Kỹ Năng

Ngôn Ngữ Có Thể Phá Hoại Sự Đa Dạng Và Nỗ Lực Hòa Nhập Của Bạn Như Thế Nào?

Nhiều năm về trước, tôi đã sinh ra một cặp song sinh cùng giới tính nữ. Hai mươi năm trôi qua, một trong hai người lớn lên và vẫn xác định giới tính của mình là nữ, trong khi đó người còn lại là người phi giới tính (phi nhị nguyên giới) với tên gọi bằng đại từ nhân xưng they/them.

Bằng cách sử dụng ngôn ngữ thông minh, cô chị gái đã đặt ra thuật ngữ “sibster” để mô tả mối quan hệ giữa hai người.

Khi các chuẩn mực xã hội đã có sự đổi mới so với trước kia, ngôn ngữ cũng phát triển để đáp ứng nhu cầu giao tiếp đang thay đổi liên tục và tự biến đổi để trở thành một yếu tố trong tiến trình hội nhập. Khi chúng ta đang sử dụng ngôn ngữ để thúc đẩy tính hòa nhập trong cộng đồng thì đáng buồn thay, vẫn tồn tại hàng chục cách sử dụng từ ngữ đã và đang gây ra những hành vi phân biệt đối xử.

Điều này có nghĩa là nếu tổ chức của bạn đang đổ hàng nghìn đô la và hàng trăm giờ làm việc vào các sáng kiến nhằm ​​đa dạng hóa, thúc đẩy sự hòa nhập nhưng lại không tập trung vào việc thay thế ngôn ngữ đã lỗi thời và các hành vi phân biệt đối xử bằng lời nói đầy khó chịu thì tất cả thời gian và tiền bạc đó có thể bị lãng phí.

Phân biệt đối xử bằng lời nói là gì?

Phân biệt đối xử bằng lời nói là việc sử dụng ngôn ngữ nhằm tạo ra một môi trường không thân thiện hoặc truyền đạt những định kiến hay những quan điểm chống lại một người hoặc một nhóm người.

Bạn là một người phụ nữ thường bị các đồng nghiệp nam yêu cầu pha cà phê và lưu lại các ghi chú? Đây là một hành vi phân biệt đối xử xuất phát từ định kiến về giới nữ và bản tính muốn kiểm soát phụ nữ của những người gia trưởng.

Bạn có phải là người hướng nội và bị sếp yêu cầu “hướng ngoại hơn không?”. Đây là một hành vi phân biệt đối xử nhằm kéo dài đặc quyền của người hướng ngoại cũng như quan điểm cho rằng người hướng ngoại sẽ được được ưu tiên và nổi bật hơn so với người hướng nội nhận thức.

Bạn có phải là một phụ nữ da đen thường xuyên bị người khác yêu cầu để chạm vào tóc của bạn không? Đây là một hành vi phân biệt chủng tộc và cũng là hành vi tạo ra sự cô lập với bạn.

Bạn có phải là người rối loạn phát triển thần kinh được cho là thiếu tinh tế hay thiếu hoạt bát không? Đây cũng là một hành vi phân biệt đối xử ngụ ý rằng chỉ những người bình thường, không mắc vấn đề gì về thần kinh mới được chấp nhận ở công ty và sự nhạy cảm không phải là thứ có giá trị tại nơi làm việc.

Sống chậm lại để ngăn chặn những hành vi phân biệt đối xử bằng lời nói

Bất cứ hành vi nào chúng ta đối xử với người khác mà không phù hợp với tính cách của họ và ta cũng chưa thực sự để ý mà thấu hiểu họ thì có nghĩa chúng ta đang không thực sự hòa nhập. Chúng ta sống quá nhanh mà quên mất việc phải bước chậm lại để thấu hiểu đối phương trước khi nói ra điều gì đó. Vì vậy việc áp những định kiến của bản thân lên họ là điều khó tránh khỏi.

Nóng vội là một dạng bạo lực. Khi ta sống một cách xô bồ và vội vã, ta sẽ chẳng thể nào thấy được những điều tốt đẹp của người khác, và cuối cùng chúng ta nói ra những điều xuất phát từ định kiến của bản thân thay vì từ lòng thấu cảm hay quan tâm. Điều này đa phần là vô ý, nhưng tác động mà nó để lại luôn lớn hơn những gì ta nghĩ, vì vậy điều quan trọng để các nhóm hay các tổ chức phát triển lành mạnh là phải sống chậm lại, mỗi thành viên cần tự nhìn nhận những định kiến ​​mà mình vô tình mang theo trong ngôn ngữ. Một khi chúng ta nhận thức được những định kiến ​​này, chúng ta có thể bắt đầu tập trung vào việc làm cho ngôn ngữ của chúng ta trở nên thân thiện hơn,  hòa nhập hơn.

Ngôn ngữ hòa nhập là như thế nào?

Ngôn ngữ hòa nhập sẽ rất hữu ích đấy, chẳng hạn như:

  • Thể hiện sự tôn trọng với những người rối loạn phát triển tâm thần. Nhiều người ADHD rất nhạy cảm với những lời chỉ trích, phản hồi và những bất công. Vì thế, khi giao tiếp bạn cần biết đối phương có phải người rối loạn phát triển thần kinh hay không. Nếu đúng, bạn cần dựa vào những kiến thức, hiểu biết về kiểu người này và đưa ra cách ứng xử phù hợp. Điều này có thể tạo ra những khác biệt trong việc đạt được kết quả bạn muốn và cần, đồng thời tôn vinh khả năng kết nối độc đáo của người đó.
  • Tôn trọng cách mọi người muốn được gọi tên và đối xử. Tên vô cùng quan trọng đối với con người, và các hình thức xưng hô khác như chức danh và đại từ cũng vậy. Chúng ta nên dành thời gian để học cách phát âm chính xác tên của ai đó hoặc gọi họ bằng đại từ chính xác không chỉ đơn thuần vì sự tử tế, mà chúng ta cần phải xây dựng môi trường hòa nhập thực sự.
  • Ngăn chặn sự phân biệt chủng tộc. Điều quan trọng đối với nỗ lực hòa nhập là chúng tôi cố gắng nâng cao nhận thức về ngôn ngữ cổ để củng cố quyền tối cao của người da trắng. Nhiều từ và cụm từ chúng ta thường sử dụng có nguồn gốc từ sự phân biệt chủng tộc và chống lại người da đen. Trong khi đó ở một số nơi, những từ và cụm từ khác đã bị xóa bỏ và người da trắng không nên sử dụng chúng trong các cuộc trò chuyện thông thường. Nếu bạn nhìn thấy và nghe thấy loại ngôn ngữ này, hãy mạnh dạn lên tiếng. Đôi khi mọi người không nhận thức được điều này và thứ ta cần làm là thông báo hay nhắc cho họ biết.

Tại sao các giải pháp hòa nhập của bạn có thể sẽ thất bại?

Khi hai người con của tôi vào đại học, có một vị giáo sư đã hỏi chúng rằng: “Hai người có điểm gì khác biệt ngoài kiểu tóc không?”

Con gái tôi có vẻ bối rối và trả lời rằng: “Ý của thầy là gì ạ? Chúng em là hai người hoàn toàn khác nhau”.

Mục đích trong câu hỏi của vị giáo sư này có tốt không? Có lẽ là có.

Vậy hậu quả mà lời nói trên để lại có gì chưa được nhân văn không? Chắc chắn có rồi.

Các nỗ lực của DEIB trong các tổ chức đều thất bại vì ngôn ngữ và hành vi độc hại giống như câu chuyện trên đang xảy ra hàng ngày ở những nơi làm việc trên toàn thế giới. Bởi vì quá thường xuyên nên chúng ta vô tình chối bỏ sự thật rằng, mỗi người là một cá nhân riêng biệt, có nhu cầu khác nhau và chọn cách giao tiếp qua loa, hời hợt để hòa nhập với nhau mà thiếu đi sự thấu cảm cũng như hiệu quả giao tiếp đáng ra cần được ưu tiên.

Tôi nói với các con rằng nếu chúng không cảm thấy an toàn, chúng nên rời lớp học. Và bất kỳ ai nếu đang ở một tổ chức mà họ không cảm thấy an toàn cũng có thể áp dụng điều tương tự.

Nếu bạn đang thắc mắc tại sao bây giờ lại có nhiều người ồ ạt rời bỏ tổ chức thì hãy xem lại cách nói chuyện của bản thân và mọi người. Bạn có đang sử dụng ngôn ngữ xem đối phương với tư cách là một người hay bạn đang khiến họ tin rằng bạn không thực sự coi họ là những người đáng được đối xử tử tế và thân thiện?

————————–

Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích

  • Theo: Entrepreneur
  • Người dịch: Trần Thị Thu Hường
  • Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Trần Thị Thu Hường – Nguồn iVolunteer Vietnam”

Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/10724

Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ