Giáo dục mầm non là một phần không thể thiếu trên con đường học tập của một đứa trẻ bởi giáo viên trong giai đoạn này sẽ là người tạo nền tảng tư duy và kỹ năng xã hội thiết yếu cho chúng qua những hướng dẫn tận tình và sự sáng tạo trong việc dạy học.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ về công việc của một giáo viên mầm non, nêu ra các kỹ năng cần thiết, hay miêu tả cách để trở thành một giáo viên mầm non cũng như chia sẻ bí quyết làm gây ấn tượng trong CV, đơn xin việc và phỏng vấn
Công việc của một giáo viên mầm non là gì?
Chủ yếu là soạn giáo án và hướng dẫn trẻ nhỏ (từ 3-5 tuổi) các kỹ năng cốt lõi như: ngôn ngữ, kỹ năng xã hội và vận động. Một giáo viên mầm non có thể làm thủ công, dạy số, màu sắc và khuyến khích học sinh giao tiếp. Bên cạnh đó, thiết kế hạng mục giảng dạy chuyên môn cũng là một phần quan trọng của nghề nghiệp này. Mục tiêu chính của một giáo viên mầm non là chuẩn bị nền tảng cho trẻ nhỏ trước thềm tiểu học.
Thói quen sinh hoạt vô cùng quan trọng đối với trẻ nhỏ vì vậy giáo viên cần phải đảm bảo chương trình dạy cân bằng giữa học tập và vui chơi, nghỉ ngơi. Ngoài ra, giáo viên cũng cần lưu giữ hồ sơ cũng nhưng hoàn tất giấy tờ và khoá đào tạo bổ sung; là cầu nối ban giám hiệu nhà trường, phụ huynh học sinh để xúc tiến các nhiệm vụ trong lớp học.
9 kỹ năng cần thiết để dạy học mầm non
Những kỹ năng/ tố chất được liệt kê dưới đây là những yêu cầu thiết yếu mà một giáo viên mầm non cần có:
- Kỹ năng tổ chức
Bất kỳ ngành nghề nào cũng đòi hỏi kỹ năng này và với một giáo viên, tính tổ chức được thể hiện ở giáo án, bài tập của học sinh, giấy tờ của nhà trường và kế hoạch học tập chuyên môn (nếu có); giữ không gian làm việc và lớp học ngăn nắp cùng với đánh dấu các sự kiện quan trọng, ngày nghỉ hay ngày sinh nhật học sinh. Một giáo viên mầm non có tính tổ chức cao có thể dành nhiều thời gian hơn để vui chơi và giảng dạy học sinh của mình.
- Khả năng hợp tác
Các giáo viên thường cần sự hợp tác để tạo ra một môi trường thân thiện cho học sinh. Lớp học sẽ gặt hái thành công nhanh hơn nếu giáo viên có thể cởi mở, cùng nhau tạo ra các hoạt động dạy học, tương trợ lẫn nhau trong lớp học và chia sẻ các ý tưởng mới.
- Tâm trạng thoải mái
Bằng cách cởi mở lắng nghe, tiếp thu suy nghĩ và hành vi của trẻ nhỏ, giáo viên có thể biến lớp học trở thành một môi trường thoải mái nhưng không kém phần tích cực. Bởi một giáo viên mầm non dày dặn kinh nghiệm vẫn có thể mang lại thành quả không tốt và dễ dàng mất kiểm soát; nhưng một giáo viên ôn hoà có tính tổ chức cao lại dễ dàng kết nối với học sinh của mình trong một môi trường không hề áp lực .
- Sự sáng tạo
Trẻ nhỏ thích màu sắc, vẽ vời suy nghĩ của mình với bút màu và giấy thủ công hoặc chìm đắm trong trí tưởng tượng của mình hoặc chơi cùng với bạn. Là một giáo viên mầm non sáng tạo, bạn có thể thiết kế giáo án độc đáo tập trung vào sự phát triển giáo dục. Sự sáng tạo cho phép giáo viên mầm non tìm ra giải pháp cho nhiều vấn đề nảy sinh ở trường và trong lớp. Động lực để tạo ra những giáo án sáng tạo là một tài sản lớn đối với mọi giáo viên mầm non giỏi.
- Kiên nhẫn
Làm việc với các bạn nhỏ đòi hỏi nhiều kiên nhẫn. Khi bạn dẫn dắt một lớp học, bạn phải hiểu rằng, ngoài cha mẹ hoặc bảo mẫu, nhóm tuổi này có thể chưa quen với việc học và làm theo hướng dẫn từ người khác. Kiên nhẫn trong giảng dạy trong sẽ xúc tiến sự kết nối giữa giáo viên và học sinh.
- Năng động
Phụ trách một lớp mầm non đòi hỏi bạn phải cố gắng phù hợp với sự hiếu động của học sinh cả một ngày. Từ giờ giải lao đến lúc ngủ trưa hay mỗi tiết học, một giáo viên năng động có thể khiến học sinh cảm nhận sự quan tâm của mình qua các hình thủ công mới ‘ra lò’ hay lắng nghe câu chuyện của các em. Trẻ nhỏ thường dễ dàng cởi mở và tin tưởng những người đem lại niềm vui cho mình
- Sự uy nghiêm
Một giáo viên mầm non cũng cần sự uy nghiêm trong lớp học của mình. Chăm sóc các em nhỏ là trách nhiệm và nghĩa vụ của bạn, dù bạn có thể dễ dãi và vui tính nhưng sự tôn trọng giáo viên vẫn phải được đề cao. Các em nhỏ nên biết rằng giáo viên sẽ không bao dung cho một số hành vi nhất định, như đánh hoặc cắn. Sự uy nghiêm cũng có nghĩa là học sinh nghe theo (phần lớn) lời dạy bảo và hướng dẫn của giáo viên. Phụ trách một lớp học là duy trì sự kiểm soát giữa các học sinh, hợp tác giảng dạy và giảm thiểu các hành vi không tốt từ trẻ nhỏ.
Để có sự uy nghiêm thì bạn cũng cần phải phải có kiến thức chuyên sâu về một lĩnh vực. Trong trường hợp này, bạn phải có thể có sự nhận thức nhất định về học sinh trong lớp học của mình, về sự phát triển của trẻ và các phong cách học tập khác nhau.
- Sự đồng cảm
Một giáo viên mầm non phải hiểu rằng sẽ có những vấn phức tạp nảy sinh xung quanh trẻ, có thể ở nhà hoặc ở trường và sự đồng cảm giúp giáo viên lắng nghe và nhạy cảm hơn với nhu cầu của trẻ. Điều này sẽ tạo ra sự khác biệt lớn về giá trị bản thân của một đứa trẻ và có sức ảnh hưởng lớn đến chúng. Có thể lắng nghe và kết nối với học sinh cũng khiến lớp học trở thành không gian an toàn để mọi người chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của mình.
- Khả năng giao tiếp
Giao tiếp với trẻ nhỏ là điều tối quan trọng để trở thành một giáo viên mầm non. Ngành nghề này cũng yêu cầu tần suất giao tiếp cao giữa phụ huynh, ban giám hiệu nhà trường và đồng nghiệp. Hiểu được cảm xúc của trẻ và có cách giao tiếp phù hợp với hoàn cảnh là điều cần thiết. Giáo viên mầm non cần theo dõi và tổng kết cho phụ huynh những lí giải hành vi, sự phát triển của trẻ nhỏ và lên kể hoạch cho con của họ
Cách để trở thành một giáo viên mầm non
Tuỳ thuộc vào từng khu vực/ quốc gia mà có những yêu cầu khác nhau, nhưng các bước dưới đây là hướng dẫn chung để trở thành 1 giáo viên mầm non.
1. Tốt nghiệp chuyên ngành
Một số khu vực yêu cầu bằng cao đẳng trong khi có những nơi khác có thể yêu cầu bằng cử nhân về giáo dục mầm non, sự phát triển của trẻ em hoặc các môn chuyên ngành tương đương. Ngay cả khi nhà tuyển dụng chỉ cần bằng cao đẳng thì tấm bằng cử nhân có thể giúp bạn có lợi thế hơn các ứng viên khác, hoặc đến đem lại nhiều cơ hội thăng tiến nghề nghiệp về lâu dài. Ngoài ra, trong quá trình theo học, hãy đảm bảo rằng bạn đang học tại một trường cao đẳng hoặc đại học được công nhận.
2. Lấy giấy phép giảng dạy
Ngay cả khi có bằng cấp, đa số vẫn yêu cầu có giấy phép giảng dạy, chi tiết sẽ khác nhau tuỳ thuộc vào đơn vị bạn xin vào.
3. Các giấy chứng nhận khác
Chi tiết các giấy chứng nhận cũng tuỳ thuộc vào nơi bạn học nhưng phải có các kỹ năng cơ bản như cách thiết kế giáo án, sự an toàn và phát triển của trẻ nhỏ. Một số trường có thể thuê ngoài và trả tiền thêm cho các khóa đào tạo bổ sung tùy theo nhu cầu. Các chương trình đại học cũng cung cấp các kỳ thực tập để sinh viên có cơ hội tiếp xúc với lớp học thực tế. Chứng chỉ sẽ là điểm cộng trong mắt các nhà tuyển dung và cũng giúp bạn có nhiều kinh nghiệm hơn khi đứng lớp.
4. Gửi đơn xin việc tới nhiều nhà tuyển dụng
Tổng kết các kết quả tìm kiếm và gửi hồ sơ xin việc tới các nhà tuyển dụng phù hợp. Đừng quên làm nổi bật các kỹ năng dạy học của mình cùng thái độ nhiệt tình, và hãy chỉnh sửa hồ sơ của mình cho phù hợp hơn với mô tả công việc và yêu cầu tuyển dụng.
Cách để cải thiện kỹ năng giảng dạy của bạn
Các mẹo dưới đây sẽ giúp bạn cải thiện kỹ năng giảng dạy khi đứng lớp:
- Hoàn thành kỳ thực tập: Khi đang học đại học, hãy cố gắng đăng ký tham gia thực tập càng sớm càng tốt để tích lũy kinh nghiệm giảng dạy cho mình thông qua sự hướng dẫn quý báu của các giáo viên đi trước.
- Học hỏi từ đồng nghiệp: Dù các giáo viên mầm non có thể có cùng trình độ học vấn và nền tảng nhưng cách xử lý tình huống, giao tiếp với học sinh và phương pháp giảng dạy hoàn toàn khác nhau. Bạn càng chọn lọc học hỏi từ đồng nghiệp của mình thì khả năng cải thiện càng cao.
- Tương tác với trẻ: Việc học hỏi có thể xảy ra ngay cả khi bạn không làm việc, hãy cố gắng tương tác với trẻ nhiều hơn bởi tiếp xúc với trẻ càng nhiều, bạn sẽ càng tự tin hơn trong lớp học của mình. Bạn có thể dành nhiều thời gian hơn cho cháu trong gia đình hoặc bạn bè, hay làm bảo mẫu cho hàng xóm. Những công việc này giúp bạn hiểu rõ hơn cách để giao tiếp với trẻ.
- Tham dự khóa đào tạo bổ sung: Hãy đăng ký các hội thảo qua web về giáo dục hoặc sự phát triển của trẻ em. Loại hình đào tạo này không chỉ giúp bạn tiếp cận với phương pháp học tập và giảng dạy mới mà còn có thể thêm điểm cộng cho hồ sơ của bạn. Bất kỳ kỹ năng nào học được từ các buổi hội thảo/ workshop này, chẳng hạn như học cách dựng đồ họa hay làm giáo án tương tác ảo, cũng có thể nâng cấp chất lượng lớp học của bạn
- Luôn yêu cầu phản hồi: Hãy cởi mở yêu cầu phản hồi trung thực, tích cực từ đồng nghiệp và cấp trên qua các buổi dự giờ (trong 1 tiếng, 1 buổi hoặc 1 ngày) để hiểu rõ bạn đã làm tốt những gì và cần cải thiện điểm nào.
Cách làm nổi bật kỹ năng trong hồ sơ
Khi đi xin việc, chúng ta đều không thể tránh khỏi sự canh tranh. Dưới đây là tips bạn có thể tham khảo để các kỹ năng giảng dạy học của mình nổi bật hơn trong hồ sơ xin việc cũng như cách giúp bạn trở thành ứng viên phù hợp trong vòng phỏng vấn
- Kỹ năng dạy học trong CV
Thông tin quan trọng nhất trong một bộ CV là thông tin về bằng cấp và các giấy chứng nhận bổ sung liên quan. Nếu bạn chưa có kinh nghiệm thực tế thì hãy nhấn mạnh vào các kỹ năng tổ chức, khả năng lãnh đạo và kiến thức về sự phát triển của trẻ nhỏ. Các hoạt động tình nguyện có liên quan tới trẻ em cũng có thể là điểm cộng và đừng quên cho nhà tuyển dụng thấy các giấy chứng nhận về sức khoẻ và an toàn, ví dụ như: giấy chứng nhận kỹ năng sơ cứu cơ bản và hô hấp nhân tạo.
- Kỹ năng dạy học trong hồ sơ xin việc
Trong hồ sơ xin việc, hãy tập trung vào các kỹ năng giao tiếp và mong muốn dạy học của mình. Khả năng tổ chức và sáng tạo của bạn sẽ được phát huy nếu bạn thực sự đam mê với công việc. Hãy trình bày các điểm mạnh về công nghiệ, nếu có, để trợ giúp trong việc tạo ra các bài giảng tương tác.
- Kỹ năng dạy học trong khi phỏng vấn
Các nhà tuyển dụng có thể sẽ hỏi bạn một số câu hỏi tình huống trong buổi phỏng vấn, để hiểu rõ hơn về cách bạn giải quyết vấn đề, phương pháp dạy học, cách hỗ trợ học sinh hoặc giao tiếp với phụ huynh. Đây chính là cơ hội để bạn nắm bắt, chứng minh rằng bạn hoàn phù hợp công việc ở thời điểm hiện tại. Thông qua các câu chuyện và niềm yêu thích công việc, các nhà tuyển dụng sẽ dễ dàng nắm bắt được bạn sẽ như thế nào khi đứng lớp
———————————————————–
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!
- Bài viết gốc: https://media.ivolunteervietnam.com/preschool-teaching-skills-definition-and-example.html
- Người dịch: Nguyễn Ngọc Anh
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Nguyễn Ngọc Anh – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/9110
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 22