Canada còn hơn cả xi-rô phong và sự lễ độ quá mức, là sự đa dạng ngôn ngữ rất lớn ở 10 tỉnh thành, với các thành phố lớn như Toronto và Vancouver chứa đầy các thứ tiếng từ khắp nơi trên thế giới. Không có gì ngạc nhiên khi tiếng Anh và tiếng Pháp là những ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất ở Canada.
Nhưng bạn có biết rằng có 67 ngôn ngữ thổ dân hiện đang tồn tại và phát triển ở Canada? Hay tiếng Quan thoại là tiếng mẹ đẻ phổ biến thứ ba? Hoặc số lượng người Canada có thể nói một ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh hoặc tiếng Pháp hiện đang tăng lên? Hay tiếng Tagalog là ngôn ngữ phát triển nhanh nhất toàn quốc?
Phải thừa nhận rằng, việc có hai ngôn ngữ chính thức sẽ làm phức tạp vấn đề ngay từ đầu. Điều tra dân số của Canada theo dõi các số liệu thống kê ngôn ngữ, bao gồm ngôn ngữ dùng ở nhà, ngôn ngữ mẹ đẻ, ngôn ngữ đầu tiên chính thức và ngôn ngữ được sử dụng thường xuyên nhất tại nơi làm việc.
Sự chú trọng đến độ chi tiết này không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Ủy viên Ngôn ngữ Chính thức của Canada, Graham Fraser, từng được đề cập tới trong một ấn bản in năm 2009 của The Hill Times, đã nói: “như cách chủng tộc là cốt lõi của người Mỹ và đẳng cấp là tinh hoa trong khí cốt của người Anh, tôi nghĩ ngôn ngữ là một nét đặc sắc của người Canada.”
Dưới đây là một bảng phân tích về 211 ngôn ngữ được sử dụng ở Canada – và lịch sử phức tạp của chúng.
Tiếng Anh: 20.193.335 người bản ngữ (58,1% tổng dân số Canada)
Nếu bạn du lịch Canada với vốn tiếng Anh công sở, có lẽ bạn sẽ ổn. Tiếng Anh là một trong hai ngôn ngữ chính thức được sử dụng ở Canada, và với việc 86,2% người Canada có thể nói chuyện bằng tiếng Anh (và 74,5% nói tiếng Anh ở nhà), tiếng Anh là ngôn ngữ chiếm đa số ở Canucks.
Điều này có lẽ đúng ở khắp mọi nơi ngoài Quebec và Nunavut, nơi Inuit là tiếng mẹ đẻ của 83% dân số.
Tiếng Pháp: 7.452.075 người bản ngữ (21,4% tổng dân số Canada)
Tiếng Pháp là một ngôn ngữ quan trọng cần biết ở Canada, và tỷ lệ người Canada có thể nói cả tiếng Anh và tiếng Pháp là 17,9%, cao nhất từ trước đến nay, vào năm 2016.
Tuy nhiên, mức độ phổ biến của tiếng Pháp với tư cách vừa là tiếng mẹ đẻ, vừa là ngôn ngữ được nói ở nhà đang giảm xuống, kể cả rất ít, ngay cả ở Quebec – lãnh địa của người Pháp.
Sự suy giảm này đã bất chấp những quy định pháp luật nghiêm ngặt về ngôn ngữ nhằm bảo tồn ưu thế của tiếng Pháp ở Quebec hàng thập kỷ nay, được thông qua lần đầu tiên vào năm 1977. Tuy nhiên, người ta vẫn tranh cãi gay gắt rằng liệu những luật lệ này có đủ nghiêm ngặt hay không. Mới năm ngoái, chính phủ Quebec đã sửa đổi luật để yêu cầu tất cả các biển hiệu ngoài trời và mặt tiền cửa hàng phải có tiếng Pháp.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Truyền thông Hélène David nói với các phóng viên vào thời điểm đó: “Mong muốn của tôi là ở khắp mọi nơi, các bảng chỉ dẫn thương mại đều nhắc nhở một cách rõ ràng rằng chúng ta đang thực sự ở Quebec.”
Tiếng Trung (tiếng Quan thoại và tiếng Quảng Đông): 1.204.865 người bản ngữ (3,5% tổng dân số Canada)
Với tiếng Quan thoại và tiếng Quảng Đông đứng vững vàng ở vị trí ngôn ngữ phổ biến thứ ba và thứ tư của Canada, tiếng Trung được dự đoán sẽ trở thành ngôn ngữ chính thức thứ ba.
Hơn thế nữa, tầm ảnh hưởng của nó ngày càng lớn. Số người nói tiếng Trung ở nhà đã tăng 16,8% từ năm 2011 đến năm 2016.
Những người nhập cư Trung Quốc đã di cư đến Canada trước năm 1867, năm Liên bang hoá Canada. Người Trung Quốc nhập cư tăng mạnh trở lại gần đây vào những năm 1990, khi phần lớn dân nhập cư đến Canada là người gốc Hoa.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chính phủ Canada luôn mở rộng vòng tay chào đón họ. Nhiều người người nhập cư sớm nhất đến đây do Cơn sốt vàng ở British Columbia, và chính phủ đã sớm thực hiện các bước để ban hành luật chống người nhập cư. Đạo luật Nhập cư Trung Quốc năm 1885 yêu cầu tất cả những người nhập cư Trung Quốc (trừ thương gia và sinh viên) phải trả 50$ thuế đầu người.
Ngày nay, các thành viên của chính phủ Canada đang tích cực cố gắng hạ thấp mức cấm nhập cảnh đối với người nhập cư Trung Quốc. Năm ngoái, Bộ trưởng Nhập cư John McCallum đã nỗ lực để giúp khách du lịch, sinh viên và người lao động tạm thời Trung Quốc có được thị thực dễ dàng hơn.
Các ngôn ngữ nhập cư khác: 6.544.255 người bản ngữ (18,8% tổng dân số Canada)
Ở đây, trong phần này của biểu đồ tròn về các loại ngôn ngữ, thể hiện sự đa dạng ngôn ngữ rất lớn.
Công bằng mà nói, việc tiếng Punjabi và tiếng Tagalog được xếp dưới tiếng Quan Thoại và tiếng Quảng Đông trong danh sách những ngôn ngữ được sử dụng phổ biến nhất ở Canada, có sự ảnh hưởng từ châu Á mạnh mẽ ở phía bắc.
Tính đến năm 2016, tiếng Tagalog là ngôn ngữ phổ biến thứ sáu ở Canada, nhưng cũng là ngôn ngữ phát triển nhanh nhất, với số lượng người nói tiếng Tagalog ở nhà tăng 35% từ năm 2011 đến năm 2016. Đương nhiên, bởi vì chủ yếu người nhập cư Canada là người gốc Philippines. Tiếng Ả Rập, tiếng Ba Tư (Farsi), tiếng Ấn và tiếng Urdu cũng phát triển đáng kể trong khoảng thời gian đó.
Nhìn chung, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ả Rập, tiếng Ý, tiếng Đức và tiếng Urdu lần lượt là những ngôn ngữ phổ biến tiếp theo.
Những ngôn ngữ ít phổ biến nhất ở Canada (ví dụ: tiếng Catalan, tiếng Fijian, tiếng Belarusan, tiếng Bilen và tiếng Kashmiri) đều tồn tại ở các khu vực với ít hơn 1000 người nói.
Đối với những cộng đồng ngôn ngữ nhỏ này, sự tụ cư rất quan trọng. Có một nhóm đáng chú ý gồm những người nói tiếng Ả Rập, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Do Thái ở Montreal, các gia đình Gujarati ở Bắc Alberta, những người nhập cư Philippines ở Yukon và những người nói tiếng Hàn ở New Brunswick.
Ngôn ngữ thổ dân: 213.230 người bản ngữ (0,6% tổng dân số Canada)
Lãnh thổ Canada bao gồm những dải đất rộng lớn, dân cư thưa thớt, và chính tại rất nhiều vùng xa xôi này mà tiếng thổ dân chiếm vị trí tối cao trong số các ngôn ngữ không chính thức (tức là các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh và tiếng Pháp).
Trong bản đồ tương tác của The 10 and 3, bạn có thể dễ dàng thấy các ngôn ngữ bản địa chiếm ưu thế về mặt địa lý như thế nào. Chúng chiếm hầu hết bản đồ!
Mặc dù sự nổi bật về hình ảnh này có phần dễ gây hiểu lầm khi bạn tính đến số liệu dân số thực tế, nhưng nó nói lên tầm quan trọng của các ngôn ngữ thời tiền thuộc địa ở Canada, đặc biệt khi bạn cho rằng số lượng người nói tiếng Inuktitut đã thực sự tăng lên trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2016. Ngoài ra, số người nói một trong những ngôn ngữ thổ dân là ngôn ngữ ở nhà cao hơn số người nói những ngôn ngữ này là tiếng mẹ đẻ, có nghĩa là có nhiều người tiếp thu chúng như ngôn ngữ thứ hai hơn.
Cree là ngôn ngữ thổ dân đông người nói nhất, với 69.975 người bản ngữ (0,2% tổng dân số).
Tất nhiên, phần lớn các ngôn ngữ này không nhất thiết phải là thứ mà người ta coi là “đang phát triển mạnh”. Chỉ có hơn 10.000 người ở Canada nói các ngôn ngữ Cree, Inuktitut, Ojibway, Oji-Cree, Dene và Montagnais (Innu). Và còn có nhiều ngôn ngữ bản địa khác có ít hơn 100 người nói, chúng bao gồm Sarsi, Oneida, Comox, Southern Tutchone, Squamish, Cayuga, Southern East Cree và một tổ hợp pha tạp của các ngôn ngữ Algonquian, Siouan, Athabaskan, Iroquoian và Wakashan khác.
(Dữ liệu dân số từ Tổng điều tra dân số năm 2016)
————————————————–
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!
- Theo: Babel Magazine
- Người dịch: Nguyễn Ánh Dương
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Nguyễn Ánh Dương – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/11028
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 30