Kỹ Năng

Cách Viết Thư Xin Việc Cho Trợ Lý Y Sinh (Có Ví Dụ)

Trợ lý y sinh giúp mọi người có cuộc sống không phụ thuộc bằng cách hỗ trợ họ các công việc chăm sóc cá nhân như tắm rửa, ăn uống và hoàn thành các việc vặt. Kinh nghiệm và kỹ năng cho phép họ cung cấp dịch vụ chăm sóc chất lượng cho bệnh nhân và việc vạch ra những tiêu chuẩn này trong quá trình tuyển dụng có thể cải thiện cơ hội nhận được việc làm của bạn. Nếu bạn quan tâm đến việc theo đuổi công việc trợ lý y sinh, biết cách viết một lá thư xin việc chỉn chu có thể giúp bạn thu hút sự chú ý của các nhà quản lý tuyển dụng.

Bài viết này sẽ giải thích lý do tại sao thư xin việc của trợ lý y sinh lại quan trọng đồng thời mô tả cách viết thư và cung cấp thêm mẫu và ví dụ về thư xin việc trong lĩnh vực này.

TẠI SAO CẦN VIẾT THƯ XIN VIỆC CHO TRỢ LÝ Y SINH?

Thư xin việc của trợ lý y sinh rất quan trọng vì nó cho các nhà quản lý tuyển dụng thấy lý do tại sao họ nên cân nhắc bạn cho vị trí này. Bằng cách liệt kê các thông tin như kỹ năng, kinh nghiệm và thành tích cụ thể, bạn có thể cung cấp cho nhà tuyển dụng phần giới thiệu chuyên môn trước khi họ đọc sơ yếu lý lịch. Thư xin việc cũng thể hiện được sự quan tâm và nhiệt tình của bạn đối với vị trí này. Điều này có thể khuyến khích người quản lý tuyển dụng liên hệ với bạn.

CÁCH VIẾT THƯ XIN VIỆC CHO TRỢ LÝ Y SINH

Dưới đây là sáu bước bạn có thể thực hiện để viết thư xin việc cho trợ lý y sinh để gửi cùng với đơn ứng tuyển của mình:

1. Thêm thông tin liên hệ và ngày tháng viết thư

Ở trên cùng bên trái của trang, hãy viết tên, thành phố, tỉnh, số điện thoại và email của bạn, mỗi thứ trên các dòng riêng biệt. Cách một dòng và viết ngày tháng bạn định gửi thư xin việc. Cách một dòng nữa và ghi tên người nhận, tên công ty và địa chỉ công ty.

2. Viết một lời chào chuyên nghiệp

Để một khoảng trống sau địa chỉ công ty và viết lời chào của bạn. Nhà tuyển dụng thường thích những lời chào chuyên nghiệp, chẳng hạn như “Kính gửi” hoặc “Xin chào”, sau đó là tên của người nhận. Nhiều người cho rằng những lời chào như “Kính gửi những ai lưu tâm đến” đã lỗi thời, vì vậy hãy cố gắng tìm một tên cụ thể để thêm vào thư xin việc của bạn nếu có thể. Nếu bạn không tìm được tên ai, bạn có thể sử dụng những lời chào như, “Kính gửi Giám đốc tuyển dụng” hoặc “Kính gửi Giám đốc bộ phận.”

3. Thể hiện sự quan tâm của bạn đối với công việc trong đoạn văn đầu tiên

Trong đoạn đầu tiên của thư xin việc, hãy đề cập đến mục đích viết thư, bao gồm tên chính xác của vị trí bạn muốn ứng tuyển và tên công ty. Sau đó, trình bày mối quan tâm của bạn đối với công việc và điều gì khiến bạn muốn ứng tuyển. Bạn cũng có thể viết một hoặc hai câu về điều gì khiến bạn trở thành một ứng viên đủ tiêu chuẩn cho vị trí này.

4. Viết thêm về nền tảng của bạn trong đoạn thứ hai

Trong đoạn thứ hai, hãy mô tả nền tảng chuyên môn và kinh nghiệm của bạn. Bao gồm số năm bạn công tác trong lĩnh vực này, đề cập đến các kỹ năng hoặc chứng chỉ bạn sử dụng ở nơi làm việc và giải thích chúng mang lại lợi ích như thế nào cho bạn ở vị trí đó. Nếu bạn muốn ứng tuyển công việc mà không có kinh nghiệm làm trợ lý y sinh trước đó, hãy sử dụng phần này để mô tả trình độ học vấn hoặc kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực khác chứng minh bạn đủ điều kiện cho vai trò này.

5. Chia sẻ một câu chuyện hoặc một thành tích bạn đạt được trong đoạn thứ ba

Trong đoạn cuối cùng của thư xin việc, hãy viết về trải nghiệm ở nơi làm việc mà bạn cho rằng thể hiện được điểm mạnh của mình. Bạn có thể viết về khoảng thời gian khi bạn vượt qua một thử thách hoặc đề cập đến một giải thưởng đã nhận được vì đã hoàn thành xuất sắc công việc của mình. Nếu bạn có nền tảng về công việc trợ lý y sinh, hãy cân nhắc viết vào các tình huống mà bạn đã làm nhiều hơn mức cần thiết cho bệnh nhân hoặc nhận được phản hồi tích cực từ người nhà của họ.

6. Kết thúc bằng một câu kính thư trang trọng

Cuối thư, hãy thêm một câu cảm ơn người nhận vì đã dành thời gian và sự cân nhắc của họ cho bạn. Sau đó, thêm một câu kính thư trang trọng, chẳng hạn như “Trân trọng” hoặc “Chúc mọi điều tốt đẹp”. Nếu bạn định gửi bản cứng của lá thư, hãy để lại một vài khoảng trống, sau đó nhập họ và tên của bạn để có chỗ cho chữ ký sau khi bạn in ra. Đối với thư xin việc bản mềm, chỉ cần nhập tên của bạn mà không cần để lại khoảng trống cho chữ ký.

MẪU THƯ XIN VIỆC TRỢ LÝ Y SINH

Hãy tham khảo mẫu cơ bản sau đây để có thể giúp cho quá trình viết dễ dàng hơn

[Tên đầy đủ] [Thành phố và tỉnh] [Số điện thoại]
[Địa chỉ Email]

[Ngày tháng viết thư]

[Tên người nhận] [Tên công ty]
[Địa chỉ công ty]

[Lời chào chuyên nghiệp],

[Vị trí bạn muốn ứng tuyển, lý do bạn quan tâm đến vị trí đó và bản tóm tắt ngắn gọn về điều khiến bạn trở thành ứng viên đủ tiêu chuẩn.]

[Chi tiết nền tảng chuyên môn và kinh nghiệm của bạn với tư cách là trợ lý y sinh hoặc viết thông tin về việc làm trong lĩnh vực khác có thể giúp ích cho bạn trong vai trò này. Nếu đây là công việc đầu tiên của bạn, hãy viết về việc nền tảng giáo dục đã chuẩn bị cho bạn như thế nào cho vai trò này.]

[Thêm câu chuyện về khoảng thời gian bạn thể hiện tốt trong công việc, nhận được giải thưởng hoặc giành được sự tôn trọng của bệnh nhân hoặc đồng nghiệp.]

[Viết một câu cảm ơn người nhận về thời gian và sự cân nhắc của họ.]

[Kính thư trang trọng],

[Họ và tên của bạn]

VÍ DỤ THƯ XIN VIỆC CỦA TRỢ LÝ Y SINH

Bạn có thể sử dụng mẫu được cung cấp để viết thư xin việc trợ lý y sinh phù hợp với lý lịch và vị trí cụ thể mà bạn muốn. Dưới đây là một ví dụ về thư xin việc mà bạn có thể sử dụng làm nguồn cảm hứng:

June Anderson Juneau, AK564-875-6432
juneanderson@email.com

Ngày 17 tháng 12 năm 2021

Suzanne Winters Dịch Vụ Chăm Sóc Y Tế Tại Nhà American 123 đường S. Main
Juneau, AK 12345

Suzanne thân mến,

Tôi viết thư này để bày tỏ sự quan tâm của tôi đối với vị trí trợ lý y sinh của Dịch Vụ Chăm Sóc Y Tế Tại Nhà American. Khi tôi đọc bản mô tả công việc, tôi biết mình sẽ rất phù hợp với công ty của bạn. Tôi rất hào hứng với cơ hội ứng tuyển vào vị trí này và tôi cảm thấy rằng 10 năm kinh nghiệm làm người chăm sóc cho một cặp vợ chồng lớn tuổi sẽ giúp tôi trở thành một ứng viên đủ tiêu chuẩn.

Năm 2011, tôi bắt đầu công việc nhân viên y tế tự do chăm sóc cho một cặp vợ chồng ở độ tuổi 80. Họ có đủ khả năng tinh thần và thể chất để tự sống trong nhà của họ, nhưng mỗi người đều cần được giúp đỡ với các nhu cầu chăm sóc sức khỏe cơ bản, chẳng hạn như dùng thuốc, băng bó vết thương và kiểm tra lượng đường trong máu. Tôi cũng giúp họ những việc nhà như giặt giũ và dọn dẹp, chuẩn bị bữa ăn cho họ và chở họ đến các cuộc hẹn và làm việc vặt.

Tôi cũng liên lạc với con gái của họ thường xuyên để cô ấy có thông tin cần thiết giúp họ đưa ra các quyết định chăm sóc sức khỏe. Cuối cùng, cô quyết định tìm một viện dưỡng lão cho cha mẹ mình để họ có thể được chăm sóc liên tục. Cô ấy cảm ơn tôi vì sự chăm sóc mà tôi đã dành cho cha mẹ cô ấy trong những năm qua và nhấn mạnh lòng biết ơn của cô ấy đối với sự giúp đỡ của tôi. Tôi coi bố mẹ cô ấy là bạn bè của mình, và tôi tiếp tục đến thăm họ trong viện dưỡng lão. Tôi rất biết ơn họ đã chọn tôi làm người chăm sóc và mong muốn được kết bạn mới với những bệnh nhân tại cơ sở của Dịch Vụ Chăm Sóc Y Tế Tại Nhà American.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian và xem xét đơn ứng tuyển cho vị trí trợ lý y sinh của tôi.

Trân trọng,

June Anderson.

———————————————–

Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!

Bài viết gốc: https://www.indeed.com/career-advice/resumes-cover-letters/support-worker-cover-letter  

Người dịch: Phạm Thanh Ngọc

Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Phạm Thanh Ngọc – Nguồn iVolunteer Vietnam”

Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/7816

Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ