💥Công việc của nhà quản lý bộ phận quảng cáo là gì?
Các nhà quản lý quảng cáo làm việc chặt chẽ với nhóm của họ để tạo và triển khai các hình thức truyền thông quảng cáo khác nhau, xác định ngân sách và cộng tác để tạo ra các chiến dịch quảng bá hiệu quả. Các nhà quản lý quảng cáo đưa ra ý kiến về các trang web và các phương tiện khác, chuẩn bị ngân sách quảng cáo và thực hiện nghiên cứu thị trường.
Các nhiệm vụ khác của người quản lý quảng cáo bao gồm:
- Đàm phán hợp đồng quảng cáo cho các chiến dịch quảng cáo khác nhau thông qua các kênh truyền thông: báo in, quảng cáo trực tuyến, mạng xã hội, radio hoặc TV
- Theo dõi kết quả của các chiến dịch quảng cáo để xác định hiệu quả và tỷ lệ chi phí – lợi ích của chúng
- Giám sát việc thuê nhân viên quảng cáo và tiếp thị
- Xây dựng mối quan hệ với những người ra quyết định trên các nền tảng truyền thông khác nhau
- Xem xét và phê duyệt tất cả các phương tiện quảng cáo in và kỹ thuật số
- Xác định các chiến lược mới để tối đa hóa mức độ hiển thị của thương hiệu
- Giám sát và phê duyệt tất cả các tác phẩm nghệ thuật để xuất bản
💥Yêu cầu đối với vị trí quản lý quảng cáo
Có được vị trí quản lý quảng cáo có thể có một số yêu cầu nhất định tùy thuộc vào cấp độ của công việc mà bạn đang ứng tuyển, bao gồm:
Học vấn
Hầu hết các vị trí quản lý quảng cáo đều yêu cầu bằng cử nhân về quảng cáo, báo chí, marketing hoặc một chuyên ngành liên quan. Các khóa học có thể bao gồm tiếp thị, hành vi người tiêu dùng, kinh doanh, nghiên cứu thị trường, bán hàng, truyền thông, công nghệ, nghệ thuật thị giác và kỹ thuật số và nhiếp ảnh.
Đào tạo
Nhà quản lý quảng cáo thường có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực bán hàng, quảng cáo hoặc marketing, ở các vị trí như đại diện bán hàng, đại lý mua hàng hoặc chuyên viên quan hệ công chúng. Những người không có kinh nghiệm làm việc chính thức có thể được đào tạo thông qua thực tập. Nhiều nhà quản lý quảng cáo bắt đầu ở các vị trí hỗ trợ hoặc quản lý không yêu cầu kinh nghiệm, chẳng hạn như trợ lý marketing hoặc người viết quảng cáo cấp dưới, và thăng tiến qua các cấp độ kinh nghiệm.
Chứng chỉ
Chứng chỉ nghề nghiệp có thể xác nhận trình độ chuyên môn của một chuyên gia đối với các nhà tuyển dụng hiện tại và trong tương lai. Người quản lý quảng cáo có thể kiếm được chứng chỉ để có thêm kiến thức thực tế về công việc hàng ngày của họ, kiểm tra kỹ năng chuyên môn và thăng tiến hơn nữa trong sự nghiệp. Dưới đây là một số chứng chỉ phổ biến nhất cho nghề này:
Chứng nhận Chuyên gia quảng cáo (Certified Advertising Specialist – CAS)
Được quản lý bởi Hiệp hội Sản phẩm Quảng bá Quốc tế (Promotional Products Association International – PPAI), chứng nhận này thể hiện kiến thức và kinh nghiệm của một chuyên gia trong ngành sản phẩm quảng bá và được công nhận trên toàn thế giới. Chứng chỉ CAS công nhận năng lực chuyên môn và khuyến khích họp tập và phát triển nghề nghiệp liên tục. Để đạt được chứng chỉ, các chuyên gia phải vượt qua một loạt các khóa hướng dẫn nghiêm ngặt, sau mỗi khóa học là một bài kiểm tra, yêu cầu phải đạt 80% số điểm. Chứng chỉ cần được cấp lại ba năm một lần và bạn sẽ phải hoàn thành 25 tín chỉ giáo dục bổ sung bắt buộc.
Chuyên gia quảng cáo bậc thầy (Master Advertising Specialist – MAS)
Chứng nhận này thể hiện sự tận tâm chuẩn mực đối với nghề quảng bá sản phẩm và được công nhận trên toàn quốc. Các yêu cầu để đạt được chứng nhận này bao gồm ít nhất ba năm kinh nghiệm trong ngành sản phẩm quảng cáo và Chứng chỉ Chuyên gia Quảng cáo (CAS) còn hiệu lực, cùng với việc hoàn thành khoảng 15 khóa học và các câu hỏi cũng như 35 tín chỉ tự chọn cấp MAS. Để duy trì chứng nhận, chứng nhận cần phải được cấp lại ba năm một lần và bao gồm 25 tín chỉ giáo dục bổ sung bắt buộc.
Kỹ năng
Các nhà quản lý quảng cáo cần phải có một số kỹ năng cứng và mềm để thành công trong vai trò này. Một số kỹ năng cụ thể bao gồm:
- Giao tiếp: Nhà quản lý quảng cáo phải có khả năng giao tiếp hiệu quả với đội nhóm của họ, ban quản lý và các nhân viên khác. Ngoài ra, vai trò này đòi hỏi phải có khả năng giao và tiếp thuyết phục người mua trong thị trường mục tiêu của họ.
- Phân tích: Các nhà quản lý quảng cáo phải có khả năng nghiên cứu và phân tích các xu hướng trong ngành để xác định các chiến lược quảng cáo thiết thực nhất cho sản phẩm hoặc dịch vụ của họ.
- Sáng tạo: Các nhà quản lý quảng cáo được yêu cầu liên tục đưa ra các ý tưởng đổi mới cho các chiến dịch quảng bá hấp dẫn.
- Ra quyết định: Quyết đoán và thực tế là điều quan trọng đối với các nhà quản lý quảng cáo, vì họ thường phải lựa chọn giữa các chiến lược quảng cáo cạnh tranh do các thành viên trong nhóm đưa ra.
- Tổ chức: Quản lý thời gian và ngân sách trong khi chỉ đạo và giám sát nhóm với hiệu quả tối đa đòi hỏi các nhà quản lý quảng cáo phải sử dụng các kỹ năng tổ chức của họ một cách hiệu quả.
- Công nghệ: Người quản lý quảng cáo phải sử dụng thành thạo phần mềm cho các tác vụ như chế bản điện tử, trực quan hóa dữ liệu, phát triển trang web và chỉnh sửa video.
💥Môi trường làm việc của quản lý quản cáo
Các công việc về quảng cáo, khuyến mãi và quản lý marketing có thể căng thẳng, đặc biệt là khi gần đến thời hạn hoàn thành. Ngoài ra, những người trong những vai trò này có thể phải đi gặp khách hàng hoặc đại diện truyền thông.
Những nhà quản lý quản cáo thường làm việc trong môi trường văn phòng với các đặc thù sau:
- Ngồi trong thời gian dài
- Một tuần làm việc điển hình là 40 giờ, đôi khi phải làm thêm giờ để kịp tiến độ
- Sử dụng máy tính, máy in, máy fax và điện thoại văn phòng
- Làm việc với khách hàng, nhân viên và giám đốc điều hành hàng đầu
- Hiểu rằng công việc của họ ảnh hưởng trực tiếp kết quả kinh doanh sau thuế của công ty
- Đôi khi phải đi công tác để gặp gỡ, liên hệ với truyền thông hoặc khách hàng
Trình độ học vấn, kỹ năng và kinh nghiệm của các nhà quản lý quảng cáo có thể được chuyển giao giữa nhiều ngành. Những người này có thể sử dụng các kỹ năng của họ cho những lĩnh vực sau:
- Sản xuất
- Chính phủ
- Giáo dục
- Tập đoàn
- Chăm sóc sức khỏe
💥Làm thế nào để trở thành một nhà quản lý quảng cáo
Làm theo các bước sau để trở thành nhà quản lý quảng cáo:
1. Theo đuổi trình độ học vấn phù hợp
Người quản lý quảng cáo thường được yêu cầu có bằng cử nhân trong các lĩnh vực liên quan đến quảng cáo, báo chí hoặc truyền thông hoặc có bằng cử nhân trong lĩnh vực liên quan đến kinh doanh cùng với bằng thạc sĩ trong lĩnh vực quảng cáo chuyên biệt.
2. Tích lũy kinh nghiệm làm việc.
Có thể đạt được kinh nghiệm trong lĩnh vực bán hàng và marketing thông qua các vai trò hỗ trợ như trợ lý marketing, người viết quảng cáo cấp thấp hoặc các vị trí hành chính khác. Các vị trí thực tập có thể cung cấp kinh nghiệm thay cho kinh nghiệm làm việc chính thức trong nhiều tình huống và thậm chí có thể dẫn đến một công việc toàn thời gian.
3. Có được các chứng chỉ nghề nghiệp.
Mặc dù nhìn chung không bắt buộc nhưng bạn có thể cân nhắc việc sở hữu chứng chỉ chuyên môn về quảng cáo hoặc tiếp thị, vì nhiều nhà tuyển dụng bị ấn tượng bởi những chứng chỉ đó và có thể cân nhắc hơn đối với những ứng viên có chứng chỉ.
4. Chuẩn bị sơ yếu lý lịch và portfolio.
Bao gồm trình độ học vấn cao nhất của bạn, cùng với các chứng chỉ liên quan và quá trình làm việc của bạn vào sơ yếu lý lịch. Làm nổi bật những thành tựu theo ngành cụ thể của bạn và những thành tựu sử dụng các kỹ năng có thể chuyển giao của bạn. Một danh mục tổng hợp đầy đủ về các dự án thành công nhất của bạn cũng sẽ giúp bạn trở nên nổi bật.
5. Ứng tuyển các vị trí không yêu cầu kinh nghiệm.
Xem xét thị trường việc làm hiện tại ở khu vực của bạn và ứng tuyển vào các vị trí bạn có đủ năng lực. Tạo một thư xin việc hấp dẫn nêu bật các kỹ năng và phẩm chất cụ thể mà bạn có sẽ nhấn mạnh sự phù hợp của bạn với vị trí ứng tuyển. Chuẩn bị cho một cuộc phỏng vấn bằng cách nghiên cứu những phát triển mới trong ngành quảng cáo để sẵn sàng cho các câu hỏi và ý kiến của người phỏng vấn.
💥Ví dụ về mô tả công việc của quản lý quảng cáo
Blue River Worldwide Advertising, Inc. đang tìm kiếm một nhà quản lý quảng cáo nhiệt huyết với các kỹ năng tốt để phát triển các mối quan hệ chuyên nghiệp, chốt hợp đồng và thực hiện các chiến dịch quảng cáo.
Quản lý quảng cáo phải đạt và vượt mục tiêu doanh số bằng cách bán quảng cáo cho khách hàng mới bằng cách sử dụng các kỹ thuật bán hàng chuyên nghiệp và phong thái tự tin. Đây sẽ là đầu mối chính để bán hàng trên các phương tiện truyền thông và phối hợp với các bộ phận khác để đảm bảo sản phẩm và dịch vụ được cung cấp đúng thời hạn đã định.
Các trách nhiệm khác:
- Thúc đẩy mối quan hệ với các đại diện của các doanh nghiệp địa phương, có được khách hàng quảng cáo mới và duy trì các khách hàng hiện có. Điều này bao gồm tìm kiếm khách hàng tiềm năng mới, giới thiệu bản thử nghiệm, thương lượng tỷ lệ, chốt hợp đồng và duy trì mối quan hệ với khách hàng sau khi bán hàng.
- Luôn cập nhật các xu hướng và thông tin mới của ngành và xác định các khu vực tăng trưởng tiềm năng.
- Phát triển và duy trì danh sách liên hệ cá nhân bằng cách gọi điện và gặp gỡ khách hàng hiện tại và khách hàng tiềm năng hàng ngày và hàng tuần.
- Đáp ứng chỉ tiêu bán hàng hàng tháng, hàng quý và hàng năm.
- Nghiên cứu khách hàng tiềm năng cũng như đối thủ cạnh tranh.
- Sử dụng các kỹ năng giao tiếp bằng văn bản rõ ràng và hiệu quả để xây dựng các đề xuất cho khách hàng tiềm năng.
- Phối hợp các nỗ lực bán hàng giữa các bộ phận, thiết lập các hướng dẫn để giúp các nhóm làm việc hiệu quả và năng suất.
- Tạo báo cáo về những hướng phát triển mới liên quan đến xu hướng ngành, nhu cầu của khách hàng, phân tích cạnh tranh và ý tưởng mới cho sản phẩm và dịch vụ.
Yêu cầu:
- Kỹ năng giao tiếp tốt
- Kinh nghiệm quản lý nhóm thành công
- Kỹ năng thuyết trình và thuyết trình trước đám đông
- Có kiến thức về các xu hướng phát triển của ngành
- Khả năng phân tích các tình huống để xác định giải pháp
- Kỹ năng quản lý thời gian
- Xử lý văn bản, phần mềm cơ sở dữ liệu và bảng tính và trình độ máy tính nói chung
- Duy trì vẻ ngoài chuyên nghiệp
- Bằng cử nhân về quảng cáo, tiếp thị hoặc lĩnh vực liên quan
- Có ít nhất hai năm kinh nghiệm bán hàng B2B thành công, ưu tiên bán quảng cáo / truyền thông
________________________________
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!
- Theo: indeed
- Người dịch: Vũ Nguyễn Trà Mi
- Khi chia sẻ phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Vũ Nguyễn Trà Mi – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/11431
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 30