Nếu bạn đang thắc mắc khí thải carbon là gì và tại sao nó lại quan trọng, chúng tôi sẽ giải đáp cho bạn. Chúng tôi khám phá các thuật ngữ và vấn đề chính xung quanh biến đổi khí hậu, cũng như cách để bạn giảm lượng khí thải carbon của mình.
Với tư cách một loài sinh vật sống trên Trái Đất, biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt. Hoạt động của con người trong 200 năm qua dẫn dắt chúng ta đến đứng trước bờ vực thảm họa môi trường. Tuy nhiên, vẫn có những điều chúng ta có thể làm để giảm thiểu thiệt hại ấy. Giảm lượng khí thải carbon của bạn là một trong số đó. Chúng ta hãy xem xét ý nghĩa của điều này và những gì mà bạn có thể thực hiện.
Tóm gọn
Bạn có thể giảm thiểu lượng khí thải carbon của mình và giúp ích cho môi trường theo nhiều cách khác nhau. Cho dù ở nhà, cơ quan, trường học hay khi đi du lịch, những thay đổi nhỏ có thể làm nên điều lớn lao. Tóm lại, để giảm lượng khí thải carbon, bạn sẽ muốn làm những việc như giảm lượng năng lượng sử dụng, ăn ít sản phẩm đến từ động vật hơn, mua sắm tại địa phương, đi du lịch thông minh và giảm lượng rác thải.
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về nguyên nhân và tác động của biến đổi khí hậu, cũng như một số giải pháp tiềm năng, hãy xem các khóa học của chúng tôi về biến đổi khí hậu.
Bạn cũng có thể tìm thấy đầy đủ chi tiết về một số mẹo để giảm lượng tiêu thụ carbon của mình. Trước tiên, hãy cùng tìm hiểu thêm về ý nghĩa của thuật ngữ này và tại sao nó lại quan trọng.
Một “dấu chân carbon” là gì?
Hãy bắt đầu bằng cách xem xét định nghĩa về lượng khí thải carbon. Đó là một cụm từ thường được sử dụng khi thảo luận về môi trường và biến đổi khí hậu, nhưng không phải lúc nào mọi người cũng hiểu. Hơn nữa, thường có những định nghĩa khác mà bạn cần biết để nắm được ngữ cảnh cần thiết. Chúng tôi đã nhấn mạnh ý nghĩa của khí thải carbon và một số định nghĩa về các thuật ngữ quan trọng khác mà chúng tôi sẽ đề cập dưới đây.
- Khí thải carbon: Phép đo tổng lượng khí nhà kính được thải vào khí quyển do hoạt động của cá nhân, tổ chức hoặc quốc gia. Nó thường được đo bằng tấn CO2e (tương đương với CO2).
- Khí nhà kính (GHG): Bất kỳ loại khí nào trong khí quyển mà cản nhiệt thoát ra ngoài. Liên quan đến lượng khí thải carbon của bạn và biến đổi khí hậu, những khí chính cần đề cập là carbon dioxide, nitơ oxit và mêtan.
- Hiệu ứng nhà kính: Quá trình mà GHG trong bầu khí quyển của Trái đất giữ nhiệt từ mặt trời. Mặc dù đây là một hiện tượng tự nhiên giúp hành tinh có thể sinh sống được, nhưng lượng phát thải khí nhà kính của chúng ta đang khiến Trái đất nóng lên với tốc độ chóng mặt.
- Biến đổi khí hậu: quá trình thay đổi lâu dài về nhiệt độ và khí hậu thời tiết trên toàn cầu hoặc khu vực. Mặc dù những thay đổi này xảy ra một cách tự nhiên, nhưng tốc độ của chúng bị đẩy nhanh bởi sự thay đổi khí hậu do con người tạo ra.
- Sự nóng lên toàn cầu: Sự gia tăng nhanh chóng của nhiệt độ bề mặt trung bình trên Trái đất do sự tích tụ của các khí nhà kính trong bầu khí quyển. Nó là một yếu tố của biến đổi khí hậu.
- Nhiên liệu hóa thạch. Những tài nguyên thiên nhiên mà khi bị đốt sẽ tạo ra khí cacbonic và các khí nhà kính khác. Ví dụ như: Than, dầu và khí đốt tự nhiên.
Ta đều thấy, tất cả các thuật ngữ này đều liên quan chặt chẽ đến lượng khí thải carbon. Hơn thế nữa, các cá nhân, tổ chức và quốc gia đều có thể làm hết sức mình để chịu trách nhiệm về các vấn đề nêu trên.
Lượng khí thải carbon trung bình
Lượng khí thải carbon trung bình là bao nhiêu? Trong thực tế, câu hỏi này hơi khó trả lời. Nó thực sự phụ thuộc vào mức trung bình mà bạn đang tính đến, đối với một người, một doanh nghiệp hay một quốc gia. Có nhiều yếu tố khác nhau góp phần vào lượng khí thải carbon của một thực thể.
Đo lượng khí thải
Có rất nhiều nghiên cứu và bằng chứng cho thấy mức độ phát thải carbon trung bình. Tuy nhiên, nhiều dữ liệu được các chính phủ công bố tập trung vào lượng khí thải tính theo lãnh thổ. Về cơ bản điều này đề cập đến khí nhà kính được tạo ra trong một quốc gia. Ví dụ, ở Anh, dữ liệu năm 2018 cho thấy mức phát thải hàng năm là 448,5 triệu tấn CO2e, giảm 43% kể từ năm 1990.
Đây có vẻ là một dữ liệu đáng mừng. Tuy nhiên, khi nói đến tổng lượng khí thải carbon, có những yếu tố khác cần xem xét. Dữ liệu phát thải tiêu thụ xem xét đến yếu tố ai phải chịu trách nhiệm về lượng khí thải, không tính đến nơi nó được thải ra.
Một lần nữa, lấy Vương quốc Anh làm ví dụ, lượng phát thải khí nhà kính liên quan đến hàng nhập khẩu đã thực sự tăng lên. Ví dụ, số liệu năm 2017 cao hơn 18% so với năm 1997.
Vì vậy, ví dụ sau đây xem xét câu chuyện đằng sau lượng khí thải. Nếu một người ở Vương quốc Anh mua một thiết bị được sản xuất tại Trung Quốc, thì lượng khí thải liên quan đến quá trình sản xuất, vận chuyển và sử dụng thiết bị đó được quy cho Vương quốc Anh. Rõ ràng nó sẽ khó đo lường hơn nhưng có lẽ là một dấu hiệu tốt hơn về tổng thể.
Nguyên nhân lớn nhất gây ra khí thải carbon
Điều gì đang thúc đẩy việc phát thải khí và điều đó ảnh hưởng như thế nào đến lượng khí thải carbon của bạn? Có một số ngành công nghiệp chính tạo ra phần lớn khí thải nhà kính mà chúng ta đều chịu trách nhiệm. Dữ liệu toàn cầu năm 2016 cho thấy các thủ phạm chính:
- Năng lượng (việc đốt nhiên liệu hóa thạch) tạo ra 36013,52 triệu tấn CO2e.
- Nông nghiệp sản xuất 5795,51 triệu tấn CO2e.
- Lâm nghiệp và đất chuyển đổi (thay đổi sử dụng đất) tạo ra 3217,07 triệu tấn CO2e.
- Các quá trình công nghiệp tạo ra 2771,08 triệu tấn CO2e.
- Chất thải tạo ra 1560,85 triệu tấn CO2e.
Làm cách nào để biết lượng khí thải carbon của tôi là bao nhiêu?
Thật đáng kinh ngạc, chỉ 100 công ty nhưng chịu trách nhiệm cho tận 71% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu. Nhưng điều đó không có nghĩa là cá nhân chúng ta sở hữu lượng khí thải carbon. Các hành động và sự lựa chọn lối sống của chúng ta đều có một số tác động đến môi trường. Vậy làm cách nào để tính lượng khí thải carbon cá nhân của bạn?
Cần 1 cái máy tính để bắt đầu tính lượng khí thải carbon. Chúng tôi đã liên kết một cái có khá nhiều chi tiết, vì vậy WWF có lẽ là một lựa chọn đơn giản hơn đáng thử. Tuy nhiên, cả hai đều tuân theo cùng một định dạng – đặt câu hỏi về cuộc sống và sinh hoạt để cung cấp cho bạn bức tranh tổng thể về lượng khí thải của bạn.
Để hiểu lượng khí thải carbon của mình, bạn cần xem xét một số lĩnh vực chính trong lối sống, bao gồm:
- Việc sử dụng năng lượng và chất thải sinh hoạt tại nhà của bạn. Điều này bao gồm các yếu tố như lượng điện, khí đốt tự nhiên và các nhiên liệu khác mà bạn sử dụng cũng như nguồn gốc của chúng. Tương tự như việc bạn tái chế hay đưa rác thải của mình đến bãi chôn lấp/đốt.
- Đi du lịch: Dấu chân của bạn sẽ khác nhau tùy thuộc vào việc bạn có hay không có ô tô/xe máy cũng như tần suất bạn sử dụng các phương tiện này. Tương tự như vậy, việc bạn sử dụng các phương tiện giao thông công cộng cũng đóng góp vào lượng khí thải của bạn. Bất kỳ chuyến bay nào cũng cần tính toán, vì những phương tiện này có đóng góp đáng kể.
- Chế độ ăn uống của bạn: Các loại thực phẩm bạn ăn và nguồn gốc của nó có thể đóng một vai trò quan trọng trong tổng thể lượng khí thải carbon của bạn. Việc sản xuất và vận chuyển thực phẩm càng tốn nhiều năng lượng, thì càng có ảnh hưởng xấu đến môi trường nói chung.
- Thói quen mua sắm: Một yếu tố khác là tần suất bạn mua các sản phẩm mới như đồ điện tử, đồ gia dụng và quần áo. Tuổi thọ của những vật dụng này, cũng như nơi sản xuất và cách chúng được sản xuất, có thể đóng một vai trò trong lượng khí thải carbon của bạn.
Tại sao tôi cần giảm lượng khí thải carbon của mình?
Tất cả cuộc thảo luận xoay quanh lượng khí thải carbon và dấu chân carbon có thể để lại cho bạn một câu hỏi – tại sao nên cắt giảm chúng? Rốt cuộc, một cá nhân có thể có bao nhiêu tác động, đặc biệt là khi so sánh với các chính phủ và doanh nghiệp lớn?
Trên thực tế, mối liên hệ giữa phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu là quá rõ ràng và khó có thể bỏ qua. Nhiệt độ trung bình toàn cầu đang tăng lên, các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn, mực nước biển dâng cao và hiện tượng axit hóa đang diễn ra. Tất cả các mối đe dọa sinh thái này là kết quả của hoạt động của con người.
Bằng cách giảm lượng khí thải carbon của mình, bạn có thể góp phần vào việc giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính. Trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của chúng ta, những điều chỉnh nhỏ của tất cả mọi người có thể dẫn đến kết quả lớn.
Không chỉ là về môi trường, giảm lượng khí thải carbon của bạn có thể giúp bạn có một lối sống lành mạnh hơn, cũng như giúp bạn tiết kiệm. Cho dù đó là không khí sạch hơn, chế độ ăn uống lành mạnh hơn hay giảm hóa đơn năng lượng, những lợi ích này đến từ việc giảm lượng khí thải carbon của bạn và nó cũng có nghĩa là bạn đang nỗ lực để chống lại biến đổi khí hậu.
20 mẹo để giảm lượng khí thải carbon của bạn
Bây giờ chúng ta đã hiểu chi tiết hơn về lượng khí thải carbon và biến đổi khí hậu, hãy cùng xem xét một số cách để giảm lượng khí thải carbon của bạn. Nhiều trong số này là các bước đơn giản và thuận tiện, tuy nhiên, kết hợp lại, chúng có thể tạo ra sự khác biệt lớn đối với tác động của bạn lên môi trường.
Để làm cho mọi thứ rõ ràng hơn, chúng tôi đã tập trung vào cách giảm lượng khí thải carbon của bạn trong một số lĩnh vực của cuộc sống. Dù ở nhà, cơ quan, trường học hay khi đi du lịch, bạn đều có thể tạo nên sự khác biệt.
Làm thế nào để giảm lượng khí thải carbon của bạn tại nhà
Hãy bắt đầu với một số bước để giảm lượng khí thải carbon của bạn tại nhà. Hầu hết những cách này đều khá nhanh chóng và dễ thực hiện, có nghĩa là bạn có thể bắt đầu sống một cuộc sống thân thiện hơn với môi trường ngay lập tức:
1. Cách nhiệt cho ngôi nhà của bạn
Làm nóng không gian sống của bạn có thể là một quá trình đắt đỏ và tiêu tốn nhiều năng lượng. Bằng cách cách nhiệt những nơi như gác xép và tường, bạn có thể đảm bảo ngôi nhà của mình ấm trong mùa đông và mát vào mùa hè. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ sử dụng ít năng lượng hơn, giảm lượng khí thải carbon và cả hóa đơn gia đình của bạn.
2. Chuyển sang năng lượng tái tạo
Các nhà cung cấp năng lượng trên khắp thế giới hiện đang đưa ra mức thuế xanh hơn. Bằng cách chuyển sang một công ty cung cấp điện từ năng lượng mặt trời, gió hoặc thủy điện, bạn có thể giảm lượng khí thải gia đình và tiết kiệm tiền cho hóa đơn năng lượng của mình. Bạn thậm chí có thể lắp đặt các tấm pin mặt trời nếu chúng có sẵn ở nơi bạn sống.
3. Mua năng lượng hiệu quả
Các thiết bị điện ngày nay càng trở nên hiệu quả hơn theo năm tháng. Hơn nữa, nhiều quốc gia hiện cho ra một số sản phẩm cụ thể hiệu quả, nghĩa là bạn có thể đưa ra lựa chọn sáng suốt. Cho dù đó là mua bóng đèn tiết kiệm điện hay chọn các thiết bị có xếp hạng sao năng lượng cao, bạn đều có thể làm cho ngôi nhà của mình thân thiện hơn với môi trường. Ngoài ra, hãy đảm bảo tắt và rút phích cắm của bất kỳ thứ gì bạn không sử dụng.
4. Sử dụng ít nước hơn
Cần năng lượng và tài nguyên để xử lý và cung cấp nước đến nhà của chúng ta. Hơn nữa, cũng khá tốn năng lượng để làm nóng nó khi nó ở đó. Vì vậy, bằng cách sử dụng ít hơn, bạn có thể giúp ích cho môi trường và giảm lượng khí thải carbon của mình. Thử tắt vòi khi đánh răng, tắm nhanh bằng vòi sen thay vì tắm bồn và chỉ đun sôi nước bạn cần.
5. Thay đổi chế độ ăn uống của bạn
Thực phẩm chúng ta ăn có thể có tác động đáng kể đến môi trường. Ví dụ, thịt và các sản phẩm từ sữa cần nhiều đất, nước và năng lượng để sản xuất. Chúng cũng tạo ra nhiều khí mê-tan, một loại khí gây hiệu ứng nhà kính. Hơn nữa, thực phẩm vận chuyển từ nước ngoài sử dụng nhiều tài nguyên hơn so với sản phẩm nội địa.
Bằng cách ăn ít sản phẩm từ động vật hơn, đặc biệt là thịt đỏ (hoặc chọn một chế độ ăn uống dựa trên thực vật) và mua sắm thực phẩm có nguồn gốc địa phương, bạn có thể thực sự tạo ra sự khác biệt lớn. Sao lại không hỗ trợ chợ nông sản tại địa phương mình?
Làm thế nào để giảm lượng khí thải carbon của bạn tại nơi làm việc
Giảm lượng khí thải là điều bạn có thể làm cả khi bên ngoài không gian nhà bạn. Cho dù là tại nơi làm việc hay các điều chỉnh chính sách trên toàn công ty, các thay đổi cá nhân của bạn có thể có đóng góp nhất định cho môi trường.
6. Tắt đèn
Mở đèn trong các phòng, không gian trống là một sự tiêu hao năng lượng rất lớn. Bằng cách đảm bảo rằng đèn và thiết bị đã tắt khi không sử dụng, bạn có thể đảm bảo rằng mình không lãng phí điện. Bạn cũng có thể yêu cầu lắp đặt đèn tự động, cảm biến chuyển động và bóng đèn LED tiết kiệm năng lượng để giải quyết vấn đề này.
7. Chuyển sang kỹ thuật số
Cộng tác trực tuyến với người khác chưa bao giờ dễ dàng hơn thế. Cho dù thông qua chia sẻ tài liệu bằng cách sử dụng lưu trữ đám mây hoặc hội nghị trực tuyến thay vì di chuyển đến nơi đó bạn đều có thể giảm chất thải và lượng khí thải của mình. Cố gắng tránh xa các tài liệu in nếu có thể và khuyến khích những người khác làm việc trực tuyến.
8. Đạp xe đi làm
Đi xe đạp và đi bộ là hai trong những cách di chuyển thân thiện nhất với môi trường. Chúng không chỉ tốt cho hành tinh mà còn tốt cho sức khỏe của bạn. Nếu bạn có thể, hãy chọn đạp xe hoặc đi bộ đến nơi làm việc. Sếp của bạn thậm chí có thể có chính sách giúp bạn mua một chiếc xe đạp.
9. Giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế
Các công ty lớn nhỏ sử dụng một loạt các sản phẩm khác nhau trong hoạt động hàng ngày. Cho dù đó là những thứ như giấy, thiết bị điện tử, bao bì hay nước, tất cả đều để lại dấu vết carbon. Bằng cách giảm lượng chất thải bạn tạo ra, tái sử dụng thiết bị CNTT và tái chế chất thải, bạn có thể tạo ra sự khác biệt thực sự.
10. Loại bỏ nhựa sử dụng một lần
Nhựa dùng một lần có thể tiện lợi, nhưng chúng khá nguy hiểm với môi trường. Chúng không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước và đại dương của chúng ta mà còn đòi hỏi năng lượng để sản xuất và tái chế. Bạn có thể ngừng sử dụng những thứ như cốc cà phê dùng một lần và dao kéo để giảm lượng khí thải carbon của công ty bạn.
_____________________________________________________
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích
- Theo: futurelearn
- Người dịch: Võ Ngọc Minh Châu
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Võ Ngọc Minh Châu – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/11003
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 33