Kỹ Năng

Làm Thế Nào Để Xây Dựng Chế Độ Ăn Bền Vững

Chế độ ăn bền vững rất quan trọng cho cả môi trường và sức khỏe của chính bạn. Chúng tôi đã làm việc với EIT Food – Sáng kiến ​​đổi mới Thực phẩm hàng đầu Châu Âu, để cùng nhau đưa ra hướng dẫn về cách xây dựng chế độ ăn uống bền vững của riêng bạn. Laura Elphick, EIT Food biên soạn.

Chế độ ăn bền vững đang là một chủ đề ngày càng được nhiều người trong chúng ta quan tâm. Với số liệu thống kê mở rộng liên quan đến tác động của việc sản xuất và tiêu thụ thực phẩm lên sức khỏe của con người và Trái Đất, thật khó để không dừng lại và suy ngẫm về thói quen ăn uống của mình.

Nhưng chính xác thì một chế độ ăn uống bền vững là gì? Nó dễ dàng đạt được như thế nào? Chúng tôi khám phá xem ăn uống bền vững thực sự có ý nghĩa gì và tại sao nó lại quan trọng đối với sức khỏe của hành tinh.

Tại sao chế độ ăn bền vững lại quan trọng?

Đã có rất nhiều nghiên cứu cho rằng thực phẩm không được sản xuất hoặc tiêu thụ một cách bền vững. Với dân số thế giới dự kiến ​​đạt 9,8 tỷ người vào năm 2050, lương thực thực phẩm sẽ cần được sản xuất nhiều hơn bao giờ hết và do đó chúng ta cần học để thực hiện nó một cách bền vững.

Về sản xuất lương thực, nông nghiệp sử dụng gần 50% diện tích đất thực vật trên thế giới và tạo ra 25% lượng khí thải toàn cầu hàng năm, góp phần gây ra biến đổi khí hậu. Nông nghiệp sử dụng 70% nguồn nước ngọt. Tất cả đều góp phần và bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, suy thoái đất và mất đa dạng sinh học. Đó là chưa kể đến hàng tỷ đô la nhựa dùng một lần được sử dụng để đóng gói thực phẩm của chúng ta mỗi năm và một lượng lớn thực phẩm bị thất thoát hoặc lãng phí trước khi chúng kịp đến đĩa của ta.

Ngoài ra, phần lớn thực phẩm của chúng ta không được sản xuất một cách hiệu quả. Ví dụ, một lượng lớn các loại cây trồng được sản xuất mỗi năm để làm thức ăn cho gia súc. Cứ mỗi 9 calo chúng ta cho một con gà ăn thì nó sẽ thải ra 1 calo. Với ước tính rằng chúng ta cần sản xuất thêm từ 70% -100% thịt vào năm 2050, chúng ta không thể tiếp tục sản xuất thực phẩm của mình theo cách này.

Một số thói quen tiêu thụ thực phẩm của chúng ta cũng không bền vững. Ví dụ, nhiều người tiêu thụ quá nhiều hoặc quá ít. Trong khi 820 triệu người đang đói thì hơn 2 tỷ người trưởng thành bị thừa cân hoặc béo phì. Vấn đề không chỉ ở lượng thực phẩm chúng ta ăn mà nó còn ở số lượng của một số loại thực phẩm cụ thể. Có ý kiến ​​cho rằng chúng ta thường ăn quá nhiều thịt, thực phẩm chế biến sẵn và thực phẩm chứa nhiều muối, chất béo và đường đồng thời ăn không đủ trái cây, rau và ngũ cốc.

Ta cũng quá phụ thuộc vào lượng lớn của nhiều loại cây trồng nhỏ. Ví dụ như ta nhận được hơn 50% lượng calo từ thực vật chỉ từ 3 loại cây trồng, 75% tổng lượng calo chỉ từ 12 loại cây trồng và 5 loài động vật. Điều này dẫn đến việc phụ thuộc vào một số ít cây trồng và vật nuôi để nuôi sống chúng ta, khiến chúng ta kém khả năng chống chọi với sâu bệnh và dịch bệnh trong nguồn cung thực phẩm. Nó cũng ngăn cản sự đa dạng sinh học khi nhiều đất canh tác được cấp cho số lượng loài ít hơn. Nếu đại dịch Covid-19 đã dạy chúng ta bất cứ điều gì về hệ thống lương thực thì đó là hệ thống của ta cần phải trở nên kiên cường hơn để chống lại các cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Vậy, chế độ ăn bền vững chính xác là gì? 

Có rất nhiều định nghĩa được đề xuất về những gì cần có trong chế độ ăn bền vững. Nhưng nhìn chung, một chế độ ăn uống bền vững xem xét loại thực phẩm chúng ta ăn, cách thức chúng được trồng, phân phối, đóng gói và ảnh hưởng của những quá trình này lên hành tinh. Ví dụ, theo FAO và WHO, một chế độ ăn uống bền vững:

  • Bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, các loại hạt và rất nhiều loại trái cây và rau quả
  • Có thể bao gồm một lượng vừa phải trứng, sữa, thịt gia cầm, cá và một lượng nhỏ thịt đỏ.
  • Giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh và hormone trong sản xuất thực phẩm
  • Giảm thiểu việc sử dụng nhựa và các chất dẫn xuất trong bao bì thực phẩm
  • Giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm

Làm thế nào để ăn uống lành mạnh cho bản thân và cho Trái Đất?

Đặc biệt chú trọng đến Trái Đất, diễn đàn EAT cũng có những ý kiến ​​tương tự về chế độ ăn uống bền vững nên bao gồm những gì. Để sản xuất thực phẩm luôn tuân theo các nguyên tắc hành tinh, đồng thời tối đa hóa sức khỏe con người, thực đơn của chúng ta nên bao gồm:

  • 50% rau và trái cây
  • 50% ngũ cốc nguyên hạt, nguồn protein thực vật, dầu thực vật không bão hòa
  • Một lượng khiêm tốn tùy chọn các nguồn protein động vật

Một chế độ ăn cân bằng là phải ăn chay?

Các chuyên gia tại EAT tin rằng chế độ ăn của chúng ta nên được chuyển thành chế độ linh hoạt – nghĩa là ăn nhiều thực phẩm chay hơn nhưng vẫn ăn một lượng nhỏ cá và thịt, chẳng hạn như một chiếc bánh mì kẹp thịt bò mỗi tuần hoặc một miếng bít tết lớn mỗi tháng. Một chế độ ăn chủ yếu toàn thực vật thường gây ra những lo ngại về việc thiếu hụt protein. Để giải đáp các tranh cãi dựa trên thực vật và protein động vật, bạn có thể tìm hiểu thêm tại đây.

Mặc dù có thể ăn một số loại thịt một cách bền vững, nhưng quan trọng là bạn phải tự xem xét lượng tiêu thụ của mình, giảm lượng thịt đỏ bạn ăn và xem liệu bạn có thể kháng cự lại tác động của việc tiêu thụ thịt thông qua các phần khác của chế độ ăn uống hoặc thói quen tiêu dùng hay không.

Làm thế nào để giảm lãng phí thực phẩm

Một phần của việc xây dựng một chế độ ăn uống bền vững đó là có thể xác định lượng thức ăn mà cá nhân mỗi chúng ta đã lãng phí. Điều này rất quan trọng vì rác thải thực phẩm là một vấn đề rất lớn. Ví dụ, chỉ riêng ở Anh, thực phẩm bị lãng phí tương đương với 25 tỷ tấn phát thải khí nhà kính mỗi năm. Để giảm rác thải thực phẩm của mình bạn có thể làm như sau:

  • Lên kế hoạch cho các bữa ăn từ trước để bạn chỉ mua những gì bạn cần.
  • Tận dụng nơi chứa thực phẩm như tủ đông
  • Dùng hết thức ăn thừa của bạn để nấu những bữa ăn thật ngon.
  • Ăn cơm nhà nhiều hơn mua đồ ăn mang đi.

Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về rác thải thực phẩm, khóa học EIT Food ”Cách giải quyết rác thải thực phẩm” có thể giúp bạn. Giảng viên khóa học, đồng thời là Nghiên cứu viên cao cấp, Tiến sĩ Simona Grasso từ Đại học Reading cũng cung cấp một số mẹo thiết thực để giảm thiểu lãng phí. Cô ấy nói, “Lần tới khi bạn đi mua sắm, hãy mua một túi rau sạch, hãy cố gắng lên kế hoạch cho các bữa ăn và mang theo danh sách các đồ cần mua. Bạn cũng có thể chia sẻ thức ăn với những người khác trong cộng đồng của mình bằng các ứng dụng như ‘Olio’ và tiết kiệm thức ăn để không bị lãng phí bằng các ứng dụng như ‘Too Good To Go’ ”.

Liệu một chế độ ăn bền vững thật sự sẽ giúp cho Trái Đất?

Cả câu trả lời ngắn và dài hạn đều là: Có. Ăn uống bền vững hơn có thể tạo nên điều kỳ diệu cho chính chúng ta và môi trường. Theo Diễn đàn EAT, lựa chọn thực phẩm lành mạnh và bền vững là một trong những hành động có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất mà một cá nhân có thể thực hiện để chống lại biến đổi khí hậu.

Ví dụ:

Với 9,8 tỷ miệng ăn vào năm 2050, bây giờ là lúc để ta thay đổi chế độ ăn uống. Nếu tiếp tục như bây giờ, các mô hình tiêu thụ thực phẩm của chúng ta vào năm 2050 sẽ vượt quá ranh giới hành tinh về lượng phát thải GHG liên quan đến thực phẩm tới 263%. Điều này có nghĩa là ta sẽ cần tới bảy Trái đất chỉ để duy trì thói quen ăn uống hiện tại.

Những đổi mới trong công nghệ sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc sản xuất thêm lương thực cần thiết một cách bền vững cho dân số ngày càng gia tăng. Theo giảng viên Michaela Fox, trường đại học Queen’s University Belfast: “Các công nghệ hiện đại được thiết kế cho chuỗi thực phẩm bao gồm canh tác chính xác, công thức và chế biến thực phẩm, các giải pháp sáng tạo cho đóng gói, công nghệ cảm biến thực phẩm, dinh dưỡng được cá nhân hóa và in 3D. Tất cả trên này chỉ là một số trong rất nhiều các công nghệ mang tính cách mạng.” Để biết thêm về những đổi mới này, bạn có thể tham gia khóa học ‘Cách mạng hóa chuỗi thực phẩm bằng công nghệ’ của EIT Food, nơi bạn có thể xem xét kỹ hơn cách công nghệ có thể giúp xây dựng một chế độ ăn bền vững.”

Làm cách nào để xây dựng một chế độ ăn bền vững?

Choáng ngợp lắm phải không? Đừng lo. Khi tiếp cận với rất nhiều số liệu thống kê đáng kinh ngạc này, bạn sẽ dễ cảm thấy bị quá tải thông tin. Thay vì tập trung vào những con số, hãy tự hỏi bản thân một vài câu hỏi để bắt đầu xây dựng cho mình một kế hoạch ăn bền vững:

  • Ngân sách dành cho thực phẩm hiện tại của bạn là bao nhiêu và bạn chi chúng vào đâu? Để có được thông tin hoàn chỉnh, bạn hãy cố gắng tính cả các bữa ăn trưa ở chỗ làm và các bữa ăn ngoài khác.
  • Bạn lãng phí bao nhiêu thức ăn? Nó có thường là cùng một loại thực phẩm không?
  • Bạn có sẵn sàng hoặc có thể cắt bỏ thịt / cá khỏi chế độ ăn của mình?
  • Bạn có sẵn sàng hoặc có thể cắt giảm sữa / sản phẩm bơ sữa khỏi chế độ ăn của mình?
  • Bạn có thể mua sắm ở đâu để giảm dặm thực phẩm (1)?
  • Bạn có thể làm gì để giảm thiểu số bao bì mà bạn sử dụng (ví dụ như mua rau, trái cây rời từ người bán rau củ)?
  • Để đa dạng hóa chế độ ăn, bạn có thể thêm nguyên liệu mới nào vào thực đơn của mình?
  • Những thực phẩm nào hoàn toàn có thể mua và tích trữ với số lượng lớn nhưng bạn lại thường mua lẻ?
  • Hiện tại bạn “xoay” bao nhiêu bữa ăn? Hầu hết người Anh “xoay vòng” (2) trung bình 9 bữa giống nhau – mở rộng danh mục có thể giúp bạn sử dụng hết thức ăn thừa và xây dựng một chế độ ăn uống đa dạng hơn.
  • Thực tế là gì? Nhiều thực đơn ăn uống thất bại vì chúng đắt đỏ hoặc quá tốn thời gian. Thực tế hơn với mong đợi của mình, bạn sẽ giảm thiểu lãng phí thực phẩm và đảm bảo rằng bạn có thể ăn bền vững hơn, lâu hơn.

Khi bạn có thể phác thảo sơ lược tình hình hiện tại, các lựa chọn của mình và những gì bạn tin rằng mình có thể tuân theo, hãy cố gắng đưa ra một thực đơn luân phiên cho 2 tuần dựa trên các lựa chọn ấy. Khi thử, bạn nên nghĩ về cảm nhận của bản thân về chế độ ăn uống và mức độ ảnh hưởng của nó đến lối sống của bạn, thay đổi và điều chỉnh liên tục để có chế độ ăn uống tốt nhất cho mình và cho thế giới xung quanh.

Khi đi mua sắm, hãy cố gắng liên tục tự hỏi bản thân:

  • Thức ăn này được sản xuất ở đâu và trong điều kiện nào?
  • Thực phẩm này đã được vận chuyển bao xa để đến tay mình?
  • Nó được đóng gói như thế nào?
  • Mình ăn quá nhiều hay quá ít món này?
  • Nó có thể để được tươi trong bao lâu?
  • Mình có thể ăn hết chỗ thức ăn này không hay sẽ vứt đi một phần nào đó?

Làm thế nào để tôi biết thêm về chế độ ăn bền vững?

EIT Food có nhiều khóa học trực tuyến miễn phí giúp bạn tìm hiểu thêm về sản xuất và tiêu thụ thực phẩm bền vững. Sau đây là một vài gợi ý bạn có thể thử:

  • Khóa học ‘Bao bì thực phẩm và đồ dùng nhà bếp’ sẽ giúp bạn xem xét các tác động đến sức khỏe và môi trường của các loại bao bì thực phẩm khác nhau.
  • Khóa học ‘Mô hình kinh doanh tuần hoàn cho hệ thống lương thực đô thị bền vững’ sẽ khám phá cách xây dựng hệ thống thực phẩm tuần hoàn cho các thành phố thông minh, có khả năng chống chịu và bền vững.

Việc xây dựng một chế độ ăn uống bền vững thoạt đầu có vẻ khó khăn, nhưng bạn có đồng ý với tôi không rằng nếu nó mang lại lợi ích cho cả chúng ta và hành tinh thì nó sẽ là đôi bên cùng có lợi?

_______________________________________________

Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích

  • Theo: futurelearn
  • Người dịch: Võ Ngọc Minh Châu
  • Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Võ Ngọc Minh Châu – Nguồn iVolunteer Vietnam”

Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/10659

Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ