiệp cho người nông dân và tạo ra nguồn thu nhập bền vững với môi trường cho các gia đình đó.

Trong cả hai vai trò nói trên, tôi đã có thể trau dồi từng bước nền tảng kỹ năng đa dạng của mình trong nghiên cứu, giải quyết vấn đề, giao tiếp, quản lý nhóm và tư vấn về sự bền vững môi trường. Mỗi vai trò này đều đòi hỏi trình độ tổ chức cao, sự quan tâm tỉ mỉ đến từng chi tiết cũng như khả năng quản lý thời gian độc lập. Tôi tin rằng tôi sẽ là một nhân viên có thể đóng góp rất nhiều cho Trung tâm Thực vật Frost vì những kinh nghiệm trong quá khứ của tôi, những kinh nghiệm đó đã dạy cho tôi những kỹ năng cần thiết để thành công trong môi trường nghiên cứu và khoa học có sự thay đổi nhanh chóng.

Cảm ơn ông/bà đã dành thời gian để xem xét đơn đăng ký của tôi –  vui lòng liên hệ với tôi nếu ông/bà cần thêm bất kỳ thông tin nào. Tôi mong muốn được nghe tin từ ông/bà.

Thân ái,

Tiến sĩ Christina Esquino

_____________________________________

Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!

  • Theo: indeed
  • Người dịch: Phạm Thị Thu Hiền
  • Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Phạm Thị Thu Hiền – Nguồn iVolunteer Vietnam” 

Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/8776

Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ