💎Một nhà tuyển dụng sẽ làm những công việc gì?
Các nhà tuyển dụng có trách nhiệm xác định và xử lý quá trình tuyển chọn ứng viên thích hợp vào các vị trí tuyển dụng. Những chuyên gia nhân sự này sẽ sàng lọc và phỏng vấn các ứng viên, đóng vai trò làm người kết nối giữa nhà tuyển dụng và người ứng tuyển, đồng thời tạo điều kiện để mời gọi ứng viên vào làm việc. Các nhà tuyển dụng thường có những trách nhiệm như sau:
Xác định ứng viên phù hợp
Các nhà tuyển dụng sử dụng kỹ năng nghiên cứu và mạng lưới giao thiệp của mình để tìm kiếm những ứng viên có kỹ năng, trình độ học vấn, kinh nghiệm và nguyện vọng cần thiết cho một công việc. Các nhà tuyển dụng sử dụng các cổng thông tin việc làm trực tuyến để đăng tải danh sách hoặc tìm trong các cổng thông tin tương tự các sơ yếu lý lịch phù hợp với bộ kỹ năng mà họ cần tuyển dụng. Một số nhà tuyển dụng khác sẽ tìm ứng viên trực tiếp thông qua các sự kiện xã giao trong ngành.
Tham dự hội chợ việc làm
Các nhà tuyển dụng thường tham dự hội chợ việc làm và các sự kiện về việc làm tại trường đại học ở địa phương hoặc trên toàn quốc. Tại những sự kiện như vậy, nhà tuyển dụng sẽ đại diện cho các ngành công nghiệp hoặc các chủ doanh nghiệp muốn tuyển dụng, trả lời câu hỏi về việc làm và nghề nghiệp cũng như tìm kiếm ứng viên cho những cơ hội việc làm trong tương lai.
Phỏng vấn ứng viên
Sau giai đoạn tìm kiếm và sàng lọc ứng viên, nhà tuyển dụng sẽ phỏng vấn họ qua điện thoại, cuộc gọi video hoặc gặp mặt trực tiếp. Họ sẽ đánh giá xem ứng viên có đáp ứng được yêu cầu của phía tuyển dụng hay không và liên hệ với người tham chiếu để tìm hiểu kỹ càng hơn về các kỹ năng và nền tảng của ứng viên. Sau đó, nhà tuyển dụng sẽ giới thiệu các ứng viên có năng lực cho bên tuyển dụng.
Đưa ra các lời mời làm việc
Nhiều nhà tuyển dụng cũng mời gọi ứng viên làm việc và thương lượng chi tiết về công việc đó. Họ liên lạc với các ứng viên và nhà tuyển dụng để đạt được các thỏa thuận về chức danh công việc, mức lương, quyền lợi và các điều khoản khác của lời mời làm việc.
💎Mức lương trung bình
Các nhà tuyển dụng thường làm toàn thời gian trong giờ làm việc tiêu chuẩn, hoặc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Mức lương hàng năm của họ phụ thuộc vào trình độ học vấn, kinh nghiệm, và loại chứng chỉ chuyên môn mà họ đạt được. Mức lương cũng tùy thuộc vào việc công ty của họ có các chính sách tiền hoa hồng hay tiền thưởng cho việc tuyển chọn nhân tài này hay không. Để có thông tin tiền lương mới nhất từ Indeed, hãy nhấp vào liên kết tiền lương.
Mức lương phổ biến ở Mỹ: 48,323 đô-la/năm
Một số nhà tuyển dụng sẽ có mức lương từ 14,000 – 127,000 đô-la/năm.
💎Yêu cầu của công việc nhà tuyển dụng
Các nhà tuyển dụng cần có bằng cử nhân và một số kỹ năng mềm để làm tốt công việc của mình. Một số cũng kiếm được chứng chỉ chuyên nghiệp.
Học vấn
Đa số nhà tuyển dụng cần có bằng cử nhân để làm việc trong lĩnh vực này. Mặc dù phía doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng có thể thuê nhà tuyển dụng với nhiều loại bằng cấp khác nhau, nhưng các chuyên ngành phổ biến nhất trong ngành này là nhân sự và quản trị kinh doanh. Do hầu hết các chuyên ngành nhân sự đều tập trung vào mảng kinh doanh, nên khi học cả hai bằng này, các nhà tuyển dụng đều có thể tìm hiểu những kiến thức nền về kinh doanh, các nguyên tắc cơ bản về tài chính và kế toán, và các nguyên tắc quản lý. Các nhà tuyển dụng có tham gia các khóa học nhân sự để nắm vững những kiến thức cơ bản về quản lý nhân viên và quản lý quyền lợi sẽ có lợi thế lớn.
Đào tạo tập huấn
Hầu hết các nhà tuyển dụng sẽ được đào tạo cơ bản thông qua các môn tại trường đại học sẽ tập trung vào quản lý nhân sự và quản trị kinh doanh. Họ thường hoàn thành các chương trình đào tạo nội bộ ngắn hạn để tìm hiểu các chiến lược và quy trình làm việc của công ty. Có một số công ty cung cấp chương trình đào tạo tại chỗ, các ứng viên tiềm năng sẽ được theo sát nhà tuyển dụng chuyên nghiệp trong công ty và được giám sát trong quá trình làm việc.
💎Chứng chỉ
Các nhà tuyển dụng không nhất thiết phải có thêm các loại chứng chỉ khác, nhưng nhiều người nhận có nhiều loại chứng chỉ nghề nghiệp sẽ là một lợi thế giúp cho sự nghiệp thăng tiến. Bạn có thể xem xét chứng chỉ từ một trong các tổ chức sau:
AIRS
Chứng chỉ Nhà tuyển dụng Chuyên nghiệp của tổ chức này giúp cho bạn nắm vững chiến lược và các nguyên tắc cơ bản trong việc tuyển dụng. Các chứng chỉ chuyên môn gồm có Chứng chỉ Tuyển dụng Nguồn cung ứng Xã hội và Chứng chỉ Tuyển dụng Truyền thông Xã hội sẽ dạy các chuyên gia cách xác định và sàng lọc ứng viên bằng cách sử dụng các nền tảng kỹ thuật số. Các nhà tuyển dụng có thể lấy chứng chỉ AIRS bằng cách tham gia lớp học kéo dài tám giờ và vượt qua bài thi.
Hiệp hội Nhân sự Hoa Kỳ ASA
Đây là một tổ chức chuyên nghiệp dựa vào thành viên, Hiệp hội cung cấp các chương trình học chứng chỉ cho học viên trong và ngoài tổ chức. Bạn có thể cân nhắc học chứng chỉ Chuyên gia, chứng chỉ này tập trung vào luật lao động hoặc chứng chỉ dành riêng cho từng ngành, chẳng hạn như Chứng chỉ Chuyên gia Chăm sóc Sức khỏe. Hiệp hội ASA sẽ cấp chứng chỉ cho nhà tuyển dụng thành công vượt qua kỳ thi kéo dài hai giờ.
Hiệp hội Dịch vụ Nhân sự Quốc gia NAPS
Đây cũng là một tổ chức hoạt động dựa trên thành viên, đây là tổ chức cung cấp chứng chỉ cho các nhà tuyển dụng được thuê trực tiếp và thuê tạm thời. Hiệp hội NAPS cung cấp cho bạn tài liệu và sách hướng dẫn cho khóa học, đồng thời cấp chứng chỉ Chuyên gia Tư vấn Nhân sự và Chuyên gia Nhân sự Tạm thời các nhà tuyển dụng khi vượt qua kỳ thi trực tuyến.
Hiệp hội Quản lý Nguồn nhân lực SHRM
Tổ chức này cũng cung cấp nhiều loại chứng chỉ nhân sự, bao gồm một chứng chỉ tập trung vào tuyển dụng và thu nhận nhân tài. Để được cấp Chứng chỉ Chuyên môn Thu hút Nhân tài từ SHRM, nhà tuyển dụng phải đăng ký tham gia hội thảo chiến lược trực tuyến, hoàn thành sáu khóa học trực tuyến về các chủ đề như phân tích và đào tạo nhân viên mới và vượt qua bài thi gồm 50 câu hỏi.
💎Kỹ năng cần có
Để trở thành một nhà tuyển dụng thành công, bạn cần có những kỹ năng như sau:
Kỹ năng phân tích
Các nhà tuyển dụng cần có kỹ năng phân tích để tìm hiểu kỹ càng về từng ứng viên cho công ty đang có nhu cầu tuyển dụng nhân sự. Họ cũng áp dụng kỹ năng này khi xem xét hồ sơ, đánh giá tiềm năng của ứng viên và thỏa thuận các đề nghị tuyển dụng.
Khả năng chú ý đến chi tiết
Vì các nhà tuyển dụng thường giữ nhiều trọng trách khác nhau và thường làm việc để lấp đầy nhiều vị trí cùng một lúc, họ phải có khả năng định hướng chi tiết. Tạo lịch trình và ghi chú một cách tỉ mỉ có thể giúp quản lý đồng thời nhiều công việc.
Kỹ năng giao tiếp
Các nhà tuyển dụng dành phần lớn thời gian làm việc để gọi điện, viết thư, cũng như nói chuyện với đồng nghiệp và khách hàng. Để truyền tải thông điệp của mình thật chính xác, các chuyên gia nhân sự này phải biết cách phát ngôn và viết lách một cách rõ ràng.
Kỹ năng tin học
Để rà soát dữ liệu, viết bản ghi nhớ, gửi email và làm bài thuyết trình, nhà tuyển dụng cần có những kỹ năng tin học cơ bản. Hầu hết các nhà tuyển dụng đều sử dụng thông thạo các nền tảng phần mềm nhân sự tiêu chuẩn cũng như các chương trình xử lý văn bản, bảng tính, trình chiếu và email.
Kỹ năng phục vụ khách hàng
Các nhà tuyển dụng cần có kỹ năng phục vụ khách hàng giỏi để đánh giá đúng nhu cầu của cả ứng viên và nhà tuyển dụng, để trả lời các câu hỏi và giải quyết vấn đề phát sinh. Các chuyên gia nhân sự này cũng cần kỹ năng phục vụ để xây dựng mối quan hệ với khách hàng và ứng viên.
💎Môi trường làm việc của nhà tuyển dụng
Các nhà tuyển dụng thường chia giờ làm việc của mình đối với những vị trí khác nhau. Họ nghiên cứu, tiếp xúc với các ứng viên và công ty khách hàng ngay tại văn phòng của mình. Tuy nhiên, đôi lúc họ vẫn di chuyển đến nhiều nơi để tìm kiếm ứng viên tại những hội chợ việc làm, gặp gỡ các bên công ty và phỏng vấn ứng viên tiềm năng. Khi đến các hội chợ việc làm, các nhà tuyển dụng thường làm việc trong trung tâm hội nghị hoặc trong khuôn viên trường đại học. Khi gặp gỡ đại diện của công ty hoặc ứng viên, họ thường sẽ làm việc trong môi trường văn phòng.
💎Làm thế nào để trở thành một nhà tuyển dụng
Để trở thành nhà tuyển dụng, bạn hãy làm theo bốn bước sau:
- Lấy bằng cử nhân.
Trước tiên, bạn phải hoàn thành chương trình cử nhân về nhân sự hoặc quản trị kinh doanh và tham gia các lớp học tập trung vào lĩnh vực nhân sự để tích lũy kiến thức cơ bản.
- Làm việc trong bộ phận Nhân sự.
Hầu hết các nhà tuyển dụng đều làm việc trong lĩnh vực nhân sự từ hai đến ba năm trước khi chuyển sang vai trò nhà tuyển dụng. Hãy thử tìm công việc như trợ lý nhân sự hoặc điều phối nhân sự để tích lũy kinh nghiệm về phỏng vấn ứng viên, xử lý bảng lương và quản lý quyền lợi cho nhân viên.
- Lấy chứng chỉ chuyên môn
Để cải thiện kỹ năng tuyển dụng của bạn hoặc kỹ năng chuyên sâu của một lĩnh vực nhất định, bạn nên tham gia thi chứng chỉ chuyên môn. Ví dụ: bạn có thể học chứng chỉ Nhà tuyển dụng trên Internet từ AIRS để chứng minh khả năng tuyển dụng trên nền tảng trực tuyến của mình hoặc bạn có thể theo đuổi chứng chỉ Nhà tư vấn nhân sự do NAPS cấp để chứng tỏ năng lực của của bản thân trong việc tuyển dụng trực tiếp.
- Nắm vững kỹ năng quan trọng
Để làm tốt vai trò của mình, hãy tìm cơ hội mài dũa những kỹ năng cần thiết đối với công việc nhà tuyển dụng. Chẳng hạn như: bạn có thể tham gia các chương trình đào tạo để cải thiện kỹ năng nghiên cứu và giao tiếp của mình, hoặc học từ những khóa hướng dẫn trên trực tuyến để tìm hiểu về các chương trình phần mềm mà bạn thường xuyên sử dụng.
Ví dụ mô tả công việc của nhà tuyển dụng
Tổ chức Chuyên gia Tuyển dụng Nhân tài Hàng đầu đang cần một nhà tuyển dụng để tuyển chọn những ứng viên có tài năng trong việc tiếp thị đến khách hàng. Ứng viên tiềm năng cần ít nhất hai năm kinh nghiệm làm tuyển dụng, đồng thời biết cách nghiên cứu ngành nghề, xác định ứng viên thích hợp và tiến hành phỏng vấn. Nếu bạn là một nhà tuyển dụng năng động với khả năng giao tiếp và làm việc nhóm xuất sắc, chúng tôi muốn cùng bạn trao đổi về cơ hội làm việc này.
——————————————————-
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích.
- Theo: Indeed
- Người dịch: Lê Nguyễn Ka Thy
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Lê Nguyễn Ka Thy – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/11452
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 38