Kỹ Năng

Liệu Ngôn Ngữ Có Thể Ảnh Hưởng Đến Đạo Đức?

Giữa ngôn ngữ và đạo đức: liệu thực sự có mối liên hệ ở đó không? Là đạo đức có tính chủ quan, hay luôn có một chân lý thực sự tồn tại bên ngoài những thiên kiến ​​văn hóa của chúng ta?

Ý tưởng về nhận thức khách quan về “đúng” và “sai” có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với trí tưởng tượng văn hóa của chúng ta, và là ý tưởng trung tâm của nhiều tôn giáo lớn, bao gồm đạo Cơ Đốc, đạo Do Thái và đạo Hồi.

Nào, hãy để đó cho nghiên cứu khoa học, rồi đi tìm một số lỗ hổng trong giả thuyết này. Nhiều nghiên cứu khác nhau đã chỉ ra rằng các đánh giá đạo đức thực sự có thể thay đổi khi chúng được đưa ra bằng ngôn ngữ không phải ngôn ngữ mẹ đẻ, chuyển sang một khuynh hướng vị lợi, ít thiên vị hơn. Điều đó không có nghĩa là ngoại ngữ khiến ta kém đạo đức đi – chỉ là chúng khiến ta trở thành một loại đạo đức khác.

Hãy cùng thảo luận nào.

Nghịch lý xe đẩy

Một nghiên cứu năm 2014 do Albert Costa chỉ đạo đã đặt ra một tình huống nan giải sau cho một nhóm tình nguyện viên: một chiếc xe đẩy đang chạy thẳng về phía 5 người bị mắc kẹt trên đường ray. Bạn có thể kéo công tắc và chuyển hướng xe đẩy, việc có thể dẫn đến cái chết của một người đang đứng trên dãy đường ray còn lại. Về cơ bản, bạn đang hy sinh một mạng sống để cứu năm người, dẫn đến bốn mạng người được cứu.

Phần lớn những người tham gia nghiên cứu cho biết họ sẽ kéo công tắc chuyển hướng: con số đó là 81% khi tình huống trên được đặt ra bằng tiếng mẹ đẻ và 80% khi được trình bày bằng tiếng nước ngoài.

Tuy nhiên, tình huống thứ hai (và gây tranh cãi hơn) đã cho thấy sự phân hoá rõ rệt hơn. Trong trường hợp này, bạn phải đẩy một người đàn ông to lớn khỏi cầu đi bộ và ngã chắn trước lối đi của xe đẩy, điều mà về lý thuyết sẽ dẫn đến kết quả số mạng người được cứu là tương đương (bốn), nhưng đòi hỏi bạn phải đóng một vai trò chủ động hơn nhiều đối với cái chết của một ai đó. Lần này, chỉ 20% người tham gia đưa ra quyết định đó bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, nhưng tới 33% người tham gia chọn phương án này bằng tiếng nước ngoài.

Rõ ràng, những cân nhắc trong cuộc điều tra này mang nhiều sắc thái hơn thế, nhưng các nhà nghiên cứu cuối cùng đã kết luận rằng, việc sử dụng ngoại ngữ khiến mọi người ít xúc động hơn và thực tế hơn trong các phán xét đạo đức. Họ đề cập đến một mô hình tâm lý học đạo đức, trong đó các phán xét đạo đức được thúc đẩy bởi ít nhất hai điều: phản ứng cảm xúc vô thức và sự đánh giá lý trí, có ý thức. Phản ứng cảm tính có nhiều khả năng tập trung vào quyền con người của một cá nhân hơn, còn phản ứng lý trí có xu hướng xem xét mọi thứ từ góc độ cho ra một lợi ích lớn hơn.

Không có thương tổn thì không có lỗi?

Trong một nghiên cứu khác của Janet Geipel, nhiều tình huống khác nhau được đặt ra trước các tình nguyện viên, trong đó không ai bị thương tổn, nhưng chúng thường bị nhiều người xem là đáng ghê tởm về mặt đạo đức: ví dụ như loạn luân đồng thuận. Họ cũng được xem xét những tình huống nhẹ nhàng hơn, một nói dối vô hại để được giảm giá vé chẳng hạn.

Những người đọc các câu chuyện trên bằng tiếng nước ngoài đã đưa ra các đánh giá ít hà khắc về mặt đạo đức hơn những người đọc chúng bằng tiếng mẹ đẻ, khiến các tác giả của nghiên cứu đi đến kết luận rằng “ảnh hưởng của ngoại ngữ được giải thích rõ nhất bởi sự giảm đi các chuẩn mực đạo đức và kích hoạt xã hội khi đưa ra các phán xét đạo đức.”

Ngôn ngữ giống như một kho lưu trữ cảm xúc

Về lý thuyết, điều các nghiên cứu này tiết lộ là chúng ta ít xúc động hơn khi nghĩ và nói bằng một thứ ngôn ngữ không tự nhiên với chúng ta.

Theo Costa và đội của ông, tiết lộ trên có liên quan đến một thực tế là chúng ta, về bản chất, làm chậm quá trình ra quyết định của mình khi chuyển sang một cách xử lý cẩn thận và có chủ ý hơn. Tuy nhiên, những người tham gia với khả năng nói trôi chảy, và những người kém hơn gần như có khả năng đưa ra một chọn lựa thiết thực ngang ngửa với những người tham gia nghiên cứu nói chung – ít nhất là trong tình huống “cây cầu”. Trong tình huống “chuyển hướng”, càng là những người nói thông thạo thì lựa chọn họ đưa ra càng giống với người bản ngữ hơn.

“Theo quan điểm của chúng tôi, kết quả này cho thấy việc nâng cao trình độ ngoại ngữ có thể thúc đẩy nền tảng cảm xúc, do đó gây ra các phản ứng cảm xúc tương tự như ngôn ngữ mẹ đẻ,” cuộc nghiên cứu cho biết.

Nhà tâm lý học Cathleen Caldwell-Harris của Đại học Boston cũng xác nhận rằng, các ngôn ngữ không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ có xu hướng mang ít sức nặng cảm xúc hơn: ví dụ, một trong những nghiên cứu của cô đã phát hiện rằng các cụm từ nhiều xúc cảm khi nói bằng tiếng Anh gợi ra ít phản ứng sinh lý hơn ở sinh viên đại học Thổ Nhĩ Kỳ so với khi nói bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.

Giả thuyết ở đây là ngôn ngữ có gắn bó mật thiết với những ký ức xúc cảm mà nó truyền tải, vì vậy sẽ hợp lý rằng chúng ta có phản ứng cảm xúc cao độ bằng ngôn ngữ mà chúng ta quen thuộc nhất – chưa kể đến ngôn ngữ mà những trải nghiệm cảm xúc sớm nhất của ta được hình thành ở đó.

Vậy cảm xúc nên dẫn đường, hay chúng ta nên luôn đi theo hướng khách quan? Nhìn chung, không có cách nào dễ dàng để xác định liệu những phán xét đạo đức tốt nhất xuất phát từ lòng trắc ẩn hay những logic thực dụng vô cảm. Nhưng có thể các cuộc tranh luận về đạo đức diễn ra gay gắt giúp ta biết rằng ta thực sự đến từ đâu.

————————————————–

Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!

  • Theo: Babel Magazine  
  • Người dịch: Nguyễn Ánh Dương
  • Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Nguyễn Ánh Dương – Nguồn iVolunteer Vietnam”

Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/10855

Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ