“Sự cảm thông đến từ cách tôi đấu tranh với cuộc đời mình – Tôi có thể thấu được nỗi đau, cảm giác bị bỏ rơi, và không một ai yêu thương.” – Oprah Winfrey
Bạn xem mình là nạn nhân, bạn sẽ trở thành nạn nhân. Bạn tự nhận mình là nạn nhân, bạn đã trao cho kẻ bạo hành quyền lực trên bạn, quyền lực để định rõ bạn là ai.
Những câu nói ấy ngày nay đã trở thành suy nghĩ thường tình vì chúng hoàn toàn chính xác. Nếu bạn xem mình là nạn nhân, bạn sẽ là nạn nhân. Bạn trở thành kẻ thua cuộc, nhận sự thương hại từ người khác và không cách nào sống nổi.
Chưa hết, sự thật là rất nhiều người đã từng là nạn nhân. Trên thực tế, có lẽ công bằng mà nói mỗi người đều đã từng là nạn nhân của điều gì đó hoặc ai đó vào một thời điểm trong cuộc đời. Vậy thì, làm thế nào chúng ta có thể phủ nhận mình là nạn nhân mà không chối bỏ thực tại? Mặt khác, nếu chúng ta chấp nhận làm nạn nhân, chẳng phải chúng ta đang từ bỏ sức mạnh và quyền tự chủ của chính mình hay sao?
Tôi nghĩ câu trả lời một phần nằm ở sự linh hoạt của ngôn ngữ, một điểm khác biệt nhỏ tạo nên một sự khác biệt lớn. Thay vì tự nhận mình là nạn nhân (victim), tại sao không nói chúng ta đã bị bạo hành (victimize)?
Có một điều ta ngay lập tức nhìn thấy là từ này được dùng để diễn tả hành động, không phải chỉ về con người. Nó có nghĩa là ai đó đã bị lợi dụng, ngược đãi, bắt nạt, bị lừa gạt hoặc bất cứ hành vi phạm tội nào. Nó không tước đi quyền lợi của một người về sau khi trực tiếp xác định họ là nạn nhân sau vụ việc.
Trên thực tế, “victimize” (bạo hành) là một động từ, và việc ta sử dụng nó trông sẽ tập trung vào chủ thể hơn là đối tượng. Khi tôi nghe từ “bạo hành”, suy nghĩ đầu tiên của tôi là “Ai đã làm điều đó?”, chứ không phải “Ai là nạn nhân?”
Cho dù điều đó chẳng khác gì đầu như búa bổ làm đôi, nhưng từ “bạo hành” chỉ diễn tả một khoảnh khắc trong một khoảng thời gian chứ không chỉ về một con người. Một từ hình dung chính xác thực tế mà không biến thực tế đó trở thành vĩnh viễn khi xác định một người là nạn nhân. Một từ thể hiện tính công bằng khi nhấn mạnh vào người đáng lẽ không nên làm điều đó thay vì người không nên để điều đó xảy ra, giống như họ không có lựa chọn nào khác
Tuy nhiên, có một điều quan trọng hơn cả những định nghĩa kia, đó là: Trong khi chúng ta không muốn tự nhận mình là nạn nhân, chúng ta cũng không muốn xóa đi những đoạn kí ức quan trọng trong câu chuyện của chính mình, một phần đóng vai trò không thể thiếu trong quá trinh lớn lên và phát triển của con người hơn bất kỳ thứ gì khác.
Cảm giác khó chịu có thể sẽ trải qua, nhưng nỗi đau thì càng hằn sâu trong lòng. Khi ta đau và cảm nhận được nỗi đau, đó là cách ta cảm thông với những ai đang, đã và sẽ chịu đau đớn và tổn thương.
Trong nỗi đau đó, một người sẽ được thử trải nghiệm cùng với những người khác đang chịu đựng nó, và họ được kết nối với rất nhiều người đối mặt với vô vàn hoàn cảnh khác nhau. Có khổ mới làm người, đó là một phần tất yếu trong cuộc sống.
Khi đi từ một khía cạnh khác, chúng ta còn có sự lựa chọn khác. Chúng ta có thể quên đi những nỗi đau của mình và không học được gì cả, mọi thứ không thay đổi. Hoặc là, chúng ta có thể tự nhận mình là một người cam chịu và lựa một câu chuyện buồn khác để níu lấy. Câu chuyện được kể để trả lời cho câu hỏi, cái gì tạo ra cái tôi của chúng ta, và quả thực đối với nhiều người, cái tôi đó là một câu chuyện về nạn nhân.
Mặc dù xét theo bề ngoài, danh tính nạn nhân đó không phải là một điều đáng mừng, nhưng mỗi câu chuyện đều có giá trị riêng của nó. Đó chắc chắn là một cách để trốn tránh trách nhiệm và nhận sự đồng cảm từ người khác. Và trên hết, điều này sẽ mang lại sự ổn định của danh tính mới được tạo ra, thể hiện rõ cái tôi một cách chính xác
Sự ổn định đó chỉ ngăn được tạm thời nỗi sợ hãi tột cùng – một điều luôn bất biến trong cuộc đời. Nhưng đồng thời, bám vào sự ổn định này khiến chúng ta phải đấu tranh với cuộc sống, rồi dẫn đến đau khổ. Đó chính là sự chối bỏ cuộc sống.
Tuy nhiên, có một cách thứ ba, đó là chấp nhận những gì đã xảy ra với chúng ta và học từ những nỗi đau của chính mình để trở thành một người khôn ngoan hơn, tử tế hơn và đồng cảm hơn. Đó là cách chúng ta chấp nhận việc bị bạo hành mà không trở thành một nạn nhân.
Khổ ải chính là người thầy và là người gắn kết vĩ đại. Một giáo lý tâm linh cổ xưa từ Ấn Độ đã khẳng định rằng có ba cách để lĩnh hội những kiến thức tâm linh: thông qua kinh nghiệm, thông qua đọc sách và thông qua một người thầy, hoặc một người nào biết về nó.
Thật không may, nếu bạn đã từng gặp hay đọc về những người đã trải qua sự nhận thức lớn về tinh thần, hoặc nếu bạn đã tự mình trải nghiệm qua một lần, đó thường là kết quả của việc bị bạo hành trước đó, và “trải nghiệm” ấy thường là đau đớn và chịu đựng
Vì vậy, khi trải qua việc bị bạo hành, chúng ta sẽ nhận lại được sự thấu hiểu và sức mạnh để vượt qua. Chúng ta có thể nhận ra những người đang hoặc đã từng là nạn nhân, hay ngay cả những người mới đang ở mức tổn thương, và ta sẽ dễ dàng đồng cảm hơn với những trải nghiệm ấy. Chúng ta có thể làm một bàn tay giúp đỡ, một đôi tai lắng nghe và một trái tim rộng mở đến họ.
Đây là một bài học mà tôi đã học được qua lần kinh nghiệm xương máu của mình.
Vài năm trước, tôi tham gia vào một hội hỗ trợ người chăm sóc bệnh ung thư khi mẹ tôi cũng đang trải qua hành trinh của căn bệnh chỉ mới bắt đầu vài tuần sau khi bố tôi qua đời. Tôi chuyển về nhà cách nơi mình ở rất xa và trở thành người chăm sóc cho cả cha và mẹ – một trải nghiệm vô cùng khó khăn.
Tôi ở trong hội cho đến khi mẹ tôi hồi phục một cách thần kỳ và đó là lúc tôi bắt đầu lại với cuộc sống của mình, có lẽ là sau khoảng thời gian mười sáu tháng. Khi một người rời nhóm, các thành viên khác sẽ đi xung quanh vòng tròn để nói lời bày tỏ lòng thành kính đối với người đó.
Có một người phụ nữ trong hội hoàn cảnh rất khác với tôi. Tôi là một chàng trai da trắng đến từ vùng ngoại ô, lớn lên trong một gia đình điều kiện ổn định và theo học tại một trường đại học danh tiếng. Cô ấy là một người Mỹ gốc Phi, một người phụ nữ Tây Ban Nha lớn lên trong một gia đình mẹ đơn thân ở Bronx và trở lại để tốt nghiệp khi trưởng thành.
Cô ấy đã thổ lộ với tôi rằng. Cô ấy nói khi tôi lần đầu đến hội, trông tôi giống như một gã da trắng được hưởng đặc ân từ vùng ngoại ô nơi tôi sinh ra. Tuy nhiên, khi cô ấy biết tôi và nghe những điều về tôi, cô ấy biết tôi sở hữu “một thứ gì đó” – rằng tôi có thể lắng nghe mọi người, nghe nỗi đau của họ và bằng cách nào đó kết nối được với họ. Tôi có thể giữ bầu không khí và đưa ra lời khuyên tốt cùng một lúc, và cô ấy biết tôi làm điều đó xuất phát từ trái tim. Đó không phải là điều cô ấy mong đợi ở “một người như [tôi].”
Điều cô ấy không thể nói là tôi đã che đậy một sự thật xấu xí ở vùng ngoại ô đẹp như tranh vẽ. Thật không may, câu chuyện thời thơ ấu của tôi là một câu chuyện thường xuyên bị lạm dụng – về thể chất, tình cảm, và thậm chí trong một vài trường hợp tình dục.
Tôi lớn lên trong một gia đình có bốn người con, là người gánh hậu quả trong gia đình. Đó là động lực xây dựng quan hệ mà cha mẹ đã dạy cho tất cả anh chị em của tôi. Nhớ lại thời thơ ấu của mình, gần như tất cả những kỷ niệm vui vẻ của tôi đều diễn ra bên ngoài gia đình – ở trường, ở nhà bạn bè, ở chính bản thân tôi, bất cứ nơi nào trừ nhà. Tôi trở thành một kẻ cô đơn dưới một mái nhà đầy ắp tiếng cười.
Mặc dù tôi muốn nói rằng điều đó đã ăn sâu sự mềm mỏng trong tính cách của tôi, một sự đồng cảm nội tại đối với những người bị áp bức, nhưng điều đó đã không xảy ra. Điều đó giúp tôi trở nên cứng cỏi và khắt khe với bản thân mình. Tôi có thể biến mọi việc trở nên khó khăn. Tôi có thể vượt qua tất cả. Tại sao người khác lại không thể? Đó chính là thái độ sống của tôi.
Sau này, khi bước vào tuổi trưởng thành tôi đã gặp khủng hoảng – một sự suy sụp hoàn toàn về tinh thần. Sau nhiều năm đổ bệnh, sự nghiệp gặp khó khăn, bi kịch trong quan hệ bạn bè và gia đình, tất cả đều dồn nén quá sức với tôi. Tôi gục ngã nhưng đã được tái sinh. Thời điểm đó, khi tất cả các hàng phòng ngự của tôi đã sụp đổ, trái tim tôi gần như thay đổi hoàn toàn. Trong vô càn những điều khác, tôi tìm thấy sự đồng cảm của bản thân. Giống như một cái giếng không đáy của lòng tốt mà tôi thậm chí còn chưa bao giờ biết nó ở đó.
Hơn bất cứ điều gì, tôi thấy mình bị thu hút bởi người ngoài. Sâu thẳm trong con người cứng cỏi của mình, tôi nhìn những kẻ kháci với sự khinh bỉ, có lẽ bởi vì tôi có thể nhớ lại cảm giác đau đớn khi bọn họ lớn lên như thế nào. Giờ đây, tôi đã có thể đồng cảm với người ngoài cuộc đó khi tôi hoàn toàn chấp nhận và tích hợp toàn bộ kinh nghiệm của mình, bao gồm cả thời thơ ấu bị bạo hành của tôi.
Tuy nhiên, sau khi trưởng thành theo cách của tôi và ngay cả sau “sự thay đổi” lớn gây ra do sự suy sụp tinh thần, tôi vẫn không thực sự nghĩ mình là một người “tử tế”. Tôi cho rằng những giá trị bên ngoài của tôi vẫn còn nguyên vẹn vì tôi cũng không nghĩ mọi người lại nghĩ về tôi như vậy.
Những gì người phụ nữ trong hội ung thư nói với tôi ngày hôm đó hay hơn, ý nghĩa hơn và bổ ích hơn bất kỳ tượng vàng, giải thưởng, danh hiệu hay sự công nhận nào mà tôi từng nhận được. Nhưng đó là một lời khen đáng giá, vì nếu không có thời thơ ấu bạo hành và những đau khổ mà tôi đã trải qua trong cuộc sống trưởng thành của mình, tôi sẽ không bao giờ kiếm lại được nó.
Tôi không phải là nạn nhân. Để điều đó trở thành sự thật, tôi vẫn cần phải thể hiện cảm xúc buồn bã hoặc bực bội. Tôi cần phải sống theo một cách không ổn định, tồn tại thông qua các cơ chế đối phó và quản lý cơn đau. Có chạnh lòng không khi nghĩ về tuổi thơ hồn nhiên, vui vẻ, vô tư mà mình chưa từng có? Chắc chắn rồi. Nhưng quá khứ đã đưa tôi đến với hạnh phúc hiện tại và dạy cho tôi những bài học về tình yêu mà nếu không tôi sẽ không bao giờ nhận được.
Khi nhìn lại mọi chuyện, liệu tôi có muốn quay lại ngày ấy một lần nữa không? Chắc chắn là không rồi, nhưng tôi rất vui vì câu chuyện đã tiếp diễn theo cách đó và tôi thực biết ơn bởi những trải nghiệm ấy.
Nhưng, dù không phải là nạn nhân của ai, tôi cũng không chối bỏ – và thực lòng chấp nhận – tôi đã bị bạo hành. Đó là một phần trong câu chuyện của tôi, và có lẽ là phần quan trọng nhất.
———————————————————————
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!
- Nguồn: tinybuddha.com
- Người dịch: Lê Quỳnh Anh
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Lê Quỳnh Anh – Nguồn iVolunteer Vietnam’’
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/9755
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 15