Kỹ Năng

Nắm Trọn Ngay 10 Kỹ Năng Cần Thiết Để Đưa Vào Thư Xin Việc

📝Thư xin việc mang đến cho bạn cơ hội tuyệt vời để chia sẻ các kỹ năng của bạn và cách bạn dùng những kỹ năng này trong một công việc tương lai. Làm nổi bật những kỹ năng chuyển đổi này trong thư xin việc của bạn sẽ giúp nhà tuyển dụng có cơ hội tìm hiểu thêm về bạn và những gì bạn có thể đóng góp. Hiểu về những kỹ năng bạn sở hữu và việc chúng liên quan ra sao đến vị trí tuyển dụng có thể mang lại lợi thế cho bạn khi viết thư xin việc. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ thảo luận về 10 kỹ năng chuyển đổi mà bạn có thể đưa vào thư xin việc của mình, với các ví dụ cho mỗi kỹ năng.

1. Tại sao thêm các kỹ năng vào thư xin việc lại quan trọng?

Thư xin việc của bạn là thứ đầu đầu tiên có thể cho nhà tuyển dụng tương lai của bạn thấy lý do tại sao bạn là ứng viên có năng lực nhất cho vị trí này. Dù CV của bạn có thể liệt kê nhiều kỹ năng bạn có, chính thư xin việc mới là thứ bạn dùng để kể những câu chuyện và cung cấp những dẫn chứng mang tính cá nhân về kỹ năng và trình độ của mình. Làm nổi bật các kỹ năng chuyển đổi của bạn trong thư xin việc với những kinh nghiệm trước đó có thể cho thấy tính cách của bạn, đồng thời việc giải thích cách bạn xử lý các tình huống khác nhau sẽ cho nhà tuyển dụng thấy bạn có thể sử dụng những kỹ năng đó như thế nào tại công ty của họ.

2. Những kỹ năng tốt nhất trong thư xin việc

Dưới đây là 10 kỹ năng chuyển đổi mà bạn có thể đưa vào thư xin việc của mình, với các ví dụ:

  • Giao tiếp
  • Chăm sóc khách hàng
  • Làm việc nhóm
  • Khả năng lãnh đạo
  • Giải quyết vấn đề
  • Quản lý thời gian
  • Khả năng thích ứng
  • Sự đáng tin cậy
  • Công nghệ
  • Đạo đức nghề nghiệp

⏳Kỹ Năng Giao Tiếp

Các kỹ năng giao tiếp như chủ động lắng nghe và giao tiếp bằng văn bản là những kỹ năng rất được các nhà tuyển dụng săn đón. Khả năng giao tiếp hiệu quả khiến bạn trở thành một lựa chọn ưa thích hơn với các nhà tuyển dụng vì những kỹ năng này có thể sử dụng ở mọi lĩnh vực. Cho dù bạn được yêu cầu nói chuyện với khách hàng, đồng nghiệp hay ban quản trị, thì việc có kỹ năng giao tiếp tốt sẽ giúp bạn dễ làm việc cùng hơn.

Bạn có thể đưa các kỹ năng giao tiếp của mình vào thư xin việc bằng cách nêu bật các công việc trước đây mà bạn phải nói chuyện với nhiều người hàng ngày. Viết một lá thư xin việc xuất sắc cũng thể hiện rõ ràng kỹ năng giao tiếp bằng văn bản của bạn.

Ví dụ: “Công việc trước đây của tôi bao gồm việc nói chuyện với khách hàng qua điện thoại và trực tiếp để giải quyết mâu thuẫn về đơn đặt hàng, vì vậy, việc nhận cuộc gọi đến trung tâm hỗ trợ khách hàng của bạn sẽ rất dễ dàng với tôi.”

⏳Chăm sóc khách hàng

Kỹ năng chăm sóc khách hàng bao gồm nhiều kỹ năng mềm như chủ động lắng nghe, đồng cảm và giải quyết vấn đề. Có lịch sử làm công việc chăm sóc khách hàng có thể cho nhà tuyển dụng mới thấy rằng bạn đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực này và có thể chuyển những kỹ năng đó sang vị trí mới của bạn. Khi viết thư xin việc cho vị trí chăm sóc khách hàng hoặc bất kỳ vị trí nào liên quan đến việc giao tiếp với khách hàng, hãy thêm vào lược sử về những kinh nghiệm chăm sóc khách hàng tốt nhất của bạn và cách bạn có thể sử dụng chúng trong công việc mới của mình.

Ví dụ: “Ba công việc trước đây của tôi liên quan đến chăm sóc khách hàng và công việc gần đây nhất yêu cầu tôi phải nói chuyện với hơn 100 khách hàng mỗi ngày. Vị trí chăm sóc khách hàng của công ty rất giống với công việc gần đây nhất của tôi và tôi có thể chuyển các kỹ năng của mình sang vị trí có nhịp độ nhanh này ”.

⏳Làm việc nhóm

Có thể làm việc với người khác là một kỹ năng đầy sức mạnh được nhiều nhà tuyển dụng đánh giá cao. Ngay cả trong vai trò lãnh đạo và quản lý, làm việc nhóm rất quan trọng với việc thúc đẩy tiến độ và hoàn thành nhiệm vụ. Khi ứng tuyển một công việc có yêu cầu khả năng làm việc nhóm, hãy cân nhắc mô tả một kinh nghiệm làm việc với đồng nghiệp để hoàn thành nhiệm vụ nhằm đạt được mục tiêu hoặc hoàn thành deadline.

Ví dụ: “Tôi đã từng là thành viên của nhiều nhóm trong sự nghiệp của mình. Ở vị trí gần đây nhất, tôi là thành viên của một nhóm đã hoàn thành được các dự án hàng ngày và hàng tuần. Tôi đã tổ chức thực hiện các kế hoạch và trao đổi với các thành viên còn lại trong nhóm để đảm bảo rằng chúng tôi luôn hoàn thành nhiệm vụ trước thời hạn hàng tuần. Cho dù tôi đang thực hiện một nhiệm vụ như một phần của nhóm hay làm việc cùng với những người khác, làm việc với những người khác với tôi rất dễ dàng và tự nhiên. ”

⏳Khả năng lãnh đạo

Kỹ năng lãnh đạo là thứ quan trọng trong bất cứ lĩnh vực nào, cho dù bạn có phải là người quản lý hay không. Lãnh đạo không chỉ là quản lý — nó bao gồm khả năng quản lý thời gian và hành động của bạn khi làm việc với những người khác. Các nhà lãnh đạo hiệu quả giải quyết vấn đề, giao tiếp rõ ràng và biết cách đưa ra quyết định khi cần. Cân nhắc làm nổi bật một hoặc hai kinh nghiệm trước đây của bạn trong vai trò lãnh đạo. Nếu công việc bạn đang ứng tuyển sẽ là vị trí lãnh đạo chuyên nghiệp đầu tiên của bạn, bạn có thể đưa vào những kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy bạn có tố chất của một nhà lãnh đạo.

Ví dụ: “Theo kinh nghiệm của mình, tôi nhận thấy gương mẫu là phẩm chất tốt nhất của tôi, nhưng tôi cũng đã lãnh đạo nhiều dự án trong đó tôi tổ chức một nhóm và quản lý thời gian của chúng tôi để hoàn thành tất cả các nhiệm vụ cần thiết. Tôi đã giải quyết mọi xung đột phát sinh bằng cách giao tiếp với nhóm của mình và phát triển sự thấu hiểu về năng lực, cảm xúc và đạo đức nghề nghiệp của mỗi người. Những trải nghiệm này đã khiến tôi trở thành nhà lãnh đạo như ngày hôm nay ”.

⏳Giải quyết vấn đề

Có khả năng giải quyết vấn đề và xung đột vừa là kỹ năng lãnh đạo vừa là phẩm chất hữu ích với bất kỳ nhân viên nào. Khi một người quản lý có thể thấy tin tưởng vào khả năng tự quản và giải quyết vấn đề của bạn mà không cần giám sát quá mức, họ sẽ xem bạn như một tài sản quý giá đối với doanh nghiệp của họ. Có thể giải quyết vấn đề có nghĩa là bớt đi vấn đề đối với người quản lý đang nghĩ đến việc tuyển dụng bạn. Thêm vào các giải pháp và kết quả của các vấn đề trước đây bạn đã giải quyết trong thư xin việc của mình.

Ví dụ: “Tôi có thể xử lý bất kỳ vấn đề nào mà tôi từng gặp phải trong bất kỳ công việc nào. Trừ khi vấn đề yêu cầu sự chấp thuận của cấp trên trong việc quyết định một giải pháp cụ thể, tôi luôn có thể tự mình tìm ra giải pháp mà không cần phải làm phiền cấp trên hoặc những đồng nghiệp khác ”.

⏳Quản lý thời gian

Khả năng quản lý thời gian của bạn một cách hiệu quả là một kỹ năng hữu ích mà ban quản trị đánh giá cao. Bên cạnh khả năng hoàn thành các công việc cần thiết trước thời hạn hoặc vào cuối ngày làm việc, kỹ năng quản lý thời gian thường có nghĩa là bạn có thể hoàn thành nhiệm vụ nhanh hơn bình thường. Quản lý thời gian thành công cũng cho thấy bạn có hiểu biết về các công ty và đội ngũ bạn đã làm việc. Hãy cân nhắc sử dụng thư xin việc của bạn để cung cấp một ví dụ về việc bạn quản lý hiệu quả thời gian của bản thân hoặc người khác để hoàn thành các nhiệm vụ cần thiết trước thời hạn.

Ví dụ: “Ở bất kỳ vị trí nào mà tôi từng đảm nhiệm, quản lý thời gian cũng đều cực kỳ quan trọng. Mọi công việc đều bao gồm thời hạn hoàn thành và việc hoàn thành các nhiệm vụ cụ thể trước khi kết thúc một ngày hoặc một tuần, và tôi luôn đảm bảo mình hiểu được động lực của nhiệm vụ và của cả đội để hoàn thành nhiệm vụ của tôi trước khi cần. ”

⏳Khả năng thích ứng

Kỹ năng thích ứng là thứ tối quan trọng trong những môi trường làm việc có nhịp độ cao và có nhiều thay đổi. Khi một sự thay đổi xảy ra trong một công ty hoặc dự án, một nhân viên dễ thích nghi sẽ điều chỉnh nhiệm vụ và các mục tiêu của mình vì lợi ích của công ty và của chính họ. Việc có thể học các kỹ năng mới một cách nhanh chóng và hiệu quả sẽ là một lợi thế cho công ty và ứng viên. Cân nhắc việc giải thích về những công việc trước đây có yêu cầu bạn tìm hiểu một quy trình mới hoặc điều chỉnh thói quen hàng ngày và cách bạn thích nghi một cách tích cực và nhanh chóng.

Ví dụ: “Tôi thích làm việc trong môi trường có nhịp độ cao và có thể thích ứng với các quy trình mới bằng cách nhanh chóng học hỏi các kỹ năng mới. Công việc trước đây của tôi thường xuyên phải điều chỉnh các quy trình, và điều đó khiến tôi luôn sẵn sàng cho những thay đổi sẽ xảy ra ”.

⏳Sự đáng tin cậy

Đáng tin cậy là điều cực kỳ quan trọng đối với nhà tuyển dụng vì họ biết rằng họ có thể tin tưởng vào bạn. Khi bạn nói rằng bạn sẽ làm điều gì đó, mọi người hy vọng bạn sẽ giữ lời. Khi bạn đồng ý sẽ hoàn thành một nhiệm vụ, người quản lý mong có thể tin rằng bạn để hoàn thành một cách xuất sắc. Trong thư xin việc của mình, bạn có thể thêm những kinh nghiệm làm việc cho thấy người khác tin tưởng bạn và cách bạn đáp lại sự tin tưởng này một cách thành công.

Ví dụ: “Mọi công việc tôi đã làm đều liên quan đến việc ban quản lý tin tưởng tôi sẽ hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Tôi đã nhiều lần được tin tưởng giao cho những nhiệm vụ có yêu cầu cao hơn và đôi khi là tế nhị vì họ có thể tin rằng tôi sẽ hoàn thành chúng. Công ty có thể tin tưởng tôi sẽ hoàn thành bất kỳ nhiệm vụ nào tôi nói rằng tôi làm được và sẽ tự chịu trách nhiệm về mọi hành động mà tôi thực hiện ”.

⏳Công nghệ

Công nghệ sẽ càng ngày càng xuất hiện nhiều hơn tại nơi làm việc của hầu hết các lĩnh vực và việc có năng khiếu kỹ thuật có thể khiến nhà tuyển dụng tương lai của bạn cảm thấy thoải mái khi nghĩ đến việc thuê bạn. Đối với những công việc yêu cầu bạn sử dụng công nghệ, việc có thể sử dụng kiến thức kỹ thuật tổng quan của bạn để tìm hiểu về máy móc và các kỹ năng mới có thể khiến bạn trở thành ứng viên có năng lực hơn với công việc. Giải thích ngắn gọn công nghệ mà bạn hiểu và có liên quan trực tiếp đến vị trí tiềm năng của bạn cũng như mức độ thích ứng của bạn với công nghệ mới và các kỹ năng cần thiết.

Ví dụ: “Tôi có năng khiếu kỹ thuật mạnh mẽ và đã thích nghi với các công nghệ và quy trình mới trong mọi công việc tôi đã làm. Tôi có thể làm việc với nhiều chương trình máy tính, hiểu các hệ thống thiết bị bán hàng và nhanh chóng thích ứng với công nghệ mới khi cần ”.

⏳Đạo đức nghề nghiệp

Đạo đức nghề nghiệp là một kỹ năng và một giá trị mà các nhà tuyển dụng đánh giá cao. Khả năng tuân thủ các nghĩa vụ của bạn giúp bạn duy trì mối quan hệ tích cực với đồng nghiệp và các cấp quản lý của mình. Giải thích ngắn gọn về đạo đức nghề nghiệp tốt đẹp của bạn trong thư xin việc có thể giúp bạn có lợi thế hơn khi ứng tuyển.

Ví dụ: “Tôi tận tâm với công việc tôi làm ở bất cứ đâu và bất kể trách nhiệm của tôi là gì. Tôi quan tâm đến việc hoàn thành tốt mọi công việc hoặc nhiệm vụ mà tôi được giao và giữ quan điểm tích cực để mang lại lợi ích cho công ty và truyền cảm hứng cho các nhân viên khác. ”

**********************************

Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích

  • Bài viết gốc: indeed.com
  • Người dịch: Trần Công Thành
  • Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Trần Công Thành – Nguồn iVolunteer Vietnam”

Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/7895

Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ