Kiến trúc sư doanh nghiệp làm gì?
Kiến trúc sư doanh nghiệp sẽ phân tích, thiết kế và thực hiện cấu trúc công nghệ thông tin trong một tổ chứ sao cho phù hợp với các mục tiêu mà doanh nghiệp đề ra. Kiến trúc sư doanh nghiệp làm việc với ban quản lý và các bên liên quan để đánh giá sứ mệnh của doanh nghiệp và hoạt động trong toàn tổ chức, đảm bảo công ty sử dụng tài sản CNTT của mình một cách hiệu quả. Trách nhiệm của kiến trúc sư doanh nghiệp bao gồm:
· Tối ưu hóa hệ thống quản lý thông tin
· Triển khai cơ sở hạ tầng chung để cải tiến việc chia sẻ thông tin và giảm thiểu chi phí
· Phát triển các tiêu chuẩn và chính sách hướng dẫn về việc sử dụng các tài sản CNTT
· Đào tạo nhân viên về các phương pháp hay nhất để sử dụng các sản phẩm và giải pháp CNTT có sẵn trong tổ chức
· Nghiên cứu các giải pháp CNTT mới để nâng cao hoạt động
· Đánh giá các hệ thống CNTT hiện có để tìm các lỗ hổng có thể ảnh hưởng đến hiệu suất, bảo mật hoặc hiệu quả
Lương trung bình
Các kiến trúc sư doanh nghiệp thường được trả lương toàn thời gian, một số người có thể làm việc bán thời gian hoặc theo hợp đồng. Tùy theo trình độ học vấn và kinh nghiệm mà mức lương của họ sẽ khác nhau. Ngoài ra các yếu tố khác như vị trí và quy mô của công ty có thể ảnh hưởng đến mức lương:
· Mức lương phổ biến ở Mỹ: 139.857 USD mỗi năm
· Một số mức lương từ $ 53,000 đến $ 267,000 mỗi năm
Yêu cầu đối với kiến trúc doanh nghiệp
Các kiến trúc sư doanh nghiệp cần có trình độ học vấn và kinh nghiệm chuyên sâu để quản lý các hệ thống và chiến lược công nghệ thông tin của tổ chức một cách phù hợp. Nhiều kiến trúc sư doanh nghiệp có các chứng chỉ khác nhau để chứng minh sự thành thạo của mình ở một kỹ năng cụ thể.
Trình độ học vấn
Để trở thành một kiến trúc sư doanh nghiệp, bạn thường cần phải có bằng cử nhân về công nghệ thông tin hoặc lĩnh vực tương tự và vài năm kinh nghiệm làm việc liên quan. Nhiều kiến trúc sư doanh nghiệp có bằng thạc sĩ về kiến trúc doanh nghiệp để được hướng dẫn về lĩnh vực chuyên môn. Chứng chỉ ngành có thể thay thế học vấn hoặc kinh nghiệm trong một số tình huống.
Đào tạo
Đào tạo tại chỗ là điều tối thiểu với các kiến trúc sư doanh nghiệp. Con đường sự nghiệp phức tạp này đòi hỏi các ứng viên phải có nền tảng giáo dục và kinh nghiệm vững vàng trước khi tìm kiếm công việc này. Bất kỳ khóa đào tạo nào mà tổ chức cung cấp cũng sẽ chú trọng vào việc giúp kiến trúc sư doanh nghiệp làm quen với các hệ thống CNTT hiện có.
Các kiến trúc sư doanh nghiệp có thể được đào tạo bên ngoài bằng cách tham dự các hội nghị và hội thảo về CNTT. Các hội nghị này sẽ giúp các kiến trúc sư doanh nghiệp giữ được vị thế hiện tại trong ngành CNTT bằng cách thu thập kiến thức cập nhật về ứng dụng máy học, điện toán đám mây và công nghệ tiên tiến.
Chứng chỉ
Có một vài chứng chỉ chuyên môn có giá trị vô cùng quan trọng đối với lĩnh vực kiến trúc doanh nghiệp. Nó thể hiện kiến thức của một cá nhân trong các lĩnh vực thiết yếu. Có được một hoặc nhiều trong số này sẽ giúp bạn chứng minh được kiến thức chuyên môn liên quan của mình:
· Chứng chỉ Kỹ thuật hệ thống chuyên nghiệp: Được cấp bởi Hội đồng Quốc tế về Kỹ thuật Hệ thống, chứng chỉ chuyên nghiệp này công nhận các kỹ sư hệ thống có kỹ năng chuyên môn. INCOSE cũng cung cấp các chương trình chứng nhận cho Chuyên gia Kỹ thuật Hệ thống Liên kết, Chứng nhận Chuyên gia Kỹ thuật Hệ thống và Chuyên gia Kỹ thuật Hệ thống Chuyên môn.
· Chứng nhận Quản lý bảo mật thông tin: ISACA cung cấp chứng chỉ CISM để công nhận các cá nhân có kiến thức về quản lý và thiết kế các hệ thống bảo mật thông tin. Để đạt được CISM, bạn phải vượt qua một kỳ thi trực tuyến.
· Chứng chỉ Chuyên gia kiểm định hệ thống thông tin: ISACA cũng cung cấp chứng chỉ CISA – dành cho những ứng viên có tối thiểu năm năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán, đảm bảo, bảo mật hoặc kiểm soát hệ thống thông tin. Để đạt được CISA, bạn phải vượt qua kỳ thi trắc nghiệm gồm 150 câu hỏi.
· Chứng chỉ Chuyên gia bảo mật hệ thống thông tin: Chứng chỉ CISSP có sẵn từ (ISC) ² chứng minh người dùng có được những kỹ năng kiến thức cần thiết về thiết kế, triển khai và quản lý các chương trình an ninh mạng tốt nhất. Để đạt được CISSP, bạn phải là thành viên của (ISC) ² và vượt qua bài kiểm tra trực tuyến.
· Chứng nhận Khung xây dựng kiến trúc tổng thể: TOGAF là một phương pháp khung doanh nghiệp cụ thể áp dụng phương pháp tiếp cận hệ thống để duy trì tiến trình và ngân sách đồng thời giảm thiểu sai sót và điều chỉnh các dự án sao cho phù hợp với các mục tiêu kinh doanh tổng thể. Chứng chỉ này đặc biệt có giá trị đối với các kiến trúc sư doanh nghiệp. Bạn có thể đạt được chứng chỉ TOGAF bằng cách hoàn thành các khóa đào tạo và vượt qua kỳ thi.
· Chứng chỉ Kiến trúc sư doanh nghiệp liên bang: FEAC cung cấp chương trình chứng nhận đai đen kiến trúc sư doanh nghiệp và Chương trình chứng nhận đai xanh kiến trúc sư doanh nghiệp. Các chương trình này bao gồm kiến trúc doanh nghiệp và mô hình hóa trong nhiều khuôn khổ chính phủ đặc biệt. Để đạt được một trong hai chứng chỉ này, bạn phải tham gia một chương trình đào tạo.
Kỹ năng
Các kiến trúc sư doanh nghiệp cần có kỹ năng toàn diện bao gồm kiến thức kỹ thuật chuyên môn cao và các kỹ năng mềm liên quan.
· Lãnh đạo: Các kiến trúc sư doanh nghiệp sẽ giúp điều phối các hoạt động CNTT trong các dự án, chương trình và phòng ban. Họ thường phụ trách các nhóm CNTT và cần phải có kỹ năng lãnh đạo tốt để nhân viên luôn hoàn thành nhiệm vụ.
· Kỹ năng phân tích: Kiến trúc doanh nghiệp sẽ tập trung nhiều vào phân tích hệ thống. Vì vậy, họ cần phải có kỹ năng phân tích để thu thập và đánh giá dữ liệu.
· Quản lý dự án: Kỹ năng quản lý dự án là điều cần thiết đối với một kiến trúc sư doanh nghiệp để thiết kế và thực hiện các hệ thống và chiến lược mới. Một tổ chức cấp cao và chú trọng đến từng chi tiết sẽ đảm bảo việc lập kế hoạch và thực hiện dự án thành công.
· Hợp tác và thương lượng: Kiến trúc doanh nghiệp sẽ vượt qua các rào cản của các phòng ban. Họ phải đàm phán thành công với các nhóm khác nhau để triển khai các giải pháp tốt cho tất cả mọi người.
· Giao tiếp: Giao tiếp rõ ràng là điều cần thiết đối với một kiến trúc sư doanh nghiệp, vì những chuyên gia này chịu trách nhiệm hướng dẫn những người khác trong công ty sử dụng các hệ thống CNTT sẵn có 1 cách hợp lý.
· Mô hình hóa và biểu diễn đồ họa: Các biểu diễn đồ họa phác thảo rõ ràng cách thức hoạt động của kiến trúc CNTT trong một doanh nghiệp. Các kiến trúc sư của doanh nghiệp phải có kỹ năng trong việc lập các biểu diễn đồ họa cho các kế hoạch của họ.
Môi trường làm việc của kiến trúc sư doanh nghiệp
Các kiến trúc sư doanh nghiệp thường làm việc trong môi trường văn phòng. Họ sẽ dành phần lớn thời gian trong ngày để làm việc trên máy tính. Họ cũng có thể tham dự các cuộc họp hoặc chủ trì các cuộc hội thảo. Trong một số trường hợp, kiến trúc sư doanh nghiệp phải chuẩn bị và thuyết trình trước các nhân viên khác.
Kiến trúc sư doanh nghiệp thường làm việc với từng công ty một, nhưng họ cũng có thể làm ở nhiều địa điểm văn phòng. Thỉnh thoảng, có thể họ phải đến các văn phòng khác nhau để giáo dục nhân viên. Kiến trúc sư doanh nghiệp có thể thiết kế các chiến lược CNTT tổng thể và làm việc trực tiếp cho khách hàng để hỗ trợ cho việc triển khai cũng như đồng bộ hóa giữa các địa điểm.
Làm thế nào để trở thành một kiến trúc sư doanh nghiệp
Để trở thành một kiến trúc sư doanh nghiệp, bạn cần có một nền tảng kiến thức sâu rộng. Hãy làm theo các bước sau để chuẩn bị cho sự nghiệp của mình trong lĩnh vực CNTT này nhé:
1. Theo đuổi việc học. Kiếm được bằng cử nhân trong một lĩnh vực liên quan sẽ cho bạn nền tảng cần thiết để bắt đầu tích lũy kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực CNTT. Hãy cân nhắc về việc học kỹ thuật máy tính hoặc an ninh mạng.
2. Tích lũy kinh nghiệm làm việc có liên quan. Một kiến trúc sư doanh nghiệp thường có vài năm kinh nghiệm CNTT, bảo mật thông tin hoặc một lĩnh vực liên quan. Một số công việc tìm kiếm các ứng viên có 10 năm kinh nghiệm trở lên cho vị trí kiến trúc sư doanh nghiệp.
3. Theo đuổi bằng thạc sĩ. Hầu hết các công ty tìm kiếm ứng viên có bằng thạc sĩ về kiến trúc doanh nghiệp. Nền giáo dục nâng cao này sẽ giúp bạn vượt qua những thách thức trong việc thiết kế kiến trúc CNTT tổng thể cho một công ty.
4. Đạt chứng nhận. Nhiều chứng chỉ có thể bổ sung thêm cho trình độ học vấn của bạn. Hãy theo đuổi các chứng chỉ về bảo mật thông tin, hệ thống thông tin hoặc kỹ thuật hệ thống.
5. Ứng tuyển vào các vị trí kiến trúc sư doanh nghiệp. Hãy nghiên cứu kỹ từng công ty trước khi phỏng vấn để chuẩn bị sẵn sàng cho việc diễn giải chi tiết về cách bạn sẽ cải thiện kiến trúc CNTT của doanh nghiệp như thế nào.
Ví dụ về mô tả công việc của kiến trúc sư doanh nghiệp
Công ty phát triển công nghệ của chúng tôi đang tìm kiếm một kiến trúc sư doanh nghiệp có tay nghề cao để định hướng hoạt động kinh doanh và điều chỉnh các mục tiêu của công ty sao cho phù hợp với cơ sở hạ tầng CNTT. Bạn sẽ chịu trách nhiệm trong việc đánh giá các hệ thống và giải pháp CNTT hiện tại của chúng tôi. Bạn cũng sẽ thiết kế các mô hình kiến trúc nâng cao để cải thiện truyền thông nội bộ của công ty và sắp xếp tất cả các phòng ban tốt hơn. Ứng viên cần có:
· Bằng cử nhân về kỹ thuật máy tính hoặc lĩnh vực tương tự với ít nhất 12 năm kinh nghiệm hoặc bằng thạc sĩ về kiến trúc doanh nghiệp với ít nhất 10 năm kinh nghiệm
· Kiến thức sâu rộng về cơ sở hạ tầng CNTT
· Kỹ năng viết và kỹ năng nói giỏi
· Khả năng làm việc nhóm
· Sẵn sàng đi du lịch mỗi khi có dịp
————————-
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích.
· Theo: indeed.com
· Người dịch: Hoàng Thị Thanh Huyền.
· Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Hoàng Thị Thanh Huyền – Nguồn IVolunteer Việt Nam”.
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/11350
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 36