Khi bạn nộp đơn xin việc, thứ đầu tiên một nhà tuyển dụng tiềm năng sẽ nhìn thấy là CV của bạn. Chính vì vậy, việc trau chuốt và làm cho nó trở nên chuyên nghiệp là rất quan trọng, nhưng bạn cũng nên viết sao để làm nổi bật điểm mạnh của mình. Một cách để làm việc này là với một CV kiểu kỹ năng mà sẽ thể hiện các kỹ năng và kinh nghiệm của bạn hiệu quả hơn một CV theo trình tự thời gian bình thường. Bạn có thể sử dụng CV kỹ năng để thu hút sự chú ý của các nhà tuyển dụng tiềm năng và tăng cơ hội được phỏng vấn lên cấp số nhân. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giải thích CV kỹ năng là gì và thảo luận về cách viết có thể giúp bạn có được một cuộc phỏng vấn thành công.
✨CV kỹ năng là gì?
CV kỹ năng là một định dạng CV tập trung vào các kỹ năng và khả năng thay vì viết ra kinh nghiệm theo thứ tự thời gian. Thông thường, mọi người sử dụng loại CV theo thứ tự thời gian để liệt kê các chứng chỉ học tập của họ, nhà tuyển dụng họ đã từng làm việc, vị trí họ đã đảm nhiệm, thành tích công việc của họ và bất kỳ kỹ năng bổ sung nào mà họ có thể sở hữu. Trong khi đó, CV kỹ năng làm nổi bật các kỹ năng khi chúng liên quan đến các yêu cầu của công việc định ứng tuyển. Các nhà tuyển dụng có thể tìm kiếm những ứng viên đủ tiêu chuẩn phù hợp với yêu cầu của họ một cách dễ dàng và hiệu quả hơn khi sử dụng những CV này. Nhà tuyển dụng có thể đọc lướt qua bản tóm tắt về khả năng của ứng viên và đi đến quyết định một cách nhanh chóng và tự tin. CV kỹ năng cũng đề cập đến trình độ học vấn và kinh nghiệm làm việc, nhưng trọng tâm vẫn là các kỹ năng của ứng viên. Đây có thể là một lựa chọn tốt cho những người làm việc không ổn định hoặc không có trình độ học vấn cao vì nó làm cho các kỹ năng của họ trở thành trọng tâm chính.
✨Lý do nên viết CV kỹ năng
Cùng với việc giúp bạn trở nên nổi bật trước các nhà tuyển dụng tiềm năng, một bản CV kỹ năng có thể thu hút sự chú ý vào kinh nghiệm và kỹ năng liên quan của bạn để cho thấy bạn đủ điều kiện như thế nào cho một công việc cụ thể. Ví dụ, nếu bạn mới gia nhập thị trường lao động hoặc đang quay trở lại sau một khoảng thời gian dài, bạn muốn nhà tuyển dụng tập trung vào khả năng hoàn thành công việc của bạn hơn là những khoảng trống trong quá trình làm việc của bạn. Ngoài ra, nếu bạn muốn thăng tiến lên vị trí cao hơn hoặc chuyển sang một nghề nghiệp khác, bạn muốn nhà tuyển dụng xem xét CV của bạn và tin rằng bạn đủ tiêu chuẩn cho vị trí dựa trên bộ kỹ năng tổng thể của bạn. Nếu bạn thay đổi công việc thường xuyên, CV kỹ năng có thể cho nhà tuyển dụng thấy kinh nghiệm của bạn theo thời gian ở định dạng tích cực và hiệu quả hơn so với việc bạn viết ra các vị trí của mình theo thứ tự thời gian. Điều này nhấn mạnh ít hơn vào khoảng thời gian cụ thể của kinh nghiệm làm việc trong quá khứ của bạn và thay vào đó làm nổi bật điểm mạnh của bạn và cách chúng liên quan đến mô tả công việc.
✨Khi nào bạn nên viết một CV kỹ năng?
Quyết định khi nào nên viết CV kỹ năng sẽ phụ thuộc vào việc bạn đang ở đâu trên con đường sự nghiệp và mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì. Dù những người mới gia nhập thị trường lao động và những người có những khoảng trống trong thời gian làm việc có thể được hưởng lợi từ việc viết CV kỹ năng, nó cũng có thể là một lựa chọn tốt cho các chuyên gia có kinh nghiệm. Để làm cho quá trình tuyển dụng có tác dụng và hiệu quả hơn, ngày càng nhiều công ty đang chọn tập trung vào các kỹ năng thay vì lịch sử việc làm dài dòng ở giai đoạn lựa chọn CV.
✨Các yếu tố chính của một CV kỹ năng
Vị trí chiến lược của các năng lực chính của bạn là một đặc điểm then chốt của một CV kỹ năng. Bằng cách trọng tâm hóa điểm mạnh và kiến thức chuyên môn của mình, bạn có thể định vị mình như một người có nhiều thứ để cống hiến cho một nhà tuyển dụng tiềm năng. Dưới đây là một số yếu tố chính cần có để củng cố CV của bạn:
1. Hồ sơ
Mở đầu CV của bạn bằng một bản tóm tắt về bản thân có thể cung cấp cho nhà tuyển dụng thêm thông tin về con người bạn. Hãy làm cho nó đẹp và ngắn gọn với phần giới thiệu tóm tắt trước khi đề cập đến mục tiêu nghề nghiệp của bạn.
2. Tóm tắt kỹ năng
Liệt kê những kỹ năng phù hợp nhất với công việc bạn đang ứng tuyển mà bạn có. Bạn có thể nhóm các kỹ năng của mình lại với nhau để ngắn gọn hơn, sử dụng các từ khóa từ mô tả công việc để tập trung vào các kỹ năng quan trọng nhất.
3. Kinh nghiệm chuyên môn
Đề cập đến kinh nghiệm chuyên môn của bạn khi nó có liên quan đến vị trí, nhưng cũng có thể trong các kỹ năng cụ thể mà bạn có. Ví dụ: dưới tiêu đề “Khả năng đa ngôn ngữ”, bạn có thể liệt kê các ngôn ngữ bạn biết và bao gồm thông tin về cách bạn đã sử dụng chúng một cách chuyên nghiệp. Nhóm kinh nghiệm với các kỹ năng theo cách này sẽ chuyển trọng tâm từ những gì bạn đã làm sang những gì bạn có thể làm.
4. Học vấn
Khi bạn liệt kê các bằng cấp, chứng chỉ hoặc kinh nghiệm công việc được đào tạo của mình, hãy đảm bảo rằng chúng củng cố sự phù hợp của bạn với công việc. Bạn có thể đặt mục này ở cuối CV của mình, hoặc bạn có thể bỏ hẳn nếu nó không liên quan đến công việc. Hãy dành thời gian để quyết định xem liệu trình độ học vấn của bạn có khiến bạn trở thành ứng cử viên sáng giá hơn hay không.
5. Kinh nghiệm bổ sung
Nếu bạn đã đi công tác nhiều nơi hoặc làm việc ở nước ngoài, bạn có thể muốn đưa nó vào CV của mình. Điều này có thể có lợi cho bạn nếu công việc liên quan đến làm việc với nhiều người và đi công tác nước ngoài. Mặc dù tùy tình huống, những kinh nghiệm bổ sung như thế này có thể khiến bạn trông hoàn hảo trong mắt nhà tuyển dụng. Nếu bạn đã làm việc trong một ngành liên quan và kinh nghiệm của bạn có thể chuyển sang vị trí mới này, hãy đề cập đến nó. Các nhà tuyển dụng thường đánh giá cao những ứng viên có kỹ năng chuyển đổi.
6. Quá trình làm việc
Bạn không cần phải thêm phần này, nhưng nếu có, bạn nên giữ nó ngắn gọn bằng cách chỉ liệt kê các công ty và các vị trí bạn đã làm việc. Không cần phải mô tả chi tiết những gì bạn đã làm trong loại CV này. Liệt kê theo thời gian cũng là một lựa chọn.
Mẹo viết CV kỹ năng
Để tăng cơ hội được phỏng vấn, hãy đảm bảo rằng CV của bạn được trau chuốt và chuyên nghiệp. Dưới đây là một số mẹo để viết một CV kỹ năng có thể nổi bật với nhà tuyển dụng:
Hãy dành thời gian viết CV của bạn và đọc lại mọi thứ bạn viết trong đó. Đảm bảo rằng bạn không mắc bất kỳ lỗi chính tả hoặc ngữ pháp nào. Bạn muốn tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng bằng cách đưa cho họ một bản CV được viết tốt.
Đọc lại mô tả công việc và so sánh nó với CV của bạn. Kiểm tra xem các kỹ năng được liệt kê của bạn có phù hợp với những gì nhà tuyển dụng đang tìm kiếm hay không. Nhà tuyển dụng có thể sẽ nhận thấy nếu bạn đưa các từ khóa vào mô tả công việc của họ.
Nghiên cứu công ty để tìm hiểu xem họ có thể sử dụng bất kỳ kỹ năng nào khác mà bạn có hay không. Nếu vậy, hãy bao gồm cả những điều đó trong CV của bạn. Mặc dù nó có thể không liên quan nhiều đến vị trí hiện tại, nhưng nó có thể giúp bạn có lợi thế trong một cuộc phỏng vấn hoặc sau này nếu công ty tuyển bạn.
Định dạng CV của bạn bằng phông chữ rõ ràng, dễ đọc, sử dụng tiêu đề đậm và để lại nhiều khoảng trắng xung quanh các phần. Điều này sẽ làm cho CV của bạn có thể được xem một cách dễ dàng.
Ví dụ về một CV kỹ năng
Dưới đây là một ví dụ về CV kỹ năng để giúp bạn tạo bản CV của riêng mình:
Jill TempletonSanta Paula, CA555-555-5555 JillTempleton@email.com
Hồ sơ
Chuyên gia điều dưỡng giàu kinh nghiệm với các kỹ năng giao tiếp, kĩ năng cá nhân và tổ chức tốt. Điềm đạm, hiệu quả và có năng lực với kinh nghiệm làm việc với các nhóm phẫu thuật. Tìm kiếm vị trí y tá có giấy phép hành nghề tại Bệnh viện Bang Oregon, nơi tôi có thể áp dụng các kỹ năng phong phú của mình để cải thiện đời sống của bệnh nhân.
Tóm tắt các kỹ năng
• Thái độ nhân ái và đồng cảm khi làm việc với bệnh nhân • Giao tiếp bằng văn bản và bằng lời nói tốt và kỹ năng giao tiếp cá nhân xuất sắc • Kỹ năng quản lý thời gian và đa nhiệm mạnh mẽ • Khả năng giữ bình tĩnh và xử lý các vấn đề trong các tình huống khẩn cấp và hàng ngày • Quen thuộc với các quy định của HIPAA • Có văn hóa nhận thức và thích nghi • Hiệu quả khi làm việc với các nhóm liên ngành • Thành thạo trong việc duy trì và cập nhật hồ sơ bệnh án điện tử • Có khả năng tuân thủ hiệu quả quy trình an toàn cho bệnh nhân • Có khả năng cấp phát thuốc và liệu pháp tiêm tĩnh mạch • Có kinh nghiệm chăm sóc bệnh nhân nhi và lão khoa • Kiến thức về thuật ngữ y tế và tình trạng y tế • Hiểu biết về các phác đồ điều trị và kỹ thuật kiểm soát cơn đau
Kinh nghiệm chuyên môn
Y tá bệnh viện Portland Tháng 2 năm 2017-Hiện tại
• Hỗ trợ bác sĩ kiểm tra bệnh nhân và chẩn đoán tình trạng bệnh của họ • Chuẩn bị phòng mổ trước khi phẫu thuật và hỗ trợ nhóm phẫu thuật trong quá trình thực hiện • Theo dõi bệnh nhân sau phẫu thuật và báo cáo cập nhật sức khỏe của họ cho bác sĩ • Hỗ trợ bệnh nhân các bài tập vật lý trị liệu dưới sự hướng dẫn của bác sĩ vật lý trị liệu
Y tá chuyên nghiệp
Bệnh viện Santa Paula Tháng 6 năm 2011 đến tháng 11 năm 2015
• Lấy dấu hiệu sinh trắc của bệnh nhân và cập nhật hồ sơ bệnh án của bệnh nhân • Thay băng cho bệnh nhân, thay ống thông tiểu và thay túi dẫn nước tiểu • Theo dõi trạng thái thể chất và tâm lý của bệnh nhân và báo cáo bất kỳ thay đổi nào cho bác sĩ
Học vấn
Cao đẳng điều dưỡng Smith
Cử nhân Điều dưỡng, 2011
Kinh nghiệm bổ sung • Nói và viết thành thạo tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha • Đã đi du lịch ở Bắc Mỹ, Nam Mỹ và Châu Âu • Tình nguyện viên y tá trong sáu tuần với ALP Care ở Peru
******************************
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích
Bài viết gốc: https://media.ivolunteervietnam.com/qa-when-should-you-write-a-functional-resume-with-examples.html
Người dịch: Trần Công Thành
Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Trần Công Thành – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/9182
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 17