Kỹ Năng

Suy Nghĩ Như Elon Musk Với Tư Duy Nguyên Bản (First Principles Thinking)

Tư duy Nguyên bản hoặc lý luận từ các nguyên lý cơ bản là một trong những chiến lược tốt nhất được sử dụng để phá vỡ các vấn đề phức tạp và đưa ra các giải pháp độc đáo. Đó cũng là một trong những cách tốt nhất để học nghệ thuật suy nghĩ rõ ràng.

Lý luận từ tư duy Nguyên bản đã được sử dụng nhiều năm bởi những người thành công như John Boyd (chiến lược gia quân sự), Johannes Gutenberg (nhà phát minh) và Aristotle (triết gia cổ đại). Tuy nhiên, mấy ai chứng minh được lợi ích của Tư duy Nguyên bản trong thế giới hiện đại của chúng ta tốt hơn Elon Musk.

Ở tuổi 46, Elon Musk đã xây dựng ba tổ chức trị giá hàng tỷ đô la – mang tính cách mạng hóa thế giới – Tesla Motors (Ô tô), PayPal (Dịch vụ tài chính) và SpaceX (Hàng không vũ trụ). Thành công của ông ấy gắn liền với khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp và đạo đức làm việc đáng kinh ngạc.

Mặc dù đạo đức làm việc đóng một vai trò quan trọng trong việc làm chủ những gì bạn làm và dẫn lối thành công, nhưng thực tế còn nhiều hơn thế nữa. Khi nói đến thành công, điều quan trọng không phải là bạn dành bao nhiêu thời gian cho một việc gì đó mà chủ yếu là ở cách bạn suy nghĩ.

Hãy đọc tiếp và tìm hiểu cách Tư duy Nguyên bản giúp bạn giải quyết các vấn đề phức tạp, tăng năng suất và đạt được các mục tiêu lớn nhất.

💡Tư duy Nguyên bản (hay Tư duy Nguyên lý cơ bản) là gì?

Nguyên lý cơ bản được hình thành từ kết luận logic của một giả định. Có thể hiểu là không thể được suy luận gì thêm từ nó nữa. Gần hai nghìn năm trước, nhà triết học cổ đại Aristotle đã định nghĩa Nguyên lý Cơ bản là cơ sở mà từ đó một cá nhân nhận thức sâu sắc được một điều gì đó. Đây là lối suy nghĩ mà các nhà khoa học đã chấp nhận trong nhiều năm. Nghiên cứu khoa học cho thấy các nhà khoa học luôn cố gắng hết sức để loại bỏ mọi thiên kiến khỏi nghiên cứu của họ.

Một số câu hỏi mà họ tự hỏi mình bao gồm:

  • Điều gì đã được chứng minh?
  • Điều gì mà chúng ta chắc chắn?

Tư duy Nguyên bản (Tư duy Nguyên lý Cơ bản) buộc bạn phải đào sâu để tìm ra sự thật thực sự. Nhà triết học người Pháp Rene Descartes đã sử dụng phương pháp tư duy này bằng thuyết “Sự Nghi ngờ của Descartes”, buộc ông phải nghi ngờ mọi thứ mà ông có thể có một cách có hệ thống cho đến khi những gì ông có là những sự thật thuần túy không thể tranh cãi.

Trong thế giới hiện đại của chúng ta, bạn không cần phải đào sâu đến cấp độ nhỏ nhất để hiểu mọi vấn đề mà bạn đang gặp phải. Tất cả những gì bạn phải làm là phân tích sâu hơn một hoặc hai cấp độ so với bình thường. Ở mỗi cấp độ, bạn sẽ nhận được các giải pháp khác nhau.

John Boyd, một chiến lược gia quân sự nổi tiếng đã tạo ra một thí nghiệm giúp bạn học cách sử dụng Tư duy Nguyên bản trong cuộc sống hàng ngày của mình:

Hãy tưởng tượng bạn có những thứ này:

  • Một chiếc xe tăng quân sự
  • Một chiếc xe đạp

Bạn có thể chia các mục này thành các bộ phận cấu thành của chúng:

  • Xe tăng quân sự – Tấm giáp thép, bệ kim loại và súng
  • Xe đạp – Bánh xe, yên xe, bánh răng và tay lái

Bạn có thể sử dụng các bộ phận riêng lẻ này để tạo ra thứ gì đó khác biệt nhưng cũng thật đặc biệt. Đây là cách bạn sử dụng Nguyên lý Cơ bản. Bạn chia nhỏ một tình huống đến cốt lõi của nó và sau đó đặt chúng lại với nhau theo cách tốt hơn. Tóm lại, đó là giải cấu trúc để tái tạo lại cấu trúc tốt hơn.

Elon Musks'

💡Ví dụ về Tư duy Nguyên bản: Elon Musk và SpaceX

Điều hấp dẫn nhất về Elon Musk không phải là những gì ông ấy nghĩ mà là cách ông ấy nghĩ. Đây là những gì ông ấy từng nói:

‘Tôi nghĩ rằng quá trình suy nghĩ của mọi người quá bị ràng buộc bởi quy ước hoặc phép loại suy với những trải nghiệm trước đây… Bạn phải xây dựng lý luận từ đầu—“từ Nguyên lý Cơ bản” là cụm từ được sử dụng trong vật lý. Bạn xem xét các nguyên tắc cơ bản và xây dựng lập luận của mình từ đó, sau đó bạn xem liệu bạn có kết luận nào hiệu quả hay không, và nó có khác với những gì mọi người đã làm trong quá khứ hay không.’

* Phép loại suy: suy luận xuất phát từ sự giống nhau thực tế của hai đối tượng rồi đưa ra kết luận.

Để hiểu thực tế, ông đã bắt đầu với những sự thật trần trụi – không phải trực giác. Mặc dù chúng ta nghĩ rằng mình biết nhiều thứ, nhưng sự thật là chúng ta không biết nhiều như chúng ta nghĩ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc ra đưa quyết định tốt nhất khi chúng ta sử dụng các chiến lược. Do đó, dựa vào trực giác của chúng ta không phải là một ý kiến ​​hay khi giải quyết các vấn đề phức tạp.

Cách suy nghĩ của Musk hoàn toàn khác với quá trình suy nghĩ của một người bình thường. Ông ấy bắt đầu bằng cách tập trung vào những gì ông ấy muốn đạt được – chẳng hạn như chế tạo tên lửa. Sau đó, ông ấy đi sâu vào các nguyên lý cơ bản của vấn đề.

Tên lửa đắt tiền. Và đây là một trong những vấn đề mà ông phải đối mặt khi muốn đưa người lên sao Hỏa. Vì không có đủ nguồn lực để mua một tên lửa, ông ấy đã tự hỏi mình: “Tên lửa được làm bằng gì?” Ông ấy đã tìm thấy câu trả lời – sợi carbon, đồng, hợp kim nhôm cấp hàng không vũ trụ và titan.

Sau đó, ông tự hỏi: “Giá trị của những vật liệu này trên thị trường là bao nhiêu?”. Ông phát hiện ra rằng những vật liệu này chỉ bằng 2% chi phí của một tên lửa.

Vậy tại sao việc đưa một tên lửa lên sao Hỏa lại đắt đỏ như vậy? Vì dành phần lớn thời gian cho việc học nên Musk bắt đầu học khoa học tên lửa. Ông nhận thấy rằng việc sở hữu một tên lửa rất tốn kém bởi vì mọi người không sử dụng những suy nghĩ theo tư duy Nguyên bản. Sau đó, anh ấy tiếp tục tạo ra SpaceX để khám phá xem liệu anh ấy có thể chế tạo tên lửa từ đầu hay không.

Trong một cuộc phỏng vấn với Kevin Rose, ông ấy đã tóm tắt cách tiếp cận của mình:

‘Tôi nghĩ điều quan trọng là phải suy luận từ các nguyên lý cơ bản chứ không phải bằng phép loại suy… Nguyên lý cơ bản là một cách nhìn vật lý về thế giới, bạn rút gọn mọi thứ thành những sự thật cơ bản nhất và nói, “được rồi, điều gì mà chúng ta chắc chắn là đúng ?” … và lập luận từ đó.’

💡Sức mạnh của Tư duy Nguyên bản

Hầu hết mọi người sử dụng tư duy truyền thống để hiểu các tình huống khác nhau và giải quyết các vấn đề phức tạp. Tư duy truyền thống liên quan đến việc sử dụng trực giác và phép loại suy. Mặc dù chúng ta muốn biết mọi thứ để giải quyết vấn đề nhanh chóng và hiệu quả, nhưng sự thật là chúng ta không biết nhiều thứ. Do đó, dựa vào trực giác của chúng ta có thể khiến chúng ta khó hiểu và giải quyết vấn đề hơn.

Một khía cạnh khác mà bạn nên ghi nhớ là phép loại suy không bao giờ có thể thay thế sự hiểu biết. Mặc dù bạn dễ dàng suy luận bằng phép loại suy, nhưng bạn sẽ dễ dàng tìm ra câu trả lời tốt hơn khi nắm bắt Tư duy Nguyên bản.

💡Suy nghĩ sáng tạo khi giải quyết vấn đề

Lập luận từ các Nguyên lý Cơ bản sẽ cho phép bạn bước ra khỏi trí tuệ thông thường và lịch sử, đồng thời khám phá những khả năng mới. Khi bạn hiểu các nguyên lý gốc, mọi thứ sẽ bắt đầu có ý nghĩa.

Tư duy theo Nguyên lý Cơ bản hữu ích khi bạn:

  • Cố gắng giải quyết một vấn đề phức tạp
  • Làm điều gì đó lần đầu tiên
  • Cố gắng hết sức để hiểu một vấn đề phức tạp

Trong ba lĩnh vực này, suy nghĩ của bạn sẽ trở nên tốt hơn khi bạn tránh đưa ra các giả định hoặc cho phép người khác đóng khung và giải quyết vấn đề cho bạn.

Hầu hết mọi người tin rằng sáng tạo là một đặc điểm mà chỉ một số ít người bẩm sinh đã có – rằng bạn có hay không là do bạn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng điều này không đúng.

Mỗi con người đều sáng tạo. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, cha mẹ và giáo viên dập tắt khả năng đó của chúng ta. Khi trưởng thành, chúng ta bắt đầu suy nghĩ theo quy ước bởi vì nó dễ hơn là suy nghĩ theo nguyên lý cơ bản. Khi bạn bắt đầu sử dụng Tư duy theo các Nguyên lý Cơ bản, mọi thứ sẽ trở nên khả thi.

💡Áp dụng cho các vấn đề hàng ngày

Tư duy theo Nguyên lý Cơ bản không chỉ được áp dụng khi giải các bài toán khoa học về tên lửa hoặc các phương trình khoa học phức tạp. Bạn có thể sử dụng nó để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày của mình.

Đây là hai ví dụ:

Giả định: Tôi sẽ cần rất nhiều tiền để phát triển doanh nghiệp của mình.

Tư duy Nguyên bản:

  • Bạn cần gì để phát triển doanh nghiệp của mình? Bạn sẽ cần bán sản phẩm hoặc dịch vụ cho nhiều khách hàng hơn.
  • Bạn có phải đầu tư nhiều tiền để bán sản phẩm hoặc dịch vụ cho khách hàng mới không? Không hẳn. Tuy nhiên, bạn sẽ cần tiếp cận những khách hàng này bằng các phương pháp ít tốn kém.
  • Ai có thể giúp bạn tiếp cận những khách hàng này? Và làm thế nào bạn có thể đưa ra một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi? Bạn có thể xem xét hợp tác với các doanh nghiệp phục vụ những khách hàng này và chia lợi nhuận.

Giả định: Tôi phải dành nhiều thời gian và sức lực để trở thành một nhà văn thành công.

Tư duy Nguyên bản:

  • Bạn cần gì để tạo ra nội dung hay và kiếm sống bằng nghề viết lách? Bạn sẽ cần một số lượng lớn khách hàng và khán giả trả tiền hậu hĩnh, những người đánh giá cao công việc của bạn và sẵn sàng mua các bài báo của bạn.
  • Bạn cần gì để có lượng khán giả lớn hơn? Bạn cần tìm hiểu về các phương pháp tiếp thị hiệu quả nhất. Tập trung vào việc bán các tác phẩm của bạn để cải thiện cuộc sống của khán giả sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu của mình.

💡Làm thế nào để làm chủ tư duy theo nguyên tắc đầu tiên

Tư duy Nguyên bản sẽ giúp bạn phát triển một cách nhìn khác về thế giới và giải quyết các vấn đề phức tạp theo những cách mà không ai khác có thể hiểu được. Dưới đây là 3 bước đơn giản mà Elon Musk khuyên bạn nên sử dụng:

1. Xác định các giả định

Tất cả chúng ta đều đưa ra các giả định trong các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống. Một số giả định phổ biến bao gồm:

  • Tôi sẽ cần đầu tư vào thiết bị đắt tiền để tăng mức năng suất của mình. 
  • Tôi không có thời gian để làm những dự án phức tạp…

Lần tới khi bạn đối mặt với một vấn đề phức tạp, hãy viết ra mọi giả định xuất hiện trong đầu. Bạn sẽ bị cuốn hút bởi phương pháp này.

2. Chia nhỏ vấn đề

Như chúng tôi đã nói trước đó, các nguyên lý cơ bản là những yếu tố nền tảng tạo nên sự thật của một điều gì đó. Để khám phá những sự thật này, bạn cần đặt cho mình những câu hỏi mạnh mẽ.

Đây là một ví dụ tuyệt vời mà Elon Musk đã sử dụng trong cuộc phỏng vấn với Kevin Rose:

  • Ai đó có thể nói, “Bộ pin thực sự rất đắt và chúng sẽ luôn như vậy. Trong lịch sử, nó có giá 600 đô la mỗi kilowatt giờ. Giá sẽ không tốt hơn nhiều trong tương lai.”
  • Với Nguyên lý Cơ bản, tôi nói, “Thành phần vật chất của pin là gì? Giá trị thị trường chứng khoán của các thành phần vật chất là gì?” Nó có coban, niken, nhôm, cacbon, một số polime để phân tách và vỏ hộp kín.
  • Chia nhỏ điều đó trên cơ sở vật chất và nói, “Nếu chúng ta mua nó trên Sàn giao dịch kim loại Luân Đôn, mỗi thứ đó sẽ có giá bao nhiêu?” Nó khoảng $80 mỗi kilowatt giờ.

Kết luận? Bạn chỉ cần nghĩ ra những cách thông minh để lấy những vật liệu đó và kết hợp chúng thành hình dạng của một cục pin và bạn có thể có những cục pin rẻ hơn rất, rất nhiều so với những gì mọi người nghĩ.

Bạn không cần phải tuân theo những lối suy nghĩ thông thường để đạt được mục tiêu của mình. Nghĩ khác đi là con đường nên đi.

3. Tạo giải pháp mới

Sau khi xác định và phá vỡ các giả định của bạn thành những sự thật cơ bản, bạn cần tạo ra các giải pháp sâu sắc. Đây là một ví dụ sẽ hướng dẫn bạn:

Giả định: Tôi không có thời gian để tập thể dục và đạt được các mục tiêu về sức khỏe của mình.

Tư duy Nguyên bản:

  • Bạn cần gì để đạt được mục tiêu sức khỏe của mình? Bạn cần tập thể dục 5 tiếng một tuần (1 tiếng mỗi ngày).
  • Tôi có thể đạt được mục tiêu của mình bằng cách tập thể dục ít thường xuyên hơn không? Có! Bạn có thể tập thể dục mười lăm phút ba ngày một tuần. Tập luyện cơ thể cường độ cao (HIIT) sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu sức khỏe của mình một cách dễ dàng và nhanh chóng.

💡Kết luận

Khi bạn cố gắng đạt được mục tiêu của mình, bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề. Tâm trí của bạn sẽ luôn nảy ra những giả định khi bạn đang cố gắng giải quyết một vấn đề phức tạp.

Phá vỡ những giả định này để khám phá những sự thật tiềm ẩn sẽ giúp bạn đưa ra giải pháp cho những vấn đề tưởng chừng như không thể. Học cách phát triển Tư duy Nguyên bản sẽ đền đáp bạn xứng đáng về lâu dài. Bạn có thể áp dụng Tư duy theo các nguyên lý cơ bản trong cuộc sống hàng ngày của mình một cách dễ dàng.


  • Tác giả: Leon Ho – Founder & CEO of Lifehack
  • Người dịch: Tạ Thu An
  • Khi chia sẻ phải trích dẫn nguồn: “Người dịch: Tạ Thu An – Nguồn: iVolunteer Vietnam”

Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/19398

Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.

Lượt xem: 59

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ