Nam Cực không được biết đến với sự đa dạng về ngôn ngữ. Trên thực tế, nó không nổi tiếng với bất kỳ sự đa dạng nào. Đây là lục địa lớn thứ năm, nhưng lại cằn cỗi gần như toàn bộ sự sống. (Tất nhiên là ngoại trừ chim cánh cụt.) Vậy thì chúng ta có thể xác định được ngôn ngữ nào là ngôn ngữ của Nam Cực không?
Thực tế là có những người ở Nam Cực – gần như hoàn toàn là những nhà nghiên cứu – và họ tất nhiên phải giao tiếp bằng thứ ngôn ngữ nào đó. Chúng tôi đã xem xét khu vực rộng lớn bao phủ bởi toàn màu trắng xóa này để xem những ngôn ngữ nào được các cư dân ở đây sử dụng để giao tiếp với nhau.
Ngôn ngữ bản địa của Nam Cực
Không có ngôn ngữ nào là ngôn ngữ bản địa ở Nam Cực, và chúng tôi nghĩ đáng để chỉ ra điều đó. Có khoảng thời gian cách đây khoảng 52 triệu năm khi Nam Cực là thiên đường nhiệt đới – những cây cọ! ở Nam Cực! – nhưng đó là điều xảy ra trước khi có sự phát triển ngôn ngữ của con người. Sự tồn tại của con người trên lục địa là một hiện tượng tương đối mới.
Lược sử loài người trên Nam Cực
Ý niệm về một vùng đất dưới đáy của Trái đất đã có từ hàng trăm năm trước, nhưng lần đầu tiên được xác nhận là ở Nam Cực là vào ngày 27 tháng 1 năm 1820. Người ta nhìn thấy Nam Cực trong một chuyến thám hiểm do người Nga dẫn đầu, mặc dù họ không thực sự đặt chân lên đất liền. Cuộc đổ bộ đầu tiên vào Nam Cực xảy ra vào năm sau bởi tàu hải cẩu của người Mỹ John Davis, dù tuyên bố của anh ta không hoàn toàn được xác thực. Mãi đến năm 1895, người ta mới xác nhận được một cuộc đổ bộ hoàn toàn, khi những người săn cá voi Na Uy-Thụy Điển đặt chân lên lục địa.
Khám phá này đánh dấu giai đoạn đầu tiên của quá trình thám hiểm Nam Cực, giai đoạn này chủ yếu được thực hiện cho các mục đích săn bắn và buôn bán. Những người săn bắt cá voi và hải cẩu thường đi thuyền qua khu vực này để săn mồi. Cũng có nhiều cuộc viễn chinh hải quân và thám hiểm vào giữa thế kỷ 19, nhưng chúng không thực sự được đẩy mạnh cho đến gần cuối thế kỷ 19.
Cuối những năm 1800 và đầu những năm 1900 đánh dấu Thời đại anh hùng của Thám hiểm Nam Cực, khi các nhà thám hiểm từ khắp nơi trên thế giới bắt đầu khám phá những gì lục địa này mang lại. Hai trong số những khát khao đầu tiên là nắm bắt được từ tính và địa lý của Nam Cực. Điều đầu tiên được thực hiện bởi các nhà thám hiểm người Anh vào năm 1907, và điều thứ hai được các nhà thám hiểm người Na Uy thực hiện vào năm 1911. Đây là một kỷ nguyên được đánh dấu bởi sự kiên cường đáng kinh ngạc và những cái chết bi thảm trên lục địa.
Giai đoạn này và những năm sau đó cũng dẫn đến sự bắt đầu của các tuyên bố chính trị ở Nam Cực. Người Anh là những người đầu tiên tuyên bố chủ quyền đối với những dải đất rộng lớn trên lục địa, mở rộng lãnh thổ của họ ở đó vào năm 1917 và dần dần đòi thêm đất trong những thập kỷ sau đó. Lo lắng về việc người Anh giành được quyền kiểm soát hoàn toàn lục địa, Argentina, Chile, Na Uy và Pháp cũng bắt đầu đưa ra các yêu sách lãnh thổ của riêng họ.
Việc đòi đất ở nơi mà hoàn toàn không có người sinh sống và khó để bảo vệ đất dẫn đến nhiều tranh chấp. Lấy ví dụ, yêu sách của Na Uy – cụ thể là đối với một khu vực có tên là Queen Maud Land – mà sau một vài năm tranh chấp mới được người Anh chấp nhận, nhưng sau đó phát xít Đức cực liệt phản đối, vì muốn biến mảnh đất thuộc lục địa đó thành của riêng mình. Để tuyên bố chủ quyền, các phi công Đức đã bay qua vùng đất này, chụp ảnh nó và thả phi tiêu với hình ảnh chữ Swastika (chữ Vạn) trên chúng. Đây là thời điểm căng thẳng trong ngoại giao ở Nam Cực.
Để giải quyết các tuyên bố xung đột – chủ yếu là giữa Anh, Argentina và Chile – một thỏa thuận quốc tế đã được đề ra. Sau một vài nỗ lực thất bại, 12 quốc gia liên quan cuối cùng đã đồng lòng tham gia Hiệp ước Nam Cực, ký kết vào năm 1959. Trong đó, các quốc gia nhất trí rằng toàn bộ lục địa chỉ có thể được sử dụng vì lý do khoa học. Dù vậy, có bảy quốc gia có tuyên bố chủ quyền lãnh thổ – Argentina, Australia, Chile, Pháp, New Zealand, Na Uy và Vương quốc Anh – nhưng những tuyên bố đó phần lớn bị làm ngơ. Kể từ khi được thành lập, hiệp ước đã phát triển bao gồm 54 bên, hầu hết trong số họ thiết lập cơ sở nghiên cứu trên lục địa.
Những ngôn ngữ của Nam Cực
Dân số của Nam Cực dao động quanh năm, với khoảng 1.000 người ở đó vào mùa đông và 5.000 người vào mùa hè. Có 66 cơ sở nghiên cứu, nhưng chỉ khoảng một nửa trong số đó hoạt động quanh năm. Mặc dù dân số khá ít, nhưng con số đó bao gồm nhiều người từ khắp nơi trên thế giới, tức là có thể gồm một lượng lớn ngôn ngữ khác nhau.
Vào mùa hè năm 2017, dân số ở Nam Cực bao gồm những người đến từ Argentina (601), Úc (243), Belarus (12), Bỉ (40), Brazil (66), Bulgaria (22), Chile (433), Trung Quốc (166), Séc (20), Ecuador (34), Phần Lan (17), Pháp (90), Đức (104), Ấn Độ (113), Ý (120), Nhật Bản (130), Hàn Quốc (130), Hà Lan (10), New Zealand (86), Na Uy (70), Peru (30), Ba Lan (40), Nga (335), Nam Phi (80), Tây Ban Nha (98), Thụy Điển (20), Ukraine (34), Vương quốc Anh (196), Hoa Kỳ (1399) và Uruguay (68). Khu vực này cũng thu hút khoảng 50.000 khách du lịch mỗi năm, nhưng những người này không được tính là một phần của dân số.
Rất tiếc là chưa có điều tra dân số về ngôn ngữ của Nam Cực, nhưng bạn có thể đoán được chính xác số lượng người nói từng ngôn ngữ dựa trên quốc gia của họ. Ngôn ngữ có mặt nhiều nhất là tiếng Anh. Điều này là do các quốc gia nói tiếng Anh có số lượng đại diện lớn nhất trên lục địa, và cũng bởi vì tiếng Anh đã trở thành chuẩn mực của ngôn ngữ chung trong nghiên cứu khoa học (và cả phần còn lại của thế giới). Và ngoài tiếng Anh, có một số lượng nhỏ nhưng khá lớn những người nói tiếng Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Nhật, Trung Quốc và Ý, trong số những người khác.
Mặc dù tiếng Anh là ngôn ngữ mang tính đại diện nhất, nhưng Nam Cực cung cấp một mô hình thu nhỏ đầy hứa hẹn của thế giới. Khoa học không phải là điều gần lý tưởng, hoàn hảo trên mọi mặt, nhưng nó giúp hợp tác quốc tế và cộng đồng tìm hiểu thêm về thế giới chúng ta đang sống.
_____________________
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!
- Theo: Babbel
- Người dịch: Nguyễn Thị Huế
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Nguyễn Thị Huế – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/11310
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 41