Việc sở hữu một bản sơ yếu lý lịch thu hút người đọc là bước đầu tiên khi đi xin việc, nhà tuyển dụng sẽ đặt những câu hỏi xoay quanh chuyên môn nghề dựa trên các thông tin bạn đã cung cấp trong lý lịch. Bất kỳ thông tin bổ sung về bản thân sẽ giúp quảng cáo bạn như một người có đủ năng lực và nhiều thành tích tốt cho nhà tuyển dụng tiềm năng. Trong bài viết này, chúng tôi thảo luận về các mẹo viết sơ yếu lý lịch để bạn có thể tiếp thị bản thân một cách hiệu quả.
☀️ Sơ yếu lý lịch là gì?
Sơ yếu lý lịch là một tập tài liệu gồm tóm tắt kinh nghiệm làm việc, học vấn, kỹ năng và thành tích nghề nghiệp của bạn. Nó khác với đơn xin việc ở chỗ, nó hoàn toàn có thể được chỉnh sửa để phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp của bạn, lĩnh vực bạn đang tìm việc và kinh nghiệm chuyên môn bạn muốn nêu bật lên. Sơ yếu lý lịch của bạn là một công cụ tiếp thị để giúp các nhà tuyển dụng tiềm năng thấy được giá trị nghề nghiệp của bạn. Bản sơ yếu thường dài một trang, nhưng những người có nhiều kinh nghiệm có thể có một bản sơ yếu lý lịch dài hai trang.
☀️ Mẹo để viết một sơ yếu lý lịch nổi bật
Dưới đây là một số mẹo hữu ích để viết sơ yếu lý lịch thành công:
- Bắt đầu chuẩn bị viết sơ yếu lý lịch của bạn bằng cách động não và gom tất cả kinh nghiệm làm việc của bạn. Viết ra tất cả những công việc bạn đã có và kinh nghiệm bạn học được ở đó. Liệt kê công việc bạn đã làm, sử dụng các từ mô tả để các nhiệm vụ, công việc và trách nhiệm của bạn được phản ánh chính xác. Bắt đầu với một dòng mô tả chung chung và theo sau nó là các các nhiệm vụ cụ thể. Ví dụ: “Chịu trách nhiệm quản lý nhân viên, bao gồm thiết lập lịch trình hàng tuần, phê duyệt thời gian nghỉ và hòa giải xung đột.”
- Viết ra học vấn của bạn, bao gồm tên của các trường đại học, ngày bạn theo học, các môn học quan trọng và bằng cấp đạt được.
- Làm các từ khóa trong mô tả công việc giống với những từ khóa dễ dàng được tìm thấy trong phần viết về kỹ năng của bạn.
- Động não suy nghĩ về thông tin bổ sung có thể giúp nhà tuyển dụng thấy được bức tranh hoàn chỉnh về trải nghiệm cuộc sống của bạn. Cân nhắc thêm vào hồ sơ bạn các phần liệt kê quá trình đào tạo hoặc quá trình phát triển chuyên môn, chứng chỉ, ấn phẩm, giải thưởng hoặc sự công nhận đặc biệt, giấy chứng nhận của khách hàng, sở thích, thông thạo ngôn ngữ và công việc tình nguyện.
- Dựa trên nghề nghiệp của bạn và mô tả công việc, hãy quyết định xem bạn có muốn mô tả mục tiêu của mình hay không và làm như thế nào.
- • Cân nhắc sử dụng các mẫu sơ yếu lý lịch để sắp xếp thông tin của bạn. Mẫu phổ biến nhất là trình tự thời gian đảo ngược,bạn sẽ liệt kê công việc gần đây nhất của mình trước tiên. Nhưng bạn có thể điều chỉnh định dạng cho phù hợp với các trường hợp khác, chẳng hạn như:
- Mẫu có liên quan đến lĩnh vực làm việc của bạn, nơi bạn có thể muốn làm nổi bật công việc tình nguyện hơn là kinh nghiệm làm việc
- Bạn có những năm trống trong công việc vì sự nghiệp bị gián đoạn và bạn muốn nhấn mạnh những gì bạn đã làm trong thời gian đó
- Bạn đang thay đổi hướng đi trên con đường xây dựng công danh và muốn nhấn mạnh việc quay lại học tập đã giúp bạn chuẩn bị thay đổi
- Bạn đang nộp đơn xin việc đầu tiên sau khi tốt nghiệp đại học. Bạn có ít hoặc không có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực của mình
- Để giới thiệu các giải thưởng hoặc phản hồi của khách hàng mà đã giới thiệu bạn việc trong ngành dịch vụ
- Tập trung vào sơ yếu lý lịch của bạn như một bản tóm tắt về trình độ và kinh nghiệm của bạn cho công việc bạn đang ứng tuyển.
- Sử dụng phông chữ tiêu chuẩn, dễ đọc và đã căn chỉnh định dạng. Hãy nhớ tận dụng khoảng trống trong hồ sơ và dấu gạch đầu dòng.
- Đọc kỹ và cẩn thận. Đảm bảo bạn không mắc lỗi chính tả hoặc ngữ pháp, hãy chắc chắn nội dung của bạn được viết rõ ràng, ngắn gọn.
☀️ Cách để viết một sơ yếu lý lịch
Sau khi bạn đã suy nghĩ về kinh nghiệm và kỹ năng liên quan của mình, hãy sắp xếp thông tin của bạn thành một tài liệu có bố cục gọn gàng và dễ đọc gồm một hoặc hai trang. Bạn có thể điều chỉnh một số phần quan trọng và những phần khác sao cho phù hợp. Bạn có thể thay đổi thứ tự thông tin để làm nổi bật dữ liệu gần đây nhất. Dưới đây là một số điều cần đưa vào sơ yếu lý lịch của bạn:
1. Thông tin liên hệ
Cách đầu tiên bạn để làm rõ bản thân trong công việc là tên và thông tin liên hệ của bạn.Mục này có thể bao gồm địa chỉ gửi thư, số điện thoại, địa chỉ email của bạn và bất kỳ phương tiện truyền thông xã hội hoặc trang web doanh nghiệp nào. Ví dụ: nếu bạn là một người đăng portfolio lên mạng, hãy bao gồm cả địa chỉ web đó. Nó giúp các nhà tuyển dụng tiềm năng xem tác phẩm của bạn một cách nhanh chóng và dễ dàng.
Nếu địa chỉ email hiện tại của bạn có tên không chuyên nghiệp hoặc không chứa tên của bạn, bạn nên thể hiện sự chuyên nghiệp bằng cách mua một địa chỉ email khác gần với tên đầy đủ của bạn nhất có thể. Cho phép điện thoại của bạn nhận thư thoại và đảm bảo có bản ghi âm mà người gọi sẽ nghe thấy.
2. Mục tiêu
Mục tiêu của sơ yếu lý lịch là một bản mô tả loại công việc bạn đang tìm kiếm. Nó có thể bao gồm vị trí công việc hiện tại của bạn và tiết lộ nguyện vọng, tham vọng của bạn cho công việc tiếp theo.
3. Tóm tắt chuyên môn
Phần giới thiệu thứ hai của bạn sau tên của bạn là một hoặc hai câu ngắn gọn tóm tắt sự nghiệp chuyên môn của bạn. Lĩnh vực này phù hợp với những người có sự nghiệp lâu năm và có kinh nghiệm với nhiều công việc. Nó chắt lọc sự nghiệp của bạn thành những điểm giá trị nhất trong hồ sơ. Thông thường, bạn nên bao gồm một mục tiêu hoặc một bản tóm tắt, nhưng không nên bao gồm cả hai.
4. Tóm tắt trình độ
Trong khi phần tóm tắt chuyên môn tập trung vào sự ngắn gọn, phần này thường là một danh sách dùng dấu gạch đầu dòng để trình bày về những thành tích cụ thể hơn trong suốt sự nghiệp của bạn. Bạn chỉ nên thêm phần này và phần tóm tắt chuyên môn nếu chúng thực sự khác biệt với nhau.
5. Kinh nghiệm chuyên môn
Đây có thể sẽ là phần dài nhất trong sơ yếu lý lịch của bạn, nơi bạn liệt kê tất cả các công việc trước đây của mình. Bạn nên bao gồm tên của các công ty nơi bạn đã làm việc, thành phố hoặc các thành phố nơi họ đặt trụ sở, các vị trí bạn đã đảm nhiệm ở đó, những năm bạn đã làm việc tại mỗi công ty và một danh sách có liệt kê theo dạng gạch đầu dòng về các trách nhiệm hoặc dự án của bạn. Thông thường, bạn sẽ liệt kê các công việc của mình theo thứ tự giảm dần theo trình tự gần đây nhất và bạn có thể bao gồm nhiều gạch đầu dòng hơn trong mô tả công việc cuối cùng của bạn để so sánh với công việc lâu nhất bạn từng làm trước đây.
Với công việc bạn dự định ứng tuyển, hãy nhớ lại danh sách đã cân nhắc của bạn và tập trung dồn nỗ lực vào các kỹ năng và kinh nghiệm giúp bạn trở thành người phù hợp nhất cho công việc đó. Để giữ cho sơ yếu lý lịch ngắn gọn và dễ đọc, bạn có thể tránh những câu hoàn chỉnh và đoạn văn dài. Bạn có thể có nhiều phiên bản sơ yếu lý lịch để chỉnh sửa sao cho phù hợp với các lĩnh vực hoặc công việc khác nhau.
6. Học vấn
Nếu bạn là sinh viên vừa tốt nghiệp đại học, trình độ học vấn của bạn có thể nằm gần đầu trong sơ yếu lý lịch của bạn. Liệt kê trường cao đẳng, đại học hoặc trường dạy nghề mà bạn đã theo học, những năm bạn ở đó và bằng cấp mà bạn đạt được. Nếu bạn có kinh nghiệm làm việc đáng kể sau khi rời ghế nhà trường, thì mục này có thể để ở sau.
7. Chứng chỉ đào tạo
Đặc biệt nếu việc làm trong lĩnh vực của bạn yêu cầu một số loại bằng cấp hoặc chứng nhận, hãy nhớ phải liệt kê và cho biết ngày hết hạn của nó. Bạn có thể liệt kê các chứng chỉ tình nguyện khác để thể hiện tham vọng và sự ham học hỏi của bạn.
8. Thông tin bổ sung
Quá trình làm việc của bạn sẽ liệt kê các nhiệm vụ và kinh nghiệm của bạn, nhưng tùy thuộc vào những gì bạn muốn nhà tuyển dụng biết về bạn, bạn cũng có thể liệt kê các kỹ năng đặc biệt của bạn, ngôn ngữ thông thạo, sở thích, cơ hội tình nguyện, kỹ năng kỹ thuật, hiệp hội nghề nghiệp, giải thưởng công dân, dự án đặc biệt hoặc giấy công nhận. Bạn có thể coi phần này như một phần chứng minh sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống của bạn hoặc như là một bản ghi thời gian bạn đã dành để theo đuổi các hoạt động hoặc thành tích phong phú ngoài giờ làm việc bình thường.
9. Tham chiếu
Người tham chiếu là người có thể nói về các chủ đề như tính chuyên nghiệp, kỹ năng, kinh nghiệm, độ tin cậy và tính chính trực của bạn. Đó phải là một người hiểu rõ về bạn, không phải là thành viên trong gia đình và đã từng có liên hệ chuyên môn với bạn trong quá khứ gần đây. Bạn nên xin phép người tham khảo của mình trước để họ có thể chuẩn bị cho việc liên hệ.
☀️ Ví dụ CV
Hãy tham khảo sơ yếu lý lịch mẫu này để giúp bạn tạo ra bản lý lịch của riêng mình:
June Smith
15 Main St., Chicago, IL 11000 | june.smith@email.com | 901-555-1212
Mục tiêu
Giám đốc văn phòng có kinh nghiệm đang tìm kiếm cơ hội phát triển tại một công ty cỡ vừa
Trình độ
• 12 năm kinh nghiệm làm quản lý văn phòng tại một công ty thiết kế đồ họa nhỏ • Có khả năng tốt về quản lý nhân viên, bao gồm tuyển dụng, sa thải và giải quyết xung đột • Kỹ năng tổ chức giấy tờ và điện tử hoàn hảo • Thành thạo Office Suite và phần mềm quản lý công việc
• Quản lý sự kiện từ giai đoạn ý tưởng đến lúc hoàn thiện
Kinh nghiệm chuyên môn
Giám đốc Văn phòng, Công ty Green Graphic Design, Chicago, Illinois
Tháng 8 năm 2007-nay
• Quản lý hoạt động hàng ngày, bao gồm quản lý chìa khóa văn phòng và các yêu cầu cung cấp hàng hóa • Liên hệ nhân sự cho đội ngũ 10 nhân viên, bao gồm phỏng vấn, tuyển dụng, chấm dứt hợp đồng, tư vấn nhân viên và giải quyết xung đột • Quản lý yêu cầu đi lại, công tác phí và hoàn trả tiền xăng xe cho của nhân viên • Giám sát di chuyển từ văn phòng này sang văn phòng khác, bao gồm thiết kế nội thất và quyết định mua đồ đạc, điều phối thời hạn xây dựng và giờ giấc cuộc họp
• Lập kế hoạch và tổ chức hội nghị định kỳ 6 tháng cho 200 người
Trợ lý điều hành, Công ty Young Law Firm, Omaha, NE
Tháng 5 năm 2000-tháng 7 năm 2007
• Quản lý lịch trình hàng ngày cho ba luật sư, bao gồm đặt lịch hẹn, gửi lời nhắc và điều phối các cuộc gặp khách hàng • Nhận và thực hiện các cuộc gọi từ khách hàng và các chuyên gia khác
• Giám sát hệ thống hồ sơ công ty, cả bản giấy và bản điện tử
Học vấn
Cử nhân, Nghiên cứu Truyền thông, Đại học Nebraska
Tháng 5 năm 2000
Kỹ năng và Chứng chỉ
• Bằng quản lý văn phòng kinh doanh được chứng nhận bởi Viện quản lý và chiến lược • Người lập kế hoạch cuộc họp được chứng nhận bởi hội Người lập kế hoạch cuộc họp quốc tế • Thành thạo Office Suite và phần mềm Quản lý tác vụ • Kiến thức vừa phải về các chương trình thiết kế của Adobe • Nói thành thạo tiếng Tây Ban Nha
• Làm tình nguyện viên vào các ngày thứ Bảy hàng tuần tại Chicago Food Bank bằng cách chuẩn bị và phục vụ các bữa ăn nóng hổi
Người giới thiệu
Tom Jones, CEO, Green Graphic Design
Betty Smith, Giảng viên, Viện Chiến lược Quản lý
—————————————————————————————————
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích.
– Bài viết gốc: https://www.indeed.com/career-advice/resumes-cover-letters/resume-writing-101
– Người dịch: Nguyễn Hồng Thảo
– Khi chia sẻ cần trích dẫn nguồn là ”Người dịch: Nguyễn Hồng Thảo – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/9221
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 16