Kỹ Năng

Làm Thế Nào Để Viết Một Bản Profile Nghề Nghiệp Hoàn Chỉnh

Một profile nghề nghiệp hay profile CV là một phần quan trọng bạn cần xem xét khi tạo CV của bạn. Đây là một phần mô tả làm nổi bật các kỹ năng và chuyên môn của bạn và cho nhà tuyển dụng thấy bạn sẽ là một tài sản giá trị với vị trí mà bạn đang ứng tuyển. Bạn có thể cân nhắc thêm phần profile nghề nghiệp vào CV của mình để nhà tuyển dụng thấy những lợi ích mà bạn mang lại cho cho công ty của họ. Dưới đây là những hướng dẫn giúp bạn viết một profile nghề nghiệp và một số ví dụ bạn có thể tham khảo.

Profile nghề nghiệp là gì?

Profile nghề nghiệp là phần giới thiệu trên CV, làm nổi bật các bằng cấp và kỹ năng liên quan đến công việc bạn đang ứng tuyển. Vì vậy, việc thêm profile nghề nghiệp vào CV có thể có một số lợi thế. Đầu tiên, profile CV cần trình bày ngắn gọn các kỹ năng và kinh nghiệm chuyên môn của bạn một cách hấp dẫn để thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng. Các nhà tuyển dụng thường nhìn lướt qua CV và không dành nhiều thời gian để đọc từng profile. Do đó, một profile nghề nghiệp có thể là cách hiệu quả nhất để nhà tuyển dụng thấy bạn sẽ mang lại lợi ích gì cho vị trí mà bạn đang ứng tuyển.

Một lợi ích khác của việc thêm một profile nghề nghiệp vào CV là bạn có thể làm nổi bật các kỹ năng và chuyên môn cụ thể mà nhà tuyển dụng yêu cầu cho một vị trí nhất định. Ví dụ, khi nộp đơn vào một vị trí giảng dạy ở trường tiểu học, profile chuyên môn của một giáo viên cần nêu bật kỹ năng quản lý lớp học, phát triển chương trình học và kỹ năng giảng dạy.

Cách tạo một profile nghề nghiệp cho CV của bạn

Các bước để tạo một profile nghề nghiệp làm cho CV của bạn nổi bật:

Viết profile của bạn ngắn gọn và súc tích

Liệt kê các kỹ năng có liên quan đến công việc bạn đang ứng tuyển

Liệt kê tất cả thành tích liên quan đến ngành nghề đó

Đặt profile của bạn ở phần dễ thấy

1. Viết profile của bạn ngắn gọn và súc tích

Profile nghề nghiệp của bạn không nên có nhiều hơn bốn câu ngắn. Bạn có thể viết profile dưới dạng danh sách dấu đầu dòng hoặc dưới dạng một đoạn văn ngắn. Hãy viết ra các chức danh công việc và số năm kinh nghiệm làm việc hoặc đào tạo của bạn. Bạn cũng cần làm nổi bật điểm mạnh chuyên môn của bạn cho vị trí bạn đang ứng tuyển.

2. Liệt kê các kỹ năng phù hợp với công việc bạn đang ứng tuyển 

Bạn chỉ nên liệt kê các kỹ năng chuyên môn và kinh nghiệm có liên quan đến công việc bạn đang ứng tuyển. Điều này đặc biệt hữu ích nếu các kỹ năng và quá trình làm việc trước đây của bạn không liên quan đến công việc ứng tuyển hiện tại vì nó sẽ giúp bạn thể hiện chuyên môn liên quan mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm.

3. Liệt kê tất cả thành tích liên quan đến ngành nghề đó

Nếu bạn có những thành tích đặc biệt, chẳng hạn như cải thiện đáng kể doanh thu bán hàng, hãy đưa những thành tích đó vào profile chuyên môn của bạn. Những thành tích thể hiện qua con số sẽ cho nhà tuyển dụng thấy bạn có thể đóng góp như thế nào cho sự phát triển của công ty nếu họ tuyển bạn. Ví dụ, trong cụm từ “tỷ lệ mở các chiến dịch trực tuyến tăng lên 17% trong một năm” chi tiết “tăng lên 17% trong một năm” sẽ cho thấy khả năng của bạn hơn là cụm “tăng tỷ lệ mở các chiến dịch trực tuyến.”

4. Đặt profile của bạn ở phần dễ thấy

Bạn có thể cân nhắc để profile nghề nghiệp ở đầu CV, phía trên phần quá trình làm việc và học vấn của bạn. Bởi các nhà quản lý và nhà tuyển dụng thường lướt qua các phần hàng đầu của CV trước.

Một số mẹo để viết một profile nghề nghiệp

Dưới đây là một số mẹo bổ sung bạn có thể xem xét khi viết profile.

Những kết quả thể hiện qua con số sẽ cho thấy bạn thực hiện các nhiệm vụ công việc như thế nào. Ví dụ, “các hệ thống sao lưu và phục hồi dữ liệu được phát triển và triển khai chiếm 20% phần mềm an ninh mạng của XYZ” sẽ hiệu quả hơn “các hệ thống sao lưu và phục hồi dữ liệu được phát triển và triển khai cho Công ty XYZ.”

Chọn từ ngữ một cách cẩn thận. Dùng từ ngữ đơn giản và không sử dụng ngôn ngữ tượng hình, ẩn dụ và ngôn ngữ mơ hồ khác.

Hãy là chính mình trong profile của bạn. Nếu một từ không phù hợp để mô tả về bản thân bạn, hãy sử dụng một từ khác có thể thể hiện các giá trị và kỹ năng nghề nghiệp của bạn.

Ví dụ về profile nghề nghiệp

Mục đích của profile nghề nghiệp là thể hiện các kỹ năng và kinh nghiệm làm việc của bạn sẽ đáp ứng các yêu cầu của công việc như thế nào. Các kỹ năng bạn phải cụ thể, liên quan đến vị trí mong muốn của bạn. Dưới đây là các ví dụ về profile nghề nghiệp cho nhiều ngành khác nhau:

Profile nghề nghiệp ngành công nghệ thông tin (CNTT)

Profile nghề nghiệp ngành y tế

Profile nghề nghiệp ngành bán hàng và marketing

Profile nghề nghiệp ngành xây dựng

Profile nghề nghiệp ngành giáo dục

Profile nghề nghiệp ngành kỹ thuật và thiết kế

Profile nghề nghiệp ngành luật

Profile nghề nghiệp ngành thông tin và truyền thông

Profile nghề nghiệp ngành CNTT

Ngành CNTT bao gồm các vị trí như nhà phát triển web, kỹ sư phần mềm, nhà tư vấn công nghệ và kỹ thuật viên an ninh mạng. Các kỹ năng cần thiết trong ngành CNTT có thể là khả năng phát triển ứng dụng, truyền thông, mạng như thiết lập IP và quản trị hệ thống đám mây.

Ví dụ, “Chuyên gia định hướng dựa vào kết quả nhiều lần thành công trong việc hướng dẫn các dự án CNTT từ đầu đến cuối, quản lý các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật và giới thiệu công nghệ mới để thúc đẩy hiệu quả hoạt động.”

Profile nghề nghiệp ngành y tế

Các công việc trong ngành y tế có thể là bác sĩ, y tá, CNA và kỹ thuật viên y tế khẩn cấp. Nhiều công việc trong ngành y tế và chăm sóc sức khỏe đòi hỏi họ phải có kỹ năng giao tiếp tốt, kỹ năng tổ chức và khả năng giữ bình tĩnh trước áp lực. Ngành này cũng đòi hỏi khả năng đồng cảm và lòng trắc ẩn để chăm sóc bệnh nhân.

Ví dụ, “Y tá chính quy 10 năm với chuyên môn về điều dưỡng chăm sóc đặc biệt. Tổ chức và định hướng chi tiết với các tiêu chuẩn cao về hiệu suất và hỗ trợ các kế hoạch và phác đồ điều trị. Chăm sóc cẩn thận và chú ý đến từng bệnh nhân.”

Profile nghề nghiệp ngành bán hàng và marketing

Ngành bán hàng và marketing gồm các vị trí như như quản lý tài khoản và bán hàng, đại diện bán hàng bên ngoài, giám đốc dự án và giám đốc marketing. Lĩnh vực này đòi hỏi kỹ năng giao tiếp và kỹ năng liên nhân, kỹ năng kinh doanh, xây dựng và duy trì mối quan hệ khách hàng và lắng nghe tích cực.

Ví dụ, “Giám đốc bán hàng và marketing có kinh nghiệm vận dụng các chiến lược bán hàng tư vấn để xây dựng mối quan hệ trên tất cả các thị trường mục tiêu. Kiến thức sâu sắc về phát triển chiến dịch marketing và thực hiện các chương trình đào tạo cho nhân viên mới. ‘

Profile nghề nghiệp ngành xây dựng

Xây dựng là một ngành rộng lớn với nhiều vị trí khác nhau, như quản lý công trường, công nhân, mộc, kỹ sư đường bộ và thợ ống nước. Những công việc này thường đòi hỏi lao động chân tay. Tuy nhiên, để có thể thành công trong ngành xây dựng cần có nhiều kỹ năng cần thiết khác, như toán học và ngôn ngữ, kiến thức xây dựng và cơ khí, công nghệ và kỹ năng tư duy phản biện.

Ví dụ, “Kỹ thuật viên thi công vách thạch cao dày với hơn sáu năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực xây dựng nhà ở và thương mại. Làm việc hiệu quả và rất quen thuộc với việc giải thích các bản thiết kế và thông số kỹ thuật để lắp đặt và sửa chữa thành công vách thạch cao.”

Profile nghề nghiệp ngành giáo dục

Các vị trí trong ngành giáo dục thường là các vị trí hành chính như hiệu trưởng, hiệu phó và nhân viên văn phòng, các vị trí cố vấn, vị trí phụ trách chuyên môn, hỗ trợ giáo viên và giáo sư. Người làm công tác giáo dục đòi hỏi nhiều kỹ năng như quản lý và tổ chức, lãnh đạo, lập kế hoạch và phát triển chương trình giảng dạy, soạn giáo án, kỹ năng xã hội và các chiến lược xây dựng mối quan hệ trong cộng đồng.

Ví dụ, “Giáo viên kỳ cựu với 15 năm kinh nghiệm lập kế hoạch và triển khai chương trình giảng dạy đại số cho học sinh khuyết tật. Đam mê và đạt hiệu quả cao, thành công trong các chiến lược giảng dạy nhằm phát triển kỹ năng học tập của học sinh và nâng cao điểm số.”

Profile nghề nghiệp ngành kỹ thuật và thiết kế

Ngành này có thể hơi giống với ngành xây dựng. Công việc ở ngành này thường là phác thảo và vận hành CAD, thợ máy, kỹ sư dân dụng, kỹ sư hàng không vũ trụ và kỹ sư kỹ thuật. Kỹ năng công nghệ hầu như luôn luôn được yêu cầu cho các vị trí kỹ thuật và thiết kế. Các yêu cầu khác thường là kỹ năng về không gian, tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề.

Ví dụ, “Kỹ sư cơ khí với 10 năm kinh nghiệm trong đổi mới vật liệu, bảo trì, sản xuất và thiết kế. Chú ý đến từng chi tiết với khả năng lãnh đạo tốt.”

Profile nghề nghiệp ngành luật

Luật sư và trợ lý luật sư là những công việc phổ biến nhất trong ngành luật. Ngoài ra còn có các vị trí công việc khác như trọng tài viên, nhà phân tích pháp lý, người quản lý vụ việc và nhà tư vấn bồi thẩm đoàn. Công việc pháp lý đòi hỏi nắm chắc kiến ​​thức về luật và ngôn ngữ phức tạp, kỹ năng xã hội, kỹ năng tổ chức và hành chính, lắng nghe tích cực và kỹ năng suy luận logic.

Ví dụ, “Luật sư sáng tạo có kinh nghiệm đưa ra các chiến lược cho từng vụ kiện và có khả năng thuyết phục. Là một người đàm phán đặc biệt am hiểu sâu sắc về kiện tụng và quản lý vụ việc.”

Profile nghề nghiệp ngành thông tin và truyền thông

Ngành này gồm các vị trí như nhà báo, người dẫn tin tức, đạo diễn, biên tập viên và chuyên viên quay dựng video. Các kỹ năng cần có đối với các vị trí này là quan hệ công chúng, kỹ năng nói, khả năng thu hút khán giả và truyền tải thông điệp rõ ràng, hiệu quả.

Ví dụ, “Biên tập viên tin tức truyền hình với kỹ năng biên tập đặc biệt và chú ý đến từng chi tiết. Có nhiều kinh nghiệm dẫn dắt đội ngũ biên tập viên và người viết nội dung trong việc cung cấp văn bản nhanh chóng và hấp dẫn để đáp ứng các tiêu chuẩn của công ty.”

—————————-

Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích

  • Bài viết gốc: indeed.com 
  • Người dịch: Phạm Ngọc Ánh
  • Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Phạm Ngọc Ánh – Nguồn iVolunteer Vietnam”

Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/8573

Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ