Kỹ Năng

Tìm Hiểu Về Công Việc Của Một Nhân Viên Cứu Thương

🚨Những công việc mà một nhân viên cứu thương cần phải làm?

Một nhân viên cứu thương cung cấp những dịch vụ y tế chuyên nghiệp cho bệnh nhân trong trường hợp khẩn cấp. Họ quản lý việc chăm sóc và cố gắng ổn định cho bệnh nhân cho đến khi bệnh nhân được đưa đến bệnh viện. Nhân viên cứu thương phải biết cách để đánh giá tình trạng của bệnh nhân và nhanh chóng đưa ra các quyết định quan trọng liên quan đến việc chăm sóc y tế cho họ. Một nhân viên cứu thương thường làm việc dưới áp lực rất lớn, phải duy trì sự bình tĩnh và suy nghĩ thấu đáo. Ngoài ra, nhân viên cứu thương có thể luân phiên giữa chăm sóc bệnh nhân trong xe cấp cứu và lái xe đến bệnh viện.

Các nhân viên cứu thương thường phải thực hiện các công việc sau:

  • Làm việc với nhân viên điều phối khẩn cấp để xác định con đường tốt nhất để đến bệnh viện.
  • Quản lý đám đông hoặc bạn bè và gia đình để tách họ ra xa khỏi bệnh nhân.
  • Điền thông tin vào các giấy tờ liên quan đến tình trạng của bệnh nhân và các hành động sơ cứu được thực hiện theo cách rõ ràng nhất.
  • Thực hiện cách kỹ thuật cứu hộ như hô hấp nhân tạo.
  • Theo dõi các thiết bị và dụng cụ trong xe cứu thương và đặt thêm vật tư cần thiết
🚨Mức lương trung bình
  •  Mức lương phổ biến tại US: $21.19/giờ
  • Mức lương dao động: từ $8.00 đến $36.05/giờ
🚨Các yêu cầu khi là một nhân viên cứu hộ

Nhân viên cứu thương phải có những kỹ năng và quy trình đào tạo phù hợp sau đây:

  • Trình độ học vấn

Hầu hết tất cả nhân viên cứu thương cần phải có bằng tốt nghiệp trung học và có chứng chỉ hồi sức tim phổi (CPR) để được chấp nhận vào chương trình giáo dục sau trung học. Chương trình này phải thuộc lĩnh vực y tế khẩn cấp, thời gian hoàn thành ngành này có thể dao động từ 1 đến 2 năm, tuỳ thuộc vào trường mà bạn theo học. Ứng viên có thể tham gia trường cao đẳng, đại học hoặc trường kỹ thuật để hoàn thành khóa đào tạo về chăm sóc cấp cứu. Bạn cần phải là một kỹ thuật viên y tế khẩn cấp trước khi nộp đơn vào trường cứu thương.

  • Chương trình đào tạo

Khi bạn đã được chứng nhận EMT, bạn có thể đăng ký các chương trình đào tạo y tế tại các trường đại học hoặc cao đẳng. Ứng viên sẽ hoàn thành chương trình với bằng cao đẳng và sẽ học các kỹ năng cần thiết để trở thành một nhân viên cứu hộ.

  • Các chứng nhận

Chứng nhận CPR và sơ cứu : Tất cả các ứng viên phải có chứng chỉ CPR và sơ cứu hiện hành. Họ cần gia hạn chứng chỉ này hai năm một lần, mặc dù một số nhà tuyển dụng có thể yêu cầu ứng viên gia hạn hằng năm để cập nhật kỹ năng của mình.

Chứng nhận hỗ trợ Tim mạch Nâng cao (ACLS): Khóa học giúp các nhân viên cứu thương nâng cao kỹ năng trong việc nhận biết các vấn đề tim mạch và biết được các bước phù hợp để chăm sóc cho bệnh nhân.

Chứng nhận cứu thương: Tất cả nhân viên cứu thương cần phải vượt qua kỳ thi để lấy được giấy chứng nhận cứu thương được cấp bởi Cơ quan đăng ký quốc gia về kỹ thuật viên y tế khẩn cấp (NREMT). Đầu tiên, họ cần phải hoàn thành chương trình cứu thương và EMT hiện hành. Ứng viên phải vượt qua bài thi kỹ năng và bài thi kiến thức trước khi nhận được chứng nhận. Chứng chỉ này phải được gia hạn 2 năm một lần.

Bằng lái xe hợp lệ: Nhân viên cứu thương cần phải lái xe cấp cứu, vì thế họ cần có bằng lái xe hiện hành tại nơi họ làm việc.

🚨Các kỹ năng cần thiết

Các nhân viên cứu thương cần một vài kỹ năng để thực hiện công việc của mình, một nhân viên cứu thương cần phải chịu trách nhiệm cho việc hỗ trợ tinh thần bên cạnh việc chăm sóc y tế và phải thể hiện được lòng trắc ẩn. Ngoài ra, họ cần phải biết cách thu thập thông tin quan trọng từ bệnh nhân để quyết định thực hiện các phương pháp cứu chữa. Nhân viên cứu thương còn phải có một sức khỏe tốt, bởi vì họ thường xuyên phải di chuyển và đứng liên tục trong nhiều giờ.

Vì thế, một nhân viên cứu thường cần phải có những tố chất sau đây:

  • Kỹ năng ra quyết định

Nhân viên cứu thương thường là những người cấp cứu có mặt đầu tiên tại hiện trường khủng hoảng, vì thế họ cần nhanh chóng đánh giá tình trạng bệnh nhân và quyết định những hành động tiếp theo cần thực hiện. Họ nên nhân biết được bệnh nhân đang có những triệu chứng nào và áp dụng những phương pháp phù hợp. Nó rất cần thiết để ổn định tình trạng của bệnh nhân trước khi họ đến bệnh viện vì thế các nhân viên cứu thương cần nhanh chóng ra quyết định về quy trình sẽ thực hiện.

  • Kỹ năng làm việc nhóm tốt

Đa số các nhân viên cứu thương đều phải làm việc với các nhân viên khác khi phản hồi lại tình trạng cấp cứu, vì thế họ cần phối hợp tốt với người khác. Khi họ cần ra quyết định nhanh chóng về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân thì phải có sự đồng thuận của tất cả mọi người về phương pháp cứu chữa và mỗi người sẽ đảm nhận những công việc nào.

  • Kỹ năng lái xe an toàn

Một nhân viên cứu thương cần phải lái xe cấp cứu  đến các địa điểm cấp cứu và vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện. Vì thế họ cần có kỹ năng lái xe tốt để giữ an toàn cho đồng nghiệp và bệnh nhân trong trường hợp khẩn cấp. Nhân viên y tế cần phải điều hướng qua các khu vực giao thông hoặc qua các cung đường tắc nghẽn, và đồng thời phải biết cách lái xe mà không gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông khác.

  • Kỹ năng giao tiếp

Nhân viên cứu thương cần phải có kỹ năng giao tiếp rõ ràng và nhanh chóng với người khác, bởi vì họ sẽ cần phải thu thập đủ thông tin từ bệnh nhân về sức khỏe của họ. Họ cũng cần phải nói với gia đình hoặc bạn bè bệnh nhân để giữ bình tĩnh cho họ và không gian thoải mái cho bệnh nhân cũng như những thông tin cần thiết cho các phương pháp chữa trị. Khi đến bệnh viện, nhân viên cứu thương cần phải thuật lại tình trạng bệnh nhân cho bác sĩ hoặc y tá và cả những phương pháp cứu chữa mà họ đã áp dụng.

  • Khả năng giữ bình tĩnh

Trở thành một nhân viên cứu thương có thể là một công việc có rất nhiều áp lực, bởi vì mạng sống của bệnh nhân tuỳ thuộc vào những quyết định của nhân viên cứu thương. Họ phải có khả năng làm việc dưới áp lực cao và đưa ra những quyết định hợp lý bất kể mọi trường xung quanh có như thế nào. Bệnh nhân cũng có thể khó chịu khi họ đau đớn, vì thế nhân viên cứu thương nên biết rõ kỹ thuật để xoa dịu cũng như trấn an bệnh nhân.

  • Môi trường làm việc của nhân viên cứu thương

Môi trường làm việc của nhân viên cứu thương là vô cùng đa dạng, có thể bao gồm cả trong nhà và ngoài trời. Họ có thể sẽ phải đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp trong nhà, trong các tổ chức doanh nghiệp hoặc ở những nơi công cộng. Nhân viên cứu hộ sẽ thực hiện các dịch vụ chăm sóc y tế tại các địa điểm xảy ra tai nạn và phải tiếp tục theo dõi tình trạng bệnh nhân trong xe cấp cứu. Môi trường làm việc của nhân viên cứu thương có thể rất áp lực, vất vả và đôi khi nguy hiểm nữa. Họ phải thực hiện rất nhiều tác vụ thể chất có thể gây nguy hiểm hoặc chấn thương cho bản thân  và đôi lúc có thể họ sẽ tiếp xúc với các virus truyền nhiễm.

Các cơ sở dịch vụ cấp cứu tư, sở cứu hoả và cảnh sát, bệnh viện và các dịch vụ khác đều tuyển dụng nhân viên cứu thương. Là ngành nghề được săn đón ở cả thành thị và vùng nông thôn.

Nhiều nhân viên cứu thương làm việc toàn thời gian và ca kéo dài nhiều giờ, có thể là ca 12 tiếng hoặc 24 tiếng. Họ phải đáp ứng tất cả những yêu cầu khẩn cấp, vì thế họ có thể làm việc xuyên đêm và cả những ngày cuối tuần. Nhân viên cứu hộ thường làm việc xoay ca để tạo thời gian nghỉ giữa những ca dài, vì thế họ phải có một thời gian biểu linh hoạt.

🚨Làm sao để trở thành một nhân viên cứu thương

Cần phải có trình độ kinh nghiệm và bằng cấp nhất định để trở thành một nhân viên cứu thương, nhưng các ứng viên có thể củng cố sơ yếu lý lịch của mình bằng cách thực hiện các bước dưới đây:

1.    Tham gia các khoá học khoa học nâng cao: Các học sinh trung học có ước muốn trở thành nhân viên cứu hộ có thể bắt đầu chặng đường nghề nghiệp của họ bằng cách tham gia vào các lớp học khoa học nâng cao trong các lĩnh vực như sinh học, hoá học, giải phẫu và sinh lý học. Những kiến thức này sẽ giúp ích cho họ khi bắt đầu theo học chương trình EMT.

2.    Tốt nghiệp chương trình EMT: Các ứng viên nên hoàn thành và tốt nghiệp chương trình kỹ thuật viên y tế khẩn cấp để chuẩn bị cho chương trình học cứu thương.

3.    Hoàn thành chứng chỉ cứu thương: Sau khi hoàn thành chương trình EMT, các ứng viên nên theo học chương trình cứu thương và thành công tốt nghiệp với chứng chỉ này.

4.    Đạt được và nâng cấp tất cả chứng chỉ cần thiết: Các ứng viên nên đảm bảo rằng họ có các chứng chỉ CPR và sơ cứu hiện hành, chứng chỉ Hỗ trợ Tim mạch Nâng cao và chắc chắn rằng bằng lái xe vẫn hợp lệ. Điều này sẽ là bước chuẩn bị để họ nộp đơn vào công việc y tế.

🚨Mô tả tuyển dụng nhân viên cứu thương điển hình

Chúng tôi đang tìm kiếm ứng viên phù hợp cho vị trí nhân viên cứu thương tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe Luther. Vị trí này sẽ chịu trách nhiệm cho việc đáp ứng những yêu cầu khẩn và ra quyết định nhanh chóng về các phương pháp chăm sóc và cứu chữa cho bệnh nhân. Đây là một môi trường làm việc với nhịp độ nhanh, vì thế các ứng viên phải cảm thấy thoải mái với việc hoạt động liên tục của đôi chân cũng như có một thể chất khoẻ. Một ứng viên lý tưởng phải có kỹ năng giao tiếp tốt và có khả năng nói chuyện với bệnh nhân đang chịu đựng các cơn đau để có được những thông tin cần thiết trong tình huống áp lực cao. Bạn cũng phải cần có kỹ năng kiểm soát đám đông để tiếp cận bệnh nhân và thực hiện điều trị, và bạn nên có kỹ năng lái xe cấp cứu trong tình trạng giao thông tắc nghẽn.

Chúng tôi yêu cầu tất cả các ứng viên có bằng lái xe hợp lệ, chứng chỉ CPR, sơ cứu hiện hành và chứng chỉ Hỗ trợ Tim mạch Nâng cao và đã hoàn thành chương trình cứu thương. Các ứng viên nên sẵn sàng làm việc buổi tối , cuối tuần và có thể làm việc theo ca kéo dài 12 tiếng. Ứng viên bắt đầu công việc của mình với khoá đào tạo ngắn của chúng tôi. Vị trí này yêu cầu 40 giờ làm việc một tuần và cung cấp các lợi ích về sức khỏe.

—————–

Xin cảm ơn tác giả về những chia sẻ vô cùng bổ ích

  • Theo: indeed.com
  •  Người dịch: Lê Xuân Hân
  • Khi chia sẻ cần trích dẫn nguồn là “Người dịch: Lê Xuân Hân – Nguồn iVolunteer Vietnam”

Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/11162

Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.

Lượt xem: 11

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ