🤝 Sự trao đổi thông tin giữa các cá nhân (Interpersonal communication) là gì?
Sự trao đổi thông tin giữa các cá nhân (Interpersonal communication) là một quá trình trao đổi trực tiếp về những suy nghĩ, ý tưởng, cảm giác, cảm xúc giữa hai hoặc nhiều người. Điều này bao gồm cả các yếu tố ngôn ngữ và phi ngôn ngữ trong quá trình tương tác cá nhân.
Nếu bạn chưa chắc chắn về cách để thể hiện các kỹ năng xã hội của mình trên sơ yếu lý lịch, bạn có thể nhận sự trợ giúp chuyên nghiệp bằng cách điền vào bảng câu hỏi phản hồi của chúng tôi.
🤝 Kỹ năng xã hội (Interpersonal Skills) là gì?
Kỹ năng xã hội là những đặc điểm bạn cần dựa vào khi tương tác và giao tiếp với những người khác. Chúng bao gồm nhiều tình huống khác nhau trong đó sự giao tiếp và hợp tác đóng vai trò quan trọng.
Những kỹ năng này có liên quan đến khả năng giao tiếp và xây dựng mối quan hệ với những người khác. Thường được gọi là kỹ năng làm việc với con người (People Skills), chúng có xu hướng kết hợp cả những nét tính cách bẩm sinh của bạn và những gì bạn đã học được để xử lý các tình huống xã hội nhất định. Các kỹ năng xã hội tốt có thể hỗ trợ bạn trong quá trình phỏng vấn xin việc và sẽ mang đến ảnh hưởng tích cực giúp phát triển sự nghiệp của bạn.
Một vài ví dụ về các kỹ năng xã hội bao gồm:
- Lắng nghe chủ động
- Làm việc nhóm
- Chịu trách nhiệm
- Đáng tin cậy
- Khả năng lãnh đạo
- Động lực
- Linh hoạt
- Kiên nhẫn
- Đồng cảm
Trong môi trường làm việc, việc có các kỹ năng giao tiếp tốt là một lợi thế giúp bạn xử lý các rắc rối, sự thay đổi và các công việc hàng ngày.
Kỹ năng xã hội
- Làm việc nhóm
- Chịu trách nhiệm
- Đáng tin cậy
- Khả năng lãnh đạo
- Động lực
- Linh hoạt
- Kiên nhẫn
- Đồng cảm
- Lắng nghe chủ động
🤝 Tại sao các kỹ năng xã hội lại quan trọng?
Kỹ năng xã hội vững chắc có thể giúp ích cho bạn trong quá trình phỏng vấn xin việc vì người phỏng vấn thường tìm kiếm những ứng viên có thể làm việc tốt với người khác. Chúng cũng sẽ hỗ trợ bạn trong hầu hết mọi công việc bằng cách giúp bạn hiểu được những người khác và điều chỉnh cách tiếp cận của mình để cùng nhau làm việc một cách hiệu quả. Ví dụ, trong khi một kỹ sự phần mềm có thể dành phần lớn thời gian của cô ấy để tự mình lập trình, thì cô ấy cũng có thể cần kết hợp với các nhà lập trình khác để đưa sản phẩm ra thị trường một cách hiệu quả.
Điều này đặc biệt đúng khi ngày càng có nhiều công ty triển khai các khung phần mềm agile (agile frameworks) kết hợp để hoàn thành công việc. Nhà tuyển dụng sẽ tìm kiếm những nhân viên có khả năng thực hiện các công việc kỹ thuật một cách xuất sắc và có thể giao tiếp tốt với các đồng nghiệp.
🤝 Một số ví dụ về các kỹ năng xã hội
Không như các kỹ năng về kỹ thuật hay kỹ năng “cứng”, kỹ năng xã hội là các kỹ năng “mềm” có thể dễ dàng chuyển đổi linh hoạt giữa các ngành nghề và vị trí công việc. Các nhà tuyển dụng đánh giá cao các kỹ năng xã hội vì chúng đóng góp vào môi trường làm việc tích cực và giúp duy trì một dòng chảy công việc hiệu quả.
Dưới đây là một danh sách các kỹ năng xã hội để bạn có thể xác định các kỹ năng mình muốn sở hữu có giá trị đối với nhà tuyển dụng:
- Lắng nghe chủ động
Lắng nghe chủ động có nghĩa là lắng nghe với mục đích tiếp nhận thông tin và tương tác với người nói. Những người có khả năng lắng nghe chủ động thường tránh các hành động gây xao nhãng khi giao tiếp với người khác. Chẳng hạn như cất hoặc đóng máy tính xách tay hoặc các thiết bị điện tử trong khi nghe, hỏi và trả lời các câu hỏi khi được nhắc đến.
- Trở nên đáng tin cậy
Những người đáng tin cậy sẽ được tín nhiệm trong bất kỳ tình huống nào. Điều này bao gồm bất kỳ việc gì, từ việc giữ tác phong đúng giờ cho đến việc giữ lời hứa. Nhà tuyển dụng luôn đánh giá cao những nhân viên đáng tin cậy và tin tưởng giao cho họ những nhiệm vụ và công việc quan trọng.
- Đồng cảm
Trí tuệ cảm xúc của một nhân viên thể hiện mức độ họ thấu hiểu những nhu cầu và cảm xúc của người khác. Người sử dụng lao động có thể sẽ thuê những nhân viên có khả năng đồng cảm hoặc lòng trắc ẩn để xây dựng một môi trường làm việc tích cực, hiệu quả cao.
- Lãnh đạo
Kỹ năng lãnh đạo là một kỹ năng xã hội quan trọng có liên quan tới việc đưa ra quyết định một cách hiệu quả. Những nhà lãnh đạo tốt sẽ kết hợp nhiều kỹ năng xã hội khác nhau, như đồng cảm và kiên nhẫn, để đưa ra quyết định. Kỹ năng lãnh đạo có thể được sử dụng bởi cả các quản lý và cá nhân đóng góp. Trong bất kỳ vị trí nào, người sử dụng lao động sẽ đánh giá cao những người có thể lên nắm quyền làm chủ để đạt được mục tiêu chung.
- Làm việc nhóm
Khả năng làm việc cùng nhau trong một nhóm rất có giá trị trong mọi môi trường làm việc. Làm việc nhóm có liên quan đến các kỹ năng xã hội khác như giao tiếp, lắng nghe chủ động, linh hoạt và có trách nhiệm. Những người có khả năng làm việc nhóm tốt thường được giao cho những nhiệm vụ quan trọng khi làm việc và được xem như một ứng viên tiềm năng cho việc thăng chức.
🤝 Những công việc yêu cầu các kỹ năng xã hội
Bất kỳ công việc nào bạn ứng tuyển đều sẽ đòi hỏi bạn phải có các kỹ năng xã hội. Một số công việc sẽ đòi hỏi những kỹ năng này nhiều hơn những công việc khác, bao gồm:
- Giáo viên
Các giáo viên cần có kỹ năng giao tiếp tốt để có thể cùng làm việc với nhau, với ban giám hiệu, học sinh và phụ huynh. Một giáo viên biết đồng cảm và kiên nhẫn có thể giúp học sinh học tập và phát triển toàn diện trong quá trình rèn luyện của chúng.
- Trợ lý hành chính
Các trợ lý hành chính cần có độ tin cậy cao trong số các kỹ năng xã hội khác. Các trợ lý hành chính cũng cần phải tiếp xúc với khách hàng thường xuyên, điều này khiến cho các kỹ năng xã hội trở thành một chức năng cần thiết cho công việc.
- Y tá
Biết an ủi và chăm sóc bệnh nhân và một kỹ năng quan trọng đối với các y tá. Các kỹ năng xã hội giữa các cá nhân với nhau là điều không thể thiếu đối với ngành nghề này, đặc biệt là biết đồng cảm và kiên nhẫn.
- Quản lý marketing
Marketing thường đòi hỏi một số kỹ năng về kỹ thuật hoặc kỹ năng mềm. Kỹ năng trao đổi thông tin giữa các cá nhân là một phần quan trọng của marketing và quản trị marketing, khi mà các chuyên gia marketing không chỉ phải cùng làm việc với nhau trong việc phát triển các chiến dịch tiếp thị mà còn với các khách hàng và đội sales.
- Nhân viên chăm sóc khách hàng
Chăm sóc khách hàng đòi hỏi kỹ năng giao tiếp xuất sắc. Những người làm việc trong lĩnh vực này dành phần lớn thời gian làm việc của họ để trao đổi với khách hàng, những người có thể bực bội, bối rối hoặc tức giận. Vì vậy kỹ năng giao tiếp là không thể thiếu, đặc biệt là khả năng kiên nhẫn, đồng cảm và biết chủ động lắng nghe.
🤝 Cách để cải thiện các kỹ năng xã hội
Mặc dù các kỹ năng xã hội có vẻ sẽ dễ dàng để luyện tập khi bạn tương tác với những người khác hàng ngày, nhưng việc lập một kế hoạch có chủ đích có thể giúp bạn cải thiện nhanh chóng hơn. Hãy xem xét những phương pháp sau đây để cải thiện các kỹ năng xã hội của bạn:
1. Tham gia các workshop hoặc các lớp học online. Có một số workshop, lớp học online hoặc một số video nói về các phương pháp giúp bạn luyện tập xây dựng các kỹ năng xã hội của mình. Mặc dù hầu hết chúng đều miễn phí, một số có thể sẽ không.
2. Tìm kiếm những cơ hội để xây dựng các mối quan hệ. Nếu bạn làm việc tại nhà hoặc mặt khác bạn không có nhiều cơ hội để phát triển kỹ năng xã hội, bạn có thể cân nhắc gia nhập vào một nhóm bạn. Nhóm bạn này có thể liên quan đến công việc của bạn như một mạng lưới mối quan hệ hoặc một nhóm bạn làm trong cùng ngành nghề, hoặc đơn giản chỉ là một nhóm bạn có chung sở thích hoặc thói quen.
3. Suy nghĩ thận trọng về những phương pháp giúp khả năng tương tác của bạn cải thiện. Dành thời gian xem lại các cuộc trao đổi của bạn và suy nghĩ về các phương pháp tương tác hiệu quả hơn. Đó có thể là những gì bạn đã nói, cách bạn ứng xử và ngôn ngữ cơ thể bạn sử dụng.
4. Nhờ bạn bè hoặc đồng nghiệp mà bạn tin tưởng đưa ra những đánh giá mang tính xây dựng. Sẽ rất hữu ích nếu như bạn có thể nhìn từ góc nhìn của một bên thứ ba về trình độ kỹ năng của bạn và một số phương pháp cụ thể để bạn cải thiện. Hãy nhờ bạn bè hoặc đồng nghiệp mà bạn tin tưởng cung cấp đánh giá mang tính xây dựng về kỹ năng giao tiếp của bạn.
5. Quan sát các tương tác tích cực giữa các cá nhân khác. Cũng sẽ rất hữu ích khi học hỏi bằng cách theo dõi những người khác sử dụng các kỹ năng xã hội của họ. Hãy quan sát các tương tác tích cực của những người xung quanh bạn và áp dụng những phẩm chất mà bạn ngưỡng mộ đó vào những mối quan hệ của mình.
6. Tìm kiếm sự trợ giúp. Việc hỏi một ai đó mà bạn tin tưởng, ngưỡng mộ và tôn trọng để được tư vấn cách cải thiện các kỹ năng xã hội và thăng tiến trong các ngành nghề nói chung là một phương pháp vô cùng hiệu quả để học hỏi.
Đặt ra các mục tiêu cho bản thân cũng có thể cung cấp cho bạn hướng đi, khiến việc học hỏi trở nên thuận tiện hơn bằng cách hiểu về thời điểm và cách thức bạn tạo ra những thay đổi tích cực phù hợp.
🤝 Làm thế nào để làm nổi bật các kỹ năng xã hội khi ứng tuyển cho một công việc
Trong giai đoạn nộp đơn và phỏng vấn, bạn có thể làm nổi bật các kỹ năng xã hội của mình trong resume và cover letter. Sau khi được nhận, bạn nên tiếp tục duy trì các kỹ năng của mình và học hỏi thêm những kỹ năng mới
- Nêu lên các kỹ năng xã hội trong resume
Trong resume của bạn, hãy đưa ra một số kỹ năng xã hội quan trọng dưới mục “kỹ năng”. Nhìn chung, những kỹ năng tốt nhất để thêm vào resume là những kỹ năng mà bạn tự tin nó sẽ được công nhận bởi bất kỳ người liên hệ nào bạn liệt kê trên đơn ứng tuyển. Hãy xem lại thông báo tuyển dụng để hiểu kỹ năng nào của bạn là phù hợp nhất cho công việc đó, và kỹ năng nào bạn nên ưu tiên trong resume của mình.
Mẫu Resume
1. Tên và địa chỉ liên lạc
2. Tóm tắt hoặc mục tiêu
3. Kinh nghiệm chuyên môn
- Tên công ty
- Nhiệm kỳ
- Mô tả công việc và thành tựu
4. Học vấn
5. Kỹ năng
6. Tùy chọn (Giải thưởng và thành tựu, thói quen và sở thích)
Mục Kỹ năng trong resume của bạn có thể trông như thế này:
Kỹ năng kỹ thuật: Hệ thống POS, Excel, HTML, Hệ thống Digital Phone
Kỹ năng bổ sung: Người làm việc nhóm hiệu quả, có khả năng giao tiếp và hợp tác tốt, lắng nghe chủ động, nhà nghiên cứu sáng tạo
Bạn cũng có thể đưa ra một vài ví dụ đề những kỹ năng xã hội của bạn trong mục Kinh nghiệm trong resume của bạn. Làm điều này bằng cách đưa ra một số ví dụ cụ thể về cách bạn đã làm việc với những người khác và những kết quả bạn đạt được. Ví dụ: “Tôi đã từng hợp tác với các nhà thiết kế, copywriter và các chiến lược gia để lên ý tưởng thay đổi thương hiệu mà đã đem lại sự tăng trưởng 30% số lượt truy cập website.”
- Nêu lên các kỹ năng xã hội trong cover letter
Đối với cover letter của bạn, bạn sẽ muốn chỉ tập trung vào một kỹ năng xã hội tốt và phù hợp. Điều này có thể khiến nhà tuyển dụng có một nhận định tốt về lĩnh vực mà bạn cho là thế mạnh của bạn. Bạn cũng có thể muốn giải thích một cách ngắn gọn tại sao kỹ năng đó có thể đem lại lợi ích cho họ và tạo nên một mối quan hệ công việc tích cực.
Ví dụ về phần làm nổi bật các kỹ năng trong cover letter có thể trông như sau:
“Với người chủ trước của tôi, tôi thường được yêu cầu giúp xây dựng các nhóm có tính hợp tác cao. Quản lý của tôi thường tin vào khả năng của tôi trong việc lắng nghe và thấu hiểu những thế mạnh của các đồng nghiệp, từ đó có thể quyết định được cách phân công công việc hiệu quả.”
- Những kỹ năng xã hội trong phỏng vấn xin việc và trong công việc
Những kỹ năng xã hội của bạn là không thể thiếu cả trong quá trình phỏng vấn xin việc và khi làm việc.
Trong quá trình phỏng vấn xin việc, nhà tuyển dụng có thể theo dõi xem khả năng lắng nghe chủ động của bạn, duy trì giao tiếp bằng ánh mắt và liệu bạn có lễ phép và lịch sự không. Buổi phỏng vấn cũng có thể là một cơ hội tốt để bạn thể hiện rằng bạn là người đáng tin cậy. Việc đến sớm vào buổi phỏng vấn, ví dụ, thể hiện bạn nghiêm túc với cuộc phỏng vấn và bạn tôn trọng thời gian của người phỏng vấn.
Một khi bạn đã có được công việc, bạn vẫn sẽ phải tiếp tục dựa vào các kỹ năng xã hội. Bằng cách chỉ ra bạn là người đáng tin cậy, biết chủ động dẫn dắt và đem lại những ảnh hưởng tích cực lên đồng nghiệp, bạn có thể phát triển danh tiếng của mình như một đồng đội tốt.
Các kỹ năng giao tiếp xã hội đang càng ngày được các nhà tuyển dụng trong mọi ngành nghề đánh giá cao. Bất kể là kiểu ngành nghề nào bạn muốn tham gia, khả năng làm việc hài hòa với đồng nghiệp và chủ doanh nghiệp có thể tạo nên một ấn tượng tốt và dẫn đến sự phát triển tích cực trong sự nghiệp của bạn.
——————————————————————-
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích
Bài viết gốc: https://www.indeed.com/career-advice/resumes-cover-letters/interpersonal-skills
Người dịch: Lê Minh Khuê
Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Lê Minh Khuê – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/9038
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 75