“Làm mẹ là học cách tìm ra sức mạnh tiềm ẩn của bạn và đối mặt với những nỗi sợ hãi bạn chưa bao giờ nghĩ đến.” – Linda Wooten.
Lúc ấy là vào tháng Mười năm 2016, tôi ngồi nhìn trân trân vào bức tường xung quanh, lại thêm một đêm dài mất ngủ, chăm sóc bé con mới lên một tuổi của tôi, và cảm thấy bản thân như một nỗi thất bại to lớn vì việc làm mẹ đối với tôi không hề dễ dàng một chút nào. Tại sao tôi chẳng thể kết nối với bản năng làm mẹ của mình? Tại sao tôi lại cảm thấy như vậy chứ, rằng việc trở thành một người mẹ đang dần làm tôi vụn vỡ thay vì trở nên hoàn thiện hơn?
Tôi luôn biết mình muốn làm mẹ như thế nào. Một điều hoàn toàn chắc chắn đối với tôi. Và, cũng như những cô bé khác, tôi lớn lên với những suy nghĩ đầy lãng mạn về điều đó. Tôi chẳng thể đợi được đến ngày được làm mẹ.
Thậm chí ngay cả lúc tôi bắt đầu nhận ra mọi thứ sẽ khó khăn hơn (vì các bé con không ngủ mà đúng chứ?), tôi vẫn tự tin rằng với tình yêu, sức mạnh và niềm khao khát mãnh liệt của mình tôi có thể vượt qua dễ dàng. Như chúng ta vẫn thường nghĩ, tôi đã tin rằng làm mẹ là một thiên chức tự nhiên của mỗi người phụ nữ, rằng chúng ta sinh ra để làm mẹ, nên kể cả khi ta vật vã trong nỗi khó khăn, thì bản năng của ta sẽ giúp ta tìm ra hướng giải quyết.
Tua nhanh tới một năm sau đó và tôi thực sự phải nói rằng tình yêu, sức mạnh và niềm khao khát ấy của tôi chỉ đơn giản là không đủ. Sự thật là việc trở thành một người mẹ đang dần làm tôi đánh mất chính mình. Nó làm tôi tự vấn về mọi thứ. Tôi không thể nhận ra bản thân mình và sự tự tin của tôi thì tụt dốc. Tôi cảm tưởng như chính tôi đã vụn vỡ thành hàng triệu mảnh nhỏ và chẳng thể ghép chúng lại được như xưa nữa.
Mất tổng cộng 18 tháng ngộp thở và hàng đống những câu hỏi không có câu trả lời dằn vặt tôi, cho đến cuối cùng tôi mới nhận thức được rằng cái tôi của ngày xưa sẽ không bao giờ trở lại nữa. Mọi thứ đã xoay chuyển hoàn toàn.
Đó là quãng thời gian dài nhất trong cuộc đời mà tôi cảm tưởng như mình đang chết chìm và tuyệt vọng vùng vẫy tìm phao cứu sinh. Điều thực sự mà tôi luôn kiếm tìm lúc ấy chính là sự đồng thuận tới từ chính bản thân tôi, rằng tôi muốn nhiều hơn việc làm mẹ đơn thuần, cũng như lòng dũng cảm và tình yêu bản thân để làm được điều đó. Tôi nhận ra việc làm mẹ đã làm tôi đánh mất bản ngã của mình, và tôi cần thời gian để vun đắp nó trở lại.
Tôi kiếm tìm sự giúp đỡ, đi trị liệu và thuê một huấn luyện viên. Tôi dành thời gian cho chính mình để có thể nuối tiếc những điều mà tôi đã đánh mất cũng như bắt đầu chầm chậm tái định nghĩa bản thân như một người mẹ và một người phụ nữ trưởng thành. Trong suốt hành trình ấy tôi đã không ngừng cố gắng để vực dậy sự mạnh mẽ, lòng dũng cảm, sự tự tin và xây dựng giá trị bản thân và bước ra thế giới với một cái tôi hoàn toàn mới.
Và đây là năm điều tôi đã rút ra được về việc làm mẹ sau hành trình ấy, cũng là những điều mà tôi ước gì đã có ai đó khuyên nhủ tôi vào thời điểm mà tôi đang lạc lối:
1. Không phải lỗi của bạn. Bạn không phải là vấn đề. Nó không như bạn nghĩ đâu.
Khi đang vật lộn để hiểu được rốt cuộc điều gì đang xảy ra khi tôi trở thành một người mẹ, tôi thực sự đã nghĩ rằng tôi là người duy nhất cảm thấy như vậy. Rằng tôi chẳng bao giờ có thể làm một người mẹ đủ tốt và đồng thời giữ được cái tôi của ngày xưa khi chính mình cũng đang đổi mới. Rằng tôi là kẻ duy nhất lúc nào cũng cảm thấy thiếu thốn dù tôi có làm bất cứ điều gì. Nhưng khi tôi tìm hiểu sâu hơn về những điều mà những người mẹ khác cũng đang cảm thấy, tôi mới biết thật ra có những cụm từ riêng gọi tên những điều mà chúng ta – những bà mẹ phải trải nghiệm. Tôi chưa bao giờ cảm thấy nhẹ nhõm và được công nhận như thế khi lần đầu tôi biết về chúng.
Ngành nghiên cứu học thuật về sự biến chuyển của phụ nữ sang một người mẹ được gọi là “matrescence” (tạm dịch: làm mẹ), một thuật ngữ được tạo ra vào năm 1973 bởi nhà nhân học y tế Dana Raphael. “Matrescence” là một sự biến chuyển toàn diện (thể chất, tâm lý, cảm xúc, xã hội, và tinh thần) một người phụ nữ trải qua khi trở thành một người mẹ.
Hãy nghĩ về nó như thời thanh niên của ta. Bạn còn nhớ cái hồi vẫn còn là thiếu niên, hormone sôi sục trong người, khi bạn thắc mắc về mọi thứ và cảm giác như mình không còn là mình nữa chứ? Điều tương tự cũng xảy ra khi bạn bắt đầu làm mẹ, chẳng qua chỉ lần này bạn được kỳ vọng phải tỏ ra bình tĩnh và vui vẻ, chứ không phải bối rối và lạc lõng.
Và sự phân tách nội tâm trong quá trình làm mẹ chính là cảm giác dường như bị chia đôi bởi chính con người ta đã từng là ngày xưa và vị trí người mẹ chúng ta đang trở thành. Không phải là chúng ta bất bình thường. Đó là một sự chuyển đổi bản ngã hoàn toàn CÓ THẬT và là lý do vì sao chúng ta cảm thấy mình cứ như bị chia tách về nhiều hướng chỉ trừ hướng mà chúng ta muốn.
2. Kỳ vọng mà thế giới áp đặt lên những người mẹ và những người phụ nữ chứa đầy mâu thuẫn.
Bên cạnh những đấu tranh nội tâm khi làm mẹ, những người phụ nữ và những người mẹ như chúng ta còn phải chịu thêm tầng tầng lớp lớp những kỳ vọng và niềm tin mà cả xã hội đặt vào, và rõ ràng là những điều đó không hề ủng hộ hay nâng đỡ ta trên chuyến hành trình này.
Áp lực ngàn cân đè nặng lên đôi vai chúng ta, ép chúng ta phải cố gắng để làm được mọi thứ: có được một sự nghiệp thành công cùng lúc với việc làm một người mẹ và một người bạn đời tận tụy ở nhà—chưa kể đến một dãy bất tận những điều nên làm khác. Nhưng nếu để ý kỹ hơn, bạn sẽ thấy những kỳ vọng của chúng ta về việc một người mẹ tốt phải như thế nào và một người phụ nữ thành công cần phải làm gì lại hoàn toàn mâu thuẫn.
Điều này chính là nguồn cơn lớn nhất cho cảm giác tội lỗi của bản thân tôi. Luôn luôn cố gắng tỏ ra đầy yêu thương, tận tâm và sẵn sàng hi sinh bản thân mình cho con trẻ, trong khi đồng thời cố gắng có một sự nghiệp rực rỡ mà tôi cũng cần một sự cống hiến tương đương thế. Không cần phải nói gì hơn nữa, tôi cảm thấy như bản thân mình đang dần đuối sức ở tất cả mọi việc.
Chỉ đến khi tôi nhận ra bản thân đang sử dụng những định nghĩa ngoài kia về thành công để cân đo đong đếm mình, tôi mới bắt đầu xem xét lại rằng rốt cuộc việc trở thành một người mẹ tốt cùng với một người phụ nữ thành công có ý nghĩa với tôi ra sao. Và khi tôi bắt đầu cho phép bản thân chỉ làm những việc mình cảm thấy ổn thỏa, tôi dần cảm thấy thoải mái hơn hẳn trong những quyết định hằng ngày của mình.
3. Làm mẹ khó lắm. Bạn không hề cô đơn đâu. Đó là một trải nghiệm chung của nhiều người nhưng rất ít người lên tiếng về nó.
Công việc làm mẹ là một công việc dầy mâu thuẫn. Không có đúng hay sai. Niềm vui, tình yêu, tội lỗi, đau buồn, và giận dữ cùng nhau tồn tại. Sự xáo trộn thường ngày có thể là một sự dằn vặt hoặc một sự ban phước. Thế nhưng không ai trong chúng ta thoải mái bộc lộ điều này. Chẳng ai nói với ta rằng những gì ta cảm thấy không chỉ rất bình thường mà còn được đoán trước khi ta đang đối diện với sự chuyển đổi về bản sắc lúc bắt đầu làm mẹ. Và cũng vì chẳng ai đề cập tới, ta cũng không nhận ra rằng thực chất đây là một trải nghiệm chung của bất kỳ người mẹ nào trên thế giới này.
Chúng ta cần để cho phụ nữ thoải mái bộc lộ toàn bộ những cung bậc cảm xúc của mình khi đối diện với việc làm mẹ. Không người mẹ nào phải cảm thấy cô đơn trên chuyến hành trình này. Tôi đã học được rằng điều đó chính là lý do vì sao việc chúng ta chia sẻ những câu chuyện của chính mình thật sự quan trọng. Và vì sao vươn tay với sự giúp đỡ, nói lên tiếng lòng, và dựng xây một nhóm cộng đồng gồm những người bạn đều làm mẹ để giúp sức và nâng đỡ nhau trở nên thiết yếu trên hành trình làm mẹ của chúng ta.
4. Cảm thấy tội lỗi vì còn mong muốn nhiều hơn có thể là một dấu hiệu tích cực.
Ôi chao, những cảm xúc tội lỗi khi làm mẹ. Tất cả những người mẹ đều biết việc mắc kẹt trong cảm xúc ấy thật tồi tệ như thế nào. Bạn cảm thấy tội lỗi vì chẳng muốn làm mẹ nữa. Vì tâm trí như lơ đãng trên mây khi ở cùng con trẻ. Vì không phải là một người bạn đời hoàn hảo. Vì thi thoảng vẫn cần phải giải tỏa tâm lý khỏi những điều vụn vặt hàng ngày. Vì khao khát khoảng không gian riêng. Vì chiếm lấy không gian của người khác! Và danh sách cứ thế tiếp tục nối dài
Cảm xúc tội lỗi ấy đã từng nuốt chửng tôi. Nó làm tôi tê liệt và khiến tôi chẳng muốn làm bất cứ điều gì. Những ngày tháng cứ thế trôi qua mà tôi chẳng cảm nhận được niềm vui vẻ, cho chính bản thân mình, vì tôi đã cảm thấy mình thật sai trái khi không làm được những gì tôi nghĩ mình đáng ra phải làm. Khi tôi bắt đầu hành trình chữa lành của mình, tôi nhận ra rằng nếu cứ tiếp tục như vậy, thì cảm giác tội lỗi ấy sẽ biến thành sự phẫn uất và sẽ thật khó khăn để thoát khỏi sự phẫn uất đó hơn rất nhiều.
Bây giờ đây, tôi nhìn nhận cảm xúc tội lỗi ấy khác hoàn toàn. Tôi tiếp nhận nó như một dấu hiệu rằng tôi đang không còn phù hợp với những gì tôi đang muốn hay cần. Nó là một phương thức kêu gọi khác của chính tâm hồn tôi, rằng tôi đã sẵn sàng để bắt đầu bước tiếp với những gì tôi thực sự muốn trong cuộc đời.
Khi tôi cảm nhận được sự tội lỗi đang dâng trào, tôi sẽ tạm nghỉ và tự nhủ với chính mình rằng tôi không chỉ là một người mẹ, một người bạn đời, một người phụ nữ của công việc. Rằng chẳng có gì sai trái khi tôi mong muốn có được những gì tôi chưa có. Và sau một hơi hít thở sâu, tôi hỏi chính mình, “Mình thực sự muốn làm gì nhỉ?” và bắt tay vào thực hiện nó.
5. Đây là cơ hội để bạn tái định nghĩa bản thân hoàn toàn.
Có lẽ điều quan trọng nhất tôi học được là việc làm mẹ có thể trở thành chất xúc tác cho việc thay đổi bản thân. Việc đánh mất bản ngã mà tôi từng cảm thấy khi bắt đầu làm mẹ đã thôi thúc tôi bước lên con đường khám phá chính mình.
Tôi đã phải rũ bỏ những niềm tin và kỳ vọng đã cũ về những gì tôi phải là hay làm. Từng bước từng bước một, tôi đã tự gây dựng cho mình sự tự tin và tái định nghĩa rằng bây giờ tôi đang là ai. Mỗi ngày tôi đều cố đảm bảo rằng tôi đang đi đúng hướng với những gì tôi cần và muốn cảm thấy bừng sáng, cân bằng, và tự do.
Làm mẹ là một chuyến hành trình của sự sáng tỏ, tái định dạng, và tái dựng xây, và không người mẹ nào nên cảm thấy cô đơn, mờ nhạt và câm lặng khi phải đối mặt với thách thức có lẽ là lớn nhất cuộc đời khi đó: chuyến khám phá xem cô ấy thật sự muốn trở thành ai.
————————————————————
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích.
- Bài viết gốc: TẠI ĐÂY
- Người dịch: Hoàng Khánh Linh.
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là: “Người dịch: Hoàng Khánh Linh – Nguồn iVolunteer Vietnam”.
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/8819
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 24