Kỹ Năng

Làm Thế Nào Để Loại Bỏ Nhu Cầu Tìm kiếm Sự Chấp Thuận Từ Người Khác?

“Sự tự tin không phải là ‘họ sẽ thích tôi.’ Sự tự tin là ‘Tôi sẽ ổn dù họ có thích hay không thích tôi’. ” – Christina Grimmie

Không một ai thích bị từ chối. Một số người cảm thấy thoải mái với sự chấp thuận hay sự công nhận của người khác, thậm chí có thể coi nó như một điều gì đó tích cực. Thực sự hầu hết chúng ta đều thích người khác chấp nhận chúng ta và tán thành những lựa chọn của chúng ta.

Sự chấp thuận mang lại cho chúng ta cảm giác an toàn khi biết những người xung quanh giống chúng ta, hiểu chúng ta, ủng hộ quyết định của chúng ta. Nó cũng khiến ta nghĩ rằng chúng ta là những người tốt, đáng được yêu thương, tôn trọng và đáng được đối xử tử tế. Nó còn khiến chúng ta cảm thấy tự tin vào địa vị xã hội của mình và đảm bảo rằng chúng ta sẽ không đơn độc khi chúng ta cần mọi người nhất.

Nhưng nhu cầu về sự chấp thuận – từ tất cả mọi người, mọi lúc – có thể vô cùng đau đớn và hạn chế. Và việc tìm kiếm sự chấp nhận của mọi người là một việc làm hết sức ngu ngốc, vì không phải ai cũng được tất cả mọi người yêu thích, và không phải ai có thể đảm bảo mọi người họ biết đều đồng ý với mọi việc họ làm.

Tất cả chúng ta đều khác nhau; tất cả chúng ta đều có hoàn cảnh, hệ thống giá trị, quan điểm, mong muốn, nhu cầu, ưu tiên và mục tiêu khác nhau. Và tất cả chúng ta đều có khuynh hướng riêng về quan điểm và cả cách nhìn nhận cuộc sống khác nhau, vì vậy hãy cố gắng giữ thái độ trung lập và cởi mở.

Nếu bạn có thể hiểu và thực hiện được những điều trên, thì bạn sẽ rất dễ từ bỏ thói quen tìm kiếm sự chấp thuận! Là một người phục hồi từ hội chứng “People Pleaser” _ Người làm hài lòng mọi người, tôi biết điều đó không dễ dàng như vậy. Vì vậy, hôm nay tôi muốn chia sẻ với bạn những việc nên làm và không nên làm của tôi để loại bỏ nhu cầu tìm kiếm sự chấp thuận từ người khác.

Hỡi tất cả những tâm hồn nhạy cảm ngoài kia như tôi ơi, những người giải thích sự chấp thuận là tình yêu và sự an toàn…

🔥 NÊN lập một bản kiểm kê các hành vi tìm kiếm sự chấp thuận của bạn

Có điều nào trong những điều dưới đây nghe có vẻ quen thuộc với bạn không?

  • Bạn thay đổi hoặc từ chối ý kiến ​​của mình dựa trên những người xung quanh bạn.
  • Bạn làm những việc trái với giá trị, niềm tin của bạn, ngay cả những phán đoán có vẻ tốt hơn của bạn vì không muốn làm người khác thất vọng.
  • Bạn thường xuyên xin lỗi để đảm bảo rằng bạn không làm mọi người khó chịu.
  • Bạn chấp nhận bị ngược đãi hoặc tránh lên tiếng khi ai đó vi phạm ranh giới.
  • Bạn nói có khi bạn muốn nói không.
  • Bạn xem xét lại các quyết định mà trước đây bạn cảm thấy hài lòng nếu ai đó thắc mắc về bạn hoặc kế hoạch của bạn.
  • Bạn cảm thấy lo lắng nếu ai đó không đồng ý với bạn và cảm thấy cần phải tự bảo vệ mình để đảm bảo rằng họ không có những ý nghĩ không hay về bạn.
  • Bạn cần những người khác luôn nhìn thấy mọi mặt của bạn trong từng tình huống và xác nhận rằng bạn không làm gì sai.
  • Bạn tiếp nhận những lời chỉ trích một cách cá nhân, ngay cả khi nó mang tính góp ý và lo lắng rằng người chỉ trích đang đánh giá bạn.
  • Bạn liên tục bảo vệ bản thân và giải thích hành động của mình cho người khác để đảm bảo họ hiểu rằng bạn thực sự là một người tốt.
🔥 ĐỪNG cố gắng giải quyết tất cả chúng cùng một lúc

Nếu bạn là một người mắc hội chứng “People Pleaser” vô cùng nghiêm trọng, thì rất có thể danh sách trên đã cộng hưởng với bạn và thậm chí bạn có thể thêm vào danh sách đó.

Sẽ vô cùng choáng ngợp nếu cố gắng ngừng làm tất cả những việc đó cùng một lúc. Thay vào đó, hãy chọn một việc để làm hôm nay và làm việc đó hàng ngày cho đến khi bạn cảm thấy thoải mái khi chuyển sang việc khác.

Đây là một cách tốt để giải quyết từng hành vi sau:

  • Xác định những việc khiến bạn dễ kích động
  • Xác định những suy nghĩ và cảm xúc thường thúc đẩy hành vi làm hài lòng mọi người của bạn
  • Tập cân nhắc/ngẫm nghĩ những suy nghĩ và cảm xúc đó và tự xoa dịu bản thân

Ví dụ, tôi biết tôi thường bị kích động để bảo vệ bản thân khi tôi nghĩ rằng mọi người đang nghĩ không hay về tôi – mà đó không phải là tất cả sự thật – và điều đó là không công bằng. Điều này đã gây ra nỗi đau cho tôi từ thời thơ ấu, khi một người quen của tôi thường xuyên nói dối về tôi với người khác, những người khác đã tin họ và sau đó phán xét tôi.

Điều này xảy ra gần đây khi chị gái tôi nói với đại gia đình tôi trên khắp cả nước rằng tôi có một danh sách dài các quy tắc để thăm họ trong năm nay, nhưng cô ấy không nói với họ rằng tôi phải thận trọng hơn vì tôi đang mang thai, và do rủi ro cao (vì tôi vẫn đang trong tháng đầu thai kỳ nên tôi chưa cảm thấy thoải mái khi chia sẻ thông tin đó).

Tôi hoảng sợ, nghĩ rằng tất cả họ đều đánh giá tôi là vô lý và tự đề cao – mà không biết toàn bộ câu chuyện – và cuối cùng, tôi phải để mẹ tôi giải thích tất cả với họ rằng tôi đang mang thai. Nhưng tôi đã làm điều đó từ sự sợ hãi chứ không phải niềm vui, điều mà tôi đã thực sự hối hận vào đêm hôm đó.

Khi nhìn lại, tôi ước mình có thể dừng lại, nhận ra sự kích động của mình về việc “không công bằng, họ không biết sự thật” từ thời thơ ấu, và vượt qua nỗi sợ bị đánh giá. Nhưng thôi vậy, cuộc đời vẫn sẽ cho ta nhiều cơ hội để rèn luyện cơ mà!

🔥 NÊN tin tưởng người khác để trao đổi suy nghĩ, cảm xúc và nhu cầu của mình với họ

Trước đây, tôi đã dành rất nhiều thời gian để cố gắng đoán trước suy nghĩ, cảm xúc của mọi người để tránh làm bất cứ ai thất vọng, khó chịu hoặc phiền lòng.

Ví dụ, tôi đã vội vàng nói lướt qua một câu chuyện vì tôi lo lắng người kia cảm thấy buồn chán và ước gì tôi đừng nói nữa. Tôi đã xin lỗi vì đã chia sẻ điều gì đó trong quá khứ của mình bởi vì tôi lo lắng rằng tôi đã trở nên quá tập trung vào bản thân và người khác có thể cảm thấy không thoải mái. Hoặc tôi đã nói “đừng bận tâm” sau khi yêu cầu điều gì đó tôi muốn vì tôi lo rằng người kia có thể muốn nói không nhưng không biết làm thế nào.

Cái cuối cùng đó thực sự chỉ là dự đoán. Bởi vì tôi ghét nói không, và tôi thường bực bội khi bị đặt vào tình huống phải làm điều đó, tôi tưởng tượng những người khác cũng cảm thấy như vậy.

Nhưng đó là vấn đề: Chúng ta không biết những gì người khác cảm thấy, muốn và cần, và chúng ta không thể mong đợi để biết trừ khi họ nói với chúng ta. Vì vậy, chúng ta không cần phải tưởng tượng những gì đang diễn ra bên trong đầu họ. Chúng ta chỉ có thể hiểu những gì đang diễn ra trong đầu mình, còn những câu chuyện hoặc những yêu cầu của họ hãy để họ sở hữu chúng, để họ phản ứng lại chúng.

Chúng ta không chịu trách nhiệm về cảm xúc của bất kỳ ai khác, chúng ta không phải đoán trước chúng, và nếu họ muốn chúng ta làm hoặc ngừng làm điều gì đó, họ phải thông báo điều đó.

🔥 ĐỪNG tin những điều nhỏ nhặt sẽ phá hủy các mối quan hệ của bạn 

Khi chúng ta căng thẳng về khả năng làm ai đó thất vọng vì đã nói không hoặc đặt ra ranh giới, điều chúng ta thực sự đang làm là lo lắng rằng chúng ta không thể xử lý những xung đột/bất hòa nhỏ nhặt trong các mối quan hệ của mình.

Nếu chúng ta tin rằng các mối quan hệ của mình có thể vượt qua những xáo trộn nhỏ, chúng ta sẽ thoải mái hơn khi nói ra suy nghĩ của mình. Chúng ta cũng sẽ cảm thấy thoải mái hơn nếu chúng ta có thể tiếp thu được câu trích dẫn ẩn danh sau đây:

“Bất kỳ mối quan hệ nào đều có thể bị hủy hoại khi cuộc trò chuyện về cảm xúc, chuẩn mực hoặc kỳ vọng của bạn không thực sự đủ ổn định để bắt đầu.”

Để tin tưởng vào hai điều này, chúng ta phải tự hỏi mình một số câu hỏi khá rõ ràng:

  • Tại sao bạn không cảm thấy tự tin vào các mối quan hệ của mình?
  • Bạn đang chọn ở trong mối quan hệ với những người không tốt với bạn, và tại sao?
  • Những vết thương trong quá khứ nào đang kích động sự bất an trong bạn, và bạn có thể chữa lành chúng như thế nào?
  • Bạn nhận được gì khi ở trong những mối quan hệ khiến bạn cảm thấy bất an? Bạn cần tránh những gì?
  • Bạn cần làm gì hoặc ngừng làm gì để tin rằng mình xứng đáng có được những mối quan hệ bền chặt và có thể giải quyết những xung đột lớn nhỏ trong đó?
🔥 NÊN tập nói/làm điều gì đó khiến người khác phiền lòng

Cách duy nhất để vượt qua nỗi sợ hãi là đối mặt với nó, vì vậy hãy tập đối mặt với nỗi sợ “làm mọi người khó chịu và có khả năng bị từ chối”. Nói không, đặt ra ranh giới, nói ra suy nghĩ của bạn, bắt đầu từ mối quan hệ an toàn nhất của bạn.

Bạn cũng có thể thử nói/làm điều gì đó khiến người khác phiền lòng. Ví dụ: nếu bạn bị lấy nhầm thức ăn ở một nhà hàng và bạn thường chỉ nói: “Không sao đâu, tôi cũng thích món salad”, hãy lên tiếng và yêu cầu món bạn thực sự đã gọi.

Hoặc, nếu bạn thường im lặng trong một cuộc họp trực tuyến vì bạn sợ ý tưởng của mình là ngu ngốc, hãy thử nói, “Tôi có một ý tưởng, tôi chưa hoàn thiện nó, nhưng …” Phần thứ hai cho bạn được phép nói điều gì đó có thể được hoặc không được đón nhận, bởi vì này, bạn đã nói với họ! Nó chỉ là một mầm mống của một ý tưởng!

Và nếu bạn đủ dũng cảm, hãy tập để ý khi nào bạn đang hành động từ cảm giác sợ hãi — khi bạn sợ bị từ chối, mất tình cảm của ai đó hoặc bị tẩy chay khỏi một nhóm — Hãy xem nỗi sợ đó là một thử thách một cách trung thực để cảm nhận nỗi sợ hãi và làm điều đó bằng mọi cách, để biết rằng bạn đủ mạnh mẽ xử lý kết quả.

🔥 ĐỪNG khó khăn với bản thân nếu điều này là khó khăn cho bạn

Nghe có vẻ đơn giản – chỉ gây phiền toái, rắc rối cho người khác thì cũng không ổn tí nào! Vì điều này đồng nghĩa với việc đi ngược lại mọi bản năng trong cơ thể bạn và làm điều gì đó khơi lại những vết thương sâu trong thời thơ ấu, khiến bạn cảm thấy vô cùng dễ bị tổn thương và không an toàn. Giống như những điều bạn đã cảm thấy khi còn là một đứa trẻ, khi bạn bị cha mẹ hoặc bạn bè từ chối vì khác biệt hoặc không hoàn hảo.

Nếu bạn gặp khó khăn trong việc phản ứng với những việc khiến bạn dễ kích động theo những cách mới hoặc quay trở lại các mô hình cũ, dù sao thì hãy chấp thuận bản thân mình trước đã! Thực hành yêu thương bản thân ngay cả khi bạn không đạt được kỳ vọng của chính mình.

Chúng ta càng tán thành bản thân thì sẽ càng ít bị tổn thương khi người khác không đồng ý. Bởi vì chúng ta biết rằng ngay cả khi họ không đồng ý với lựa chọn hoặc ý kiến ​​của chúng ta, thì chúng ta cũng không đáng bị phản đối vì chúng ta cũng như mọi người vậy. Cách duy nhất chúng ta sẽ tin điều đó là đi trước — bằng cách chấp thuận bản thân vô điều kiện, ngay cả khi khó khăn.

Đây là điều mà tôi luôn phải đấu tranh. Tôi thường nhầm lẫn quan điểm ​​và lựa chọn của mình với con người của tôi. Điều đó có nghĩa là từ chối bất cứ điều gì về tôi là từ chối tất cả con người của tôi. Điều này đưa tôi đến gợi ý tiếp theo của tôi…

🔥 NÊN thay đổi quan điểm của bạn về sự từ chối

Chúng ta thường dễ dàng tự trách bản thân khi bị từ chối, giống như một tuyên bố về giá trị của chúng ta — ngay cả khi ai đó đang từ chối một ý tưởng hoặc quan điểm hoặc thậm chí một điều gì đó tầm thường như một trò đùa. Bằng cách không cười. Hoặc cười không đủ lớn. (Đó có phải là một tiếng cười đáng tiếc không? OMG, trò đùa của tôi thật ngớ ngẩn!)

Thay vào đó, hãy tập nhìn nhận sự từ chối khi đề cập đến các ý tưởng và quan điểm, như một trong hai điều:

  • Củng cố rằng tất cả chúng ta đều khác nhau, và điều đó không sao cả
  • Củng cố rằng không hoàn hảo cũng không sao và một cơ hội để thăng tiến

Sử dụng một ví dụ đơn giản: Khi tôi chấp nhận một bài đăng cho blog, tôi thường gửi các bản chỉnh sửa và ý tưởng tiêu đề mới. Đôi khi các tác giả từ chối ý tưởng tiêu đề của tôi và tôi nhận ra rằng chúng hơi dài dòng, và sau đó cảm thấy hơi xấu hổ vì không đưa ra được ý tưởng hay hơn.

Tôi đã cố gắng coi đây là một lời nhắc nhở rằng không sao cả. Nếu ý tưởng đầu tiên của tôi không thành công tốt đẹp thì tôi có thể thử lại lần nữa và làm tốt hơn. Không quan trọng tôi làm mọi thứ hoàn hảo ngay lập tức ra sao, chỉ quan trọng là tôi gắn bó với nó đủ lâu để phát huy hết khả năng của mình.

Và bây giờ nói đến kiểu từ chối có chút riêng tư — ví dụ như khi ai đó không muốn có mối quan hệ với bạn — tôi thích lời khuyên mạnh mẽ này từ người đóng góp Amanda Graham của Tiny Buddha:

“Khi ai đó từ chối bạn, vì bất cứ lý do gì, đó là vì hai bạn không hợp nhau – họ chỉ nhìn thấy điều đó lần đầu tiên. Cuối cùng, bạn cũng sẽ thấy nó thôi. ”

Không phải là một sự kết hợp hoàn hảo. Có nghĩa là từ chối không nói lên bất cứ điều gì về con người của bạn. Nó nói lên điều gì đó về sự kết hợp giữa hai bạn với nhau. Không ai trong các bạn sai hoặc không xứng đáng hoặc không đủ. Chỉ đơn giản hai bạn không phải là sự kết hợp hoàn hảo cho nhau. Nhưng để hoàn toàn tin tưởng vào điều này, bạn phải cam kết những điều sau…

🔥 ĐỪNG tin rằng bạn xứng đáng bị từ chối

Tôi nghĩ đây mới thực sự là điều quan trọng nhất. Chúng ta muốn nhận được sự chấp thuận bởi vì ta muốn tránh việc củng cố niềm tin sâu kín rằng chúng ta đơn giản là không đủ tốt. Nhưng nhiều người trong chúng ta củng cố niềm tin này thông qua các lựa chọn của mình, mà không có nhận thức tỉnh táo.

Chúng ta níu kéo những mối quan hệ không tốt cho mình, cố gắng chứng tỏ bản thân với những người không xứng đáng với chúng ta, bởi vì trong sâu thẳm, chúng ta tin rằng chúng ta không xứng đáng được đối xử tốt hơn.

Chúng ta tiếp tục làm những công việc không như ý, chấp nhận ít hơn giá trị thời gian và tài năng của chúng ta, bởi vì chúng ta không tin rằng thời gian và tài năng của mình là có giá trị.

Khi làm như vậy, chúng ta bị mắc vào một luẩn quẩn của việc từ chối — chúng ta tự đặt mình vào tình thế bị từ chối vì chúng ta từ chối chính mình. Thậm chí chúng ta coi lời từ chối là bằng chứng để chúng ta nên từ chối chính mình. Và thông qua đó, chúng ta tiếp tục tìm kiếm sự chấp thuận từ những người không coi trọng chúng ta, trong những tình huống không xứng đáng với chúng ta.

Vì vậy, theo một cách nào đó, tìm kiếm sự chấp thuận thực sự là tìm kiếm sự từ chối, vì những người làm hài lòng mọi người thường thu hút những người không coi trọng họ, vì chúng ta thành thạo trong việc nỗ lực để được chấp thuận ở nơi chúng ta ít có khả năng đạt được điều đó nhất. Có lẽ vì điều này cảm thấy quen thuộc.

Cách duy nhất để phá vỡ cái vòng luẩn quẩn này là quyết định rằng chúng ta không đáng bị từ chối, ngay cả khi chúng ta đã bị từ chối trong quá khứ, và củng cố niềm tin này bằng cách thực hành không từ chối bản thân.

Điều đó có nghĩa là không từ chối nhu cầu của chúng ta — hãy nghỉ ngơi khi chúng ta mệt mỏi, cảm nhận cảm xúc của mình thay vì nhồi nhét chúng và làm bất cứ điều gì chúng ta cần làm cho sức khỏe thể chất, tinh thần và cảm xúc của mình mà không cần chờ đợi sự cho phép của bất kỳ ai khác.

Điều này có nghĩa là không từ chối các giá trị, niềm tin và ưu tiên của chúng ta — làm những gì tốt nhất cho chúng ta. Cho dù người khác có đồng ý hay không, thì chúng ta cũng không cần họ xác nhận lựa chọn của chúng ta là “đúng” chỉ cần biết những lựa chọn đó đúng với chúng ta là được.

Và nó có nghĩa là không từ chối giá trị cốt lõi của bản thân— củng cố, thông qua những gì chúng ta chọn để chấp nhận, rằng chúng ta là những người xứng đáng, có giá trị. Ngay cả khi chúng ta không hoàn hảo. Ngay cả khi chúng ta đôi khi làm mất lòng người khác. Ngay cả khi chúng ta nói hoặc làm những điều mà sau này chúng ta hối hận. Bởi vì chúng tôi luôn học hỏi và phát triển, và đó không phải là điều đáng xấu hổ, đó là lý do để tự hào.

Tôi đã viết trước đó rằng tôi là một người đang phục hồi từ hội chứng “People Pleaser” vì tôi không hoàn toàn thoát khỏi thói quen tìm kiếm sự chấp thuận. Tôi không biết liệu mình có bị như vậy nữa hay không, và tôi tự hỏi liệu có ai từng bị như vậy không, vì đây là một phần nội tại của bản chất con người — và ở một mức độ nào đó, nó thể hiện sự cân nhắc và tôn trọng người khác.

Việc làm hài lòng mọi người thường bắt nguồn từ những tổn thương hoặc bị từ chối, đó cũng là một dấu hiệu cho thấy chúng ta quan tâm đến người khác — mong muốn, nhu cầu và cảm xúc của họ — và chúng ta muốn thấy họ hạnh phúc hơn là buồn bã.

Tôi nghĩ rằng tôi đã có thể ít thường xuyên lo lắng hơn trong các mối quan hệ, không còn lo sợ việc bị từ chối, và ít bị kiểm soát hơn bởi nhu cầu luôn được chấp thuận. Và đó là điều tôi phấn đấu: làm hài lòng từ một nơi lành mạnh hơn về mặt cảm xúc, vì vậy tôi đang hành động từ tình yêu chứ không phải sợ hãi.

Tôi hy vọng điều này sẽ giúp bạn làm được như vậy để bạn có thể cảm thấy tự tin hơn trong các mối quan hệ của mình — và chính bản thân bạn.

———————————————————————

Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!

  • Nguồn: tinybuddha.com
  • Người dịch: Đặng Ngọc Yến Duy
  • Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Đặng Ngọc Yến Duy – Nguồn iVolunteer Vietnam”

Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/9498

Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ