“Tôi hy vọng COVID – 19 qua đi để chúng ta có thể tiếp tục cuộc sống bình thường của mình.” “Tôi hy vọng đợt cách ly này sẽ sớm kết thúc!”
“Tôi hy vọng mọi thứ sẽ trở lại như trước đây.”
Bạn có thể đang suy nghĩ, mong ước, hay thậm chí là hy vọng những điều này – và chỉ chờ đợi mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn. Đó cũng chính là tôi trong vài tuần cách ly đầu tiên.
Gần đây, tôi đã suy nghĩ rằng COVID – 19 thực sự có khả năng sẽ không bao giờ biến mất, chúng ta có thể phải học cách thích nghi và sống chung với nó. COVID – 19 có thể giống như bệnh cúm mùa, với một mũi tiêm phòng, và nó có thể chỉ là một loại virus mới sẽ trở thành một phần trong cuộc sống của chúng ta.
Chúng ta không biết khi nào thì cách ly sẽ kết thúc, và kể cả khi có một ngày cụ thể, ngày đó cũng sẽ bị đẩy lùi ngày càng xa.
Tôi đang bị cách ly bảy tuần và chỉ chờ cho nơi tạm trú được dỡ bỏ. Mặc dù chúng ta đang dần dần thích nghi với cuộc sống “bình thường mới”, thực tế ảm đạm chính là mọi thứ sẽ chẳng bao giờ quay trở lại như trước đây. Không bao giờ. Điều đó khiến tôi cảm thấy thất vọng, nản lòng, và có chút buồn bã.
Nhưng khi tôi để tâm và chú ý tới những cảm xúc, suy nghĩ này từ một góc độ không phán xét, tôi có thể nhận ra rằng mình đang níu kéo quá khứ và việc mọi thứ đã từng như thế nào. Đồng thời, tôi cũng đang hy vọng về tương lai một cách viển vông và điều đó khiến tôi mắc kẹt.
Mong muốn mọi thứ khác đi so với hiện tại chính là nguyên nhân cho nỗi đau khổ mà tôi phải chịu. Tôi được nhắc nhở rằng hãy quan tâm đến hiện tại, chấp nhận những gì mình đang có mà không phán xét.
Chấp nhận không có nghĩa là yêu thích, mong muốn, chịu đựng hay bỏ cuộc. Nó chỉ có nghĩa là thừa nhận những gì đang có. Chúng ta tạo ra những đau khổ không cần thiết khi phản đối và không chịu chấp nhận hoàn cảnh hiện tại.
Có hy vọng không phải điều gì xấu. Có thể đó là thứ khiến bạn rời khỏi giường mỗi ngày hoặc giúp bạn duy trì động lực. Có thể hy vọng là điều gì đó đáng mong đợi và nếu nó giúp ích cho bạn theo một cách nào đó thì thật là tuyệt vời.
Hy vọng là một điều tốt đẹp, miễn là nó giúp bạn hành động và không chỉ khiến bạn mắc kẹt trong trạng thái chờ đợi.
Trạng thái chờ đợi dựa trên hoàn cảnh bên ngoài, chẳng hạn như một ngày không thể đoán trước được trong tương lai, hay “điều gì đó” tiềm ẩn có thể hoặc không bao giờ xảy ra, thì lại chẳng hữu ích lắm.
Nếu cứ sống mãi trong trạng thái hy vọng này – chỉ ngồi đó và chờ đợi một tương lai tươi đẹp hơn – thì chúng ta sẽ không thể trải nghiệm khoảnh khắc hiện tại. Trạng thái ấy có thể ngăn cản chúng ta chấp nhận những gì đang có và nhìn thấy những gì đang ở phía trước ngay bây giờ. Nó có thể ngăn cản chúng ta ở hiện tại bởi chúng ta quá tập trung vào tương lai.
Chúng ta có thể sống trong hy vọng nhưng cũng có thể sống trong hiện tại, ở trạng thái chấp nhận. Kết hợp sự quan tâm với hy vọng sẽ cho phép bạn tạo ra tầm nhìn và khát khao truyền cảm hứng cho hành động. Điều đó giúp bạn nhìn mọi thứ rõ ràng đúng với thực tế của chúng, để chấp nhận và thúc đẩy bạn trở thành một phiên bản tốt hơn.
Từ sự thay đổi tinh tế này, bạn sẽ trở nên quyền lực. Bạn có sự rõ ràng, bạn có thể quyết định, có thể hành động, có thể lựa chọn – bạn chấp nhận hoàn cảnh hiện tại, cho phép nó tồn tại thay vì mong muốn nó khác đi. Điều này giúp chúng ta bớt phải chịu đựng, giảm thiểu sự đau khổ và cho phép chúng ta hành động một cách minh mẫn.
Có lẽ sau đó chúng ta có thể nuôi dưỡng một thứ gọi là “hy vọng khôn ngoan”.
Như thiền sư Joan Halifax đã nói: “Hy vọng khôn ngoan không phải là nhìn mọi thứ một cách phi thực tế mà là nhìn mọi thứ đúng như bản chất của chúng, bao gồm cả sự thật về nỗi khổ đau – sự hiện diện của nó và khả năng biến đổi nó của chúng ta.”
Chúng ta có thể chống lại hoàn cảnh hiện tại, rồi phải chịu đựng đau khổ. Hoặc chúng ta có thể chấp nhận hoàn cảnh hiện tại, hành động để thay đổi nó, và tập trung vào những gì chúng ta có thể làm bây giờ.
Bản thân tôi biết rằng nếu tôi cứ giữ suy nghĩ “ước gì mọi thứ khác đi”, thì sau nhiều tuần cách ly (ai biết còn bao lâu nữa), tôi có thể dễ dàng rơi vào trạng thái ngủ quên, trì hoãn, lười biếng, say sưa với Netflix, ăn quá nhiều kem, và không kịp chăm sóc bản thân trong khi chỉ “hy vọng” mọi thứ sẽ tốt lên.
Những điều này có thể khiến tâm trạng nhanh chóng giảm sút, gia tăng sự tiêu cực và lo lắng, làm việc không hiệu quả và thậm chí là trầm cảm. Tôi biết điều đó dễ dàng như thế nào và tôi không muốn rơi vào tình cảnh như vậy. Đúng hơn là, tôi chọn không để bản thân trở nên như vậy. Tất cả bắt đầu từ việc tôi sắp xếp lại những suy nghĩ của mình thông qua sự chấp nhận và sau đó hành động.
Hy vọng: “Tôi hy vọng COVID – 19 qua đi để chúng ta có thể tiếp tục cuộc sống bình thường của mình.”
Chấp nhận và Hành động: “Tôi không biết COVID – 19 có thực sự sẽ qua đi không, nhưng để giúp cuộc sống của tôi bình thường hơn trong thời gian cách ly, tôi lựa chọn duy trì thói quen hàng ngày của mình. Điều đó có nghĩa là tôi sẽ ngủ đúng giờ, đặt báo thức kể cả cuối tuần, đón ánh nắng và không khí trong lành trên sân nhà, thiền, ăn uống điều độ, vươn vai, tập yoga, chống đẩy, tắm rửa và ưu tiên chăm sóc bản thân. Tôi biết rằng ngay cả trong những ngày tôi không muốn làm những việc này, tôi vẫn có quyền lựa chọn. Tôi có thể chọn không làm những điều đó và cảm thấy buồn chán, không hiệu quả, lười biếng, hoặc có thể chọn tiếp tục lối sống hàng ngày bởi vì tôi biết điều đó làm tăng sự hạnh phúc và nâng cao sức khoẻ tổng thể cho chính mình.”
Hy vọng: “Tôi hy vọng đợt cách ly này sẽ sớm kết thúc!”
Chấp nhận và Hành động: “Mặc dù tôi hy vọng đợt cách ly này sẽ sớm kết thúc, nhưng tất cả quãng thời gian được thêm này thật là một cơ hội tốt! Cuối cùng tôi đã bắt đầu đọc quyển sách ở trên giá của mình từ năm ngoái, bắt đầu khoá học trực tuyến mà tôi luôn muốn học, làm một chiếc bánh từ đầu, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ và đang học marketing trực tuyến! Tôi đã đánh giá lại các mục tiêu năm 2020 mà tôi đề ra hồi đầu năm, lập một danh sách “những việc cần làm” và danh sách “những việc muốn làm” với tình hình hiện tại. Tôi đã có thể hoàn thành một vài việc trong danh sách “những việc muốn làm” và điều đó mang lại cho tôi rất nhiều niềm vui.”
Hy vọng: “Tôi hy vọng mọi thứ sẽ trở lại như trước đây.”
Chấp nhận và Hành động: “Mọi thứ sẽ không trở lại như trước đây. Chúng ta luôn thay đổi và phát triển bởi nếu không phát triển thì chúng ta sẽ chết. Trong tự nhiên, chúng ta luôn chứng kiến điều này. Một cái cây không bao giờ đứng im; nó đang phát triển hoặc đang chết đi. Không có trạng thái ở giữa. Vì vậy, mỗi ngày tôi lựa chọn sống chính là đang lựa chọn phát triển. Tôi đang dành thời gian này để suy ngẫm về những gì đã có hiệu quả với tôi trong quá khứ, và làm cách nào để khiến nó tốt đẹp hơn, buông bỏ những gì không hiệu quả và/hoặc thay đổi hướng đi. Thật là một cơ hội tuyệt vời để nhấn nút LÀM LẠI!”
Có rất nhiều khía cạnh để hy vọng, cũng như để yêu, để tin, và bất cứ điều gì. Quá nhiều thứ có thể khiến chúng ta trở nên thiếu thực tế, sống khép kín, cứng nhắc và mù quáng.
Nhà tâm lý học Carl Jung gọi đây là khía cạnh “bóng tối”. Có lẽ đây được coi là “mặt tối” của hy vọng, và dù thế nào thì cũng rất quan trọng, cần phải xem xét. Mặc dù đợt cách ly này có thể khiến bạn thất vọng, buồn chán, cô đơn, căng thẳng, nhưng bù vào đó, đây có thể là một cơ hội để bạn thiết lập lại, biến đổi, phát triển, thay đổi hướng đi và tái tạo lại bản thân.
Bạn sẽ chọn điều gì?
————————————————–
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích.
- Bài viết gốc: TẠI ĐÂY
- Người dịch: Lương Phương Thảo
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Lương Phương Thảo – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/8859
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 24