Hầu hết mọi ngành nghề đều có những yêu cầu nhất định về kỹ năng để nhân viên có thể thực hiện công việc của mình. Ví dụ, nhiếp ảnh gia phải hiểu được việc đặt máy ảnh ở các góc độ khác nhau và yếu tố ánh sáng ở xung quanh sẽ ảnh hưởng đến bức ảnh họ chụp như thế nào, giáo viên phải biết cách sử dụng các kỹ năng nhất định để dạy toán và đọc cũng như lập trình viên máy tính thì phải hiểu được ngôn ngữ lập trình. Những kỹ năng này được gọi là “kỹ năng cứng” hoặc “kỹ năng kỹ thuật”. Để học chúng, người ta thường đăng ký vào một số chương trình giáo dục với sự hướng dẫn trực tiếp trên lớp và cũng thường được đào tạo thực tế. Tuy nhiên, để làm việc ở bất cứ ngành nghề nào, bạn cũng cần một yếu tố nữa được gọi là “kỹ năng mềm”.
👉 “Kỹ năng mềm” là gì?
“Kỹ năng mềm” là đặc điểm tính cách cá nhân hoặc phẩm chất của mỗi người. Chúng tạo nên con người của chúng ta, bao gồm: thái độ, thói quen và cách chúng ta tương tác với người khác. Chúng không rõ ràng giống như kỹ năng cứng hay kỹ năng kỹ thuật và bạn cũng không thể học chúng bằng cách đăng ký vào một khóa học nào đó. Tuy nhiên, bạn có thể tiếp thu chúng thông qua kinh nghiệm giáo dục, công việc và cuộc sống, nhưng bạn phải nỗ lực rất nhiều. Ví dụ, bạn là một người quản lý thời gian rất kém nhưng lại đăng ký vào một lớp học đòi hỏi bạn phải hoàn thành nhiều dự án. Nếu bạn muốn làm tốt, bạn phải cải thiện kỹ năng quản lý thời gian để hoàn thành công việc đúng thời hạn. Bạn có thể học cách quản lý thời gian bằng việc tìm kiếm lời khuyên từ các giảng viên và bạn bè hoặc đọc các bài báo về quản lý thời gian. Dưới đây là một số loại kỹ năng mềm:
- Giao tiếp bằng lời nói: Những người có kỹ năng giao tiếp bằng lời nói tốt có khả năng truyền đạt thông tin cho người khác thông qua việc giao tiếp.
- Kỹ năng giao tiếp cá nhân: Có kỹ năng giao tiếp cá nhân tốt có nghĩa là một người không chỉ có khả năng giao tiếp với người khác mà còn sẵn sàng lắng nghe mọi người mà không phán xét họ, chia sẻ ý kiến và đưa ra ý kiến khi đồng nghiệp cần giúp đỡ.
- Kỹ năng viết: Kỹ năng viết tốt cho phép bạn liên hệ thông tin bằng cách sử dụng từ ngữ.
- Giải quyết vấn đề và Tư duy phản biện: Giải quyết vấn đề là khả năng xác định một vấn đề và sau đó đưa ra các giải pháp khả thi. Kỹ năng tư duy phản biện cho phép bạn đánh giá từng giải pháp khả thi, sử dụng logic và lập luận, để xác định giải pháp nào có nhiều khả năng thành công nhất.
- Chủ động lắng nghe: Người biết lắng nghe sẽ cố gắng hiểu những gì người khác đang nói, chỉ ngắt lời khi thích hợp để đặt câu hỏi giúp làm rõ thông tin đang được chia sẻ.
- Chủ động học hỏi: Người có tinh thần học hỏi sẽ luôn sẵn sàng tiếp thu kiến thức và sau đó áp dụng nó vào công việc.
- Kỹ năng tổ chức: Những người có kỹ năng tổ chức tốt sẽ biết cách tiếp cận có hệ thống cho các nhiệm vụ.
- Quản lý thời gian: Những người giỏi trong việc quản lý thời gian sẽ biết cách sắp xếp các công việc để hoàn thành các dự án theo đúng thời hạn. Họ rất giỏi trong việc sắp xếp thứ tự ưu tiên cho công việc.
- Kỹ năng làm việc nhóm: Người có kỹ năng làm việc nhóm luôn có tính hợp tác và có thể là người lãnh đạo hoặc người tham gia, tùy theo tình hình bắt buộc. Họ sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm với các thành viên khác trong nhóm, cho dù là được công nhận với những thành công hay chịu trách nhiệm cho những thất bại.
- Tính chuyên nghiệp: Đặc điểm này rất khó xác định, nhưng lại rất rõ ràng khi ai đó thiếu nó. Đó có lẽ là một đặc điểm mà mọi nhà tuyển dụng đều mong muốn, bất kể bạn làm gì hay làm ở đâu. Tính chuyên nghiệp bao gồm nhiều thứ như việc đúng giờ, lịch sự, dễ chịu và hữu ích, ăn mặc phù hợp và có trách nhiệm về hành động của mình.
- Đọc hiểu: Những cá nhân có kỹ năng đọc hiểu tốt sẽ ít gặp khó khăn trong việc hiểu nội dung của tài liệu.
- Tính linh hoạt và khả năng thích ứng: Những người linh hoạt và dễ thích ứng sẽ phản ứng tốt với những thay đổi trong công việc cũng như môi trường làm việc. Họ có một thái độ tích cực đối với bất cứ điều gì xảy ra ngoài sự chịu đựng của họ.
👉 Tại sao bạn cần kỹ năng mềm?
Mỗi nghề nghiệp đều có những yêu cầu về đặc điểm tính cách cụ thể, một bác sĩ cần trở thành một người giao tiếp tốt để truyền đạt thông tin cho bệnh nhân của mình, một người lao công phải có kỹ năng giao tiếp tốt để cùng làm việc với đồng nghiệp của anh ấy hoặc một diễn viên luôn phải kiên trì mặc dù phải đối mặt với sự từ chối hết lần này đến lần khác. Một điều quan trọng cần lưu ý là các kỹ năng mềm có thể chuyển đổi giữa các ngành nghề. Mặc dù bạn có thể phải quay lại trường học để học các kỹ năng kỹ thuật mới nếu bạn thay đổi nghề nghiệp, nhưng bạn luôn có thể mang theo các kỹ năng mềm của mình vì chúng được đánh giá cao trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Ngoài những yêu cầu về nghề nghiệp, nhà tuyển dụng cũng mong muốn bạn có những nét tính cách nhất định. Bất kỳ thông báo tuyển dụng nào bạn cũng sẽ thấy một danh sách đầy đủ các bằng cấp không chỉ bao gồm các kỹ năng kỹ thuật mà bạn cần để thực hiện công việc mà còn các kỹ năng mềm khác như “kỹ năng giao tiếp xuất sắc”, “kỹ năng tổ chức mạnh mẽ”, “kỹ năng làm việc nhóm” và “khả năng lắng nghe tốt” được liệt kê ở đó. Ngay cả khi bạn có các kỹ năng kỹ thuật cần thiết cho một công việc, nhưng bạn không thể chứng minh rằng bạn có những đặc điểm tính cách cụ thể, bạn có thể sẽ không nhận được công việc. Đảm bảo rằng sơ yếu lý lịch của bạn đã liệt kê những thành tích thể hiện các kỹ năng mềm của bạn và hãy tìm cách thảo luận về chúng trong cuộc phỏng vấn xin việc.
————————————————————————
Tác giả: Dawn Rosenberg McKay
Link bài viết gốc: TẠI ĐÂY
Dịch giả: Phạm Thanh Thảo – CTV ban Nội dung
Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Dịch giả: Phạm Thanh Thảo – Nguồn: iVolunteer Vietnam”.
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/5227
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 13