Kỹ Năng

Tìm Hiểu Về Chuyên Viên Phân Tích Bảo Mật Thông Tin

Chuyên viên phân tích bảo mật thông tin làm gì?

Các chuyên viên phân tích bảo mật thông tin giúp bảo vệ thông tin của các công ty khỏi hacker, vi rút, phần mềm độc hại và các cuộc tấn công mạng. Họ bảo vệ hệ thống và mạng máy tính, đồng thời ngăn chặn hacker đánh cắp dữ liệu quan trọng. Họ cũng thường xuyên cập nhật hệ thống với bảo vệ firewall mới nhất. Trách nhiệm công việc của một chuyên viên phân tích bảo mật thông tin có thể bao gồm:

·       Xác định các rủi ro và lỗ hổng tiềm ẩn của mạng máy tính

·       Giám sát và điều tra các vi phạm an ninh

·       Cài đặt các biện pháp bảo vệ, chẳng hạn như mã hóa dữ liệu, bảo vệ chống vi-rút và firewall

·       Giáo dục nhân viên hoặc khách hàng về các quy trình và chương trình bảo mật

·       Giúp nhân viên khắc phục sự cố bảo mật hoặc truy cập

·       Kiểm tra các chương trình bảo vệ để đảm bảo chúng hoạt động

·       Lập kế hoạch cho các trường hợp khẩn cấp và cách bảo vệ, lưu trữ hoặc khôi phục dữ liệu khi mất điện và thiên tai

·       Nghiên cứu các loại virus và cuộc tấn công mạng mới và cách ngăn chặn chúng

Lương trung bình

Bởi vì mọi công ty cần phải bảo mật các thông tin nhạy cảm, nên nhu cầu tuyển dụng các chuyên viên phân tích bảo mật thông tin sẽ rất cao. Quy mô, loại hình và vị trí địa lý công ty cũng có thể ảnh hưởng đến mức lương của họ. Trình độ học vấn và kinh nghiệm của họ cũng có thể là yếu tố quyết định mức lương họ sẽ kiếm được. Để được cập nhật thông tin về mức lương từ ​​Indeed, hãy nhấp vào liên kết tiền lương.

·       Mức lương phổ biến ở Mỹ: 94.448 USD mỗi năm

·       Một số người có mức lương từ $ 24,000 đến $ 170,000 mỗi năm.

Yêu cầu đối với chuyên viên phân tích bảo mật thông tin

Hầu hết các chuyên viên bảo mật thông tin thông tin đều hoàn thành một trình độ học vấn nhất định, sau đó tích lũy kinh nghiệm trong lĩnh vực này để tìm việc làm. Họ thường kiếm được chứng chỉ và phát triển một số kỹ năng để thành công.

Trình độ học vấn

Các chuyên viên phân tích bảo mật thông tin thường cần bằng cử nhân trong một lĩnh vực như khoa học máy tính, công nghệ thông tin, lập trình hoặc kỹ thuật máy tính. Một số nhà tuyển dụng ưu tiên các chuyên viên phân tích bảo mật thông tin có bằng thạc sĩ. Bằng thạc sĩ về hệ thống thông tin cần hai năm để hoàn thành và bao gồm các khóa học về kinh doanh, quản lý và lập trình.

Đào tạo

Các chuyên viên phân tích bảo mật thông tin phần lớn được đào tạo thông qua các khóa học ở đại học, thực tập và kinh nghiệm làm việc. Hầu hết họ đều có kinh nghiệm từ trước ở các vị trí công nghệ thông tin, chẳng hạn như kỹ thuật viên mạng, kỹ thuật viên máy tính hoặc chuyên viên phân tích hỗ trợ.

Sinh viên có thể đi thực tập trong khi hoàn thành chương trình học của mình. Các kỳ thực tập sẽ giúp họ tích lũy kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực đã chọn. Trong thời gian thực tập, sinh viên cũng có thể tạo những mối quan hệ quý giá với các chuyên gia CNTT, những người này có thể giúp họ tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp.

Chứng chỉ

Mặc dù chứng chỉ không bắt buộc, nhưng chúng có thể giúp các chuyên viên phân tích bảo mật thông tin có nhiều cơ hội việc làm và khả năng thu nhập hơn. Chứng chỉ bảo mật thông tin bao gồm:

Chứng chỉ Bảo mật hệ thống thông tin chuyên nghiệp

CISSP là chứng chỉ uy tín quốc tế dành cho các chuyên viên phân tích bảo mật thông tin có ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm việc. Những chuyên viên phân tích đủ điều kiện phải vượt qua kỳ thi và dành 40 giờ giáo dục thường xuyên mỗi năm để được chứng nhận. Những người muốn chuyên sâu hơn có thể tham gia một kỳ thi khác để thêm một trong ba chuyên ngành – kiến ​​trúc, kỹ thuật hoặc quản lý.

Chứng chỉ Hacker mũ trắng

CEH cho thấy một chuyên viên phân tích bảo mật thông tin biết cách tìm ra điểm yếu trong hệ thống và chống lại hacker. Các ứng viên phải tham gia một khóa đào tạo và vượt qua một kỳ thi để được cấp chứng chỉ.

Chứng chỉ Chuyên viên phân tích bảo mật được cấp bởi Hội đồng EC

Chứng nhận này dành cho những cá nhân đã được chứng nhận CEH và muốn nâng cao kỹ năng của mình. Các ứng viên phải tham gia một khóa đào tạo thực hành và vượt qua một kỳ thi để được cấp chứng chỉ.

Chứng nhận Hiệp hội kiểm toán và kiểm soát hệ thống thông tin

Có bốn chứng chỉ riêng biệt – Kiểm toán hệ thống thông tin, Quản lý bảo mật thông tin, Quản trị CNTT doanh nghiệp và Kiểm soát rủi ro và hệ thống thông tin. Các ứng viên phải đáp ứng các yêu cầu về kinh nghiệm và phải vượt qua một kỳ thi đối với mỗi chứng chỉ.

Chứng nhận Bảo mật thông tin toàn cầu

Có 30 chuyên môn cho tất cả các cấp độ kinh nghiệm, từ phòng thủ mạng đến ứng phó sự cố. Bạn có thể chọn chứng chỉ GIAC dựa trên kỹ năng và mục tiêu nghề nghiệp của mình, sau đó học và vượt qua kỳ thi.

Kỹ năng

Các chuyên viên phân tích bảo mật thông tin là những cá nhân có logic và điều tra. Họ thường làm việc tốt dưới áp lực. Các kỹ năng mà chuyên viên phân tích bảo mật thông tin cần có để thành công bao gồm:

Kỹ năng phân tích

Các chuyên viên phân tích bảo mật thông tin phải đánh giá chặt chẽ các mạng máy tính về các vi phạm an ninh và các khu vực yếu kém. Họ sẽ sử dụng các kỹ năng phân tích của mình để củng cố và cải thiện hệ thống bảo vệ.

Tỉ mỉ, kỹ lưỡng

Các chuyên viên phân tích bảo mật thông tin có thể xác định được những thay đổi tinh vi nhất trong hiệu suất máy tính và các dấu hiệu tấn công. Họ có thể sẽ phải xem lại hàng trăm hoặc hàng nghìn dòng mã lệnh để phát hiện ra bất kỳ thay đổi nào.

Giải quyết vấn đề

Các chuyên viên phân tích bảo mật thông tin phải tìm ra cách tốt nhất để bảo vệ hệ thống máy tính và khắc phục sự cố. Họ cần phải là những người giải quyết vấn đề cực tốt để tìm ra nhiều giải pháp cho cùng một vấn đề và chọn cái tốt nhất.

Kỹ năng tin học

Các chuyên viên phân tích bảo mật thông tin phải có kỹ năng lập trình máy tính đặc biệt. Họ cũng cần có kiến ​​thức sâu rộng về cơ sở dữ liệu, mạng lưới và hệ thống máy tính. Vì lĩnh vực CNTT liên tục thay đổi, họ cần phải cập nhật kiến ​​thức máy tính của mình để nhận biết các mối đe dọa.

Giao tiếp

Các chuyên viên phân tích bảo mật thông tin phải có khả năng trao đổi với giám sát viên và đồng nghiệp một cách rõ ràng và giải thích các vấn đề máy tính phức tạp bằng các thuật ngữ dễ hiểu. Họ thường giao tiếp qua email trên các chương trình trò chuyện trực tuyến, vì vậy kỹ năng viết cũng rất quan trọng.

Môi trường làm việc của chuyên viên phân tích bảo mật thông tin

Hầu hết các chuyên viên phân tích bảo mật thông tin sẽ làm việc toàn thời gian trong văn phòng. Thông thường, họ làm việc theo giờ hành chính. Họ có thể làm việc vào buổi tối hoặc cuối tuần nếu xảy ra trường hợp khẩn cấp hoặc vi phạm dữ liệu.

Các chuyên viên phân tích bảo mật thông tin có thể làm việc cho hầu hết mọi loại hình công ty nhưng thường tìm được việc làm trong các ngành sau:

·       Chăm sóc sức khỏe

·       Bảo hiểm

·       Tài chính

·       Nhà nước

·       Giáo dục

Họ thường làm việc như một phần của nhóm bộ phận công nghệ thông tin. Các chuyên viên phân tích bảo mật thông tin cũng có thể làm việc cho các công ty tư vấn và đến nơi làm việc của khách hàng.

Làm thế nào để trở thành một chuyên viên phân tích bảo mật thông tin

Các chuyên viên phân tích bảo mật thông tin dành nhiều năm để đạt được học vấn, đào tạo và kinh nghiệm làm việc mà họ cần để thành công. Các bước để trở thành một chuyên viên phân tích bảo mật thông tin có thể bao gồm:

1. Kiếm được bằng cử nhân.

Hầu hết các nhà tuyển dụng sẽ yêu cầu bạn phải có bằng cử nhân bốn năm trong lĩnh vực máy tính, chẳng hạn như khoa học máy tính hoặc hệ thống thông tin.

2. Tích lũy kinh nghiệm.

Hầu hết các nhà tuyển dụng cũng ưu tiên tuyển các chuyên viên phân tích bảo mật thông tin đã có vài năm kinh nghiệm làm việc. Hãy tìm kiếm một công việc thực tập trong lúc bạn lấy bằng. Sau khi tốt nghiệp, hãy nộp đơn ở các công việc đầu vào, chẳng hạn như chuyên viên phân tích hỗ trợ máy tính để bàn, chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật hoặc chuyên viên phân tích hệ thống máy tính để thêm kinh nghiệm về quản trị hệ thống và lập trình.

3. Được chứng nhận.

Mặc dù không bắt buộc nhưng nhiều nhà tuyển dụng sẽ tìm kiếm các ứng viên có chứng nhận từ một trong số các tổ chức chuyên nghiệp. Bạn có thể chọn một chứng chỉ chuyên biệt thể hiện kỹ năng của mình trong một lĩnh vực nhất định, chẳng hạn như kiểm tra thâm nhập hoặc kiểm toán hệ thống. Những chứng nhận này có thể giúp hồ sơ của bạn trở nên nổi bật trong quá trình tuyển dụng.

4. Lấy bằng thạc sĩ.

Nếu mục tiêu của bạn là làm việc ở vị trí CNTT cấp trên hoặc quản lý, thì bằng thạc sĩ về hệ thống thông tin có thể giúp bạn trên con đường sự nghiệp này. Các chương trình hai năm này sẽ cung cấp các môn học nâng cao về hệ thống thông tin và các khóa học về tài chính, marketing, nguồn nhân lực và các khóa học kinh doanh khác.

5. Thăng tiến trong sự nghiệp của bạn.

Nếu bạn có chứng chỉ, bạn có thể sẽ cần phải dành các giờ học giáo dục thường xuyên mỗi năm để được chứng nhận. Khi bạn có được kinh nghiệm làm việc và chứng chỉ, bạn có thể đủ điều kiện cho các vị trí bảo mật máy tính nâng cao và được trả lương cao hơn, chẳng hạn như kiến ​​trúc sư mạng máy tính, quản lý CNTT hoặc quản trị viên hệ thống máy tính và mạng lưới.

Ví dụ về mô tả công việc của chuyên viên phân tích bảo mật thông tin

Hamilton Corp. đang tìm kiếm một chuyên viên phân tích bảo mật thông tin tỉ mỉ và ham học hỏi để tham gia vào bộ phận CNTT của công ty dược phẩm của chúng tôi. Chuyên viên phân tích bảo mật sẽ xác định các mối đe dọa mạng đối với hệ thống máy tính của công ty chúng tôi và thực hiện các kế hoạch ngăn chặn vi phạm an ninh. Chuyên viên phân tích bảo mật thông tin sẽ giám sát việc cài đặt và cập nhật phần mềm bảo vệ trên tất cả các máy tính của nhân viên. Ứng viên phù hợp sẽ có kỹ năng phân tích đặc biệt cũng như kiến ​​thức về các rủi ro an ninh mạng hiện tại và các xu hướng hack. Ứng viên phải có bằng cử nhân về khoa học máy tính và có ít nhất năm năm kinh nghiệm về hệ thống máy tính. Ưu tiên ứng viên có chứng chỉ chuyên nghiệp.

————————-

Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích.

·       Theo: indeed.com

·       Người dịch: Hoàng Thị Thanh Huyền.

·       Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Hoàng Thị Thanh Huyền – Nguồn IVolunteer Việt Nam”.

Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/11356

Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ