Brazil chiếm một phần lớn diện tích Nam Mỹ, việc dẫn đến sự đa dạng về ngôn ngữ ở đất nước này. Bạn có biết những ngôn ngữ nào được nói nhiều nhất ở Brazil không?
Mặc dù tiếng Tây Ban Nha là ngôn ngữ chính ở hầu hết các quốc gia Nam Mỹ, nhưng Bồ Đào Nha mới thực sự là thứ tiếng được nói nhiều nhất tại nơi đây, nhờ vào Brazil. Ở quê nhà của lễ hội Carnaval, những điệu Samba, Bossa Nova, tiếng Bồ Đào Nha được nhiều người sử dụng, nhưng vẫn còn chỗ cho sự cùng chung sống của các ngôn ngữ khác như tiếng Nhật, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Hà Lan và tiếng Vlax Romani, chưa cần phải nói đến 274 các ngôn ngữ bản địa của những cá nhân đến từ 305 dân tộc khác nhau, theo ước tính của Điều tra dân số năm 2010.
Brazil là một trong những nơi đa dạng sinh học nhất trên thế giới và cũng là quê hương của vô số các nền văn hóa và ngôn ngữ khác nhau. Nhưng cũng như sự phong phú sinh học của Brazil chủ yếu ẩn sâu giữa tầng tầng rừng nhiệt đới Amazon, sự khác biệt về ngôn ngữ của nó cũng tập trung nhiều ở những vùng xa xôi nhất.
Ngay cả São Paulo, thành phố lớn nhất trên thế giới nói tiếng Bồ Đào Nha, cũng là nơi sinh sống của một cộng đồng lớn những người Ả Rập, Ý, Trung Quốc và Do Thái.
Hãy tiếp tục đọc để tìm hiểu về các ngôn ngữ được nói nhiều nhất ở Brazil.
Nhưng trước hết: vị trí ưu việt của tiếng Bồ Đào Nha trong số các ngôn ngữ được nói nhiều nhất ở Brazil
Hầu hết những nguồn thông tin đều cho rằng, tiếng Bồ Đào Nha lần đầu tiên đặt chân trên bờ biển Mỹ vào năm 1500, khi nhà hàng hải người Bồ Đào Nha Pedro Álvares Cabral đến Brazil.
Phần còn lại, như được biết, là do lịch sử thuộc địa. Ở thời điểm Cabral đến đây, có từ 6 đến 10 triệu người Mỹ da đỏ sống ở khu vực mà ngày nay là đất nước Brazil, nói khoảng 1.300 ngôn ngữ khác nhau. Hiện tại, ước tính có khoảng 170.000 người, và chỉ nói 181 ngôn ngữ. Mặc dù các nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha đã nỗ lực nghiên cứu ngôn ngữ Tupi của các bộ lạc ven biển, với mục đích chính là để truyền đạo hiệu quả hơn cho người bản địa. Sự trao đổi này tiếp tục cho đến khi Marquês de Pombal cấm sử dụng bất kỳ ngôn ngữ bản địa nào vào năm 1775.
Tiếng Bồ Đào Nha ngày nay của Brazil khác với tiếng Bồ Đào Nha ở châu Âu nhờ những dấu vết để lại của các ngôn ngữ châu Phi và châu Mỹ mà nó tiếp xúc. Có hơn 205 triệu người nói tiếng Bồ Đào Nha ở Brazil, so với 10 triệu người nói ở chính Bồ Đào Nha. Công bằng mà nói, người Bồ Đào Nha ở Brazil đã có cuộc đời riêng của họ kể từ thời thuộc địa.
Đặt vào bối cảnh hiện tại, có khoảng 207 triệu người sống ở Brazil ngày nay, có nghĩa là 99% dân số nói tiếng Bồ Đào Nha.
Trong số những nhóm nhỏ người bản địa, 17,5% không nói được tiếng Bồ Đào Nha.
Dù vậy, tiếng Bồ Đào Nha vẫn là ngôn ngữ chính thức của Brazil và là ngôn ngữ dùng trong các hoạt động giao tiếp, truyền thông và giáo dục công cộng của chính phủ nước này. Nhờ tác động của các phương tiện thông tin đại chúng, bất kỳ sự du nhập địa phương nào có thể từng tồn tại đều nhanh chóng giảm bớt (và càng củng cố thêm tính thống nhất của ngôn ngữ). Bất chấp điều đó, trong danh sách các ngôn ngữ được nói nhiều nhất ở Brazil, tiếng Bồ Đào Nha chiếm vị trí số 1.
Vậy còn những người nói tiếng Tây Ban Nha?
Có thể bạn nghĩ rằng tiếng Tây Ban Nha sẽ khá phổ biến ở quốc gia Mỹ Latinh này, nhưng theo Ethnologue, chỉ có 460.000 người nói tiếng Tây Ban Nha ở Brazil.
Trong làn sóng di cư lớn từ Tây Ban Nha đến Brazil giữa năm 1880 và năm 1930, nhiều người nhập cư có gốc gác từ Galicia, nơi có ngôn ngữ gần giống với tiếng Bồ Đào Nha hơn tiếng Tây Ban Nha. Do đó, phần lớn họ đã hòa nhập vào nền văn hóa nói tiếng Bồ Đào Nha.
Với truyền thống từ lâu muốn được công nhận là khác biệt với các nước Mỹ Latinh khác, điều có thể giải thích cho việc không có sự trao đổi nhiều giữa hai ngôn ngữ này, cho đến rất gần đây, tiếng Tây Ban Nha đang được người Brazil dùng như một ngôn ngữ thứ hai hoặc thứ ba. Nhưng ở các vùng của Brazil giáp biên giới với các quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha, người ta có thể gặp một ngôn ngữ pidgin được gọi là Portuñol (hoặc Portunhol, tùy vào người đang nói chuyện với bạn).
Vùng đất nhập cư của Brazil
Chỉ bởi vì 99% người Brazil nói tiếng Bồ Đào Nha không có nghĩa là họ không có bất kỳ ngôn ngữ nào khác.
Các ngôn ngữ nhập cư của Brazil bao gồm tiếng Catalunya, tiếng Hà Lan, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Ả Rập Bắc Levantine, tiếng Turoyo và tiếng Vlax Romani, cũng như các ngôn ngữ chính thống khác của châu Âu như tiếng Đức, tiếng Ý, tiếng Ba Lan và tiếng Ukraina.
Theo Bản đồ Địa lý thế giới, tiếng Đức và tiếng Ý là những ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi nhất trong số trên, với những người nhập cư từ những quốc gia này tập trung ở các khu vực phía nam và đông nam của Brazil. Ở đó, họ thậm chí còn có tiếng địa phương của riêng mình, được gọi là tiếng Đức Brazil, được 3 triệu người nói và tiếng Brazil Venetian (hoặc Talian), được nói bởi 1 triệu người.
Tiếng Đức thực sự có ảnh hưởng lớn ở Brazil, bởi nó là ngôn ngữ mẹ đẻ được sử dụng nhiều thứ nhì ở quốc gia này, mặc dù trên thực tế, cộng đồng người Đức nhỏ hơn so với cộng đồng người Tây Ban Nha và Ý. Thực sự có một số thành phố tự trị của Brazil đã công nhận các ngôn ngữ đồng chính thức, và phần lớn trong số đó là một trong hai phương ngữ tiếng Đức được gọi là Đông Pomeranian và Hunsrückisch.
Cộng đồng nói tiếng Nhật cũng tương đối lớn. Brazil có lẽ là nơi tập trung đông con cháu người Nhật nhất ngoài Nhật Bản, với một số lượng lớn đang định cư ở São Paulo. Những người nói tiếng Hàn và tiếng Trung cũng có thể được tìm thấy ở Paraná, Mato Grosso do Sul và Amazonas.
Ngoài ra, mặc dù không phải ngôn ngữ nhập cư, ngôn ngữ ký hiệu Brazil, hay LIBRAS, được chính phủ bắt buộc sử dụng trong các dịch vụ công như giáo dục và chăm sóc sức khỏe.
Ảnh hưởng từ xa của các ngôn ngữ bản địa
Các ngôn ngữ bản địa có thể không phải là ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất ở Brazil, nhưng chúng vẫn cần được tính đến! Theo Điều tra dân số năm 2010, 37,4% người bản địa từ 5 tuổi trở lên nói một ngôn ngữ bản địa ở nhà. Trong số những người sống ở các lãnh thổ bản xứ, tỷ lệ đó lên đến 57,3%.
Điều tra dân số năm 2010 thống kê được 274 ngôn ngữ bản địa và 305 dân tộc bản địa khác nhau, vượt qua ước tính ban đầu. Tuy nhiên, những người thực hiện điều tra dân số cũng đã cố hết sức để thu thập dữ liệu về những cư dân xa xôi nhất của Brazil, đi bằng xe máy, lừa, ca nô và máy bay để đến các mỏ vàng, khu ổ chuột, nhà tù, khu bảo tồn bản địa và các cộng đồng quilombola.
Bản đồ Địa lý thế giới cho biết có khoảng 536.000 người bản địa, cũng như 67 bộ lạc biệt lập ở Brazil – con số lớn nhất trên thế giới.
Các ngôn ngữ bản địa có thể được gộp lại thành các ngữ hệ lớn hơn, trong đó lớn nhất là Tupi và Macro-Jê.
Trong số các ngôn ngữ thổ dân da đỏ chính hiện có, bao gồm Guarani, Apalaí, Piraha, Terena, Kaingang, Arára, Canela, Carib, Buroro, Tucano, Tupiniquim, Caraja, Nheengatu và Nadeb, Nheengatu là một trong những ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi nhất, với khoảng 19.000 người nói bản địa tập trung ở vùng Rio Negro.
Cuộc điều tra dân số đã thống kê được 35.000 người nói tiếng Tikuna, cũng như 26.500 người nói tiếng Guarani Kaiowá, 22.000 người nói tiếng Kaingang, 13.300 người nói tiếng Xavante và 12.700 người nói tiếng Yanomami. Tiếng Tikuna được cho là hoàn toàn độc lập, không có ngôn ngữ liên quan nào khác được biết đến.
Với tất cả những điều trên, một phần lớn các ngôn ngữ bản địa của Brazil đang bị đe dọa hoặc sắp bị xoá sổ, có nghĩa là vị trí của chúng trong danh sách các ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất ở Brazil đang giảm xuống. Khoảng một phần ba các ngôn ngữ bản địa của Brazil có thể sẽ không còn tồn tại vào năm 2030.
————————————————–
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!
- Theo: Babel Magazine
- Người dịch: Nguyễn Ánh Dương
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Nguyễn Ánh Dương – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/11287
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 51